BÁO HIỆU MỘT CHÂN TRỜI TƯƠI ĐẸP

Views: 62

(Chúa Nhật 29 TN A 2023 – Khánh Nhật Truyền Giáo)

          Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay trở về giữa một thế giới đầy khủng hoảng, lo âu với hai cuộc chiến đang hồi đỉnh điểm của tàn khốc, chết chóc, đau thương: cuộc chiến Nga–Ukraina và cuộc chiến Israel–Hamas !

          Khi đứng trước những sự kiện, biến cố đầy thương đau, chết chóc, chiến tranh, hận thù như thế… chắc chắn không ít người trên thế giới sẽ lựa chọn thái độ “thất vọng, chán nản, buông trôi…” ! Riêng với các cộng đoàn Kitô hữu, chắc không thiếu những thành phần hoang mang, chao đảo niềm tin: xem ra chất men Tin Mừng của yêu thương, hòa bình, huynh đệ… vẫn chưa “dậy lên” và bao nhiêu công sức đổ ra cho công cuộc loan báo Tin Mừng suốt gần hai ngàn năm của Giáo Hội đã trở thành công cốc ! Vì thế, truyền giáo làm gì, loan báo làm chi !

          Phải chăng, khi nhận diện được ‘tình trạng có khuynh hướng tiêu cực và buồn nản nầy”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi mời toàn thể Dân Chúa hãy làm “nóng lại con tim”, “mở to đôi mắt” và “nhanh nhạy đôi chân” trong Sứ điệp Truyền Giáo 2023 của ngài: “Vì vậy, chúng ta hãy lên đường một lần nữa, hãy để mình được soi sáng bởi cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh và được Thần Khí của Người thúc đẩy. Chúng ta hãy lên đường một lần nữa với trái tim rực cháy, với đôi mắt mở to và đôi chân của chúng ta chuyển động”.

          Và đây, cũng chính là nội dung, là sứ điệp Lời Chúa của phụng vụ Chúa Nhật 29 thường niên (Năm A) muốn chuyển tải đến với cộng đoàn chúng ta trong ngày quốc tế Truyền Giáo nầy.

          Trước hết, nơi Bài Đọc 1 với trích đoạn của ngôn sứ Isaia, chúng ta đang được nghe vọng về một tín thư, một sứ điệp đầy tin yêu hy vọng dành cho dân tộc Israel vào thời đang mỏi mệt ê chề trong cuộc sống lưu đày ở Babylon. Thật vậy, Khoảng năm 538 trước Công nguyên, vua Cyrô của đế quốc Ba Tư, một ông hoàng ngoại giáo lại được Chúa kêu gọi, xức dầu để dẫn đưa Dân Chúa hồi hương:  Đây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, …: Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta...”. Cyrô đã trở nên dấu chỉ của quyền lực và thánh ý Thiên Chúa để muôn dân thiên hạ ngoan nguỳ vâng phục, muôn dân tộc được quy tụ về trong một mái nhà chung, như cách diễn tả mang tính tượng hình cụ thể của Isaia: “bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại”.

          Như vậy, qua sự kiện “ơn gọi và sứ mệnh của Cyro” chúng ta bỗng nhận ra ý nghĩa của “mầu nhiệm ơn gọi và sứ mệnh “ra đi loan báo Tin Mừng trong Hội Thánh”. Vâng, mỗi người Kitô hữu, qua Bí tích Rửa Tội, được xức dầu thánh hiến và được cầm tay sai đi thi hành sứ mệnh của Chúa là chăm sóc dẫn dắt “đoàn người lưu lạc trở về quê thật”. Và nếu “sứ mạng và ơn gọi của Cyro” đã diễn ra trong bối cảnh mà “Dân Chúa chọn” đang trải một thời “lưu đày, tha hương, nô lệ, mất nước…”, thì ơn gọi và sứ vụ truyền giáo hôm nay cũng đang vang lên trong một thế giới mà những người Kitô hữu đang đứng trước bao nhiêu thách đố và đe dọa, như Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy trong Sứ điệp Truyền Giáo 2023 qua hình ảnh minh họa của hai Tông đồ trên đường Emmaus với tâm hồn đang hoang mang trĩu nặng: “Giống như ngày hôm ấy, hôm nay Chúa Phục Sinh vẫn gần gũi với các môn đệ truyền giáo của Người và đồng hành với họ, nhất là khi họ cảm thấy mất phương hướng, chán nản, sợ hãi trước mầu nhiệm sự dữ bủa vây và tìm cách chế ngự họKhông phải ngày nào trong cuộc sống của chúng ta cũng thanh thản và trong sáng, nhưng chúng ta đừng bao giờ quên lời Chúa Giêsu nói với các bạn hữu của Người trước Cuộc Khổ nạn của Người: “Trong thế gian, các con sẽ gặp những gian truân, nhưng hãy can đảm lên: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33).

