Views: 2
(Lễ Giáng Sinh ban ngày 2024)
Dẫn nhập đầu lễ: Cộng đoàn thân mến,
Tin Mừng, niềm vui đó chính là sứ điệp trung tâm của Mầu Nhiệm Giáng Sinh như lời Thánh Lêô Cả trong BĐ II Kinh Sách lễ Giáng Sinh hôm nay đã nhấn mạnh trằng: “Hôm nay Đấng Cứu Độ chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện. Ngày kỷ niệm nầy phá tan sự sợ hãi trước cái chết và ban cho chúng ta niềm hân hoan được sống đời đời” (Bài đọc 2 Giờ Kinh Sách Lễ Giáng Sinh”.
Giờ đây, để xứng đáng lãnh nhận niềm vui của ơn cứu độ, niềm vui thánh thiện của mầu nhiệm Giáng Sinh, xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh, chúng ta hãy thú nhận tội lỗi.
Chia sẻ Lời Chúa: Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Khi Thánh Lêo Cả nói với chúng ta rằng: “Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện” chắc chắn ngài muốn chúng tìm thấy những lý do đích thực để chúng ta vui khi cử hành mầu nhiệm Nhập thể-Giáng Sinh. Và đây, phải chăng là những lý do…
Trước hết, Nhập Thể đó là “Một tình yêu hành động”:
Như chúng ta đã chia sẻ với nhau trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh, sứ điệp căn bản của mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người đó chính Tin Mừng bình an, Tin Mừng yêu thương. Thế nhưng đó không là một Tin Mừng chỉ bằng lời suông mà là một hiện thực, một dấn thân, một hành động. Cũng chính trong ý nghĩa “Lời Hành Động” đó mà các Bài đọc Lời Chúa được công bố trong phụng vụ Thánh lễ Ban ngày hôm nay đều đồng thanh diễn tả tính cách năng động của “Lời”: Bài đọc 1: Sứ ngôn Isaia đã diển tả: “Ðẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị! … Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem…”. Trong khi đó, bài đọc 2 thư Do Thái lại trình bày : Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ …”. Riêng Thánh Gioan trong bài Tựa Tin Mừng của Ngài đã khẳng định một cách rõ ràng như một câu định nghĩa: “Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa… Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi…”.
Vâng, Thiên Chúa Nhập Thể Giáng Sinh chính là một Tin Mừng, một tình yêu hành động, một tình yêu không dừng lại ở một lời nói suông mà một “LỜI ĐÃ HÓA THÀNH NHỤC THỂ”.
Nếu Thiên Chúa trong lịch sử đợi chờ đã nhiều lần can thiệp, nhiều lúc hành động để cứu dân qua những điềm thiêng dấu lạ, thì đã đến lúc, Thiên Chúa xuất hiện, Thiên Chúa dấn thân, Thiên Chúa biểu lộ chính bản thân Ngài, chính cuộc sống Ngài, chính trái tim của Ngài, chính nỗi đau và cái chết, chính sự sống lại vinh quang của Ngài. Thánh Gioan đã cảm nhận đuợc chân lý nầy khi Ngài viết lại trong thư thứ nhất của Ngài: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã được nghe, điều chính mắt chúng tôi đã được thấy và chiêm ngưỡng, điều chính tay chúng tôi đã được chạm đến, đó là lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã xuất hiện chúng tôi đã nhìn thấy và xin làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời : sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay xuất hiện cho chúng tôi” (1 Ga 1,1-2).
Như vậy, tin nhận mầu nhiệm Nhập Thể – Giáng Sinh, đón nhận Con Chúa xuống thế làm người đối với chúng ta hôm nay đó là chấp nhận sự can thiệp của Thiên Chúa trong mọi biến cố của đời mình; là đón nhận sự hiện diện và hoạt động của Chúa Kitô trong giữa lòng cuộc sống. Và như thế, cho dù mùa Phụng vụ Giáng Sinh có qua đi, cho dù những biểu hiện Giáng Sinh bên ngoài bị xóa bỏ… thì trên mỗi chặng đường của cuộc sống, đức tin của chúng ta vẫn là sự bắt đầu mới mẻ, việc sống đạo của chúng ta, việc thực hành ơn gọi Kitô hữu của chúng ta lại là một cuộc lên đường. Vâng mầu nhiệm Giáng Sinh đang gọi mời chúng ta tiến bước vào cuộc hành hương hy vọng của Năm Thánh 2025!
