Views: 10
(CN 4 MC năm C 2025)
Hình ảnh ấn tượng nhất của Tin Mừng về “tội nhân sám hối”, theo tôi, đó là chân dung anh chàng thu thuế đứng cuối nhà thờ, cúi đầu đấm ngực với lời cầu nguyện khiêm nhượng thiết tha, như Tin Mừng Luca khắc họa: Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.(Lc 18,13).
Với những cụm từ mô tả tư thế “đứng xa xa”, “không dám ngước mắt lên trời”, quả thật, văn sĩ Luca đã lột tả quá thật, quá đúng chân dung của một người đang mang tội, đang có lỗi. Vâng, người tội lỗi, phần đông đều mang mặc cảm “bị ghẽ lạnh”, bị “loại trừ”, bị “kết án”… nên không dám “đến gần”, “không dám ngước mắt lên trời”!
Có lẽ không thiếu những lần chúng ta đã sống với tâm trạng: Thiên Chúa sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt nghiêm khắc của một quan tòa, Giáo Hội sẽ chờ đợi chúng ta như một nhà tù đang mở cửa. Tòa Giải Tội như một “vành móng ngựa” để chúng ta hết đường biện hộ cho những lỗi lầm yếu đuối của mình để chỉ còn lại một điều là cúi đầu nhận lãnh bản án trước những con mắt đố kỵ của những Kitô hữu đạo đức thánh thiện đang bao quanh… Và vì cảm nhận đức tin theo chiều hướng tiêu cực và sai lầm như thế, nên không ít người đã quay lưng lại với Thiên Chúa, là Cha yêu thương; đã xa lìa mái nhà Giáo Hội là nơi để được băng bó chữa lành; đã đố kỵ và sợ hãi Tòa Giải Tội là địa chỉ thân thương để tìm lại tình yêu và niềm hy vọng…
Sứ điệp Lời Chúa của Phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật được mệnh danh là “Chúa Nhật Hồng” (Vì hôm nay chủ tế được phép mặc lễ phục màu hồng), muốn gợi lên trong cõi lòng tín hữu chúng ta niềm “hy vọng sám hối”; đó là niềm “hy vọng giã từ cuộc sống cũ”, “nếp suy nghĩ cũ”, “mặc cảm tội lỗi cũ”, và cả “quan niệm sai lạc về một Thiên Chúa”… để bắt đầu một cuộc sống mới, một trái tim mới, một đôi mắt mới, với trang phục mới… mà “sắc hồng phụng vụ” như là một dấu chỉ đầy ý nghĩa.
Thật vậy, Bài đọc 1 với sách Giosuê đã nói với chúng ta rằng: đã qua rồi một thời “nô lệ”; và cũng qua rồi cuộc trường hành “vượt qua với 40 năm chay tịnh thời hoang mạc”. Dân Israel họp nhau vui mừng cử hành cuộc Tạ ơn đầu tiên nơi vùng “Đất hứa”. Thiên Chúa đã long trong tuyên bố cùng thủ lãnh Giosuê: “Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!”. Vâng, cuộc đời mỗi người chúng ta ai lại đã không vướng vào một thời “dơ nhớp Ai Cập”, một thời “nô lệ cho nồi thịt và củ hành củ tỏi của kiếp sống làm tôi mọi” cho quyền lực của thế gian, ma quỷ, xác thịt! Hôm nay, với Chúa Nhật Hồng này, Lời Chúa muốn chúng ta hoan ca tạ ơn bằng “chiếc áo hồng” tinh tươm rạng rỡ của những con người được giải thoát, những kẻ tự do, những công dân của một “vùng đất mới”!
Kinh nghiệm vượt qua “chiếc áo dơ nhớp của Ai Cập” thời dân Israel tiến vào hứa địa, cũng là kinh nghiệm của người con hoang trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” của Tin Mừng Luca vừa được công bố: Và nó đã đứng dậy đi về cùng cha nó! Chính thái độ dứt khoát “đứng dậy đi về” của người con hoang đã gói ghém một sứ điệp không thể nào hay hơn, ý nghĩa hơn: Sám hối, hoán cải đó chính là “dám tin vào tình thương của Thiên Chúa để bắt đầu lại”!
