CÔNG NGHỊ HỘI AN (19.01.1672)

Views: 68

(Con đường “mục vụ hiệp hành”

của Đức cha Pierre Lambert De La Motte)

Dẫn nhập: Ngọn gió của Công Đồng Trento thổi đến phương đông:

            Khi đọc lại lịch sử của Hội thánh trong giai đoạn thế kỷ 16,17, quả thật, không ai phủ nhận vai trò, tầm quan trọng và sức ảnh hưởng rộng khắp và lâu dài của Công Đồng Trentô[1] trên toàn bộ đời sống của Giáo Hội Công Giáo.

            Một trong những ảnh hưởng tích cực mà Công Đồng Trentô mang lại cho Giáo Hội lúc bấy giờ đó chính là “viễn tượng mới trong chiến lược truyền giáo” mà đối tượng đó là các vùng đất ngoài Âu Châu, như nhận xét của nhà sử học Công Giáo thuộc Dòng Tên Việt Nam – cố linh mục Đỗ Quang Chính: “Chúng ta đã biết Công đồng Trentô (1545-1563) có mấy điểm quan trọng trong nhiều điểm quan trọng khác, đó là: cải tổ sâu xa nội bộ Giáo hội, bảo vệ Giáo hội, cụ thể là ở châu Âu, khỏi bị cuốn theo Tin Lành, và mở rộng Giáo hội sang các dân tộc ngoài châu Âu, tức là công việc truyền giáo tại các châu Á, Phi, Mỹ”[2].

            Sở dĩ có nhận xét như thế, vì cũng theo tác giả Đỗ Quang Chính, trước Công Đồng Trentô, cụ thể là từ thế kỷ 16 trở về trước, cái nhìn chung chung của Hội thánh về thế giới đó là “một thế giới phẳng” gần như bị giản lược trong cái khung “địa văn hóa – tôn giáo – chính trị” Châu Âu – Trung Đông; tức môi trường văn hóa và tôn giáo của Hy Lạp, Rôma, Do Thái, Hồi Giáo: “Khoảng từ đầu thế kỷ XVI trở về trước, Giáo hội Công giáo mới gặp gỡ các nền văn minh Hi Lạp, Roma, Ai Cập, Trung Đông và gặp gỡ tôn giáo lớn ngoài Kitô giáo như Hồi giáo. Nhưng với sự khám phá ra nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới sống trên quả đất hình tròn, chứ không phải là hình phẳng, Giáo hội “đụng” với những nền văn minh Ấn Độ, Trung Hoa, Đông Nam Á, Trung Nam Mỹ và ngỡ ngàng khi đối mặt với các tôn giáo lớn như Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Thần đạo và nhiều dạng tín ngưỡng ở các châu lục ngoài châu Âu. Từ đó Giáo hội nhận thấy công cuộc truyền giảng Tin Mừng không dễ như xưa”[3].

            Cha ông của chúng ta thật may mắn khi tiếp nhận “hạt giống Tin Mừng” đầu tiên chính vào thời điểm mà “ngọn gió Thánh Thần của Công Đồng Trentô” đang hướng đến vùng đất Á Châu. Thật vậy, nếu lấy cột mốc thời gian là năm “1615”[4], khi các thừa sai Dòng Tên từ Ma Cao cập bến Đàng Trong[5] để mở một trang sử truyền giáo mới cho vùng Đông Á, thì chắc chắn, trong “túi hành trang mục vụ loan báo Tin mừng” của các thừa sai đó không thể thiếu những chỉ dẫn và tinh thần của Công đồng Trentô, kim chỉ nam cần thiết cho Giáo hội đã xuất hiện trước đó khoảng 60 năm!

            Thế nhưng, lịch sử truyền giáo tại Việt Nam cũng đã ghi nhận rõ: chiến lược truyền giáo tại Á Châu vào thế kỷ 17, đặc biệt, tại Đàng Trong và Đàng Ngoài của Việt Nam, chỉ được thực hiện cách thống nhất và có đường lối rõ rệt dứt khoát kể từ sau sự kiện ngày “9.9.1659”, tức biến cố Tòa Thánh thiết lập hai Giáo phận Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam: Ngày 9.9.1659, với Sắc chỉ Super Cathedram, Đức Giáo Hoàng Alexandro VII đã thiết lập hai Giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong và giao cho hai Giám Mục: Pierre Lambert de La Motte: Đại diện Tông Tòa Đàng Trong (Vicario apostolico in regno Cocincinae) và François Pallu: Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài (Vicario apostolico in regno Tunchini)[6].

