BÍ QUYẾT ĐỂ AN YÊN

(Chúa nhật 22 TN B 2024)

          Có thể nói được, lịch sử con người là câu chuyện dài của thánh thiện và tội lỗi, của thành công chiến thắng hay thất bại thảm thương, của địa đàng hạnh phúc hay của hỏa ngục thương đau…; và gần như toàn bộ “tấm thảm lịch sử đa chiều phức tạp” đó đã được dệt đan qua mạc khải Thánh Kinh Cựu cũng như Tân ước; nhất là được biểu thị rõ nét ngay từ những trang đầu tiên nơi sách Sáng thế ký với những “câu chuyện ngụ ngôn” đầy hấp dẫn: Ađam-Eva với địa đàng và trái cấm (St 3,1-7); Cain-Abel với tội ác nồi da xáo thịt (St 4,1-16); tháp Babel với một nhân loại chia cách phân ly (St 11,1-9)

          Dĩ nhiên, Thánh Kinh cũng chính là chiếc chìa khóa để nhân loại có thể giải mã đâu là những nguyên nhân dẫn tới những “thành tựu tốt lành” hay vì lý do gì mà nhân loại phải gánh chịu những “kết cục thảm khốc”; và kết quả chung cuộc của mọi biến cố, cuộc đời hay thân phận lịch sử chung cũng như riêng, được Lời Chúa tóm tắt trong nội dung ý nghĩa mang tính “chọn lựa căn bản” mà trích đoạn sách Đệ Nhị Luật của Bài đọc 1 Chúa Nhật hôm nay là một tiêu biểu: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi.” (Bđ 1).

          Nói cách khác, ai tuân giữ lề luật và huấn lệnh nghiêm túc, sắt son, đúng đắn với tất cả con tim sẽ là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa, đi trên con đường thánh ý Ngài, sẽ cầm chắc “chiếc vé vào Nước Trời”. Ai chối từ, khinh mạn, hoặc giả hình, môi mép để “qua tua”… sẽ đón nhận hậu quả là bước dần về phía của bóng tối để mãi mãi lầm lạc và bị loại trừ!

          Đối với dân tộc Israel nói riêng hay dân Kitô giáo nói chung, “lề luật và huấn lệnh” chính là Bản “Thập Điều” mà Thiên Chúa trao cho “Dân tộc được chọn Israel”  qua trung gian của vị lãnh đạo Môsê trên núi Sinai; một “Bản Hiến Pháp” vĩ đại và tối hậu không do kinh nghiệm và thông thái của loài người, nhưng phát xuất từ sự khôn ngoan nhiệm mầu của chính Thiên Chúa, như chính Ngài khẳng định: Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân…” (Bđ 1).

          Thật ra, giá trị cốt yếu của “Thập Điều” vượt xa giới hạn của một “Bản Hiến Pháp”. Vâng, đây không chỉ là một chiếc “la bàn”, một “kim chỉ nam” để hướng dẫn nhân loại suốt bao ngàn năm qua để nhân loại kiện toàn chính mình, phát triển thế giới và bước đi trên con đường tiến về vĩnh cửu, mà còn hơn thế nữa, “Thập điều” chính là “điều khoản của một Giao Ước”, giao ước của tình yêu, giao ước của một sự đồng hành, hiện diện của Đấng giàu lòng thương xót luôn “ở giữa Dân Ngài”: “Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?” (Bđ 1).

          Thế nhưng, Thiên Chúa của Mạc khải, của Lời, của Giao ước lại không bao giờ là một Thiên Chúa độc tài áp đặt lên tự do của con người. Con người hoàn toàn tự do để “nói có” hoặc “nói không” trước “lề luật và huấn lệnh” của Ngài. Chắc chắn vì lý do cơ bản này, mà trải qua dòng chảy lịch sử của “dân được chọn Israel” ngày xưa hay của dân Kitô giáo hôm nay, người ta đã đếm được không biết bao nhiêu lần quỵ ngã, chối từ, phản bội trước Lề Luật và Huấn lệnh! Và còn tệ hơn nữa, rất nhiều người lạm dụng tự do để sống giả hình, hai mặt, như ngôn sứ Isaia đã vạch trần cộng đồng Israel và Đức Kitô đã lên án nhóm Kinh sư và Biệt phái cách đây 2000 năm: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người” (TM).

Có thể nói, Đức Kitô đã xuất hiện vào “thời mạt pháp” của Do Thái giáo và đã thổi vào cộng đồng dân Israel nói riêng và toàn nhân loại nói chung một “làn gió mới canh tân” để “phong phú hóa và kiện toàn Lề Luật” đáng kính của Thiên Chúa. Ngài gọi mời và cương quyết hướng con người sống “lề luật và huấn lệnh” bằng con tim, một “con tim mới trong một thần khí mới” (Ed 36,26), chứ không là một con tim chai đá, một cõi lòng chất chứa toàn gian ác, dục vọng đê hèn: Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

Để “kiện toàn Lề Luật” và để thiết lập một “Dân Tộc mới”, một “Dân thánh”, một “dân nhiệt thành làm việc thiện”, Đức Kitô đã trả giá bằng chính cái chết tủi nhục trên thập giá. Nhưng cũng kể từ đó, kể từ lúc Ngài chiến thắng tử thần để chỗi dậy trong vinh quang phục sinh, “Luật mới của Tin Mừng”, vị muối, chất men của “Thập Điều Sinai”, của “Tám mối phúc thật”, của “Luật Yêu thương”…, nói chung là “lời”, bắt đầu được các môn đệ của Ngài gieo vào giữa lòng thế giới, không là một thứ “lời rỗng tuếch”, một thứ “lề luật bóp chết tự do”, không phải một loại “huấn lệnh độc tài áp bức” mà là một “Tin mừng mang ơn cứu độ”, một “tin vui của sự giải thoát”, như chứng từ Thánh Tông đồ Giacôbê: “Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật. Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình…” (Bđ 2).

          Và từ đó, những ai tin vào Đức Kitô, những ai lựa chọn tiếp bước theo Ngài và thực sự yêu mến Ngài, sẽ nhận ra rằng: tất cả lề luật của Thiên Chúa sẽ là “ách êm ái’, “gánh nhẹ nhàng”; những người ấy sẽ tiến bước trong cuộc đời này và đối diện với muôn truân chuyên thử thách mà vẫn luôn thư thái bình yên, vẫn giữ lòng mình an yên chẳng lung lay như xác quyết của Thánh vịnh 14: Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.

Trương Đình Hiền