          Từ “câu chuyện Cyro”, Lời Chúa lại đưa chúng ta đến với Tin mừng Matthêô qua câu chuyện “nộp thuế”, một cái bẫy tinh vi của nhóm “liên minh ma quỷ Biệt Phái-Hêrôđê”, nhằm đặt nhà tiên tri Giêsu-Nadarét vào “tử lộ của một vụ án chính trị – xã hội”: nộp thuế:Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?”.

Có hoặc không? Có nộp là phản quốc; không nộp là phản động. Đàng nào cũng dẫn tới “cửa tử”. Trước hết, sự kiện nầy lại cho thấy: đây là thời đại đất nước Israel đang bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, tượng trưng cho sức mạnh của trần tục, thế gian mà biểu tượng hoàng đế Cesare trên đồng bạc đang lưu hành chính là dấu chứng: Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Thế nhưng, cũng qua biểu tượng đồng bạc có in hình Cêsarê đó, Chúa Giêsu lại mở ra một chân trời bao la khác, một viễn tượng huyền nhiệm liên quan đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa và phần rỗi đời đời của con người: Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Nói cách khác, Tin mừng của Chúa, Giáo Hội của Chúa cần được sai đến với một thế giới mênh mông mà đế quốc ngoại giáo và trần tục Rôma là đại diện qua hình tượng “Cêsarê”…; và các môn sinh của Chúa Kitô được sai vào thế giới đó, một thế giới, hơn bao giờ hết, đang cần phương dược chữa lành những bệnh hoạn và thương tích, đang cần men Tin mừng để dậy lên hy vọng và niềm tin, đang cần ánh sáng chân lý để dẫn lối đưa đường về chính lộ… Theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng và được nhắc lại trong Sứ điệp Truyền Giáo 2023 đó là “Chia sẻ niềm vui, báo hiệu một chân trời tươi đẹp, cống hiến một bữa tiệc đáng mong đợi”: Ngày nay hơn bao giờ hết, gia đình nhân loại của chúng ta, bị tổn thương bởi biết bao hoàn cảnh bất công, biết bao chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Mừng bình an và ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Nhân cơ hội này, tôi xin nhắc lại rằng “mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Các Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng mà không loại trừ bất cứ ai, không phải như một người áp đặt một nghĩa vụ mới, nhưng như một người chia sẻ niềm vui, báo hiệu một chân trời tươi đẹp, cống hiến một bữa tiệc đáng mong đợi” (Evangelii Gaudium, 14).

Ở giữa hai câu chuyện lịch sử xoay quanh hai cái tên “Cyrô” và “Cesare” đó cùng với sứ điệp “trả lại Cêsare trả về Thiên Chúa”, trích đoạn thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gởi giáo đoàn Thêxalônica lại khắc hoạ gương mặt những nhà truyền giáo đầu tiên, cũng là những Giám Mục, Linh mục của thời kỳ khai nguyên Kitô giáo: “Phaolô, Silvanô, Timôthêô: “Phaolô, Silvanô và Timôthêô kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô…. Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em…. bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.”.

Qua chứng từ của Thánh Phaolô, đặc biệt, qua những gương mặt tông đồ tiền bối đó, chúng ta thấy được hoa trái diệu kỳ của công cuộc loan báo Tin Mừng chính là công trình của Chúa Thánh Thần; và Chúa Thánh Thần tác động qua sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh, qua sức mạnh của Lời và Thánh Thể như giáo huấn của sứ điệp Truyền Giáo 2023 của Đức Phanxicô: “Do đó, nguồn lực chính và chủ yếu của việc truyền giáo là những người đã biết Chúa Kitô phục sinh trong Kinh thánh và trong Bí tích Thánh Thể, những người mang ngọn lửa của Người trong trái tim và mang ánh sáng của Người. Họ có thể làm chứng cho sự sống không bao giờ chết, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất và những thời khắc đen tối nhất”.

Ở đây, bây giờ, đang có Đức Kitô phục sinh đang hiện diện, đang có Lời Chúa được vang lên, có Thánh Thể đang đợi chờ để trao ban…, như vậy, điều còn lại, đó là: “Chúng ta hãy lên đường một lần nữa với trái tim rực cháy, với đôi mắt mở to và đôi chân của chúng ta chuyển động. … để làm cho những trái tim khác bừng cháy Lời Chúa, mở mắt cho những người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường bình an và cứu độ mà, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho toàn thể loài người” (SĐTG 2023).

Trương Đình Hiền