Vâng, dám tin vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa, đôi khi, giống như một “cú liều”. Liều như “người con hoang” chỉ hy vọng nhỏ nhoi sẽ được một vị trí thấp hèn của tôi tớ, với chút canh cặn cơm thừa được người thân trong gia đình bố thí cho kẻ đã tàn đời rách nát thảm thương! Thế nhưng mọi sự đã diễn tiến ngoài dự liệu. Tình thương bao dung của người Cha đã lột bỏ đi mọi thứ cũ nát, nhàu rách của quá khứ để mặc lại cho người con hoang chiếc áo mới tinh tươm, đôi giày mới láng bóng! Và thay vì đi vào góc nhỏ tối tắm để hẩm hiu với bữa cơm của thân phận tôi đòi, đã được dìu vào bàn tiệc để đĩnh đạc chén tạc chén thù cùng cha như đứa con yêu của giây phút trùng phùng tao ngộ!
Điều đó cũng chẳng khác nào sự ngỡ ngàng choáng ngợp của chàng hôn phu vừa từ giã chốn tội tù, khi nhìn thấy “chẳng phải một dãi ruban tha thứ và đón nhận của hôn thê trên cây sồi đầu xóm mà là một rừng ruban phủ kín cây sồi”[1]. Nhưng tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta sẽ còn nhiều hơn thế nữa.
Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay thật là thích hợp, trước hết, là dành cho các anh chị em dự tòng sắp Nhập Đạo: Anh chị không thể cù cưa giữ lại “chiếc áo dơ nhớp Ai Cập” là những thói tục, nếp nghĩ, tâm thức của những ngày còn trong cõi “mông lung ngoại giáo”; mà nhất quyết, phải mạnh mẽ, can đảm đứng lên tiến về phía trước, nơi “mái nhà Hội Thánh”, nơi “vòng tay Thiên Chúa” đang mở rộng đón chờ trong bữa “Đại Tiệc Phục Sinh”, bữa đại tiệc của mái nhà Cha có thêm những người con mới!
Riêng với chúng ta, những người Kitô hữu mang danh “đạo gốc”, “đạo dòng”, sứ điệp Lời Chúa hôm nay lại càng cấp thiết hơn. Bởi lẽ, đã chắc gì chúng ta là “những đứa con ngoan vì luôn ở trong mái nhà Cha?”. Có những “cuộc đi hoang” âm thầm, trơ trẻn mang “lớp áo loè loẹt” nhưng đầy “dơ nhớp Ai Cập” của kiêu căng giả hình, của hẹp hòi đố kỵ, của keo kiệt ích kỷ, của bất chính mánh mung…! Chẳng khác nào “thái độ chãnh chẹ, tự hào của người con cả”, sống thường xuyên bên cạnh cha như “một cái xác không hồn”!
Và như thế, lời hiệu triệu tha thiết của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Côrintô nơi Bài đọc 2 sẽ mãi mãi không bao giờ lạc lõng, dư thừa, nhưng luôn luôn thích đáng để chúng ta cùng lắng nghe và hưởng ứng, không phải chỉ hôm nay, trong Mùa Chay nầy, trong Chúa Nhật Hồng này, mà phải là mọi ngày, mọi giây phút trên mọi nẻo đường cuộc sống: “Vì Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hòa với Thiên Chúa”.
Nhưng trên hết, ở đây, trong ngôi thánh đường là “Nhà Cha” đầy thân thương này, Đức Kitô cũng đang mở đại tiệc, không phải bằng rượu ngon bê béo, mà là chính Máu Thịt Người để dành cho hết thảy chúng ta. Ngại ngùng chi nữa khi tất cả chúng ta đều nhất quyết vào đây bằng một trái tim mới, một tâm hồn mới, và chiếc áo mới màu hồng mang tên “Metanoia” hay “trở về”, “hoán cải”.
Trương Đình Hiền
[1] Câu chuyện có thật tại thành phố White Oak, tiểu bang Georgia của Mỹ, năm 1971,và sau đó 1 năm, 1972, 2 nhạc sĩ Irwin Levine và Larry đã viết ca khúc kể lại câu chuyện nầy với tựa đề: “Tie an yellow ribbon round the old oak tree” (Hãy buộc một dãi ru-băng màu vàng lên cây sồi già).