“CHÚA ĐÓ” VÀ “BỮA ĐIỂM TÂM PHỤC SINH”

Views: 5

(Chúa Nhật 3 PS năm C 2025)

            Theo dấu chỉ của các Tin Mừng về sự kiện Lễ Vượt Qua Do Thái giáo năm 33 của thế kỷ thứ nhất, chúng ta gần như tìm thấy những người với những thái độ khác nhau: Philatô và quan chức đế quốc Rôma, các lãnh đạo Do thái giáo, nhóm Luật sĩ và Biệt Phái, nhóm Sađukêô và triều đình bù nhìn Hêrô đê, bè lũ của tên tội phạm Baraba… tất cả đều bằng lòng nếu không nói là mừng vui, mãn nguyện vì vừa “giải quyết dứt điểm” vụ án Giêsu, dẹp tan cái gai “phản động tôn giáo” có nguy cơ gieo mầm “phản động chính trị” mang tên “Giêsu người Nadarét” mà bản án tử hình “đóng đinh thập giá” là một đòn chí mạng. Trong khi đó, “Nhóm Mười Hai Tông Đồ”, nhóm phụ nữ đạo đức đi theo hỗ trợ, những người đã từng lãnh nhận phép lạ từ bàn tay và trái tim trắc ẩn yêu thương của Chúa Giêsu… tất cả như “rơi vào nỗi thất vọng ê chề”! Bao nhiêu hy vọng về một “Vương quốc Nước Trời” mà Thầy Giêsu đến từ Nadarét đã tuyên cáo thiết lập ngay từ lúc xuất hiện công khai rao giảng Tin Mừng, thì kể từ buổi “Chiều Thứ Sáu oan nghiệt” đã tan thành mây khói! Và sau đó chuyện gì đã xảy ra?

            Theo kinh nghiệm thường tình của kiếp nhân sinh: sau những đỗ vỡ tang thương mất mát, con người thường hay trở về “lối cũ đường xưa” để tìm lại những hình bóng cũ, những gương mặt xưa, những kỷ niệm đã một thời ghi dấu ấn, như cách cảm nhận của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Đêm nay hòa bình”: Ðêm nay hòa bình tôi muốn đi. Tìm thấy em thơ trong nụ cười của chị. Tìm thấy me xưa trên môi nín của cha. Tìm gặp tên anh trong tình người vợ góa. Tìm thấy bạn bè trong nỗi nhớ của ta….

            Trong biến cố “Khổ nạn” của Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng cũng kể cho chúng ta những kinh nghiệm như thế. Thật vậy, “Nhóm Mười Hai”, sau những “sự cố đầy hổ thẹn” trong cuộc Thương khó của Thầy Giêsu: Giuđa bội phản, Phêrô chối Thầy, các môn đồ khác tháo chạy tứ tán từ cái đêm nơi vườn Cây Dầu… tất cả như “rắn mất đầu”, thất điên bát đảo; kẻ thì co cụm đóng cửa ở yên trong nhà; kẻ thì chán nãn trở về quê cũ tận làng Emmau; một nhóm khác ngược về phương Bắc nơi biển hồ Tibêriat để làm lại “nghề đánh cá xưa”, như Tin Mừng Gioan hôm nay kể lại: Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền.

Thế nhưng, cũng từ những “bước chân tìm về” những địa chỉ còn vương vấn dấu vết của Thầy như thế, họ đã gặp được Đấng Phục Sinh, họ đã được Thầy “khai thông trí hóa” và dẫn đưa vào chính điều cốt lõi của niềm tin Kitô giáo: Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Lời rao giảng nguyên thủy của các Tông Đồ (Kerygma) tựu trung chỉ là “làm chứng” về Đấng Phục Sinh, làm chứng về những cuộc gặp gỡ đó; một cuộc “Làm chứng” sẵn sàng được trả giá bằng tù tội, máu xương và nước mắt, như trích đoạn sách Tông Đồ Công vụ kể lại: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem …” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá … Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần …!” Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu.

Kitô giáo hay Hội Thánh Chúa Kitô đã xuất hiện trên trần gian bắt nguồn từ chính những “lời chứng” đó! Đặc biệt, trích đoạn Tin Mừng Gioan hôm nay gần như đã phác thảo những nét chính yếu về “mô hình mẫu của Hội Thánh” này với các chiều kích căn bản sau:

– Đó là Hội Thánh phải mang “thương hiệu” “Con thuyền Phêrô”: Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Một Hội Thánh không có Phêrô là “thuyền trưởng” như Đức Kitô đã thiết đặt sẽ không là Hội Thánh đích thực trong chương trình của Thiên Chúa: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18). Phải chăng, trong chính trong ý nghĩa này mà thế giới mới hiểu được phần nào cái lý do khiến cuộc tang lễ của Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô vừa diễn ra đã được cả thế giới ngưỡng mộ!

