ĐỨC KITÔ PHỤC SINH LUÔN LÀ TIÊU ĐÍCH

Views: 17

(CHÚA NHẬT PHỤC SINH 2025)

Đối với niềm tin Kitô giáo, việc tưởng niệm Chúa Kitô chết và sống lại chính là hành vi nền tảng. “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”. Và một khi Cộng đoàn Dân Chúa họp nhau tưởng niệm Chúa Kitô thì Ngài có mặt ở đó, như Hiến chế PV của Công đồng VaticanII khẳng định: “Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ (…). Chúa Kitô luôn kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất yêu quí đang kêu cầu Người như Chúa của mình và nhờ Người mà cử hành việc phụng thờ Chúa Cha hằng hữu” (PV số 7).  

Tuy nhiên, để sống “sự hiện diện đặc biệt nầy”, để cảm nghiệm thực sự một “Đức Kitô phục sinh đang có mặt”, cộng đoàn Dân Chúa phải trở về với những chứng nhân đã gặp gỡ, đã sống, đã lãnh nhận sứ mệnh, đã đồng hành với chính Đấng Phục sinh ngay từ “thuở ban đầu”. Bởi vì, niềm tin Phục sinh của chúng ta, tin mừng Phục sinh của Kitô giáo, trước hết và trên hết là “một Lời Chứng”.

Đó là lời chứng của một Phêrô, vị Tông đồ đã từng chối Chúa, như sách CVTĐ tường thuật mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 1: “Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày Thứ Ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết.”

Đó cũng là lời chứng của một Thánh Gioan người tông đồ đã được dựa đầu vào ngực Chúa trong bữa Tiệc Ly và đón nhận lời trăn trối của Thầy vào buổi chiều Thứ Sáu trên đồi Sọ: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời…” (1 Ga 1,1-2).

Đó cũng là lời chứng của của Phaolô, một người đã từng săn đuổi bách hại các Kitô hữu, đã bị đánh ngã trên đường Damas, trở lại và dõng dạc tuyên bố: “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng nầy: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các Ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. (Cv 13,32-33).

            Tuy nhiên, nếu những lời khẳng định trên chỉ thuần túy là do óc tưởng tượng của con người, hay do một âm mưu tinh quái đạo diễn, thì hỏi thử liệu 2000 năm nay, sự thật về sự kiện Phục Sinh có khả năng trụ vững không giữa dòng chảy khắc nghiệt của lịch sử con người? Thế mà chân lý ấy vẫn không ngừng được thuyết phục, sự thật huyền nhiệm ấy cứ mãi mãi là điểm tựa, là hứng khởi, là hy vọng, là niềm tin của bao thế hệ con người. Điều đó, chỉ có thể cắt nghĩa được: bên sau Lời chứng ấy, bên trong Tin Mừng ấy, ở giữa câu chuyện phục sinh ấy, mồ trống ấy… có một Đấng Phục Sinh đang thực sự hiện diện trong quyền năng vĩnh cửu của Ngài. Vâng, Kitô giáo chính là Đức Giêsu-Kitô đang hiện diện; Kitô giáo chính là cuộc gặp gỡ giữa con người và một Đấng Phục Sinh, một cuộc gặp gỡ đã trở thành cốt yếu của đức tin, của việc tôn thờ, của định hướng sống; và như thế, cử hành mầu nhiệm Phục Sinh hôm nay chính là: Gặp gỡ và làm chứng về Đức Kitô phục sinh:

          – Như cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ, tinh khôi, thân mật, trào tràn niềm vui mà Hội Thánh đã diễn tả qua kinh Ca Tiếp Liên, khi đặt trên môi của chứng nhân Maria những lời: “Tôi đã thấy nấm mồ của Đức Kitô, thấy thiên sứ chứng nhân hiển hiện, thấy y phục và khăn liệm xếp rời, thấy Đức Giêsu hy vọng của tôi…”.

            – Đó cũng là cuộc gặp gỡ mang chiều kích “hướng thượng”, hoán cải, xoay trục về phía Đấng Phục Sinh như cách cảm nhận và khuyến dụ của chứng nhân Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côlôsê của Bài đọc 2 hôm nay: “nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa…”.

            – Đó chính là cuộc gặp gỡ của thái độ nôn nao, khao khát, nhanh nhạy như những bước chạy vội vã đến mồ trống của hai chứng nhân Phêrô và Gioan trong buối sáng ngày thứ nhất trong tuần để cuối cùng “đã thấy và đã tin”: “Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. (…). Ông thấy và ông tin…”.

            Cả cuộc đời của mỗi người chúng ta, đã biết bao mùa Chay-Tuần Thánh-Phục Sinh đã đi qua, bao nhiêu lần quỳ xuống nơi Tòa Giải Tội, bao nhiêu lần tiến lên đón nhận Mình Thánh Chúa… không lẽ chúng ta không có được một kỷ niệm nào về cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh?

            Điều quan trọng là mỗi ngày, mỗi công việc, mỗi phút giây, Đức Kitô Phục sinh luôn là “đích nhắm” của chúng ta như chàng hiệp sĩ đạo binh thánh giá giữ ngọn nến cháy trên tay, ngọn nến được thắp từ cây nến Phục sinh tại mồ thánh ở Giêrusalem; ngọn nến vẫn cháy dù vượt qua bao đường dài nguy khó cho tới khi về tới ngôi thánh đường quê hương, bởi vì chàng hiệp sĩ không bao giờ để ánh mắt mình xa lìa ngọn nến!

            Vâng, Đức Kitô phục sinh luôn là tiêu đích; hay như niềm xác tín của thánh Tông Đồ Phaolô: “Đối với tôi, sống chính là Đức Kitô” (Pl 1,21).

Trương Đình Hiền