Views: 71
LỄ MẸ VỀ TRỜI (Chính ngày 15/8/2015)
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung có một bài ca về mẹ thật hay và cảm động. Đó là bài hát “Nhật ký của mẹ”. Ca từ của bài hát nầy khá dài, diễn tả những trang nhật ký về người mẹ từ khi mẹ thấy con mở mắt chào đời cho đến khi mẹ chợt thấy con lần sau cùng khi con về thăm mẹ trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời. Và bài hát kết thúc với mấy ca từ cảm động là lời sau cùng của mẹ dành cho con : “Cám ơn vì con đến bên mẹ” !
Trong kho tàng nhật ký đức tin của Dân Chúa, chắc chắn chúng ta có quá nhiều điều để nói về những người mẹ, những người mẹ có liên quan đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa, liên quan đến vận mệnh của mỗi người chúng ta.
Thật vậy, nếu ở những trang đầu của Kinh Thánh Cựu ước, chúng ta đã thấy thấp thoáng hình ảnh “mẹ E-Và”, thì mở đầu những câu chuyện của Tân Ước lại là chân dung của người thôn nữ Na-da-rét Maria, để rồi Sách Khải Huyền đã kết thúc cả một con đường dài mạc khải bằng hình ảnh của một người phụ nữ mà Phụng Vụ ngày 15.8 trân trọng gán cho Đức Mẹ Maria qua bài ca nhập lễ :
“Một người phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1)
Và cũng chính trong ý nghĩa giàu biểu tượng “cổ tích Mẹ” đó, mà Phụng Vụ Lễ (chính ngày) Mẹ Về Trời hôm nay, chúng ta được Lời Chúa vẽ chân dung Đức Mẹ lần lượt qua 3 hình ảnh :
– Đức Mẹ chính là người nữ vinh quang xuất hiện trên trời nhưng cũng là hình ảnh tiên báo một “Mẹ Giáo Hội” phải đương đầu với gian nan bách hại giữa trần gian. (Bđ 1, sách Khải Huyền)
– Đức Mẹ chính là một trong những trước tiên kẻ thuộc về Đức Ki-tô được hưởng hoa quả của hồng ân cứu độ tức là chiến thẳng sự chết (Bđ 2, Thư Cô-rin-tô).
– Đức Mẹ chính là người nữ tỳ khiêm hạ nhưng đầy diễm phúc vì đã tin vào Lời Chúa và đón nhận muôn việc kỳ diệu Chúa đã làm cho mình (Tm Luca).
Chắc chắn khi khắc họa chân dung người nữ vinh quang “khoác áo mặt trời chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao…”, Thánh Gioan, tác giả sách Khải Huyền đã được ơn khải thị về tương lai của mẹ hiền Giáo Hội, một Giáo Hội rạng rỡ vinh quang nhờ cuộc chiến thắng của Đức Kitô là Đầu.
Thế nhưng, một người con ưu tuyển nhất của Giáo Hội và cũng là mẫu gương, là tiêu đích để Giáo Hội hướng đến lại là Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Maria. Chính vì thế, hình ảnh “người nữ” trong trích đoạn sách Khải Huyền trên cũng được Giáo Hội thầm hiểu đó chính là Mẹ Maria, Đấng đã được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt và ban cho uy quyền chiến thắng mãnh lực của “con rồng đỏ” ma quỷ với đặc ân Vô Nhiễm ; và cũng từ đặc ân nầy cùng với thiên chức “Mẹ Thiên Chúa” và hồng ân “trọn đời đồng trinh”, người Trinh Nữ đó đã đạt được “hoa quả trọn hảo của ơn cứu độ” nơi Đức Ki-tô mà mầu nhiệm “hồn xác về trời” là một minh chứng và hiện thực rõ nét.
Cũng chính trong ý nghĩa đó, mà ĐC Giuse Vũ Duy Thống, trong bài giảng về Lễ Mẹ Về Trời đã gọi mầu nhiệm Mẹ Về Trời là một “địa chỉ thiết định cho niềm tin”, và là “một ngôn ngữ mang tính dấu chỉ dễ đọc của một địa chỉ trên cao, vốn đã có sẵn trong mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô.”[1]
Tuy nhiên, khi trình bày chân dung người “phụ nữ vinh quang” nầy, Thánh Gioan đã đồng thời cho thấy công cuộc chiến đấu đầy gian của Hội Thánh ở giữa thế gian và vai trò của Đức Trinh nữ trong cuộc lử hành của Dân Chúa, một cuộc lử hành, mà trên từng cây số lịch sử, bóng dáng của Đức Mẹ luôn cận kề để chở che, chăm sóc, chẳng khác nào Đức Mẹ đã từng đồng hành, chăm sóc, giữ gìn Hài Nhi Giêsu trên những nẻo đường gian nan khổ ải trong cuộc bách hại của bạo vương Hêrôđê.
Ngày nay trên quê trời, chắc chắn Mẹ cũng đang dõi mắt theo từng bước chân của mỗi cuộc đời con cái dưới chốn trần ai. Như ánh mắt của bà mẹ Việt Nam dõi theo đàn con trong những đêm dài chiến cuộc : “Mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ, canh từng bước chân thù, mẹ ngồi dưới cơn mưa…Mẹ là gió uốn quanh trên đời con thầm lặng, trong câu hát thanh bình, mẹ làm gió mong manh…Mẹ là nước chứa chan trôi dùm con phiền muộn, cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan…”.[2]
Từ chân dung của người nữ “chiến đấu” trong sách Khải Huyền đến người nữ “chiến thắng” khi được thuộc về Đức Kitô trong thư Cô-rin-tô, Lời Chúa hôm nay còn làm vang vọng lên một bài thánh ca chúc tụng tuyệt hảo, bài Magnificat, trong biến cố “Thăm Viếng” của Đức Maria tại nhà người chị họ Ê-li-za-bét.