            Trong chuyên luận giới hạn nầy, chúng ta thử dừng lại một “quyết sách mục vụ” theo đường hướng Công Đồng Trento của Vị Giám Mục Đại Diện Tông tòa Đàng Trong, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, mà “Công nghị Hội An”[7] là một chứng từ rõ nét (nhân dịp kỷ niệm 352 năm Công nghị nầy: 19.01.1672 – 19.01.2024)!

I. CÔNG NGHỊ HỘI AN – BỐI CẢNH MỤC VỤ TỔNG QUAN

            Như đã nói trên, công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam chính thức đi vào bài bản kể từ thời điểm năm 1659, khi hai Giáo phận Tông tòa được thiết lập cùng với việc bổ nhiệm hai vị mục tử Đại diện Tông Tòa trực tiếp chăm sóc vụ cho đoàn chiên Đại Việt. Riêng Đức Cha Pierre Lambert de La Motte là Giám Mục Đại Diện Tông tòa Đàng Trong kiêm nhiệm “Giám Quản” Giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài vì Đức cha François Pallu không thể đặt chân đến nhiệm sở[8].

            Vì tình hình chính trị Đại Việt đang trong thời “Trịnh Nguyễn phân tranh” cùng với những cuộc bách hại liên tiếp xảy ra ở tại cả hai miền Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, nên trụ sở chính thức của hai vị Giám Mục Đại diện Tông tòa được đặt thường xuyên tại Ayuthia[9], thủ đô vương quốc Siam (tức Thái Lan ngày nay)[10]. Chính tại “bản doanh” này, một chương trình mục vụ mới đã được khai mở, cho dù, cũng ngay tại nơi đây, các vị mục tử của chúng ta, đặc biệt Đức Cha Lambert, đã phải đối diện với muôn vàn thử thách như tường thuật của thừa sai Vachet và được linh mục Đào Quảng Toản biên dịch lại trong tác phẩm “Giáo Hội Việt Nam năm 1659”[11].

1. Một “chương mới” trong công cuộc loan báo Tin mừng đã bắt đầu:

            Để tiến tới “Công nghị Hội An” năm 1672, Giáo Hội tại Việt Nam, đặc biệt, Giáo Hội tại Đàng Trong, đã phải vượt qua một cuộc hành trình nhiêu khê và gian khó. Và như chúng ta đã biết, khó khăn ban đầu mà Đức Cha Lambert phải đối diện và từng bước khắc phục đó là những “hệ lụy mục vụ tiêu cực” của hệ thống “Bảo Trợ truyền giáo”[12] đã chi phối quá lâu công cuộc truyền giáo và mục vụ của Hội thánh. Có thể liệt kê cách khái quát các tiêu cực mục vụ này như sau: tinh thần thế tục của bậc tu trì[13]; não trạng cạnh tranh băng nhóm, phá đổ sự hiệp nhất giữa các Hội Dòng[14] và ngay cả với thẩm quyền Hội Thánh[15]; sự lạm dụng quyền thế của đế quốc Bồ Đào Nha[16]

            Bằng Hiến chế (Constitutio) Inscrutabili Divinae Providentiae, Đức Grêgôriô XV chính thức thiết lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin[17] vào ngày 22.06.1622. Đây có thể nói được là một “chuyển biến lớn”, một “cuộc cách mạng” trong chiến lược truyền giáo của Giáo Hội lúc bấy giờ[18]. Cùng với sự kiện quan trọng này, việc Tòa Thánh thiết lập hai Giáo phận Tông Tòa cùng với các Giám Mục Đại diện Tông tòa ngày 9.9.1659 kèm theo “Huấn Thị 1659” (Instructio vicariorum apostolicorum ad regna Sinarum, Tonchini et Cocincinae proficiscentium 1659 (Huấn dụ các đại diện tông tòa đi các nước Trung Quốc, Đàng Ngoài và Đàng Trong năm 1659), có thể nói được, “một chương mới” trong công cuộc loan báo Tin mừng đã khởi sự!

