Views: 37
Chúng ta thường nghe nói đến 8 mối phúc. Nhưng trong bài đọc Tin mừng chúa nhật hôm nay theo thánh Luca, người ta chỉ đếm 4 mối phúc. Xét cho cùng, có bao nhiêu mối phúc? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.
Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng nên nhắc lại khung cảnh của các bản văn. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta được nghe bản văn của Luca, kể ra bốn mối phúc kèm theo bốn mối họa. Còn tuyên ngôn về tám mối phúc thì trích từ bài giảng trên núi theo thánh Matthêu. Dĩ nhiên là độc giả có lý để nêu lên thắc mắc: tại sao có sự khác nhau giữa hai danh sách như vậy? Thánh sử nào trung thực với lời giảng của Chúa Giêsu hơn? Một vấn nạn tương tự cũng được nêu lên liên quan đến hai phiên bản kinh Lạy Cha theo thánh Matthêu và thánh Luca, và Matthêu cũng dài hơn. Để trả lời cho các câu hỏi đó, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Không cần phải là chuyên gia Kinh thánh, người ta cũng có thể đoán được là có ít nhất là ba chủ trương: một chủ trương cho rằng Luca sát với bài giảng của Chúa Giêsu hơn; một chủ trương thứ hai thì bênh vực Matthêu; và một chủ trương thứ ba cho rằng chẳng có ai trung thực hết. Và tôi ủng hộ chủ trương này.
Vì lý do gì?
Tôi thấy có ít là hai lý do mà không cần phải là nhà chuyên môn về Kinh thánh cũng có thể chấp nhận được. Lý do thứ nhất là vào thời xưa, chưa có máy ghi âm hay máy quay phim, cho nên đâu có ký giả nào ghi lại trọn vẹn các lời giảng của Chúa Giêsu. Lý do thứ hai, là nếu chịu khó mở sách Tân ước, chúng ta có thể đếm được cả chục mối phúc chứ không phải chỉ có tám mà thôi. Chúng ta hãy rảo qua một vòng, bắt đầu từ các sách Tin mừng, rồi sau đó đến các tác phẩm khác. Trong các lời giảng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Người công bố hạnh phúc cho nhiều người, đồng thời Người cũng làm cho nhiều người phải mang họa, nghĩa là “vô phúc” (hoặc “khốn thay”). Vô phúc cho những người không đón nhận tin mừng, chẳng hạn như các thành phố cứng lòng (Mt 11,21); vô phúc cho những người kinh sư và biệt phái vì bám sát vào tục lệ mà bỏ qua Luật Thiên Chúa (Mt 23,13-31). Ngược lại, phúc cho những ai nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban nơi bản thân và hoạt động của Đức Giêsu: đó là những kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa (Lc 11,28), những kẻ tin tuy không thấy (Ga 20,29), những kẻ không vấp ngã vì Đức Giêsu (Lc 7,23; Mt 11,6). Phúc cho những cặp mắt đã nhìn thấy Đức Kitô (Mt 13,16); phúc cho thân mẫu của Đấng Mêsia vì đã sinh hạ Đấng Cứu độ thế gian (Lc 1,48; 11,27), và đã tin vào những lời Thiên Chúa hứa (Lc 1,45); phúc cho ông Simon Phêrô, bởi vì ông được Chúa Cha mặc khải cho biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mt 16,17); phúc cho những kẻ tỉnh thức trông chờ Chúa đến (Lc 12,37-38; Kh 16,15); phúc cho những tôi tớ trung thành và khôn ngoan (Mt 24,46: Lc 12,43); phúc cho những kẻ thực hành việc thương xót tha nhân (Lc 14,14), khiêm tốn phục vụ anh em (Ga 13,17); phúc cho ai kiên nhẫn chịu đựng những thử thách và chiến đấu cho đức tin (Gc 1,12.25; 5,11; 1 Pr 3,14; 4,14).
