BỎ LẠI “VÒ NƯỚC XƯA BÊN BỜ GIẾNG CŨ”

Views: 88

(Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm A 2023)

            Trong truyền thống “Phụng vụ Gia Nhập Kitô giáo của người lớn” hay “tiến trình chuẩn bị lãnh nhận các bí tích Khai Tâm của anh chị em Dự tòng”, Mùa Chay-Tuần Thánh chính là “Giai đoạn 3 hay “Thời chuẩn bị cuối cùng” với hai “cột mốc Phụng vụ”: Thanh tẩy – Soi sángLãnh các Bí tích Khai tâm. Riêng Chúa Nhật hôm nay, thứ 3 Mùa Chay, Hội Thánh bắt đầu cử hành Nghi thức “Khảo hạch I”, khai mạc phần “phụng vụ Thanh tẩy-soi sáng”, như một “kiểm nghiệm” về sự “giác ngộ đức tin vào Chúa Kitô Đấng Cứu Độ” của các anh chị em Dự tòng đã được tuyển chọn; và còn hơn một cuộc “kiểm nghiệm về giác ngộ niềm tin”, đây là lúc để các anh chị em dự tòng cảm nhận thật sự về một cuộc “gặp gỡ mang tính đổi đời”, một sự “lựa chọn mang theo quyết tâm từ bỏ quá khứ để hướng tới tương lai” mà hình ảnh “người thiếu phụ Samari để vò nước lại bên bờ giếng cũ và vào làng loan tin Đấng Kitô”, như Tin Mừng Gioan tường thuật, là một minh họa rõ nét.

            Thế nhưng, sự “giác ngộ niềm tin vào Đức Kitô của anh chị em dự tòng”, hay “câu chuyện người phụ nữ Samari bên bờ giếng Gia cóp” mãi mãi là câu chuyện chung cho mọi người tín hữu chúng ta. Bởi vì, ai trong chúng ta cũng đều cần một “giác ngộ niềm tin” mới mẻ hơn, đích thực hơn; một cuộc “gặp gỡ “nhà Tiên tri đích thực” để quyết định đổi đời”, cần một cuộc “đối thoại với Đấng là đường, sự thật, sự sống” để nhờ sự khai sáng của Ngài mà “bỏ lại một vò quá khứ tội lỗi” và bước đi trên “một lộ trình mới của tin yêu và hy vọng”.

            Thật vậy, cuộc sống tại thế, hay cuộc hành trình đức tin, hành trình sống đạo của mỗi người chúng ta, Kitô hữu hay Dự tòng, đều phải trải qua, phải “ôm gọn một vò quá khứ tội lỗi”, là những yếu đuối lỡ lầm, những khát khao đớn hèn, thiển cận, những ước vọng ngạo mạn tầm thường…, như kinh nghiệm ngàn đời về “cơn khát nước trong hoang mạc của dân tộc Israel”: Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy” (Bđ 1). Khi phải đối diện với cơn khát nước điên cuồng nơi hoang mạc, Israel đã liều quay lưng chống đối Môsê, nghi ngờ sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa, quên hết bao nhiêu ơn lành và kỳ công Chúa đã thực hiện trong biến cố Vượt Qua khai mạc cuộc Xuất Hành. Họ quên cả “chiếc gậy của Môsê” đã từng dương ra trên biển Đỏ để họ tiến bước ráo chân giữa hai bờ tường nước dựng. Quên cả Manna, quên luôn chim cút, quên cột mây che mát, cột lửa dẫn đường, quên hết Thập điều trên núi Sinai…

            Và “nước” hay “cơn khát” của tôi và thế giới hôm nay phải chăng đó là tình, tiền, danh vọng, sắc đẹp, tiện nghi, bằng cấp, quyền lực, kỹ thuật…; còn “Thiên Chúa”, “Đức Kitô”, “Giáo Hội”, “ơn Cứu độ”, “Thiên đàng”, “Thập giá”, “Phục sinh”… chẳng là cái thá gì; như chứng từ ngạo mạn của những nhân vật lừng danh:

– Ca sĩ nổi tiếng John Lennon: “Đạo Chúa Giêsu đã tàn…chúng ta nổi tiếng hơn Ngài nhiều”.

– Tổng thống Brasil: “Nếu có 500 phiếu bầu thì cả Đức Chúa Trời muốn xóa bỏ chức tổng thống cũng không được…”.