2. Dưới “Tấm bảng chỉ đường” của “Huấn thị 1659”:

            Quả thật, điều may mắn mà các vị “Đại diện Tông tòa” miền Á châu có được khi chính thức dấn thân vào sứ vụ đó chính là “những chỉ thị và hướng dẫn cụ thể của Tòa Thánh”, tức văn kiện “Huấn thị 1659”, để áp dụng vào công cuộc mục vụ tại những vùng đất cách xa trung tâm Giáo Hội Mẹ. Ngay từ lúc ra đời, văn kiện này đã được đánh giá là “tài liệu chung cuộc về chương trình hoạt động của Thánh bộ Truyền Bá đức tin”[19], một định hướng mới mẻ, hợp thời và đầy tính thích ứng cho công cuộc truyền giáo[20]… (x. Linh mục GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, Bài 1, Phần II: Tìm lại kho tàng bị lãng quên)[21].

            Thật vậy, chính nhờ “kim chỉ nam” đầy tính “sáng tạo và khả năng đáp ứng” này mà hai Đức cha Lambert và Pallu cùng các cộng sự viên thân tín, những thừa sai nhiệt tình đắc lực và dày kinh nghiệm, đã từng bước đề xuất cả một chương trình hành động vừa táo bạo, vừa cần thiết và cũng vừa thích dụng với hiện tình. Theo cách phân tích của linh mục Đào Quang Toản trong tác phẩm “GIÁO HỘI VIỆT NAM NĂM 1659”, Huấn Thị đã có những định hướng tối quan trọng và cần thiết, được phản ảnh qua 4 chủ điểm sau:

– “Giải thoát Giáo Hội địa phương khỏi quyền bảo trợ Bồ Đào Nha.

– Thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ.

– Không dây dưa dính dáng vào chính trị.

– Tôn trọng văn hóa địa phương”[22].

3. Áp dụng “định hướng công nghị” của Công Đồng Trento:

            Thế nhưng, như chúng ta đã khẳng định từ ban đầu: Công cuộc loan báo Tin Mừng thời đầu tại Việt Nam, nhất là kể từ năm 1615, đã thừa hưởng những hoa trái của Công đồng Trentô, mà một trong những “hoa trái” tốt đẹp vừa mang tính “truyền thống” vừa thích dụng với mọi hoàn cảnh mục vụ, đó là “Định hướng Công nghị” (Orientation synodale)[23]; một định hướng có từ Mạc khải Cựu ước[24], được Đức Kitô tiếp tục khai triển[25], được Giáo Hội áp dụng ngày từ thời các Tông đồ[26], trải qua thời các Giáo Phụ và những thế kỷ nối tiếp[27]

            Riêng Ủy ban Thần học Quốc tế[28] đã xác nhận rằng: chính Công đồng Trentô “đã thiết lập quy tắc là các công nghị giáo phận phải diễn ra hàng năm, các công nghị cấp giáo tỉnh ba năm một lần, như một cách thế để truyền động lực cải cách của Trentô cho toàn thể Hội Thánh. Một kiểu mẫu và mô hình của điều này được tìm thấy trong những gì mà thánh Charles Borromeo đã làm với tư cách là Tổng Giám mục Milan. Trong sứ vụ lâu dài của mình, ngài đã triệu tập năm công nghị cấp giáo tỉnh và mười công nghị cấp giáo phận. Tại châu Mỹ, thánh Turibius thành Mogrovejo đã tiến hành một việc tương tự: ngài triệu tập ba công nghị cấp giáo tỉnh và mười ba công nghị cấp giáo phận. Cũng có ba công công đồng cấp giáo tỉnh ở Mêxicô trong cùng thế kỷ”[29].

Phải chăng Đức Cha Lambert đã muốn đi theo dấu chân của vị thánh Giám mục thời danh, Carôlô Borrômêô (1538-1584), chọn “định hướng công nghị” như con đường và ánh sáng dẫn dắt hành trình mục vụ của ngài tại vùng đất Á châu mới mẻ mà ngài vừa đặt chân đến. Bởi vì, mới chỉ trong vòng mười năm kể từ ngày Đức cha Lambert đặt chân lên Ayuthia (22.8.1662) và hai năm với Đức cha Pallu (24.01.1664) mà các ngài, đặc biệt Đức cha Lambert, đã triệu tập liên tiếp ba Công nghị để đưa ra các đường lối hoạt động tông đồ trong giai đoạn mới:

