BUÔNG BỎ CHO ĐI VÀ CHỌN LỰA…

Views: 40

(Chúa Nhật 28 thường niên năm B 2024)

          Có một điều khá hi hữu, đó là: trong mạc khải xuyên suốt của Thánh Kinh Cựu cũng như Tân ước, “Người nghèo”, “người thấp cổ bé miệng” (Anawim) luôn là đối tượng hàng đầu được Thiên Chúa chiếu cố và yêu thương, chở che và bênh đỡ…; cụ thể và thường xuyên nhắc đến chủ đề này nhất đó chính là những lời ca kinh Thánh Vịnh: Còn kẻ nghèo hèn được đất hứa làm gia nghiệp và vui hưởng cảnh an lạc chan hòa.” (Tv 37,11); “Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ, giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.” (Tv 72,12-14) … Trong bài Kinh Magnificat của Đức Trinh nữ Maria thời Tân ước cũng bàng bạc “chân dung kẻ nghèo”: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng…” (Lc 1,52-53).

          Thế nhưng, chân dung “kẻ nghèo” mà Lời Chúa trong Cựu cũng như Tân ước đồng thanh nhắc đến không chỉ nhắm đến “những người công chính tin yêu trung thành với Thiên Chúa và nhận được ơn cứu độ” mà nhất là quy chiếu về chính một “người nghèo trên mọi kẻ nghèo của Gia-vê” đó chính là Đức Kitô, “Đấng vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Vâng, Đức Kitô khó nghèo, Đức Kitô đi “con đường hẹp”, Đức Kitô chấp nhận “thập giá”… chính là “chân dung đích thực” của một Đấng Mêsia mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho thế giới, mà các ngôn sứ tiên báo gần xa… Tin vào Đức Kitô như thế, đón nhận Đức Kitô như thế và bước theo Đức Kitô như thế… không hề dễ dàng; nên chính Đức Kitô đã từng khẳng định trong một lúc xuất thần: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn…” (Lc 10,21).

          Phải chăng đó là cái “lẽ khôn ngoan” đích thực vượt xa những giá trị giàu sang phú quý mà người đời đua nhau tìm kiếm, tranh đoạt, như cách diễn tả của sách Khôn Ngoan trong Bài đọc 1 hôm nay: “Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn…”.

Chắc chắn hai chữ “Khôn Ngoan” mà sách Khôn Ngoan nhắc đến, ngoài ý nghĩa thông thường là sự hiểu biết hoàn hảo để thấu hiểu và đáp trả thánh ý Thiên Chúa, “khôn ngoan”, khi được “nhân cách hóa”, lại là một tiên báo và được đồng hóa với “Lời”. Đó chính là “Lời hằng sống của Thiên Chúa” như cách diễn tả của trích đoạn thư Do Thái trong Bđ 2: “lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”. Nhưng đặc biệt hơn, đó cũng chính là một “Ngôi Vị” cụ thểnhư cách trình bày của Thánh Tông Đồ Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi lời. Ngôi lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta…” (Ga 1,1-18). Vâng, “Khôn ngoan”, “Lời”, “Đức Kitô” chỉ là một. Và như thế, điều mà Lời Chúa muốn dẫn chúng ta đến đó chính là sự chọn lựa Đức Kitô, sự Khôn Ngoan đích thực, như một ưu tiên tuyệt đối, một “kho tàng dấu trong thửa ruộng, một viên ngọc quý” … mà chúng ta cần hy sinh tất cả, từ bỏ tất cả để tìm kiếm, để chọn lựa. Và ý nghĩa nầy lại chính là nội dung cốt lõi của câu chuyện “người thanh niên giàu có” trong Tin mừng Máccô vừa được công bố.