Thánh Phaolô ít khi đưa những lời khẳng định về hạnh phúc, nhưng những lần ít ỏi đó rất có ý nghĩa thần học. Khi trưng dẫn một đoạn văn Cựu ước (Tv 32,1-2), thánh tông đồ nói rằng phúc cho ai lãnh nhận sự tha thứ lỗi lầm, và hạnh phúc ấy phát sinh từ chỗ biết rằng mình đã nên công chính, nghĩa là đã được giao hòa với Thiên Chúa (Rm 4,7-9). Một lần khác, thánh Phaolô tuyên bố rằng phúc cho ai không bị lương tâm khiển trách về những quyết định liên quan đến các vấn đề luân lý còn đang hồ nghi (Rm 14,22). Sau cùng, ngài cho rằng một góa phụ không tái giá thì hạnh phúc hơn, ngõ hầu dành hết công sức để phục vụ Chúa (1Cr 7,40).
Một điều có lẽ ít người nghĩ đến là Sách Khải huyền chứa đựng 7 mối phúc (và 14 mối họa), bổ sung cho quan niệm Tân ước về hạnh phúc. Tác giả mở đầu với lời tuyên bố: “Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những sấm ngôn đó và tuân giữ các điều chép trong đó” (1,3), và kết thúc với những lời tương tự (22,7). Những lời chúc phúc còn lại liên quan đến: những người đã ly trần trong Chúa, bởi vì họ được nghỉ ngơi sau những công lao vất vả (14,13); những tín hữu đã tỉnh thức suốt đời và đầy dẫy những việc lành (16,15); những người được mời tham dự tiệc cưới của Con Chiên bởi vì niềm hạnh phúc được cứu rỗi (19,9: x. Lc 14,15; 22,30; Mt 26,29); những người được thông dự vào sự phục sinh lần thứ nhất bởi vì họ sẽ được giải thoát khỏi cái chết đời đời (20,6); những kẻ đã giặt áo mình trong máu của Con Chiên, nghĩa là đã được hưởng nhờ những hiệu quả của ơn Cứu chuộc, và như thế họ sẽ bước vào vinh quang trên trời (22,14).
Như vậy Tin mừng nói đến rất nhiều mối phúc. Tại sao thánh Matthêu rút lại thành 8, và thánh Luca lại giảm xuống 4?
Thật là khó biết được lý do vì sao hai thánh sử đã chọn lọc như vậy. Nhưng có một điều chắc chắn là các ngài không có chủ ý liệt kê tất cả các mối phúc. Thực ra, giữa hai bản văn, ta thấy có những điều trùng hợp và những điều khác biệt. Các mối phúc của Luca xem ra loan báo một sự đảo ngược tình trạng: đau khổ ở đời này, vui sướng ở đời sau (x. Lc 16,25). Các mối phúc của thánh Matthêu vạch ra một chương trình sống đức độ và nêu bật mối liên hệ giữa nếp sống đức hạnh với phần thưởng cánh chung. Thánh Matthêu trình bày diễn từ của Đức Giêsu ở ngôi thứ ba (“Phúc cho ai nghèo khó”), thánh Luca đặt ở ngôi thứ hai (“Phúc cho anh em là những người nghèo khó”). Theo thánh Luca, Đức Giêsu tuyên bố hạnh phúc cho những người nghèo, đói khát, khóc lóc và chịu bách hại (Lc 6,20-22); nơi thánh Matthêu, hạnh phúc dành cho những người nghèo, hiền lành, khóc lóc, đói khát, nhân từ, tâm hồn thanh sạch, hiếu hòa, chịu bách hại (Mt 5,3-12). Thánh Luca nhấn mạnh vị trí tuyệt đối của đời sống vĩnh cửu, còn đời sống trần thế chỉ là khí cụ: quả vậy, chỉ có một điều duy nhất cần thiết; những gì còn lại cần được nhìn như dụng cụ để đạt được cái giá trị tuyệt đối ấy. Vì thế ta hiểu được vì sao chịu đau khổ vì Đức Kitô lại là một mối phúc: “Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em trên trời sẽ lớn lao” (Lc 6,23). Thánh Matthêu gắn cho các mối phúc một đặc tính thiêng liêng: những người nghèo có phúc không phải là những người nghèo túng nhưng là những người nghèo “trong tinh thần”; những người đói khát có phúc là những kẻ đói khát “sự công chính” chứ không phải đói cơm bánh. Thánh Luca đặt nặng chiều kích xã hội: hạnh phúc tương lai là phần thưởng cho những lầm than hiện tại. Thánh Matthêu chú trọng đến thái độ nội tâm, vạch ra lý tưởng nghèo khó. Tuy nhiên cả hai chiều kích, nội tâm và xã hội, đều có liên hệ chặt chẽ; bởi vì nếu ai có tinh thần nghèo khó đích thực thì trước sau cũng thoát ly khỏi tiền bạc của cải.
