Views: 30
Chúa Nhật VI Phục Sinh (Năm A 2020)
Cùng với các anh chị em tân tòng trên khắp thế giới, chúng ta vừa trải qua những tuần lễ “nhiệm huấn” để đào sâu những chuyên đề giáo lý liên quan đến mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, một mầu nhiệm trọng đại mà Dân Chúa, đặc biệt, các anh chị em Tân Tòng, vừa cử hành long trọng cách đây 6 tuần lễ dịp Đại lễ Phục Sinh.
Chúng ta có thể tóm tắt các chủ đề nhiệm huấn đó như sau:
– Cuộc tái sinh vào đời sống mới nhờ nhiệm tích Thánh Tẩy để trở thành công dân Nước Trời.
– Sự sống Thần linh được ban tặng và nuôi dưỡng nhờ bí tích Thánh Thể để liên kết mật thiết với Đức Kitô; và chính nhờ Người và qua Người mà chúng ta nhận biết Chúa Cha, tin tưởng vào Ngài và đến được với Ngài.
– Mối giây hiệp thông và tình bác ái huynh đệ, phục vụ trong một đàn chiên, một “Thân nho Giáo Hội” dưới quyền một Mục Tử nhân hiền là Đức Kitô Phục sinh đang hiện diện và đang sống.
Trong tuần Phục Sinh cuối cùng nầy, trước khi cử hành đại lễ Thăng Thiên và Hiện Xuống, sứ điệp Lời Chúa hôm nay tiếp tục “nhiệm huấn” chúng ta với chủ đề bí tích Thêm Sức và vai trò tác động của Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, để chúng ta trở nên những chứng nhân loan báo Tin Mừng Phục Sinh và ơn cứu độ cho thế giới.
Nếu đặt “sứ điệp về Đấng Bảo Trợ” nầy trong bối cảnh Tin Mừng Thánh Gioan, thì chúng ta nhận ra một dấu chỉ rất rõ, đó là: Trước khi hoàn tất những ngày ở trần gian, Đức Kitô chuẩn bị cho các Tông Đồ, cũng như cho Hội Thánh ngàn sau, giữ mối tương quan với Ngài qua một “sự hiện diện mới” là Chúa Thánh Thần mà Ngài đặt tên là Đấng Bảo Trợ.
Thật vậy, đời sống của Hội Thánh hôm nay, hay nội dung cốt lõi của sự thực hành đức tin của mỗi người chúng ta chính là sự hoạt động của Chúa Thánh Thần ; Ngài hướng dẫn, đốt nóng, tác động và qui tụ chúng ta trong Đấng Phục Sinh để thực thi Lời Chúa, nhất là thực hành Giới luật yêu thương của Ngài.
Để hiểu rõ vai trò cần thiết của Chúa Thánh Thần, của Đấng Bảo Trợ mà Tin Mừng hôm nay nhắm tới, thiết tưởng, chúng ta thử cùng hướng tầm nhìn về bối cảnh thế giới hôm qua cũng như hôm nay.
Trên mọi nẻo đường trần thế của kiếp nhân sinh muôn nơi và muôn thuở, luôn thấp thoáng những bóng dáng của khổ đau, tăm tối, thất vọng, u buồn; bóng dáng của những hình thái “địa ngục trần gian”. Thật vậy, địa ngục chẳng cần ở đâu xa ; người ta có thể gặp thấy nó ngay trên trần gian nầy nơi các nhà tù trên khắp thế giới (nhất là trong những trại tập trung của Đức Quốc xã hồi đệ nhị thế chiến, hay nơi những trại lưu đày ở Siberi thời Lê Nin). Địa ngục có khi hiện diện ngay trong những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ là nơi mà con người đối đãi với nhau chỉ là những thủ đoạn đê hèn của tranh giành quyền lực chính trị, của những mặc cả và âm mưu quái quỉ. Địa ngục cũng có thể hiện diện ngay trong những căn hộ hiền lành là nơi mà thay vì là mái ấm gia đình để nuôi lớn tình yêu, hạnh phúc, thủy chung…đã trở thành sào huyệt của phản bội, ngoại tình, phá thai, vô cảm…
Chẳng cần những cơn lũ chết người, những trận cuồng phong, sóng thần hay động đất kinh khiếp mới mang theo những địa ngục trần gian, mà chỉ cần những cái đầu ngông cuồng đồng bóng của những tay độc tài khát máu như Mao Trạch Đông, Hitler, Pônpốt … cũng đủ để đẩy bao nhiêu người vào trong địa ngục của chiến tranh, bom đạn, chết chóc, đói nghèo, thương tật…
Trong những ngày đại dịch Covid Vũ Hán dâng cao tới đĩnh điểm, nhiều thành phố, nhiều trung tâm, nhiều con đường, thậm chí nhiều nhà thờ…trên khắp thế giới cũng mang “dáng đứng” của “địa ngục trần gian”, khi ở những nơi đó sự sống gần như vắng bóng để nhường chỗ cho những cỗ quan tài chứa xác những nạn nhân của con virus Corona rất bé nhỏ nhưng kinh khiếp !
Đứng trước những “địa ngục trần gian” như thế, chúng ta, những người mang danh Kitô hữu, chúng ta sống và trả lời làm sao về niềm tin của chính mình ?
Trước hết, chúng ta thử trở về với “câu trả lời” của các Kitô hữu buổi đầu khai sinh Giáo Hội.
