Views: 110
(MÌNH MÁU CHÚA KITÔ Năm C 2019)
Phụng Vụ Chúa Nhật giữa tháng 6 hôm nay xoay quanh câu chuyện về “TẤM BÁNH”, một câu chuyện đủ “cũ” với chiều dài “2000 năm lữ thứ của một đoàn dân”, nhưng cũng rất mới : xảy ra mỗi phút, mỗi giờ hôm nay trên muôn triệu bàn thờ của mọi miền thế giới. Vâng, câu chuyện về “TẤM BÁNH THÁNH THỂ” !
Mỗi lần bàn đến “câu chuyện nầy”, tự nhiên tôi nhớ quay quắt đến phong bánh biscuit hiệu con két mà hơn 50 năm về trước ba tôi thường mang về cho chị em chúng tôi mỗi lần ba về nghỉ phép. Cho dẫu nó không quý và đắt giá như chiếc bánh biscuit của ông James Fenwich, nạn nhân sống sót trong vụ đắm tàu Titanic vào năm 1912, chiếc bánh được bán đấu giá với 23.000 đô la[1], nhưng, đối với chị em chúng tôi, những trẻ em nhà quê thuở ấy tại giáo xứ Trà Câu, “phong bánh biscuit con két” là “nhất”, không có món quà nào ngon hơn, quý hơn !
Có lẽ, cũng từ phong bánh biscuit đó, đã gợi ý cho tôi khi viết bài thơ “MÙI CỦA BÁNH TÌNH YÊU”, mà những dòng đầu đã nói lên tất cả :
“Mỗi khi con đói,
Con nghe mùi thơm của bánh,
Bánh đượm mùi nước mắt của mẹ,
Bánh thơm mùi mồ hôi của cha.
Mùi của tình yêu đã nặn đúc con ra,
Mùi khổ cực, nhọc nhằn nuôi con khôn lớn.
Và ở giữa biển đời bao la vô tận,
Ai mang phận người,
Mà không một lần thèm một tấm bánh thơm ?
Nếu có chăng,
Vì họ chỉ thấy những chiếc bánh không vị không hồn,
Chỉ gặp những chiếc bánh lòe loặt sắc màu,
mà không mang một chút mùi của tình yêu dịu vợi !…”[2]
Từ một chút gợi nhớ về món quà của ba với phong bánh biscuit đó, Lời Chúa hôm nay muốn tôi tìm về, nhớ về một món “Quà tặng” khác, với một “Tấm bánh” khác, mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã nhắc đến trong thông điệp về Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia), như một minh giải về giáo lý Thánh Thể qua những lời sau :
“Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ…”[3].
Thì ra, ý nghĩa đầu tiên của Thánh Thể có thể được cô đọng lại nơi thực tại “BÁNH”, một loại “quà tặng của tình yêu”, là chính “lương thực”, được Thiên Chúa làm nên cho con người sống và tồn tại. Chính vì thế, trong kinh tiến lễ của thánh lễ, linh mục đã đọc rằng : “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh nầy là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con….”[4].
Trong khi đó, trích đoạn sách Sáng Thế trong BĐ 1 lại khắc họa chân dung Vị Thượng Tế Tối cao và là Vua Salem, Men-ki-sê-đê; chính vị “Thượng Tế tiên trưng của Thượng Tế Giêsu” đã dâng tặng cho Ápram trong ngày khải hoàn chiến thắng một thứ “tặng phẩm duy nhất” là BÁNH VÀ RƯỢU:
“Trong những ngày ấy, Menkixêđê là vua thành Salem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao…” (St 14,18).
Thứ “bánh và rượu” của thượng tế Menkixêđê thời “Sáng Thế” đã trở thành “hiện thực qua Hy Lễ là chính thân mình của Vị Thượng Tế đích thực theo phẩm hàm Menkixêđê như thư Do Thái cắt nghĩa :
“Quả thật, có lời chứng nhận rằng: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. (…). Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.” (Dt 7,15-17.26-27).