3.1. Công nghị Ayuthia (29.02.1664)[30]: Định hướng tổng quát việc triển khai và áp dụng các chỉ thị mục vụ trong “Huấn thị 1659” của Thánh Bộ truyền bá đức tin. Đặc biệt, công nghị nầy nhấn mạnh tới “linh đạo thừa sai” và việc “đào tạo nhân sự cho vùng truyền giáo” (Lập chủng viện đào tạo ứng sinh linh mục, dòng Mến Thánh giá…)[31] mà văn kiện kết thúc Công nghị mang tên “Monita ad missionarios” (Nhắn nhủ các thừa sai) là một “viên ngọc quý” đầy tính thức thời và mang giá trị vượt thời gian[32].

3.2. Công nghị Phố Hiến (14.02.1670): Trong cuộc kinh lý mục vụ đầu tiên tại giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài (30.8.1669), Đức cha Lambert, trong vai trò “Giám Quản Đại diện Tông tòa”, đã thi hành nhiều quyết sách mục vụ quan trọng (Lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài, phong chức linh mục…); trong đó có việc ngài mở “Công nghị Phố Hiến” khoảng đầu năm 1670 mà mục tiêu chính là đề ra những giải pháp mục vụ đáp ứng cho thời “hậu chế độ Bảo Trợ truyền giáo”[33].

3.3. Công nghị Hội An (19.01.1672): Trong cuộc kinh lý mục vụ tại Đàng Trong lần thứ nhất (31.8.1671), Đức cha Lambert chính thức thực thi quyền Chủ chăn trên chính Giáo phận Đại diện Tông tòa được giao cho mình. Chính trong lần “kinh lý mục vụ” đặc biệt nầy, Đức cha Lambert đã mở Công nghị đầu tiên tại Đàng Trong (hay còn gọi là “Công nghị Hội An”) như là một “thiết chế mục vụ” căn bản để “chuẩn hóa” đường lối sống đạo và hoạt động tông đồ trên toàn Giáo phận Tông tòa Đàng Trong sau thời “Bảo trợ truyền giáo”. Chúng ta sẽ dừng lại lâu hơn để tìm hiểu thêm về “Công nghị đặc biệt”này.

___________ 

II. CÔNG NGHỊ HỘI AN – NHỮNG QUYẾT SÁCH MỤC VỤ

            Căn cứ vào nội dung, mục đích nhắm tới và hoàn cảnh thực hiện, thì chúng ta có thể nhận ra vài “điểm nhấn đặc trưng” nơi ba Công nghị được Đức cha Lambert cùng với các cộng sự viên xướng xuất triệu tập.

– Trước hết, “Công nghị Ayuthia 1664”, được triệu tập nơi “phần đất tạm dung”, chỉ là một “phác thảo” mang tính “định hướng tổng quát” thiên về “chiều kích linh đạo” liên quan đến bản thân các thừa sai đang dấn thân hoạt động tong đồ và đến công cuộc đào tạo nhân sự.

– Thứ đến, “Công nghị Phố Hiến 1670”, được triệu tập trên địa bàn mục vụ là “Giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài”, vùng đất đang được giám quản” (thay cho Đức cha Pallu), cơ bản chỉ là một “giải pháp tình thế” cần thiết nhất thời để đáp ứng yêu cầu mục vụ của giai đoạn chuyển tiếp từ “chế độ Bảo trợ truyền giáo” sang “chế độ thuộc quyền Thánh Bộ”.

– Trong khi đó, “Công nghị Hội An 1672” được triệu tập lần đầu tiên ngay trên địa bàn mục vụ Giáo phận Tông tòa Đàng Trong, nơi được giao phó cho Đức cha Lambert cai quản. Vì thế, “Công nghị” này chính là định hướng mục vụ nền tảng và chính thức, liên quan trực tiếp và mật thiết đến “chủ chăn” là chính Đức cha Lambert và “đàn chiên Đàng Trong” do chính ngài chăm sóc. Chính vì thế, nội dung văn kiện đặc biệt này có những “điểm nhấn quan trọng” mà chúng ta cần lưu ý và đào sâu.