Và cái lý do thứ hai để chúng ta vui khi cử hành mầu nhiệm Nhập thể – Giáng sinh đó chính là:
Nhập Thể: Một tình yêu sẵn sàng tự hủy
Chính Đức Kitô đã khẳng quyết: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Và chính Đức Kitô đã hiện thực hóa lời khẳng quyết đó bằng chính cái chết tủi nhục trên thập giá.
Nhập Thể – Giáng Sinh đó chính là tình yêu lớn nhất, tình yêu trên mọi tình yêu. Tình yêu của Đấng tự xóa bỏ tước phận Thiên Chúa cao sang để hạ cố mang phận bạc con người (Pl 2,6-7), “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8). Và để cắt nghĩa rõ hơn tư tưởng nầy, chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare (Tổ ấm) đã cầu nguyện với những lời thâm thúy:
Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.
Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.
Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên “dốt nát”.
Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người “tội lỗi”.
Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.
Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.
Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.
Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.
Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con (CNHV trg. 148-149
Ngày hôm nay chúng ta đang cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh – Nhập Thể cho dù với cung cách rực rỡ tráng lệ của hoa đèn ca nhạc đông vui mang tính lễ hội, thì điểm đến, tiêu đích cuối cùng vẫn chỉ là: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta” (Ca Nhập Lễ); là một Em bé Giêsu yếu ớt nằm trong máng chiên lừa, một chàng thanh niên thợ mộc Giêsu con bác mộc Giuse ở làng quê Nadarét, một Thầy Giêsu đi chân trần nghèo nàn, đói mệt trên những nẻo đường cát bụi xứ Gaililê, Samari, Giuđêa… đến độ “không có chỗ dựa đầu” (Lc 9,58), đến nỗi, trở nên một tử tội bị kết án đóng đinh thập giá giữa hai tên trộm cướp…; và hôm nay trên bàn thờ nầy, Đấng Emmanuel đó là chính Chúa Kitô chấp nhận làm “tấm bánh ly rượu” để rở nên máu thịt nuôi sống muôn người.
Noi theo cách hành động của Thiên Chúa, chúng ta sống mầu nhiệm Nhập Thể – Giáng Sinh giữa đời thường hôm nay đó là biết không ngừng tự xóa mình đi, là biết không ngừng thực thi ý Chúa cho dù trăm đắng nghìn cay; là biết khiêm tốn quỳ xuống để rửa chân cho nhau và cho anh chị em mình cho dù phải hy sinh và tủi nhục; là trung thành từng ngày với lý tưởng Phúc âm, lý tưởng “Tám mối phúc thật” cho dù phải dập vùi thử thách; là can đảm thực hành Lời Chúa trong từng nghĩa cử nhỏ nhoi, là chấp nhận đoạn tuyệt để hoán cải trở về cho dù con tim tan nát… Sống mầu nhiệm Giáng Sinh – Nhập Thể hôm nay là biết mỉm cười chấp nhận cái tối tăm vất vả của đời sống…; là vất vả khổ nghèo nhưng vẫn sáng lên niềm tin yêu hy vọng; là sẵn sàng dấn thân vào giữa chốn chợ đời đầy bon chen ích kỷ, nhưng vẫn sáng lên sự liêm khiết của Phúc âm và lý tưởng tông đồ; là không nản lòng bỏ cuộc trước thất bại hay trước những đố kỵ, khinh thường; không sợ hãi thất vọng khi đương đầu với hiểm nguy, bách hại, và cả cái chết …
Hôm nay lời của ngôn sứ Isaia nói với chúng ta rằng: “Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về.” Vâng, hôm nay Chúa đang trở về không phải chỉ với những biểu tượng, hình ảnh nơi hang đá máng cỏ kia… mà Ngài thật đang trở về giữa chúng ta trong Thánh lễ nầy, trong Mình Máu là quà tặng tuyệt vời sâu thẳm ban tặng cho chúng ta. Chúa đang trở về! Lạy Đấng Emmanuel, Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ở lại với chúng con. Amen.
Trương Đình Hiền