– Đó là Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng là các “Tông Đồ” và tính “Hiệp hành”: Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Hình ảnh các Tông Đồ cùng đi với nhau trên một chiếc thuyền, thuyền Phêrô, đã làm rõ nét chiều kích Tông Truyền (Apostolicity) và Hiệp hành (Synodality) của Giáo Hội. Khi nào Giáo Hội tự đánh mất hai chiều kích cơ bản này là Giáo Hội phản bội chính mình và bất trung với chính Đấng Sáng lập! Chúng ta chỉ thuộc về Hội Thánh Chúa Kitô khi chúng ta đón nhận và thực thi Giáo lý Tông truyền và luôn “hiệp hành” với nhau trong mọi nhịp sống đức tin!

– Đó là Hội Thánh được sai đi để loan báo Tin Mừng, chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa. Một Hội Thánh mà bản chất là Truyền Giáo: Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Một Hội Thánh không “đi ra”, không “chèo ra chỗ nước sâu”, theo ngôn ngữ của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, là một “Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hảm” (EG 49) và những thành viên của Hội Thánh đó chỉ là “những kẻ đưa đám” (EG 10) hay là “những xác ướp trong viện bảo tàng” (EG 83)…

– Một Hội Thánh truyệt đối trung thành với Lời của Đức Kitô Phục sinh; vì chỉ có thế, Hội Thánh mới hoàn thành sứ mệnh; mới thành công trong công cuộc loan báo Tin Mừng: Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh: có những thời điểm Hội Thánh đã thất bại thê thảm trong công cuộc truyền giáo vì Hội Thánh đã không nghiêm túc thực hành Lời Đức Kitô mà lựa chọn các phương thế trần tục!

– Một Hội Thánh luôn quy tụ chung quanh Đức Kitô Phục Sinh để cùng với Ngài cử hành Thánh Thể: Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”… Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ… Một Hội Thánh không có Bàn Tiệc Thánh Thể là tâm điểm quy tụ chỉ còn là một “hợp tác xả”, một “công ty, hay tập đoàn kinh tế làm ăn, một tổ chức nghiệp đoàn hay đảng phái chính trị…

            Chiều hôm nay, cộng đoàn chúng ta cũng đang tái diễn một lần nữa cuộc gặp gỡ hi hữu mang chiều kích “Hội Thánh” với Đấng Phục Sinh nơi Bàn Tiệc Thánh Thể này. Một lần nữa, qua đức tin Tông truyền, qua lời ca kinh và khẩn nguyện của Phụng vụ, chúng ta lặp lại lời vinh chúc của các thiên thần trong thị kiến của Thánh Gioan: “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng”.

            Thế nhưng, để có được niềm xác tín về sự hiện diện của Đấng Phục sinh trong một xã hội mà cuộc sống bon chen và đầy cám dỗ của hưởng thụ vật chất, của những giá trị phàm tục…, chúng ta cần:

– Trước hết: có đôi mắt nhanh nhạy luôn nhận ra Đức Kitô Phục Sinh như Thánh Gioan: Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Ngày nào chúng ta còn nhìn thấy và cảm nhận “Chúa đó” trong cuộc đời mình, trong anh em mình, trong môi trường mục vụ của mình đó chính là ngày hạnh phúc và thành công.

– Thứ hai: có câu trả lời dứt khoát với Chúa của thánh Phêrô: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Vâng, khi nào chúng ta ý thức thân phận mỏng dòn yếu đuối, biết khiêm nhượng nài xin lòng thương xót tha thứ và đáp trả bằng tình yêu, chắc chắn cuộc đời sẽ hạnh phúc và mang về cho Chúa những hoa quả tốt lành.

            Sau hết, chúng ta đừng quên, nếu cuộc sống có phải trải qua những “ngày thứ Sáu khổ nạn”, nếu cuộc đời có phải chịu đựng những “đêm dài thất bại, bụng đói meo không được con cá nào”… thì hãy vững tin rằng, không chỉ chiều hôm nay mới có một bàn Tiệc Thánh dành cho chúng ta, mà mỗi buổi sáng trong đời, Chúa Kitô Phục Sinh vẫn có mặt trên “bến bờ cuộc sống” để chuẩn bị một bữa điểm tâm nóng hổi: Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Điều còn lại cuối cùng chính là tia nhìn của Thánh Gioan để cảm nhận và xác tín “CHÚA ĐÓ”. Vâng, chính “Chúa đó”, chính Đức Kitô Phục sinh chứ không một ai khác, một thần tượng giả trá nào khác!

Trương Đình Hiền