CÂU TRẢ LỜI ĐẮT GIÁ CHO HÔM NAY

(Chúa nhật 21 TN Năm B 2024)

            Trong suốt 4 tuần Chúa Nhật liên tiếp (17,18,19, 20), phụng vụ Lời Chúa chọn đọc trích đoạn Chương 6 của Tin mừng Gioan mà chủ đề xuyên suốt đó là “Bánh Hằng Sống”; một trọng tâm mạc khải mà Đức Kitô muốn qua đó để dẫn người ta đến trung tâm của mầu nhiệm Đấng Cứu Độ là chính Ngài, nhưng cũng là “bài giáo lý” khiến các thính giả lúc bấy giờ “dị ứng”!

            Chúa Nhật hôm nay (21 TN B), cộng đoàn Thánh Thể được lắng nghe “đoạn kết của Chương 6” (Ga 6,60-70), mà nội dung theo ngữ cảnh Tin mừng, chính là “bài lượng giá” hay “trắc nghiệm” về kết quả hay phản ứng cụ thể của thính giả nghe Chúa Giêsu giảng dạy hay dư luận chung của xã hội khi Tin mừng của Đức Kitô đi vào thế giới.

Và, như Tin mừng cho thấy, kết quả của “Lời Đức Kitô về Thánh Thể” nói được là “khá ảm đạm”: không chỉ đám đông chẳng hâm mộ gì mà cho tới các môn đệ, một số đông đã bực bội phát biểu và quay lưng: “Lời nầy chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?”… Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa!

            Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu gặp phản ứng không thuận lợi về việc rao giảng Tin mừng, nếu không nói là “thất bại”. Chúng ta còn nhớ: khi Chúa Giêsu công bố và chú giải chủ đề “Đấng Mêsia được Thần Khí xức dầu” của sách ngôn sứ Isaia nơi hội đường quê hương Nadarét, Ngài đã nhận một “cú sốc nặng”, phải nói là một “thất bại thê thảm”: bị dân Nadarét tẩy chay đến độ muốn “xô Ngài xuống vực” để thủ tiêu cho bỏ ghét (Lc 4,16-30).

Hôm nay, nơi hội đường Capharnum, kết quả cũng không kém oái ăm: cho dù dân Capharnum không “manh động” kiểu “khủng bố” như dân Nadarét, nhưng “đau” ở chỗ là: Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” (…). Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa.

Thật ra, sứ điệp Tin mừng Gioan nơi đoạn cuối về bài giảng “Bánh Hằng Sống” không nhằm chú trọng tới khía cạnh “thất bại” của Đức Kitô về “giáo lý Thánh Thể”; nhưng chủ yếu, ngang qua “sự cố” này, Lời Chúa lại một lần nữa “trắc nghiệm” thái độ đức tin của mỗi người chúng ta hôm qua cũng như hôm nay bằng chính lời chất vấn mang nỗi niềm ưu tư của chính Đấng là “Bánh Hằng sống từ trời”: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”.

Để trả lời được câu hỏi đó, trước hết, Lời Chúa muốn giới thiệu cho chúng ta kinh nghiệm của Dân Chúa thời Cựu Ước qua trích đoạn sách Giosuê mà Bài đọc một vừa công bố. Vâng, đó là câu trả lời của vị lãnh đạo Giosuê và tiếp sau là của tập thể dân Israel ngay ngưỡng cửa tiến vào hứa địa. Có thể nói được, đây là hai câu trả lời đã định hình cho toàn bộ niềm tin của Dân Chúa thời Cựu ước mà cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và đã trở thành mô hình mẫu cho muôn thế hệ Kitô hữu: “Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa”… “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi nhà nô lệ…”.

Phải chăng đây chính là “câu trả lời” đã làm nên “kỳ tích Do Thái”, một dân tộc bé nhỏ bên bờ Địa Trung Hải, đã bị xoá sổ, xâm lăng, bình địa, lưu đày… không biết bao nhiêu lần, nhưng vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ cho đến mãi hôm nay! Câu trả lời của một niềm “xác tín vào Thiên Chúa”; và chính niềm xác tín đó đã cứu dân tộc họ qua bao thăng trầm lịch sử!

Xuyên qua câu trả lời của dân Cựu ước, chúng ta lại thấy sáng lên câu trả lời của Phêrô: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.

