Views: 35
(Chia sẻ sứ điệp Lời Chúa CN 5 PS (A) 2020)
Hơn lúc nào hết, Mùa Phục Sinh chính là thời điểm mà dân Kitô giáo được Lời Chúa khơi lại những “ký ức sống động” của “một thuở ban đầu”, một “thời trăng mật” giữa một “Hiền Thê thanh xuân”, một “Hội Thánh non trẻ” với chính Đấng Phu Quân là Đức Kitô Phục Sinh.
Vâng, “Hiền thê thanh xuân” đó, “Hội Thánh non trẻ” đó chính là cộng đoàn Kitô hữu ban sơ qui tụ chung quanh các Tông Đồ để sống và chia sẻ niềm tin qua những dấu chỉ cụ thể: phục vụ người nghèo, cầu nguyện và rao giảng, như trích đoạn sách Công vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật: Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, … Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người …, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”.
Đó chính là ba thừa tác vụ mà Hội Thánh nói chung và mỗi thành viên trong Giáo Hội qua nhiệm tích Thánh Tẩy nói riêng, muôn nơi, muôn thuở, luôn phải trung thành thực hiện như sứ mệnh căn bản, như căn tính của “Ơn Gọi Kitô hữu”: Vương Đế (phục vụ bác ái), Tư Tế (cầu nguyện tế tự), Ngôn sứ (rao giảng Lời Chúa).
Trong viễn tượng đức tin, quả thật, “ba tác vụ” trên đã làm nên tính ưu việt của phẩm giá Kitô hữu, một phẩm giá được xây dựng không phải trên nền tảng là những giá trị của trần gian như quyền lực, sự giàu sang…, mà như Thánh Phêrô quả quyết: trên chính Đức Kitô, “tảng đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường”; hay trên chính Đấng đã tự mình tuyên bố: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.
Và cũng trên “nền tảng thánh thiêng và cao cả tuyệt vời đó”, Giáo Hội của Chúa Kitô, Đoàn Dân Mới của Thiên Chúa hoàn toàn khác với mọi tổ chức, đoàn thể, quốc gia, dân tộc của con người và do con người. Đây chính là cộng đoàn, là Giáo Hội được chính vị Giáo Hoàng đầu tiên – Thánh Phêrô, dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, đã định nghĩa một cách chính xác: “Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.”.
Tuy nhiên, cũng chính bởi cái “căn tính đặc biệt” nầy, cái “dáng đứng một mình một cõi” chẳng giống ai, mà ngay từ đầu, chính Đấng sáng lập là Đức Kitô đã thấy trước những mỏng dòn, yếu đuối, bấp bênh… của các môn đồ, những “viên đá sống động” mà Ngài đã thiết đặt để dựng xây Hội Thánh của Ngài; và Ngài đã trấn an họ trong những phút giây thâm tình trước khi Ngài chia biệt họ, lìa khỏi thế gian: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy… Thầy là đường, là sự thật và là sự sống….”.
Vâng, làm sao không bất an, xao xuyến, khi những con người vốn chỉ nhìn hiện tại và tương lai với viễn tượng của những nẻo đường được xây bằng sự vinh quang của chức quyền, sự ổn định của giàu sang, sự phước hạnh của vật chất… mà những thực tại ấy gần như đang bị che khuất bởi thấp thoáng đâu đó áng mây của thập giá và khổ nạn, và sự vắng bóng của một chỗ dựa xưa nay ! Câu hỏi của tông đồ Tôma đã bộc lộ cho niềm xao xuyến, bất an đó: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?”. Đức Kitô đã trấn an nỗi xuyến xao đó qua lời đáp trả dành cho Tô-ma: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Một tác giả tu sĩ đã nhận xét về câu trả lời đó như sau:
Chúa không trả lời cho Tô-ma phải “đi đâu”, nhưng là “đi như thế nào”, nghĩa là đi trong Ngài và nhờ Ngài, vì Ngài là “đường đi” dẫn đến Chúa Cha. Làm người môn đệ Chúa chẳng phải là đi theo một học thuyết, nhưng là đi theo một NGÔI VỊ. Nỗi bận tâm của người môn đệ chẳng phải là “tôi sẽ đi đâu” nhưng là “tôi có ở trong Chúa Giê-su không ?” vì Ngài “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”. Câu trả lời của Chúa Giê-su cho ta hiểu rằng đích điểm mà Chúa Giê-su muốn dẫn các ông đến chẳng phải là một không gian địa lý mà là một NGÔI VỊ, là chính CHÚA CHA “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Con đường để đến với Chúa Cha cũng không thể đo được bằng kilômet, vì con đường ấy cũng chính là một NGÔI VỊ, là chính Chúa Giê-su.[1]
Bắt đầu từ Chúa Nhật hôm nay, gần như mọi cộng đoàn tín hữu, mọi nhà thờ trên toàn cõi Việt nam bắt đầu trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau một thời gian dài “giản cách” vì đại dịch Covid-19. Một cách nào đó, chúng ta có thể nói được rằng: thời gian “trở về im lặng, cách ly” vừa qua, trong hướng nhìn tích cực của niềm tin, chính là “thời gian tĩnh tâm dài hạn”, thời gian “vào sa mạc”… của cộng đoàn Dân Chúa, để hôm nay bắt đầu “đi lại con đường của Đức Kitô”, bắt đầu sống thực sự chân lý nền tảng “Đức Kitô là Đường, Chân lý, Sự Sống”.