1. Công nghị Hội An – Bối cảnh mục vụ Đàng Trong:

1.1. Đàng Trong thời cơ chế “bảo trợ truyền giáo”:

Kể từ cuối thế kỷ 15, chính xác là Ngày 04.05.1493, khi Đức Giáo Hoàng Alexandrô VI ký Sắc chỉ Inter Caetera, phân chia quyền bảo trợ truyền giáo cho hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha”, công cuộc loan báo Tin mừng gần như được Giáo Hội “khoán trắng” cho các Dòng tu và dưới sự điều động, giám sát và bảo trợ của hai đế quốc hàng hải Công giáo của Âu châu[34]. Dĩ nhiên, cơ chế “lưỡng tính” vừa “thần quyền” vừa “thế quyền” này đã tương đối thích hợp và góp phần không nhỏ cho công cuộc truyền giáo thời đó.

            Để thực hiện chủ trương trên của Tòa Thánh, vào ngày 07.06.1494, hai “quốc gia bảo trợ truyền giáo” đã ký hiệp ước tại Tordesillas (Tây Ban Nha) để thỏa thuận đường ranh giới là kinh tuyến 30 từ Bắc cực xuống Nam cực. Tây kinh tuyến thuộc Tây Ban Nha; Đông kinh tuyến thuộc Bồ Đào Nha, gồm Phi châu và Á châu. Như vậy, Giáo phận Tông tòa Đàng Trong trước 1659 nằm trong lãnh địa và dưới “chiếc ô bảo trợ truyền giáo” của đế quốc Bồ Đào Nha[35]. Trong khi đó, phần đông các thừa sai Dòng Tên hoạt động tại Đàng Ngoài và Đàng Trong thuở ấy là người Bồ[36].

1.2. Dòng Tên và những thành quả kiệt xuất:

            Như mọi người đã biết, kể từ năm 1615, các thừa sai Dòng Tên đã hiện diện và hoạt động tại Đàng Trong vừa đông đảo vừa sinh động[37]; và các ngài đã dày công xây dựng cộng đoàn Đàng Trong (và Đàng Ngoài không lâu sau đó) mỗi ngày mỗi lớn mạnh về nhiều phương diện trong suốt giai đoạn “Bảo trợ truyền giáo”[38]. Tại Đàng Trong, qua các “trung tâm” cũng là các “cư sở” chính thức của các ngài như Nước Mặn (1618), Hội An (1620), Dinh Chiêm (1625)[39], các thừa sai Dòng Tên vừa hăng say giảng đạo vừa chuyên tâm soạn tác chữ Quốc ngữ, đào sâu chữ Nôm, soạn dịch kinh sách giáo lý… để làm cơ sở vững chắc cho công cuộc “hội nhập Tin mừng và văn hóa”. Riêng “Chữ Quốc ngữ”, có thể nói được, là một công trình văn hóa vĩ đại, không chỉ mang lại thiện ích to lớn cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội tại Việt Nam nói riêng mà còn đóng góp quyết định cho công cuộc phát triển toàn diện của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam nói chung[40].

Xét về mặt ảnh hưởng lâu dài và sâu xa, có thể nói được, hoa trái lớn nhất cho công cuộc truyền giáo của Dòng Tên đó chính là đào tạo được các “Thầy Giảng”[41], một công cụ tông đồ và truyền giáo đắc dụng, cơ sở cho việc đào tạo linh mục và tu sĩ bản địa lúc bấy giờ cũng như cho mọi thời. Đặc biệt, trong số các Thầy Giảng đó, có một chứng nhân đức tin và cũng là vị “Tử đạo tiên khởi” của Hội thánh Việt Nam, đó là Á Thánh Anrê Phú Yên[42].

Riêng tại Đàng Trong, vào khoảng thời gian Đức cha Lambert đặt chân đến Ayuthia, đang có 3 linh mục thừa sai Dòng Tên đang hoạt động: cha Baudet (người Pháp), cha Fucciti (người Ý) và cha Marques (người Nhật lai Bồ Đào Nha)[43] cùng với các “thầy giảng đức hạnh”[44] mà hai trong số trong họ đã được Đức cha Lambert phong chức linh mục: đó là cha Giuse Trang, vị linh mục tiên khởi của Việt Nam, được thụ phong tại Ayuthia ngày 31.3.1668 và cha Luca Bền cũng được thụ phong sau đó vào đầu năm 1669[45].