Không chỉ dừng lại nơi hình ảnh tiên trưng về Thánh Thể với “bánh rượu của Menkixêđê”, để chuẩn bị và tiên báo cho một thứ “lương thực trường sinh” đưa dẫn con người “vượt qua sa mạc trần gian” để tiến về “đất hứa vĩnh cửu”, chúng ta còn nhiều lần gặp trong lời mặc khải thánh kinh những hình ảnh sống động về bánh : Manna trong hoang mạc thời Xuất Hành (Xh 16,1-5), bánh của tiên tri Ê-li-a trên đường về núi Khô-rép (1 V 19,8)… Trong khi đó, các sách Tin Mừng, như trích đoạn Tin Mừng Luca hôm nay chúng ta vừa nghe, đã đồng loạt tường thuật phép là “hóa bánh ra nhiều” của Đức Kitô để nuôi đám dân cùng đinh theo Ngài vào sa mạc nghe thuyết giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa (Lc 9,11-17).
Trong khi đó, theo Thánh sử Gioan, khởi đi từ “dấu lạ bánh hoá nhiều” nầy, Đức Kitô đã dài hơi thuyên giải chân lý “BÁNH HẰNG SỐNG” khiến nhiều người dị ứng, đến đổi có một số môn đệ đã “càm ràm bỏ đi” (Ga 6,25-66); một chân lý mà cho tới buổi chiều Thứ Năm trước khi bước vào cuộc khổ nạn, người ta mới hiểu “Bánh Hằng Sống từ trời xuống” đó chính là Bí Tích Thánh Thể, một “tặng phẩm tình yêu tuyệt mỹ” mà Ngài đã thực hiện cách trọn hảo qua mầu nhiệm khổ giá : “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con…Máu Thầy… sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được khỏi tội” (Mt 26,26-28).
Thì ra, “Bánh Hằng sống” đó, “lương thực trường sinh đó”, lại chính là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa gởi tặng con người, quà tặng tình yêu, “quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ”[5] : “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16).
Từ “Quà Tặng Sự Sống”, Thánh Thể còn chính là “Quà Tặng tình Yêu”; bởi chỉ có mối tình cao cả nhất mới sẵn sàng hiến mình thành quà tặng cho người khác : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nếu người ta cảm nhận được giá trị của tấm bánh qua “mùi vị thơm ngon”, thì quả thật, chúng ta chỉ có thể cảm nhận và hiểu thấu phần nào chiều kích sâu thẳm của huyền nhiềm Thánh Thể qua “mùi tình yêu” :
“Mùi của tấm bánh nầy,
Là mùi của Tình Cha đong đầy chất ngất,
Vì yêu thương mà ban tặng cả chính con yêu.
Mùi của tình Con sâu thẳm trăm chiều,
Hy sinh máu thịt bằng lễ dâng Thánh Giá…
Nên chỉ có những ai,
Đã một lần cảm nhận được mùi tình yêu cao cả,
Mùi thơm nồng của dịu ngọt tình Cha,
Mùi yêu thương của máu thịt ngọc ngà,
Của Đấng đã cho ta,
và vì ta mà sẵn sàng hy sinh mạng sống !…”[6]
Quả thật chỉ có Thiên Chúa mới dám nghĩ ra Thứ quà tặng độc đáo nầy ; mà xét cho cùng, chỉ có cách nầy, Đức Kitô mới thật sự làm cho chúng ta “đồng hình đồng dạng với Ngài”, mới cho chúng ta được ‘thần hóa” thực sự, mới biến chúng ta THẬT SỰ trở thành chứng nhân của mầu nhiệm Khổ Giá, tông đồ loan báo Mầu Nhiệm Cứu độ…như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư thứ 1 gởi giáo đoàn Cô-rin-tô trong Bài đọc 2 hôm nay : “Mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”.
