AI THỰC SỰ LÀ KẺ MÙ LÒA?

Views: 38

(Chúa nhật 30 thường niên b 2024)

          Nỗi bi đát nhất của một tù nhân đó là ngày vĩnh viễn bị ném vào ngục tối để không còn được nhìn thấy ánh sáng của ban ngày; và giây phút kinh hoàng nhất của môt tên tử tội là phút giây đợi chờ hành quyết để vĩnh biệt ánh sáng cuộc sống dương gian và bị đẩy vào đêm đen của miền âm u sự chết!

          Quả thật, Ánh Sáng – Bóng Tối đó là hai đối cực tượng trưng cho hai cuộc sống, hai thế giới, hai lãnh vực hoàn toàn đối nghịch nhau, cách xa nhau, triệt tiêu nhau; và trong ngữ nghĩa Kinh Thánh, ánh sáng là tượng trưng cho chân lý và sự sống, cho vinh quang Thiên Chúa, cho niềm tin yêu hy vọng, cho ơn cứu độ…; còn bóng tối là quê hương của lầm lạc, tội lỗi, ma quỷ, gian ác… Nếu Thiên Chúa ngay từ đầu đã dựng nên ánh sáng như thực tại đầu tiên của công trình sáng tạo: “Thiên Chúa phán: hãy có ánh sáng, ánh sáng liền có!” (St 1,3); thì vào chiều Thứ Sáu, đỉnh cao của tội lỗi loài người: khi Con Chúa bị giết chết trên đồi Sọ thì bóng tối đã bao trùm không gian: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời tối đi” (Lc 23,44-45). Chính vì thế, các ngôn sứ không ngần ngại loan báo viễn tượng về một “ngày mai rực sáng của thời đại Thiên Sai” để bỏ lại những ngày “lưu đầy sống kiếp lầm than lầm lũi bước đi trong miền âm u tử địa” (Is 9,1)để lũ lượt dắt díu nhau trở về trong ánh sáng của ngày cứu độ, như trích đoạn sách ngôn sứ Giêrêmia được công bố trong Bài đọc 1 hôm nay; đặc biệt, trong số đó có những kẻ mùa lòa: “Đây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây.” (Bđ 1).

          Khi thời Tân ước đến, Thánh sử Gioan đã không ngần ngại gọi Đức Kitô là “ánh sáng cho nhân loại, ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối không diệt được ánh sáng… là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 3-9), hay cụ thể như cuộc chữa lành của Đức Kitô dành cho anh chàng mù Bartimê mà Tin Mừng Máccô tường thuật hôm nay: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!”. Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”. (Mc 10, 52).

          Qua những chỉ dẫn của Lời Chúa, chúng ta có thể kết luận: đức tin, tiên vàn đó chính là sự chọn lựa đi về hướng của ánh sáng, tiến về quê hương của Thiên Chúa, miền “Đất Hứa” của cuộc tái sinh; là tiến bước trên lộ trình của Đấng là Đường, là Chân lý, là ánh sáng… Rẽ lối khác để xa lìa con đường nầy, là thụt lùi lại với “củ hành củ tỏi Ai Cập”, là dấn bước vào kiếp sống nô lệ tội lỗi, là ở lại trong bóng tối của đui mù lầm lạc…; như Giuđa Iscariot bỏ bàn tiệc ly ra đi tức thì bóng tối sụp xuống! (Ga 13,30).

          Thế nhưng, để chọn lựa ánh sáng, phải “vứt bỏ áo choàng và mạnh mẽ đứng lên…”.

          Thật vậy, ánh sáng có rực sáng bao nhiêu, ban ngày có rạng rỡ thế nào, thì đối với người mang đôi mắt mù, tất cả cũng chỉ là bóng tối. Cũng vậy, Thiên Chúa có toàn năng làm sao, có nhân hậu thế nào, và ơn cứu độ của Ngài có quí giá cần thiết mấy chăng nữa, mà con người không có được “đôi mắt sáng đức tin” thì mãi mãi cũng tự giam hãm cuộc sống trong đui mù lầm lạc. Chính vì thế, điều quan trọng đầu tiên để có được ánh sáng, để nhìn thấy ánh sáng đó chính là biết khát khao, biết mở lòng, biết vươn lên… như anh chàng mù Bartimê ngày nào: “Lạy Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Quả thật, tất cả chúng ta đều cần được chữa lành để có “đôi mắt nhìn thấy được”, tức là đôi mắt của lòng tin, cậy mến, là đôi mắt của lòng khiêm hạ, sám hối ăn năn, đôi mắt của trái tim yêu thương quảng đại…

