CHÚNG TA KHÔNG THỂ ĐỨNG BÊN LỀ

Views: 56

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM A

                Chúa Nhật II Mùa Chay, sứ điệp Lời Chúa vọng lại giữa cộng đoàn chúng ta hôm nay đó chính là “tiếng gọi mời hãy lên cao và hãy đi xa”. Lên cao như Đức Kitô đưa các Tông đồ lên núi cao  để Ngài biến hình rạng rỡ ; đi xa như tổ phụ Áp-ra-ham bỏ quê cha đất tổ để theo tiếng gọi vô hình tiến về hứa địa.

                Cuộc hành trình Mùa Chay hôm nay của Dân Chúa hay cuộc hành trình đức tin của các anh chị em dự tòng và của mỗi người chúng ta, phải chăng cũng chính là cuộc nỗ lực phấn đấu để mỗi ngày “lên cao và đi xa” trước lời Chúa mời gọi, trước những đòi hỏi của Tin Mừng, trước những thách đố của Thập giá.               

  1. Tội lỗi làm biến dạng khuôn mặt mỹ miều của nhân loại:

                Ngay từ buổi đầu sáng tạo, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng sang. Con người sáng ngời ảnh hình của Thiên Chúa và vũ trụ là một “vườn địa đàng” xinh tươi với bốn mùa rạng rỡ. Nhưng ác thần đã len lỏi phá đám khi lợi dụng cái tự do, một đặc ân tuyệt hảo Chúa trao tặng cho con người, để gieo hạt mầm sự tội, sự ác. Và sau đó, khuôn mặt mĩ miều của nhân loại đã biến dạng, nhường chỗ cho một thân phận loài người “dơ dáng dị hình” đến đổi phải “bứt lá che thân” và “lũi trốn” nơi bụi bờ hang hốc…

                Tội lỗi không chỉ làm biến dạng bên ngoài hình hài thể lý con người với “sinh lão bệnh tử”, với bao nỗi vất vả nhọc nhằn hằn sâu trên gương mặt, với những thân xác tứ chi gớm ghê, dị hình của muôn thứ bệnh nan y như lao, phong, cùi hủi…, mà tội lỗi còn làm “biến dạng khuôn mặt” tâm hồn của nhân loại, khi:

– thay vì nhân ái, yêu thương lại chỉ còn hận thù ghen ghét,

– thay vì quảng đại, vị tha chỉ còn hẹp hòi ích kỷ

– thay vì trong sạch, khiết trinh chỉ còn nhớp nhơ dục vọng

– thay vì công bằng liêm khiết chỉ còn xảo trá bất công

– thay vì hiệp thông liên đới chỉ còn chia rẽ phân ly…

                Như vậy, tiếng gọi “hoán cải của Mùa Chay” chưa bao giờ vô ích hay không hợp thời ; bởi chưng, có ai dám tự hào xác nhận rằng: khuôn mặt tâm hồn của chính mình chưa bao giờ méo mó, trầy trụa, thương tích…cần phải được “makeup”, phải được biến đổi !

  1. Lộ trình cứu độ hay những bước chuẩn bị để biến đổi và phục hồi:

Lời Chúa qua những trang đầu Thánh Kinh đã nhận định như thế về thân phận con người. Và cũng từ đó, Lời Chúa lại từng bước hé mở một “chương trình huyền nhiệm” để Thiên Chúa “phục hồi gương mặt mĩ miều cho nhân loại, để Thiên Chúa biến đổi thân phận “dơ dáng dị hợm” kia trở thành kiệt tác.

Dấu mốc khởi đầu cho chương trình cứu độ đặc biệt nầy đó lại là “tiếng gọi lên đường của cụ tổ Abraham” mà chúng ta vừa nghe trong trích đoạn sách Sáng Thế nơi Bài Đọc 1.

