CÂU TRẢ LỜI ĐI CÙNG NĂM THÁNG

Views: 89

(Chúa nhật 21 TN Năm B 2021)

            Trong chu kỳ Thường Niên Năm B, suốt 4 tuần Chúa Nhật 17,18,19, 20, phụng vụ chọn đọc trích đoạn Chương 6 của Tin Mừng Gioan; và chủ đề trọng tâm được giới thiệu cho chúng ta đó là “Bánh Hằng Sống”. Đối với độc giả thời Chúa Giêsu hay với các tín hữu Kitô thời Tông Đồ Gioan, chủ đề “Bánh Hằng Sống” chính là “chiếc cầu mạc khải” dẫn đến trung tâm của mầu nhiệm Đấng Cứu Độ là chính Đức Kitô.

            Chúa Nhật hôm nay (21 TN B) phụng vụ trích đọc “đoạn kết của Chương 6” (Ga 6,60-70). Trong ngữ cảnh Tin Mừng, có thể nói được, đây là một “bài thu hoạch”, một “bài lượng giá” hay “trắc nghiệm” về thái độ tin nhận, hiểu biết của thính giả đối với chủ đề “lạ lẫm”, nếu không nói là “nhạy cảm” nầy: “Bánh Hằng sống từ trời xuống” ! Và một kết quả nói được là “khá ảm đạm”: không chỉ đám đông chẳng hâm mộ gì mà cho tới các môn đệ, một số đông đã bực bội phát biểu và quay lưng: “Lời nầy chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?”…Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa !

            Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu gặp phản ứng không thuận lợi về việc rao giảng Tin Mừng, nếu không nói là “thất bại”. Chúng ta còn nhớ: khi Chúa Giêsu công bố và chú giải chủ đề “Đấng Mêsia được Thần Khí xức dầu” của sách ngôn sứ Isaia nơi hội đường Nadarét, Ngài đã nhận một “thất bại khá thê thảm”: bị dân Nadarét tẩy chay đến độ muốn “xô Ngài xuống vực” để thủ tiêu cho bỏ ghét (Lc 4,16-30). Hôm nay, nơi hội đường Capharnum nầy, cũng một “kết quả tương tự”: thất bại; nếu có khá hơn, thì đó là dân Capharnum không “manh động” kiểu “khủng bố” như dân Nadarét ! Nhưng cũng thật “đau” là ở đây, Chúa Giêsu đã “thất bại nơi chính hàng ngũ môn sinh” của mình: Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” (…). Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa.

            Nếu đặt “sự cố bị tẩy chay” của Chúa Giêsu trong “Lịch sử cứu rỗi”, chúng ta sẽ không lấy làm lạ: các ngôn sứ và sứ điệp của các ngài chẳng những không được đón nhận mà còn bị mưu hại, chế giễu, xua đuổi… là chuyện thường:

– Dân miền Bắc Israel xua đuổi ngôn sứ Amốt: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm!…” (Am 7,12).

– Trong khi đó Giêrêmia bị dân hè nhau mưu hại (Gr 18,18) đến nỗi ngài đã than thở: “… Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, … Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày…” (Gr 20,7-8).

            Và xét cho cùng, không phải cách đây 2000 năm, Chúa Giêsu mới phải gặp sự thất bại nầy khi trình bày các chân lý cao sâu mầu nhiệm, nhất là “Mầu Nhiệm Thánh Thể” ! Ngài vẫn thất bại dài dài trong lịch sử 2000 năm nay; thất bại mọi nơi, mọi thời, qua Hiền Thê của Ngài là Hội Thánh, Thân Thể huyền nhiệm của Ngài, đang tiếp nối, không chỉ bằng lời rao giảng về “Bánh Hằng Sống” mà còn cử hành “Mầu Nhiệm Thánh Thể” để làm cho Ngài hiện hữu mãi trong thời gian.

