BIẾT & THẾ NÀO LÀ BIẾT?

Views: 61

*pm.hxt : Cựu Chủng Sinh Qui Nhơn – NK 67-68

Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Chỉ có biết là sống. Giỏi cũng chết. Dở cũng tiêu tùng. Chỉ có biết là thân tâm an lạc. Thế nhưng, thế nào là biết?

Người xưa nói: biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Lại cũng có người nói: biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Thánh Augustino thì khẩn cầu: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa. Và: xin cho con biết con! Hóa ra biết hay không biết, chỉ có Chúa và ta. Như vậy, nếu Chúa không giúp, thì sống hay chết, giỏi hay dở, giác ngộ hay không, còn có nghĩa gì?!!! Và nếu ta biết khiêm tốn cầu xin, thì làm sao mà Chúa có thể làm ngơ, bỏ mặc! Vì vậy, nếu ta biết cầu xin điều này và bằng lòng với hiện tại, thì không phải là đã giác ngộ rồi sao?

Có người nói: chấp nhận hiện tại, vui với người và vật bên mình, thân tâm ta tức thì an lạc. Khóc với kẻ khóc – Cười với người cười – Chia đều ấm lạnh với người và vạn vật, chúng ta sẽ hiểu được hạnh phúc là gì, bình an là gì. Đó không phải là điều mà Đấng Tạo Dựng đã ao ước cho mọi thụ tạo của ngài hiểu được hay sao (?). Vì thế bất kể quá khứ ra sao, tương lai thế nào, hiện tại vẫn là tất cả. Hiện tại chính là thiên đàng nếu hiểu theo nghĩa hòa hợp yêu thương như vừa mới nhắc đến. Đấng Tối Cao chắc chắn muốn ta biết điều đó. Chúng ta không biết cũng đừng đổ lỗi cho ngài. Vì rõ ràng là ngài luôn mở lòng, gợi ý cho chúng ta. Nếu chúng ta cứ vờ hoặc cố tình nhắm mắt, thì kể cả ngài, cũng đành bó tay. Các bạn có biết đó là cái gì không? Đó là quyền lực của vô minh (ignorance). Hắn không vượt qua được Đấng Tối Cao, nhưng hắn được cho phép tác động theo giòng thời gian và lịch sử của con người và cả xã hội. Tại sao vậy? Thưa: vì Thiên Chúa đã ban cho con người của cải quý giá nhất, đó là TỰ DO –LA LIBERTÉ.

Nhưng để có tự do, chúng ta phải biết đủ. Nhưng thế nào là đủ là cả một vấn đề. Nó tùy vào căn cơ của bạn, tùy vào sự giác ngộ của bạn đi đến đâu và cũng tùy vào ân sủng mà bạn nhận được từ trời cao

Bỡi tự do là cái quý giá nhất mà Đấng tối cao đã ban cho con người, là cái làm nên giá trị thật của con người. Nhưng nếu không “biết” sử dụng, nó sẽ dìm chết con người trong tối tăm và lầm lạc. Chính ở yếu điểm này mà sự vô minh đã giết chết chúng ta, đã đưa xã hội chúng ta đến vực thẳm, đã tiêu diệt hết bộ lạc này đến các dân tộc văn minh khác qua hàng triệu năm kể từ khi vũ trụ và con người hình thành.

Ấy thế, sử dụng tự do thế nào cho đúng chính là mấu chốt của vấn đề. Muốn sử dụng tự do đúng, chúng ta phải quay trở lại tiền đề ban đầu: đó là biết và phải biết cho đủ:

Se suffire à soi-même, c’est posseder le plus précieux des biens: La Liberté.

Câu nói ở trên ý nghĩa sâu xa như thế nào, thì tùy ở sự lĩnh ngộ của từng người, sự trải nghiệm của từng người, cả đến căn cơ của người đó nữa. Ngoài ra không phải là việc của chúng ta, mà là huyền cơ của tạo hóa, nói theo từ nhà đạo cho dễ hiểu, là sự quan phòng và ý muốn của Thiên Chúa

Tốt hơn, nên trở về với hiện tại, vì đó chính là trở về với thiên đàng bắt đầu ngay từ bây giờ. Nếu tất cả những điều này mà chúng ta cũng không biết, thì sao gọi là biết được. Như thế chẳng phải là uổng phí ân sủng của trời, uổng phí cùng đích của một đời người và cuộc nhân sinh này chẳng là vô nghĩa hay sao?!

Tự giác nhi giác tha, câu nói của nhà Phật này không quá rõ ràng hay sao?Mình khai sáng cho mình rồi, thì mới có thể khai sáng lại cho người khác. Đây cũng có nghĩa là con người phải giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng muốn sự giúp đỡ có hiệu quả tốt, mình phải sáng suốt. Vì nếu người mù dắt dẫn kẻ mù, cả hai há chẳng lăn cù xuống hố hay sao? Muốn tự giác, phải để tâm yên tĩnh và cầu nguyện. Phải cầu xin Chúa “mở trí” mới biết phân biệt được cái nào là chính, cái nào là tà, cái nào lành, cái nào dữ, cái nào hữu ích nhiều, cái nào hữu ích ít. Phải “mở tâm”để hướng dẫn những tư tưởng, ý muốn, lời nói, việc làm về điều thiện, về đức Ái. Nếu chỉ xin “mở trí” mà không “mở lòng”(tâm), thì không khác gì đứng trên vực sâu, hố thẳm mà không cẩn thận, sẽ không biết phải té xuống dưới giờ phút nào      

Tóm lại khi đã đến giờ, bạn sẽ “biết” và bạn sẽ “ngộ”. Nhưng giờ chỉ đến khi bạn luôn chuẩn bị tốt. Và chuẩn bị tốt tức là đã thành công được một nửa. Nửa còn lại Thiên Chúa đã lập trình rồi, nên chẳng có gì đáng phải lo cả.

 “Omnia tempus habent”, cái gì đến sẽ đến, cái gì đi sẽ đi. Vì tôi biết tôi đã tin vào ai. Còn nếu bạn muốn mọi sự trở nên trọn vẹn hơn, thì hãy mặc lấy tinh thần của vị thánh khó nghèo Francis Assisi mà dâng lời cầu phúc:

Seigneur, faites de moi un instrument de votre paix et de votre amour.

Ainsi soit il.

In Jésu.

Phê-rô Maria Huỳnh Xuân Thượng (K2 ĐCV HB)

(January 4, 2018)