Đây chính lời tạ ơn và chúc tụng trọn hảo nhất của Thánh Kinh về hồng ân cứu rỗi Thiên Chúa đã dành cho nhân loại mà người đầu tiên được hưởng nhờ là chính Đức Maria : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hởn hở vui mừng, vì Thiên chúa Đấng Cứu độ tôi….Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, thật Danh Người chí thánh chí tôn…”.
Hồng ân đó hôm nay và mãi mãi sẽ được ban tặng cho tất cả những ai biết đón nhận Đức Kitô vào cuộc đời với thái độ tin tưởng phó thác và xin vâng như Đức Trinh Nữ Maria, hay nhất là, như cách cắt nghĩa của Chúa Giêsu, hồng ân đó sẽ dành cho những ai “biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa” (Lc 11,28).
Chính vì thế, lễ Mẹ Về Trời lại mở ra cho chúng ta chiều kích của một “Cuộc Thăm viếng Mới”. Mẹ lại đến chia sẻ niềm vui ơn cứu độ và hy vọng phục sinh cho “con cháu E-và” đang dập vùi trong “chốn khách đày, nơi khóc lóc” (Kinh Lạy nữ Vương), và cũng lại một lần nữa gọi mời con cái Mẹ tiếp tục lên đường với Mẹ để mở ra những cuộc “thăm viếng khác” đến muôn vạn mái nhà, đến trăm nghìn địa chỉ, nhất là những địa chỉ tối tăm, đói khổ, tật bệnh, lầm lạc…đang cần bừng sáng lên những lời tin yêu Magnificat : “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Thần trí tôi hớn hở reo mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi…”.
Sau cùng, khi chiêm ngưỡng và suy niệm chân dung Mẹ Về Trời, ai trong chúng ta lại không xôn xao trong lòng một nổi khát khao : được lên trời với Mẹ. Cho dù đó chính là một tiêu đích phải nhắm tới, phải đạt được và một niềm hy vọng chắc chắn như đinh đóng cột mà kinh Tiền Tụng hôm nay đã xác quyết : “Người là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn, là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lử hành trần thế”[3], thì để đạt được mục tiêu nầy, hay nói cách khác, để được phục sinh vinh quang, chúng ta phải đi qua cái chết, mà cái chết trước hết đó chính là “chết đi cho tội lỗi và tính hư xác thịt”.
Đó cũng là cái chết của cậu bé Marcellinô khi muốn gặp thấy mẹ mình trong một câu chuyện phim cảm động :
Ở cổng nhà dòng nọ có cậu bé bị bỏ rơi. Một thầy dòng đã đem về nuôi và đặt tên là Marcellinô. Với thời gian, cậu lớn lên, khôn ngoan và tinh nghịch. Vốn tính nghịch ngợm nên cậu bị cấm không được leo lên khu vực nhà kho trên tầng gác. Nhưng vì tò mò, một ngày kia Marcellinô đã trèo lên cái nhà kho bí mật đó. Cậu vô cùng sửng sốt khi gặp thấy có một người cao lớn bị treo trên Thánh giá. Với bản chất thơ ngây của trẻ thơ, cậu nghĩ rằng chắc người nầy đang bị bỏ đói, nên ngay đêm đó, Marcellinô đã lẻn vào bếp lấy cắp bánh và rượu đem lên cho người bị treo trên Thánh Giá. Và cũng lạ lùng thay, nhân vật nầy vui vẻ đón nhận “quà tặng” của cậu bé. Từ đó, ngày ngày cậu bé cứ âm thầm tiếp tế lương thực cho người khốn khổ ấy. Thế rồi một ngày nọ, nhân vật cao lớn kia bổng xuống khỏi cây Thánh Giá, đếnbên cạnh cậu bé và hỏi :
-“Con thích đều gì nhất trong đời, hãy nói Ta sẽ ban cho ?”
Cậu bé đáp :
-“Con muốn được thấy mẹ con”.
Người kia liền nói :
-“Để có được điều nầy con phải chấp nhận chết”.
Cậu bé ung dung đáp :
-“Con sẵn sàng chấp nhận”.
-“Vậy thì con hãy nhắm mắt lại và ngủ say”…
Ngày hôm sau, các tu sĩ trong nhà dòng chắng thấy bóng dáng Marcellinô đâu nên đỗ ra đi tìm khắp chốn. Cuối cùng họ đã tìm thấy cậu bé trong căn gác nhà kho, nhưng đã chết cứng, trong tư thế dựa vào cánh tay của tượng Chúa Giêsu trên Thánh Giá và với một nụ cười trên môi !
Chúng ta cũng cầu cho nhau ngày mai được cùng nhau thấy Mẹ.
Tuy nhiên, có
một điều chắc chắn, là hôm nay, trên thiên đàng, Mẹ Maria đang mĩm cười để nhủ
thầm với mỗi người con của Mẹ đang đến mừng lễ Mẹ dưới đất một lời giản đơn
nhưng ắp đầy tình yêu của Mẹ : “Mẹ cảm ơn
vì con đến bên Mẹ”
[1] ĐGM Giuse Vũ Duy Thống : Bài giảng : Đức Maria : địa chỉ trên cao.
[2] Ca khúc HUYỀN THOẠI MẸ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
[3] Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng lễ Mẹ Về Trời