– Người xây dựng tàu Titanic: “Nó an toàn đến nổi Đức Chúa Trời cũng không thể nhấn chìm…”

– Diễn viên Marylyn Monroe: “Tôi không cần Chúa Giêsu của ông…”

Là những người mang danh Kitô hữu, chúng ta cũng đã bao lần quên mình là “kẻ có đạo”, quên dòng nước rửa tội, quên Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, quên các giới răn và các thực hành luân lý Kitô giáo, quên hết những lời dạy của Tin mừng…; chúng ta chẳng khác nào “người thiếu phụ Samari”, cho dẫu vẫn còn mang vò nước hằng ngày đến bên bờ giếng Giacóp, vẫn còn nhớ chuyện “tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?” (…). “Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”, nhưng cuộc sống là một cuộc “khát tình” băng hoại: “bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà…” !

Nhưng Thiên Chúa lại chứng tỏ quyền năng bằng lòng yêu thương tha thứ; Ngài lại một lần nữa ra tay. Chiếc gậy của Môsê có dịp được dương ra để đập vào tảng đá cho mạch nước tuôn trào; một sự tuôn trào, không phải chỉ là dòng “nước lạnh tự nhiên” để làm giản cơn khát vật chất, mà là dòng nước hằng sống mang lại sự sống vĩnh hằng, đúng như lời Đức Kitô đã nới với người thiếu phụ Samari: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.

Thật vậy, người “thiếu phụ lộn chồng” với một “vò quá khứ tội lỗi”“một bình hiện tại lạc lối lầm đường” đã may mắn gặp được Đấng Kitô đầy bao dung và được Ngài mạc khải thân phận của mình cùng với lời gợi mở niềm tin để bắt đầu một con đường mới. Vâng, một “mạch nước hằng sống” giờ đã chảy trong tâm hồn chị để từ đây chị để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô?”.

Quả thật, đức tin luôn là một cuộc khao khát vươn tới, là một sự khó nghèo để được lấp đầy, một niềm trông cậy để được đáp trả. Bởi vì Đức Kitô không bao giờ khước từ những ai đến cùng Ngài; lại càng không phải là kẻ dồn ta vào bước đường cùng để xô ta xuống vực thẳm. Hãy tự nhiên và bộc trực như người thiếu phụ Samari hôm nay: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó…”; hay cứ huyên náo lăng xăng tiếp Chúa như cô Matta Bêtania, yên lặng nghe Chúa như cô Maria, tò mò trèo lên cây để được thấy Chúa như Giakê, đứng ngay lên bỏ tất cả theo Chúa như Matthêô…; cả khi bất đắc dĩ vác đỡ thập giá như Simêon, hay bị đánh cho mù mắt, ngã ngựa như Phaolô, người đã để lại lời chứng tuyệt vời mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc 2: “Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta…”.

Như vậy Mùa Chay phải chăng là Mùa để chúng ta, cùng với các anh chị em dự tòng, mở rộng cõi lòng tập luyện sống niềm tin tích cực, sống cuộc gặp gỡ Đức Kitô đích thực, một sức sống mới, một nguồn nước mới, một Thiên Chúa tình yêu… Chúng ta hãy bước ra khỏi cái ảo tưởng cho rằng: mình sống đạo như thế đủ rồi, đức tin như thế là tạm ổn… Hãy tỉnh táo. Coi chừng chúng ta đang trong “cơn thiếu nước trầm trọng”, đang trong thế “quay lưng lại với Thiên Chúa” hay sống “niềm tin nửa vời”, sai lệch mệt mỏi…. Hãy mạnh dạn quay lại ngỏ lời với Đức Kitô: “Xin ban cho con thứ nước ấy”, và hãy để chiếc gậy Thánh Thần đập vào cõi lòng, vào tim óc và cuộc sống. Đó là chiếc gậy của tòa Giải tội, của Thánh Lễ, của việc cầu nguyện, của Lời Chúa, của ăn chay và làm phúc, của tha thứ hòa giải với anh chị em xung quanh; của việc thực hành liêm khiết, thủy chung trong đời sống gia đình, trong sáng, trách nhiệm nơi công sở…

Nói cách khác, mỗi một cuộc đời đều có một “khoảnh khắc hẹn chờ” của Thiên Chúa dành cho, một “buổi trưa bên bờ giếng” Đức Kitô đang đợi, điều quan trọng còn lại là hãy mở lòng ra và để Lời Ngài chạm đến; vì chỉ như thế cõi lòng chúng ta mới “tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38), dòng nước Thánh Thần để biến chúng ta thành một con người mới, sẵn sàng bỏ lại “vò nước xưa bên bờ giếng cũ” để dấn thân trên nẻo đường mới, làm chứng cho Tin Mừng !

Trương Đình Hiền