Phải chăng, vì những thành quả kiệt xuất trong công cuộc loan báo Tin Mừng mà Dòng Tên đã được Tòa Thánh ưu ái cách đặc biệt; bằng chứng là ngày 15.10.1646, Đức Giáo Hoàng Innocens X đã ban đặc quyền cho “cha Bề trên cả Dòng Tên được tự do gửi các tu sĩ của Dòng đi truyền giáo”[46] (mà không chịu sự giám sát nào của Giáo quyền).

1.3. Tính bất toàn của “cơ chế bảo trợ” và những hiện tượng tiêu cực của các dòng tu:

Tuy nhiên, bất cứ cơ chế nào của con người hoặc do “con người nặn ra” đều bất toàn, cho dù đó là những “công cụ của Giáo Hội và trong Giáo Hội”! Đừng quên rằng, ngay chính bản thân Giáo Hội có nguồn gốc thần linh là “Thánh ý Thiên Chúa”[47] vẫn mang những giới hạn và yếu đuối của thân phận con người tội lỗi cần sám hối và canh tân không ngừng[48]!

Cơ chế “Bảo trợ truyền giáo” đã tồn tại từ cuối thế kỷ 15 (1493)[49] cho tới những thập niên đầu của thế kỷ 17 (1622)[50], cho dù có mang lại nhiều kết quả tốt đẹp trong công cuộc truyền giáo khắp thế giới của Hội thánh, cũng tới lúc bộc lộ nhiều hạn chế và tiêu cực như nhận xét của tác giả Josef Holzer: “Thực-dân Bồ và Tây-Ban-Nha đi tới đâu, các nhà truyền giáo theo tới đó. Những khám-phá và xâm chiếm đất-đai không chỉ vì quyền-lợi chính-trị, quân-sự và kinh-tế, mà còn cả tôn-giáo. Nhưng tiếc thay, công cuộc truyền giáo dưới cây dù thực-dân thường với những phương-cách tàn-bạo và nhơ-nhuốc đó đã tạo cho người ta cảm-tưởng rằng Giáo-hội đã cùng một bè một cánh với thực-dân cướp-bóc. Cảm-tưởng này cho đến ngày nay vẫn còn hằn sâu trong tâm-trí của một số dân-tộc”[51].

Cùng với những tiêu cực thuộc “thế quyền” đó, chế độ bảo trợ truyền giáo cũng kéo theo bao nhiêu tệ nạn khác ngay trong hàng ngũ các thừa sai: “…người ta sẽ thấy rằng hàng giáo sĩ phần đông không ăn học và không có hạnh kiểm tốt, và các tu sĩ không còn giữ hiến pháp của họ, những thói tục không tốt đã du nhập vào cộng đoàn làm cho họ không còn biết vâng lời các bề trên (…). Về đức khó nghèo, hầu hết tất cả các dòng tu đều kinh doanh và cho vay lấy lời, ngay cả có những tu sĩ có riêng 10, 20, 30, 40 tới 50.000 ê-cu. Còn về đức khiết tịnh, có bao nhiêu vụ vấp phạm nơi số đông tu sĩ đến nỗi một người lương thiện có gia đình, không dám cho tu sĩ năng tới nhà ông ta mà không sợ mang tiếng. Hẳn là do những sai phạm quái gở ấy mà người ta thấy bàn thờ nầy chống lại bàn thờ kia, và trong các cuộc rước kiệu công khai và trọng thể, có giáo sĩ và tu sĩ mang dưới tu phục họ những dao găm và súng đạn, mà đôi khi họ sử dụng để tàn sát lẫn nhau”[52].

1.4. Dòng Tên và những “hệ lụy bảo trợ”!

Riêng Dòng Tên, vì ảnh hưởng rộng khắp, vì thành quả rực rỡ và được Tòa thánh tín nhiệm ban đặc quyền, cùng với sự hỗ trợ tối đa của mẫu quốc Bồ Đào Nha…, nên không mấy mặn mà với quyết định “chuyển đổi cơ chế điều hành mục vụ truyền giáo” của Rôma (từ “bảo trợ truyền giáo” sang “Giáo phận Tông tòa), nếu không muốn nói là “tẩy chay và chống đối” mà biểu hiện cụ thể nhất chính là những “thông báo” hoặc “thư luân lưu” phủ nhận vai trò “Đại diện Tông tòa” của Đức cha Lambert[53] hoặc ra vạ tuyệt thông cho ngài[54]

Để thấy rõ bối cảnh khó khăn của của Đức cha Lambert và những phức tạp nhiêu khê của công cuộc mục vụ tại Đàng Trong và Đàng Ngoài (nhất là với các tu sĩ Dòng Tên và thế lực Bồ Đào Nha) trong giai đoạn “chuyển đổi cơ chế mục vụ tại các vùng truyền giáo Á Châu” lúc bấy giờ xin đọc thêm các tư liệu sau đây:

– Đức cha Lambert với chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha[55].