            Thật vậy, ngay từ thuở ban đầu, dân Rôma đã từng kết án và bài xích Kitô giáo tập trung trong 3 điều cơ bản mà trong đó có hai điều liên quan đến Thánh Thể: “Có 3 lời vu khống chính yếu nhất được lưu truyền chống người kitô hữu: (a). Kitô hữu là người vô thần, vì không tham dự các tế tự thờ thần cổ truyền, không dự vào nghi thức tôn thờ Hoàng Đế và phượng tự của các tôn giáo Đông Phương. (b). Kitô hữu vô luân, tụ tập lại trong các bữa ăn tối chính là để truy hoan, làm những hành vi đồi bại. (c). Kitô hữu ăn thịt người, tức ăn thịt và uống máu trẻ bị giết để tế lễ. Các vu khống trên được loan truyền rộng rãi ; vì thế người kitô hữu bị chê bai là mê tín, cứng đầu, bị khinh bỉ trong một thời gian dài”[1].

            Riêng tại Việt Nam chúng ta, trong thời bách hại đạo, bí tích Thánh Thể cũng là một ý do để các quan chức triều đình tra khảo, bài xích, chế nhạo; như câu chuyện về cuộc tử dạo của thánh Marchand Du: Ngày 30-11-1835, trước khi hành hình cha Marchand Du, tại toà Tam Pháp, ngài bị quan án hỏi:

– Khi làm yến tiệc trong nhà thờ, bay làm sự gì quái gở lắm phải không?

– Không, chẳng có gì quái gở – cha trả lời.

– Vậy tại sao có thứ bánh dùng làm bùa mê, thuốc lú để phát cho những đứa đã xưng tội mà chúng mê đạo đến thế![2].

            Chúng ta cũng không quên về câu chuyện “Tử đạo vì 32 Tấm Bánh Thánh Thể của một em bé Trung Quốc thời Trung Cọng mới nắm quyền”[3] được Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen kể lại và ngài trân trọng coi đó như là một chứng từ thôi thúc ngài mến yêu tôn thờ Thánh Thể.

            Ngày nay, trong bối cảnh tục hoá đang lan tràn khắp nơi, “Bánh Thánh Thể và Lời Chúa” cũng chẳng còn sức hấp dẫn gì nữa nơi rất nhiều cộng đoàn tín hữu. Người ta bảo, bên Âu Mỹ, nhà thờ ngày Chúa Nhật vẫn trống trơn, trong khi bãi biển thì đầy người. Giới trẻ đua nhau tụ lại để nghe các chương trình ca nhạc, bóng đá… còn tòa giảng Lời Chúa và bàn thờ Thánh Thể thì quạnh hiu… Vâng, bây giờ người ta cũng đang rút lui, không còn theo Người nữa, không còn nghe Giáo Hội nữa, không còn tha thiết với lương thực trường sinh là “Bánh Thánh Thể” và “Bánh Lời Chúa”.

            Nói cách khác: tin và theo Đức Kitô luôn luôn mà một thách đố lớn lao ! Và đứng trước thực trạng nầy, đức tin luôn đòi hỏi chúng ta cần “làm mới’ lại câu trả lời trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”

            Nhưng, để trả lời câu hỏi đó, Lời Chúa muốn giới thiệu cho chúng ta một kinh nghiệm của thời Cựu Ước: câu trả lời trước là của vị lãnh đạo Giosuê và tiếp sau là của tập thể dân Ít-ra-en ngay ngưỡng cửa tiến vào hứa địa; một câu trả lời đã định hình cho toàn bộ niềm tin của Dân Chúa thời Cựu ước mà vẫn còn giá trị và mô hình mẫu cho tất cả chúng ta hôm nay: “Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa”… “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi nhà nô lệ…”.