Cùng với câu trả lời của Phêrô, chúng ta lại đọc được biết bao câu trả lời như thế, không phải bằng lời mà bằng chính hành động và cuộc sống, bằng đức tin chân tình, bằng tình yêu sâu thẳm. Đó là câu trả lời của người phụ nữ ngoại đạo tin rằng “chỉ cần chạm vào gấu áo của Đức Kitô thôi sẽ khỏi bệnh”; đó là câu trả lời của anh mù Báctimê vứt áo choàng, nhảy chồm lên tiến về phía Đức Kitô để được sáng mắt và tiến trên con đường mới; đó là câu trả lời của những người què nhảy cửng lên như nai, những kẻ phung cùi bị đọa đầy cách ly ngoài hoang mạc bỗng dưng được khỏi và trở về sống kiếp con người sau khi “diện kiến” Đức Kitô… Đó cũng là câu trả lời của những người như: Giakê, Matthêu, những người thu thuế bị loại trừ nay được Đức Kitô đón nhận; đó cũng là câu trả lời của người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacob khi nhờ chuyện vãn với Đức Kitô mà tìm thấy nước hằng sống; đó cũng là câu trả lời của cô Maria “tai tiếng trong thành” khóc lóc xức dầu thơm để “được tha nhiều”; hay câu trả lời của “tên trộm lành” để nhờ đó mà nhận được hạnh phúc vĩnh hằng: “Hôm nay anh sẽ trên thiên đàng với Ta”!

Nhưng đó mới chỉ là câu chuyện của Cựu và Tân ước; của Giosuê, Phêrô và những con người gần gũi hay chứng kiến những dấu lạ của Đấng là Bánh Hằng Sống; điều quan trọng và thuyết phục hơn là những câu trả lời khi sứ điệp “Bánh Hằng Sống” nói riêng hay chân lý Tin mừng nói chung không phải chỉ bị “càm ràm”, hay “bỏ đi”, mà là những cuộc kết án, loại trừ, bôi nhọ, và bách hại cho tới chết…

            Riêng tại Việt Nam chúng ta, trong thời bách hại đạo, giáo lý về Bánh Hằng Sống, về bí tích Thánh Thể cũng là một ý do để các quan chức triều đình tra khảo, bài xích, chế nhạo; như câu chuyện về cuộc tử đạo của thánh Marchand Du: Ngày 30-11-1835, trước khi hành hình cha Marchand Du, tại toà Tam Pháp, ngài bị quan án hỏi:

– Khi làm yến tiệc trong nhà thờ, bay làm sự gì quái gở lắm phải không?

– Không, chẳng có gì quái gở – cha trả lời.

– Vậy tại sao có thứ bánh dùng làm bùa mê, thuốc lú để phát cho những đứa đã xưng tội mà chúng mê đạo đến thế?

Chúng ta cũng không quên về câu chuyện “Tử đạo vì 32 Tấm Bánh Thánh Thể của một em bé Trung Quốc thời Trung Cọng mới nắm quyền”!

Vâng, suốt 2000 năm nay, có hàng hàng lớp người nhờ “hiện thực hóa “câu trả lời của Phêrô sau bài giáo lý về Bánh Hằng Sống” trong đời sống, trong niềm tin và hy vọng, mà tìm được con đường sống đích thực, tìm được ý nghĩa cho cuộc đời, tìm được hạnh phúc vĩnh hằng. Cho nên, đó không chỉ giản đơn là “một câu trả lời”, mà là một tuyên xưng niềm tin, một xác tín, một niềm hy vọng ngút ngàn, một tiếng kêu òa vỡ của hạnh phúc và niềm vui khi chợt khám phá ra “Nước Trời đang đến”, ơn cứu độ đã được trao ban, Thiên Chúa đã nhập thể và đang đồng hành cùng nhân loại, Đấng Thánh của Thiên Chúa chấp nhận chia sẻ kiếp phàm nhân tội lỗi đớn hèn…; hay theo ngôn ngữ của thánh Phaolô Tông đồ, nhờ “câu trả lời mang tính tiên tri” của Tông đồ Phêrô, mà Đức Kitô đã “yêu thương Hội thánh và phó mình vì Hội thánh, để thánh hoá Hội thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.”

Ngày nay, trong bối cảnh tục hoá đang lan tràn khắp nơi, “Bánh Thánh Thể” và “Lời Hằng sống” cũng chẳng còn sức hấp dẫn hay thuyết phục gì, không chỉ với những kẻ vô thần, mà tại nơi rất nhiều cộng đoàn tín hữu. Nói cách khác: tin và theo Đức Kitô luôn luôn là một thách đố lớn lao! Và đứng trước thực trạng nầy, đức tin luôn đòi hỏi chúng ta cần làm mới lại câu trả lời trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”. Dĩ nhiên, đằng sau câu trả lời “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”, là cả một bầu trời thương đau và khổ lụy, đắng cay và thập giá…; nhưng cũng hứa hẹn một “bầu trời của hy vọng vĩnh hằng, của niềm vui ắp đầy ơn cứu độ”. Quả thật, đó là một câu trả lời đắt giá!

Trương Đình Hiền