Nói cách khác, cách cắt nghĩa đầy đủ và gọn ghẽ nhất về Thánh Thể phải chăng đó chính là : Để mãi mãi nuôi sống và ở lại với con người và để hy tế thập giá nối dài qua muôn thế hệ hầu hiện thực hóa ơn cứu độ giữa trần gian, vì tình yêu, Đức Kitô đã chấp nhận “trở thành Tấm bánh”.
Cho dù những kẻ duy lý khước từ, những nhà duy vật khinh chê, và cho dù “giác quan chẳng cảm thấy sự gì”…thì sau lời truyền phép “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con…Nầy là chén Máu Thầy, đổ ra cho các con…” con mắt đức tin sẽ đưa chúng ta đến thờ lạy Đức Kitô, Đấng vừa hiến dâng thân mình trên thánh giá và cũng chính là Đấng đang hiện đến trong quyền năng phục sinh để hà hơi ban sức mạnh Thánh Thần cho tất cả chúng ta.
Nhưng đâu phải thế giới lúc nào cũng đầy ắp những Phêrô, dù đứng trước huyền nhiệm Thánh Thể đầy thách đố, vẫn kiên vững “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6,68-69).
Vâng, thế giới chúng ta đang sống là cả một “đại tiệc buffet” với hàng triệu những món cao lương mỹ vị bắt mắt hấp dẫn, cố lôi kéo con người quay lưng lại với “Tấm Bánh Tình Yêu Giêsu” đã 2000 năm quen thuộc chán ngấy. Vì thế, để sống và tin Thánh Thể, rốt cuộc, là niềm trông cậy và phó thác của tình yêu :
“Vâng, chỉ có những ai
cảm nhận được mùi tình yêu của tấm bánh,
Mới đi tìm, mong mỏi, khát khao.
Giữa chốn trần gian,
Có biết bao nhiêu tấm bánh, đủ loại, mời chào.
Nhưng duy nhất,
Chỉ một tấm bánh mang mùi tình yêu đích thực…”[7]
Và chúng ta đừng quên chuyện kể “con đường Emmau” của 2000 năm trước : “khi tham dự “bữa cơm chiều với người khách lạ” nơi quán cóc bên đường, hai môn đệ đã chợt nhận ra gương mặt của Thầy Chí Thánh…”; và ngay sau cuộc “hạnh ngộ chớp nhoáng” đầy linh thiêng đó, họ đã tức tốc lên đường (Lc 24,13-35).
Như thế, sau lời mời gọi kết lễ hôm nay của chủ tế “Ite Missa est” (Thánh lễ đã xong, hãy lên đường), chúng ta cùng cam kết dấn thân và bắt đầu hành động, dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng, hành động trở nên nhân chứng như lời tung hô sau phần quan trọng nhất của cử hành Thánh Thể : “Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”[8].
Trương Đình Hiền
[1] Theo bài viết của tác giả Phan Thị Hoài An : Chiếc bánh quy đắt nhất thế giới có giá 23.000 USD. Nguồn : https://www.tinmoi.vn/chiec-banh-quy-dat-nhat-the-gioi-co-gia-23000-usd-011380759.html
[2] Sơn Ca Linh, bài thơ “MÙI CỦA BÁNH TÍNH TÌNH YÊU”.
[3] SĐD (ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp về Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia), BẢN DỊCH CỦA NguyỄn Phước, Nguyễn Ngọc Kính, Đặng Minh An. CHƯƠNG I MẦU NHIỆM ĐỨC TIN, số 11, tr. 20-21.
[4] ỦY BAN PHỤNG TỰ trực thuộc HĐGMVN, NGHI THỨC THÁNH LỄ, nxb. Tôn Giáo 2005, tr. 19
[5] Ibid.
[6] Sơn Ca Linh, bài thơ “MÙI CỦA BÁNH TÌNH YÊU”.
[7] Sơn Ca Linh, bài thơ “MÙI CỦA BÁNH TÌNH YÊU”.
[8] ỦY BAN PHỤNG TỰ trực thuộc HĐGMVN, KINH NGUYỆN THÁNH THỂ II, nxb. Tôn Giáo 2005, tr. 85.