Đặt tin tưởng chắc chắn vào Lời Chúa, Áp-ra-ham lập tức đáp trả và lên đường, cho dù phải rời bỏ quê cha đất tổ, họ hàng cha mẹ và dấn thân vào một cuộc mạo hiểm tiến tới một quê hương mịt mù vô định.

Chắc chắn, khi công bố sứ điệp nầy vào thời điểm khởi đầu Mùa Chay, Mẹ Hội Thánh muốn rằng : đây chính là thời gian của cố gắng từ bỏ những quyến luyến, ràng buộc tầm thường để “ra đi” theo tiếng gọi của Lời Chúa, “ra đi” khỏi cái tôi ích kỷ hẹp hòi để dấn thân trên con đường phục vụ quảng đại và yêu thương, ra đi theo tiếng gọi mời của Lời Chúa…

Và như thế, công cuộc cứu độ nhân loại, không phải là câu chuyện của quá khứ, của riêng Tổ phụ Abraham, mà là chính là câu chuyện của chính mỗi người chúng ta hôm nay, câu chuyện của cuộc hành trình Mùa Chay, của cuộc hoán cải, đổi đời, theo tiếng gọi của Lời Chúa.

  1. Khi hình bóng đã trở thành hiện thực.

                Từ cuộc lên đường của cụ Tổ Abraham, Lời Chúa hôm nay lại dẫn chúng ta đi tới một lộ trình khác của một người con trong gia tộc ông mà các sứ ngôn đã bao đời tiên báo : cuộc lên núi và biến hình của vị sứ ngôn đến từ quê nghèo Na-da-rét.

Thật vậy, sau gần 3 năm rao giảng về một “Tin mừng Nước Chúa”, công bố “ngày cứu độ đã đến gần, cuộc phục hồi đã tới hồi hiện thực”, không chỉ bằng Lời mà bằng cả những “Dấu lạ” động trời : điếc được nghe, câm nói rõ, mù sáng, què nhảy nhót như nai, phung cùi lành sạch, chết thúi trong mồ đĩnh đạt bước đi, quỷ ám ma nhập được tự do thanh thản…và nhất là những con bệnh tinh thần với những “biến dạng méo mó từ bên trong” do một đời đi hoang tội lỗi, đã được phục hồi trong chiếc áo mới toanh của niềm vui trở về trong tình thương tha thứ…thì hôm nay, trên đỉnh núi cao, như một lần dứt khoát, như một câu kết luận cho hành trình cứu độ hay đích điểm của phương án phục hồi : Đức Kitô biến hình. Hình tượng Giêsu “con người của trái đất” đã phút chốc trở thành một Đấng Kitô vinh quang rạng rỡ, một “Con Người đến tự mây trời”.

                Với Đức Kitô, Đấng là Thiên Chúa vinh quang hằng hữu, thì cuộc biến hình nầy chỉ là cuộc lột xác để trở về “nguyên trạng” của một Thiên Chúa Toàn Năng mà Ngài đã thuộc về ngay từ thuở đời đời như chính Ngài đã khẳng định: “Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi….Ông Abraham là cha các các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 7,20 ; 8,56).

Nhưng với chúng ta, với Hội Thánh, đặc biệt, với các anh chị em Dự tòng sắp sửa đón nhận ơn tái sinh của nhiệm tích Thánh Tẩy, thì cuộc biến hình nầy lại là một đích điểm phải vươn tới, một niềm hy vọng tuyệt đối cho cuộc hành trình đức tin của mình. Bởi chưng, chúng ta tin Đức Kitô, theo Đức Kitô, chọn lựa Đức Kitô, nhất là chọn lựa con đường thập giá… đó không phải là một cuộc “vươn cao trống rỗng”, một cuộc “lên đường không mục tiêu” hay một “cuộc lột xác vô ích”, mà là một chọn lựa của niềm hy vọng và hạnh phúc vĩnh hằng, của vinh quang bất diệt. như lời kinh Tiền Tụng Hội Thánh hát lên trong chút nữa đây:

“Sau khi cho các môn đệ biết Người sẽ chịu chết, thì trên núi thánh, Người đã tỏ bày vinh quang của Người cho các ông. Nhờ lề luật và các ngôn sứ làm chúng, Người đã cho các môn đệ hiểu rằng phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang phục sinh”.