          Khởi đầu câu chuyện lại chính là bài học vỡ lòng Chúa Giêsu dạy cho người thanh niên biết nhận ra thân phận nghèo nàn của con người để khiêm hạ xóa mình đi trước sự cao cả tuyệt đối”của Thiên Chúa: “Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa.”. Tiếp đến, Ngài đã xoay hướng cái tâm của anh ta về phía con người để thực thi những điều thiện hảo được nêu bật nơi các Giới răn: “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Và anh ta đã làm Ngài ngạc nhiên: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

          Trong ánh mắt của Đức Kitô, người thanh niên “có nhiều của cải” lại “biết tuân giữ các lề luật ngay từ thuở nhỏ”, … quả thật anh ta đã bước gần tới ngưỡng cửa Nước Trời, bước gần tới “sự khôn ngoan đích thực” hay cái giàu có trọn lành trọn hảo mà không phải ai cũng có thể đạt được. Chính vì thế, “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”; và từ con tim yêu mến Ngài đã quyết định hướng chàng thanh niên tốt bụng và đạo hạnh nầy lên một “tầm cao” của con đường khôn ngoan đích thực: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”.

          Nhưng ánh sáng của niềm vui và hy vọng rạng rỡ đang được khơi lên trong trái tim của chàng thanh niên đã vội chợt tắt: “Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”.

          Thì ra, chỉ với một lý do, lý do muôn thuở, không phải chỉ ngăn cản bước chân của một chàng thanh niên giàu có nầy đi theo Đức Ki-tô, mà đã bịt mắt và cản đường biết bao nhiêu thế hệ nhân loại nối tiếp nhau trong thế giới nầy, trong cuộc đời nầy dừng lại trước con đường của tình yêu phục vụ, của quảng đại hiến thân. Lý do đó chính là: “vì anh ta có nhiều của cải”.

          Từ câu chuyện của chàng thanh niên, Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn sinh về lối sống và cách chọn lựa sự giàu có mang tính thế tục, một cái tâm thức phổ thông của thế giới trần tục muôn nơi muôn thuở: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Phải chăng, nhờ những lời “cảnh tỉnh” này mà thế giới đã có những “Matthêô bỏ bàn thu thuế”, những “Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan… bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cha mẹ, vợ con…” để “đi theo Thầy”; bởi vì họ xác tín: “Bỏ Thầy, chúng con biết đến cùng ai? Vì chỉ có Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời!” (Ga 6,68).

Vâng, trải dài suốt 2000 năm nay, đã có hàng hàng lớp những người nam và nữ, từ vua chúa đến lê dân, từ những thân phận lá ngọc cành vàng cho đến chân bùn tay lấm… đã chấp nhận bỏ lại đằng sau mọi gia tài của cải như chàng ăn mày Phanxicô Assisi, như vị Tông đồ cho người cùi – Giám mục Jean la Cassaigne, như người nữ tu già nua ốm yếu Têrêsa Calcutta… dành cả cuộc đời cho những kẻ bệnh hoạn tật nguyền và bị ném ra bên lề xã hội…

Quả thật, “từ bỏ tất cả” chính là điều kiện tất yếu để “trở nên tất cả cho Chúa và cho anh em”, như cách cảm nhận của bài thơ “Khi đến với Chúa” của Graham Kings:

Lạy Chúa,

khi đến với Chúa

con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con

con cởi bỏ đồng hồ: thời khoá biểu của con,

con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,

con bỏ xuống chìa khoá: sự an toàn của con,

để con được ở một mình với Ngài,

lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,

con sẽ xỏ giày vào

để đi theo đường của Chúa,

con sẽ đeo đồng hồ,

để sống trong thời gian của Chúa,

con sẽ đeo kính vào

để nhìn thế giới của Chúa,

con sẽ mở bút ra

để viết những tư tưởng của Chúa,

con sẽ cầm chìa khoá lên

để mở những cánh cửa của Chúa.                  

Vâng, chỉ “thành nhân” và trở nên một Kitô hữu đích thực khi chúng ta xây dựng cuộc đời mình bằng chính những sự cho đi và từ bỏ để dấn thân cho một chọn lựa cuối cùng đó chính Đức Kitô.

Giuse Trương Đình Hiền