Nếu Đức Kitô là Đường, Sự Thật, Sự Sống, thì thánh lễ hằng ngày phải được cử hành như là một “bữa tiệc hấp dẫn tôi đến dự thường xuyên với con tim trân trọng sốt mến”, chứ không như trước đây, chỉ là “một cử hành nhàm chán bất đắc dĩ phải tới tham quan ?”. Tòa Giải tội phải là nơi để tôi nhận được chiếc áo mới của lòng Cha tha thứ mặc cho chứ không như trước đây chỉ là một “của nợ”, một hành vi “kéo gai qua trổ” cho khỏi bị mang tiếng là vô đạo ?…
Cũng vậy, mọi nhịp sinh hoạt Phụng vụ và đạo đức khác từ hôm nay cần phải được canh tân triệt để trong cung cách cũng như thái độ bên trong lẫn bên ngoài, với lòng khao khát cũng như tâm tình trân trọng sốt mến đang đi tìm một “kho tàng”, “viên ngọc quý”.
Quả thật, trên con Đường của Đức Kitô hôm nay, chúng ta lại phải bắt đầu. Bởi vì, như lời Đức thánh Giáo Hoàng G.P.II nói với giới trẻ năm 1988: “Khám phá Đức Kitô là một cuộc phiêu lưu đẹp nhất đời chúng con. Nhưng khám phá ra Ngài một lần mà thôi thì không đủ. Mỗi khám phá người ta có về Người lại trở thành một lời mời gọi kiếm tìm Người hơn nữa…”.
Chính thái độ khao khát của Tôma, của Philipphê trong Tin Mừng hôm nay thật là thích hợp cho mùa “hậu Covid-19” nầy để nhắc bảo chúng ta hãy lên đường khám phá Đức Kitô, đến gần Đức Kitô, học biết và yêu mến Đức Kitô nhiều hơn nữa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường ?”…”Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, thì chúng con mãn nguyện”.
Và chúng ta đừng quên: sự khám phá Đức Kitô để tiếp tục tiến bước trên con đường của Ngài không phải được tính bằng những chuyện “chọc trời khuấy nước”, những công trình vĩ đại lớn lao, những hy sinh hãm mình của những bậc tu trì đạt đạo, những suy niệm thần bí cao siêu… mà cốt yếu là những hy sinh thầm lặng, những việc phục vụ âm thầm, những chiến đấu và chiến thắng tính hư tật xấu với cái tôi, những tràng hạt Mân côi, những Thánh lễ…Đó chính là những”mũi chỉ đuờng kim dệt nên tấm thảm thêu hình Đức Kitô” mà trong lúc nhất thời, nhìn từ mặt trái, chúng ta sẽ không nhận ra cái nét đẹp tuyệt vời của “bức tranh tổng thể”.
Nếu Đức Kitô là “hạt Lúa Mì rơi xuống mảnh đất trần gian và đã mục nát đi qua cuộc tử nạn của Ngài” thì hôm nay, nhờ cuộc phục sinh vinh hiển, Ngài đã trở thành “Mùa Lúa Mới” mà Hội Thánh chính là hiện thực. Và rồi để có được một Hội Thánh như hôm nay, một Đền thờ vĩ đại, một “Cây Tùng Vạn cổ tỏa bóng khắp địa cầu, một “Dân thánh, Dân Tư Tế và Vương đế”…, đã có bao nhiêu máu xương và nước mắt, hy sinh và nguyện cầu của những anh chị em Kitô hữu đã chọn và đã đi trên con đường của Đức Kitô. Quả thật họ là “những viên đá sống trong Ngôi Đền thờ thiêng liêng”. Hội Thánh đó, Ngôi Đền thờ thiêng liêng đó đang mời tôi, mời chị, mời anh tiếp tục đóng góp phần mình để mỗi ngày mỗi tráng lệ hơn, khang trang hơn, vững chắc hơn…như lời mời thuở nào của Thánh Phêrô (trong Bài đọc 2 hôm nay): “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng người nhờ Đức Giêsu Ki-tô”.
Và cho dẫu không tránh khỏi những xao xuyến lo âu khi chấp nhận tiến bước trên “con đường Kitô”, vốn là “Con đường hẹp”, Con đường Thập Giá”…, thì chúng ta hãy vững lòng trông cậy và xác tín vào chính lời của Đấng Phục Sinh đang hiện diện: ““Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
Và để đáp lại sự trấn an đầy ưu ái của Đấng “là Đường là sự thật và là sự sống”, chúng ta có thể mượn những lời sau đây để thân thưa cùng Ngài:
Lạy Chúa, đôi lần con sợ
Nhưng xin Chúa cứ huấn luyện con
Để tiếng thưa vâng của con
mỗi ngày mỗi mới
mỗi ngày mỗi thắm đượm tình yêu.
Vì con biết, chỉ qua Ngài
Con mới gặp được Cha của con.
Lạy Chúa, đôi lần con sợ
Nhưng Chúa là “Đường” đi
Khi thực sự theo Ngài con sẽ không còn âu lo mình phải “đi đâu ?”
Vì con sẽ luôn được ở trong SỰ HIỆN DIỆN của Ngài.[2]
Trương Đình Hiền
[1] Nữ tu Maria Diệu Hiền (MTGQN). Bài suy niệm: ĐƯỜNG VỀ CÙNG CHA. Nguồn: trang THÁNH GIỮA ĐỜI VUI: https://truongdinhhien.net/index.php/2020/05/08/duong-ve-cung-cha/
[2] Ibid.