            Phải chăng đây chính là “câu trả lời” đã làm nên “kỳ tích Do Thái”, một dân tộc bé nhỏ bên bờ Địa Trung Hải, đã bị xoá sổ, xâm lăng, bình địa, lưu đày… không biết bao nhiêu lần, nhưng vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ cho đến mãi hôm nay ! Câu trả lời của một niềm “xác tín vào Thiên Chúa”.

            Xuyên qua câu trả lời của dân Cựu ước, chúng ta lại thấy sáng lên câu trả lời của Phêrô: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”. Từ câu trả lời nầy, chúng ta lại thấy vang vọng những câu trả lời của dân Tân ước, những câu trả lời không phải bằng lời mà qua những chứng từ sống động của niềm tin yêu, trông cậy, phó thác vào một Đấng hiện thân của quyền năng và tình thương:

– Đó là câu trả lời của những người như: Người phụ nữ chạm vào gấu áo đã khỏi bệnh, anh mù Báctimê nhảy chồm lên, được sáng và tiến trên con đường mới, kẻ què nhảy cửng lên như nai, những kẻ phung hủi bị đọa đầy cách ly ngoài hoang mạc trở về sống kiếp con người

– Đó cũng là câu trả lời của những người như: Giakê, Matthêu, người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacob, cô Maria “tai tiếng trong thành” khóc lóc xức dầu thơm …, tất cả đứng lên làm lại cuộc đời; hay cả những người như tên trộm bị đóng đinh bên hữu, cho tới giây phút cúi đời bỗng dưng “hoán cải, tin nhận…” để sớm nhận được câu trả lời “Hôm nay anh sẽ trên thiên đàng với Ta” !

            Và suốt 2000 năm nay, có hàng hàng lớp người nhờ “hiện thực hóa câu trả lời của Phêrô” trong đời sống, trong niềm tin và hy vọng, mà tìm được con đường sống đích thực, tìm được ý nghĩa cho cuộc đời, tìm được hạnh phúc vĩnh hằng. Cho nên, đó không chỉ giản đơn là “một câu trả lời”, mà là một tuyên xưng niềm tin, một xác tín, một niềm hy vọng ngút ngàn, một tiếng kêu òa vỡ của hạnh phúc và niềm vui khi chợt khám phá ra “Nước Trời đang đến”, ơn cứu độ đã được trao ban, Thiên Chúa đã nhập thể và đang đồng hành cùng nhân loại, Đấng Thánh của Thiên Chúa chấp nhận chia sẻ kiếp phàm nhân tội lỗi đớn hèn… Đúng là một “câu trả lời đã đi cùng năm tháng” !

            Hơn lúc nào hết, trước một thế giới hoang mang, lo sợ vì đại dịch Covid, vì bao lạc thuyết lung lạc niềm tin, vì bao thứ “bánh vẽ vật chất” cám dỗ mời chào…, người tín hữu hôm nay cần củng cố niềm tin vào chính Đức Kitô đang hiện diện qua Thánh Thể và Lời Chúa trong Giáo Hội; đặc biệt, qua chính Bàn Tiệc mà chúng ta đang cử hành. Quả thật, Đức Kitô không ở đâu xa; Ngài đang ở đây giữa lòng Hội Thánh, như một “Phu Quân” đang yêu thương và chăm sóc “Hiền Thê” (Bđ 2). Amen.

Trương Đình Hiền


[1] LM. MICAE TRẦN ĐÌNH QUẢNG, Lược sử Giáo Hội Công Giáo, website http://giaophanthanhhoa.net/giao-su/luoc-su-giao-hoi-cong-giao-12527.html.

[2] HÀNH KHẤT KITO, Các Thánh Tử đạo Việt Nam và Bí tích Thánh Thể, website http://daminhrosalima.net/loi-chua—hang-ngay/cac-thanh-tu-dao-viet-nam-va-bi-tich-thanh-the-18859.html.

[3] NGUYỄN TÙNG LÂM, Tử đạo vì Mình Thánh Chúa, website https://www.cddunglac.com/thongtin/275/