– Căng thẳng giữa hai nhóm thừa sai[56].

– Chế độ cũ và chế độ mới[57].

Phải nói, đây là điều “rất nghiêm trọng” mà Tòa thánh qua Thánh bộ Truyền bá đức tin đã thấy và lường trước, như được phản ảnh qua chính những “lưu ý đặc biệt” dành cho các vị Đại diện Tông Tòa được ghi rõ trong Huấn thị 1659:

– Trước khi lên đường: Sau khi nhận được những Huấn Thị này nơi vị Khâm sứ Tòa Thánh, chư huynh phải lên đường sớm nhất có thể và phải bí mật nhất có thể, phải dấu kín với tất cả mọi người những gì liên quan không những tới cuộc hành trình và quyết định khởi hành của chư huynh, mà cả tới lộ trình và con đường mà chư huynh sẽ theo, sợ rằng khi tiết lộ ra, điều ấy sẽ gây nên những trở ngại hàng loạt và tại rất nhiều địa điểm”.

– Trong lúc đi đường: “chư huynh phải thận trọng về những vùng và những nơi mà, cách này hay cách nọ, lệ thuộc quyền bính người Bồ Đào Nha; đối với họ, xin chư huynh, bằng hết sức mình, tránh ngay cả việc chào hỏi họ… Phải lưu tâm, nhất là trong cuộc hành trình, để không một ai có thể biết được tên gọi và mục đích sứ mệnh của chư huynh. Bởi vậy, chư huynh hãy thay đổi tên họ của mình, quốc tịch của mình và cung cách cư xử của mình đi; và đừng nói năng chi đến chuyến đi, đến lộ trình và nhất là đến mục tiêu cuộc hành trình; và điều quan trọng hơn cả, đó là đừng tiết lộ ra phẩm chức giám mục của chư huynh…”[58].

            Những lo xa như thế của “Thánh bộ” không biết có “quá đáng” không? Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng: người thực hiện chương trình chính là người đang ở “đầu sóng ngọn gió” chứ không phải “ai đó đang chễm chệ” ở Giáo triều Rôma! Vì thế, điều đáng chúng ta quan tâm chính là những lựa chọn và hành động mục vụ cần thiết và thức thời của chính vị chủ chăn Giáo phận Tông tòa Đàng Trong…

2. Công Nghị Hội An: những chuẩn bị và lựa chọn nền tảng:

2.1. Cầu nguyện, phó thác, phân định:

            Đứng trước một trách nhiệm nặng nề của cương vị Chủ chăn và với một hiện tình mục vụ đầy nhiêu khê phức tạp của giai đoạn mới “Giáo phận Tông tòa” tại vùng đất Đàng Trong xa lạ…, Đức cha Lambert đã không nãn lòng bỏ cuộc hoặc “thúc thủ” để mặc con thuyền Giáo hội trôi đi theo bất cứ hướng nào, hoặc lệ thuộc dưới áp lực của bất cứ thế lực nào. Điều căn bản và cũng là chọn lựa trước tiên của Đức cha Lambert khi dấn thân vào sứ vụ cao trọng nhưng khó khăn này chính là đặt niềm tin tưởng và phó thác nơi Chúa được thể hiện qua đời sống cầu nguyện, hy sinh và yêu thương đoàn chiên hết mình[59].