          Để có được “đôi mắt sáng thiêng liêng” nầy, ngoài hồng ân nhưng không đến từ Thiên Chúa, chúng ta còn phải gắng sức thanh lọc cái nhìn, gột rửa phán đoán, tẩy trừ thiên kiến, để ánh nhìn về Thiên Chúa và nhìn đến anh em càng ngày càng rõ nét hơn, trong sáng hơn, chính xác hơn. Cũng chính vì mang nặng những chiếc “mặt nạ cồng kềnh”, những “đôi kính đen” của giả hình, kiêu căng, hợm hĩnh, đầy đố kỵ ghen ghét hận thù, mà với với bao nhiêu dấu lạ cả thể, như với dấu lạ “người mù từ lúc mới sinh được sáng mắt” trong chuyện kể của Tin mừng Gioan (Ga 9, 28-34), những ông biệt phái vẫn không nhận ra “Đấng Thiên Sai Cứu Thế nơi con người Giêsu Nadarét” để cuối cùng hè nhau đóng đinh Ngài vào thập giá: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi”. Trong khi đó, người mù vừa được chữa lành, bằng một đức tin đơn sơ khiêm hạ, lần đầu tiên diện kiến đã “quỳ xuống thân thưa: “Lạy Ngài Con Tin” (Ga 9,38).

          Sống và thể hiện niềm tin, phải chăng đó là biết không ngừng vứt bỏ “chiếc mặt nạ cồng kềnh”, “đôi kính đen tăm tối”, “tấm áo choàng hôi hám cũ mòn” của cái tôi tội lỗi, biếng lười, gian dối, ích kỷ, ghen ghét, tham lam… và bao nhiêu tính hư tật xấu khác, để mang lấy “đôi mắt mới của Thiên Chúa”, chiếc áo mới của Đức Kitô là niềm tin sống động, đức cậy vững bền, đức ái cụ thể, với cõi lòng sám hối khiêm hạ, với nhiệt tình phục vụ yêu thương, với quyết tâm hy sinh từ bỏ… Hình ảnh anh chàng mù Bartimê “vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà lao đến gần Đức Giêsu” đã minh họa rõ nét thái độ đức tin nầy.

          Vâng, phải mạnh mẽ đứng lên, phải nhanh chân lao về phía trước, phải biết mở lòng ra, phải biết quỳ xuống, phải gặp gỡ Thiên Chúa, phải đối diện với Đức Kitô, phải để Ngài chạm đến… bởi vì “ngài vừa ra khỏi Giêricô”, Ngài đang dừng lại đó gọi mời: Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến! Vâng, đã hai ngàn năm qua, Ngài vẫn ở đây trong bí tích Thánh Thể, trong cuộc họp mặt cầu kinh của gia đình; Ngài vẫn ở đây nơi Tòa Giải tội, nơi tràng hạt Mân Côi; Ngài vẫn ở đây nơi những người ăn xin ta gặp hằng ngày, trong những nghĩa cử hy sinh và chung thủy của vợ chồng, trong vâng lời hiếu thảo của con cái, trong tha thứ khoan dung của bạn bè… Vâng, Ngài vẫn có ở đây trong những phục vụ âm thầm nhưng chan chứa yêu thương khiêm hạ; trong những quyết tâm đầy can đảm nói “không” trước những cám dỗ của ươn lười xác thịt…

          Tóm lại, cuộc sống đức tin, cuộc hành trình tiến về vĩnh cửu chỉ thực sự có giá trị, chỉ thực sự đúng hướng và chắc chắn đạt tới cùng đích, khi chúng ta biết tiến bước trên lộ trình của Thiên Chúa, theo vết chân của chính Đấng Là Đường, là chân lý, là Ánh sáng; biết mở mắt quan chiêm các kỳ công của tình yêu Thiên Chúa phản ảnh qua muôn vạn biến cố đời thường để dâng lên lời ca khen chúc tụng. Lời kể của một bà mẹ sau đây muốn chứng minh điều đó: “Tôi có một đứa con mù từ lúc mới sinh. Khi cháu được 20 tháng, lần đầu tiên tôi đưa cháu đến một siêu thị. Cứ vài bước, nó lại dừng lại để lắng nghe những tiếng động chung quanh: tiếng chân của những người đi bộ, tiếng xe chạy, tiếng chim đang hót, tiếng gió mát từ xa thổi đến… Trên đường về, tôi nhận thấy con tôi vui vẻ rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng buổi sáng hôm đó là buổi sáng đẹp nhất đối với nó vì nó đã khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu! Riêng tôi, tôi tự hỏi: con tôi và tôi, ai thực sự là kẻ mù loà?”

          Thật ra, cho đến hôm nay, giờ này, nếu đúng tôi là một kẻ mù lòa, thì cũng không có gì để thất vọng, không lúc nào bị chối từ vì đến trễ, bởi vì Đức Kitô, “Vị Thượng Tế hằng biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta” (BĐ 2) sẽ “trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-10). Vâng, Ngài là Đấng luôn đưa mắt, hướng tai về phía của những người bất hạnh như anh chàng mù ăn xin bên vệ đường Bartimê để dõng dạc công bố một Tin Mừng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Chúng ta cũng sẽ nhận được tin vui như thế trên từng cây số cuộc đời khi chúng ta biết “vứt áo choàng, đứng lên và lao thẳng về phía của Ngài với niềm tin yêu trông cậy”.

GiuseTrương Đình Hiền