  1. Gương mặt Đức Kitô sáng lên giữa “Ta-bo đời thường”:

Nếu Phêrô ngày xưa hạnh phúc ngất ngây vì gương mặt rạng ngời của Chúa Giêsu và sướng rơn trong cái cõi huyền diệu của giây phút Biến hình đã phải chưng hửng khi trên đường xuống núi nghe Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn tại Giêrusalem, thì hôm nay chắc cũng không ít người muốn đức tin chỉ là phục sinh mà không bao giờ đi qua thập giá. Nếu chuyện tình yêu của đời thường nhân loại không phải một sớm một chiều là có được hạnh phúc, thì tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cũng phải được chắt chiu gầy dựng bằng cái giá của máu xương và nước mắt. Chính vì thế, mầu nhiệm Biến Hình không phải là lời mời “ở lại để dựng ba cái lều mà hưởng thụ”, nhưng là tiếng gọi lên đường dấn thân đi tới đỉnh đồi Can Vê để chiến thắng tội lỗi và sự chết. Biến Hình vì thế lại là một cuộc hành trình lột xác, như con sâu nhộng lột bỏ cái kén tù túng nhỏ hẹp giam hãm trong nô lệ tối tăm, để bứt phá bay lên làm một cánh bướm rực rỡ diễm lệ.

Để có một Hội Thánh bao la rộng khắp như hôm nay, đã có bao nhiêu “hạt lúa mì chứng nhân Tông đồ” mục nát với tủi nhục đọa đầy, với đầu rơi máu chảy.

Để có những người con thánh thiện vĩ đại như Augustinô, Têrêsa Hài Đồng, Anrê Phú yên, Pio X, Gioan Phaolô II…nhờ đã có những bà mẹ âm thầm hy sinh đạo đức như Monica, như Lui Martin, như Bà Anna…

Sống mầu nhiệm Biến hình hôm nay phải chăng đó chính là không ngừng mài dũa cuộc sống, đánh bóng trái tim, cọ rửa cuộc đời để hình bóng Đức Kitô, để gương mặt của Đức Kitô được tỏa rạng trên chính gương mặt của mình, cuộc sống của chính mình.

Sống mầu nhiệm Biến Hình đó chính là diển tả cuộc sống đức tin làm sao để người khác thấy được chân lý của Tin Mừng Đức Kitô, thấy gương mặt của Đức Kitô càng ngày càng đẹp hơn, đáng yêu hơn, thuyết phục hơn qua chính Thân thể của Ngài là Hội Thánh, qua chính các môn sinh của Ngài là chúng ta đây. Hơn lúc nào hết, thế giới hôm nay đang cần những địa chỉ “Tabo đời thường” để gương mặt của Đức Kitô sáng lên, để Đức Kitô thực sự biến hình trong hiện thực cuộc sống. Biến hình đó chính là phục sinh, chính là sự sống lại ; mà theo ĐTC Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, thì: “Sự sống lại của Đức Kitô không phải là một biến cố của quá khứ; nó chứa đựng một sức mạnh cốt thiết đã thấm nhuần thế giới nầy…Sức mạnh của sự sống lại là như thế, và tất cả những người loan báo Tin Mừng là những khí cụ của sức mạnh ấy”, và ngài đã gọi mời: “Chúng ta chớ bao giờ đứng bên lề cuộc diễn hành của niềm hy vọng sống động nầy”.

Vâng, “chúng ta không thể đứng bên lề” với 3 cái lều trên núi của thánh Phêrô, mà phải tất bật “xuống núi” để thực hiện lời mời gọi cao cả của Chúa Cha: “Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người”. Amen.

 

Trương Đình Hiền