Bốn mối phúc chung – khó nghèo, đói khát, khóc lóc, chịu bách hại – nêu bật rằng hạnh phúc của người Kitô hữu chấp nhận điều kiện khó nghèo (đói khát và nước mắt là hệ luận của nghèo khó) với đức tin, hy vọng và yêu mến, thì đã là công dân của vương quốc Thiên Chúa, vương quốc mà hiện thời ở trong thế chiến đấu nhưng sẽ là vương quốc hạnh phúc vĩnh cửu trong vinh quang. Các mối phúc này cũng muốn nêu bật rằng hạnh phúc của một tín hữu chịu bách hại, không những phải chấp nhận cuộc sống cam go và khó nghèo mà còn phải chịu đựng sự đàn áp của những đối thủ của Thiên Chúa và tôn giáo, giống như dân Israel, các ngôn sứ và nhất là Đức Giêsu Kitô. Kể từ khi Đức Kitô chịu chết trên thập giá trước khi phục sinh thì đau khổ và vinh quang, chịu bách hại và hạnh phúc là những thực tại không thể tách rời nhau. Khó nghèo, đói khát và nước mắt, chịu ngược đãi, là những tình trạng ưu tiên để vào Nước Trời. Hạnh phúc thay ai chấp nhận những sự dữ ấy vì Đức Kitô và với Đức Kitô; mặc dù điều đó không đồng nghĩa với thái độ thụ động, buông xuôi khi đối diện với sự dữ.
Dù sao đi nữa, vấn đề chính yếu không chỉ dừng lại ở chỗ tuyên bố ai là người có phúc, nhưng là ở chỗ phát biểu nội dung của hạnh phúc, phần thưởng làm cho con người được hanh phúc. Trong Bài giảng trên núi, Đức Giêsu diễn tả “phúc thật vĩnh cửu” qua các hình ảnh như: “Nước Trời là của họ … ; được Đất Hứa làm gia nghiệp …; sẽ được ủi an …; được Thiên Chúa cho thoả lòng …; được Thiên Chúa xót thương…; được nhìn thấy Thiên Chúa…; được gọi là con Thiên Chúa” (x. Mt 5,3-9). Một cách tương tự, trong bảy lá thư được sách Khải Huyền chương 2-3 nói tới, những lời hứa về phần thưởng được diễn tả như: “ăn quả cây sự sống trồng nơi ngự uyển của Thiên Chúa” (2,7); “được ban triều thiên sự sống … không bị cái chết lần thứ hai làm hại” (2,10-11); “được ban một viên sỏi trắng, trên đó có khắc một tên mới” (2,17); “được ban Sao Mai” (2,28); “được mặc áo trắng, được Đức Kitô nhìn nhận trước mặt Chúa Cha” (3,5); “được làm cột trụ trong Đền thờ Thiên Chúa” (3,12); “dùng bữa với Chúa” (3,20). Nói cho cùng, hạnh phúc đích thực là được hưởng Thiên Chúa, chia sẻ đời sống vĩnh cửu của chính Thiên Chúa.
Lm. Phan Tấn Thành
Nguồn: https://catechesis.net/co-bao-nhieu-moi-phuc-that/