Đã có một thời, từng đoàn Kitô hữu bị ném cho thú dữ xé xác hay bị hành hình bằng mọi thứ hình khổ kinh khiếp khác nơi quảng trường địa ngục Côlôsêum. Đứng trước cơn bách hại tàn khốc của bạo chúa Nerô ngày xưa, Thánh Phêrô đã khuyên dạy các tín hữu thời ấy những lời mà chúng ta vừa nghe lại nơi Bài đọc 2 hôm nay như thế nầy: “anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Đức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em…”.
Và đây là câu trả lời của thế hệ Kitô hữu ban đầu đó: họ tiến ra pháp trường, đối diện với địa ngục mà họ vẫn hát ca với ánh mắt ngời sáng niềm tin yêu hy vọng, với nụ cười hân hoan thanh thản trên môi, như thể họ đang đi về thiên đàng. Dân Rôma ngạc nhiên, bạo chúa Nêrô ngỡ ngàng hét lên: Họ hát kìa – They are singing !
Làm sao họ có được niềm vui thanh thản như thế khi đang ở giữa hỏa ngục của khổ hình, đau đớn, tan nát xác thân ? Sức mạnh nào đã cho họ đứng vững trước một áp lực khủng khiếp như thế đè nặng trên chính cuộc sống ?
Thưa, đó chính là Đấng Bảo Trợ- Chúa Thánh Thần – Một hiện diện mới của Đức Kitô phục Sinh. Chắc chắn, nếu Chúa Kitô Phục Sinh không đồng hành với họ, nếu Chúa Thánh Thần không ở trong họ thì Giáo Hội không bao giờ có những vị thánh Tử Đạo được kính nhớ.
Và đó cũng chính là câu trả lời của chúng ta, những người Kitô hữu, cho những người “chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta” (BĐ 2) trong thế giới đầy lo âu, biến động hôm nay.
Vâng, chúng ta tin và hy vọng rằng, Thiên Chúa yêu thương và cứu độ chúng ta. Chúng ta tin rằng, đằng sau những cái giá của hy sinh và thập giá là Nước Trời, là hạnh phúc vĩnh cửu, là một Vương Quốc mà chỉ có những ai mang đôi mắt tâm linh đầy khiêm hạ hoán cải của người trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa mới kịp nhận ra. “Hôm nay nếu Ngài vào trong nước của Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúng ta tin vào lời Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Thầy không để anh em mồ côi đâu… Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. Vâng, Đấng Bảo Trợ ở với chúng ta để giúp chúng ta mỗi ngày “ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô” khi trung thành thực thi giới răn yêu thương là di chúc Ngài trối lại cho chúng ta: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em giữ các điều răn của Thầy”.
Và như thế, nhiệm tích Rửa Tội, Thêm Sức không chỉ khi được lãnh nhận một lần là đóng lại như một chuyện đã rồi, mà là một khai mở để tiếp nối con đường loan báo và làm chứng tá đức tin như phó tế Philipphê, các Tông đồ Phêrô, Gioan mà sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật: “Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Đức Kitô cho họ….Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ…hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần…Hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (BĐ 1). Ơn Thánh Thần mà các Kitô hữu ban đầu đã nhận lãnh đó để giúp họ viết lên những câu trả lời tuyệt đẹp cho thế giới, cho con người của thời đại họ, cũng chính là ơn Chúa Thánh Thần của mỗi người chúng ta hôm nay tiếp tục nhận lãnh qua hồng ân của bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể và bao nhiêu cơ hội khác để viết câu trả lời cho nhân loại hôm nay…
Nhờ tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ tràn vào lòng chúng ta biến cuộc sống chúng ta luôn giữ được gam màu hồng của tin yêu, gam màu xanh của hy vọng, giữa muôn vạn gam màu tối của gian truân và thử thách, của thất bại đắng cay, của vô ơn bội nghĩa, của đố kỵ bất công…Chính Đức Kitô đã biến “nỗi ô nhục thập giá thành phương thế cứu rỗi con người”; và hôm nay, Thánh Thần cũng sẽ làm cho phương cách ấy của Đức Kitô được tái diễn nơi thập giá cuộc đời của các Kitô hữu, để, như chứng từ bất diệt ngày nào của Thánh Phanxicô khó khăn: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…”
Và khi có được ngọn lửa Thánh Thần rực sáng trong tim, thì mỗi người Kitô hữu sẽ đủ can đảm và nghị lực, tình yêu và lòng quảng đại để: “Tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu…”
Phải chăng đó chính là những “câu trả lời hay nhất và chính xác nhất về niềm hy vọng của chúng ta”, nếu chúng ta bị chất vấn về niềm tin, về hy vọng của mình; mà dù không có ai chất vấn đi nữa, thì cuộc sống đức tin của người Kitô hữu phải luôn là một “thuyết minh sinh động” về Tin Mừng của Đức Kitô, về những “hoa trái của Chúa Thánh Thần”, như hàng hàng lớp những bài thuyết minh tuyệt vời trong suốt 2000 năm lịch sử của Hội Thánh từ các thế hệ đầu tiên như Phêrô, Gacôbê, Philipphê, Phaolô…cho đến những bài thuyết minh của thời đại hôm nay như Đức thánh GH Gioan-Phaolô II, Mẹ Têrêsa Calcutta, Vị Tôi Tớ Chúa Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận….Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau được đứng chung trong hàng ngũ của những người đó để viết tiếp câu trả lời về niềm hy vọng Kitô hữu, tiếp tục lời chứng sống động về tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Amen.
Trương Đình Hiền