            Trên nền tảng vững chắc đó, Đức cha Lambert đã vận dụng phương thế “quan sát kỹ lưỡng hiện tình, giải thích theo tiêu chuẩn đức tin và lựa chọn phương thế hành động dưới ánh sáng Tin mừng”[60], như được phản ảnh qua bức “Thư đệ trình Đức Thánh Cha Clément IX” (để giới thiệu tổng quát về tài liệu Monita của Công nghị Ayuthia 1664): “Từ lúc mà Thiên Chúa nhân từ đã đoái thương gọi chúng con đi truyền giáo, mặc dù chúng con bất xứng; và từ lúc mà vị Tiền nhiệm của Đức Thánh Cha, Đức Alexandre VII đáng nhớ, đã cất nhắc chúng con lên hàng Giám Mục và sai chúng con đến với lương dân giúp họ trở lại, thì không điều gì khiến chúng con quan tâm hơn là đem hết sức lực để hoàn thành sứ mạng cao quí và quan trọng này. Chúng con đã nghe nhiều, chúng con đã đọc nhiều, chúng con cũng đã quan sát tường tận tại các cuộc họp với những anh em đồng nhiệm từ các xứ truyền giáo, và nhờ kinh nghiệm chúng con đã xem xét kỹ lưỡng tất cả các tường trình. Một biến cố “thuận lợi” chưa chắc đã giúp ích cho chúng con bằng việc chúng con phải bị bắt buộc dừng lại lúc vừa đến ranh giới lãnh thổ được giao phó. Ý Chúa quan phòng đã làm chậm lại những nỗ lực của chúng con để chúng con cùng nhận ra điều phải làm hoặc phải tránh, đồng thời sự quan phòng cũng bảo đảm “một vụ mùa bội thu” sắp tới”[61].

2.2. Theo “phong cách hiệp hành”:

            “Hiệp hành” (Synodality) đó là từ mà dân Công Giáo chúng ta được nghe, được đọc nhiều nhất suốt hơn hai năm nay, kể từ ngày khai mạc tiến trình Thượng Hội Đồng Giám mục thứ XVI giai đoạn “cấp giáo phận” – ngày 10.10.2021. Thông thường, “nghe, đọc…” về tính hiệp hành là một chuyện; còn thực hiện “hiệp hành” lại là một chuyện khác.

Thế nhưng, chúng ta đều biết rằng: Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ XVI khi lựa chọn chủ đề: VÌ MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG, THAM GIA VÀ SỨ VỤ (POUR UNE ÉGLISE SYNODALE: COMMUNION, PARTICIPATION ET MISSION) không nhằm để “nghe, đọc, thảo luận…” mà là như lưu ý của Thượng Hội Đồng trong “Tài liệu chuẩn bị”: “Hãy nhớ rằng mục đích của Thượng Hội đồng, và do đó của cuộc thỉnh ý này, không nhằm tạo ra các tài liệu, mà là “để gieo mầm ước mơ, rút ra các lời tiên tri và thị kiến, cho phép hy vọng nảy nở, khơi dậy niềm tin, băng bó các vết thương, cùng nhau đan kết các mối tương quan, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và mang lại một khả năng sáng tạo giúp khai mở trí tuệ, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay[62].

            Hơn ba thế kỷ trước, khi triệu tập “Công nghị Hội An” cho Giáo phận Tông tòa Đàng Trong (19.01.1672), chắc chắn Đức cha Lambert cũng mang trọn những “ước mơ hiệp hành” như thế dành cho một đàn chiên phần nào đang chao đảo, mệt mỏi, lo lắng… trước những tin tức đó đây từ Ayuthia, Đàng Ngoài về “bách hại, trục xuất các thừa sai”, về sự “chuyển đổi cách vận hành mục vụ”; nhất là về “chia rẽ nội bộ, rạn nứt” đang xảy ra tại Hội An Đàng Trong[63].

Vâng, đó là ước mơ “hiệp hành” để “loan truyền Phúc Âm”, “hiệp hành” để ‘tìm kiếm các phương tiện thích hợp nhất cho vinh danh Đấng Cứu Thế”, “hiệp hành” vì “ích lợi chung của toàn công cuộc truyền giáo …, và vì sự phát triển của Kitô giáo cùng sự bình an cho Giáo Hội…” như được phản ảnh ngay trong những lời đầu tiên của “văn kiện kết thúc Công nghị”: “Từ lúc chúng tôi đến vương quốc Đàng Trong, ngay khi có thể, vì nhiệm vụ của chúng tôi, chúng tôi chú tâm suy nghĩ về việc loan truyền Phúc Âm. Và với nhiều thầy giảng, các vị trùm trưởng các nhà thờ, cũng như với các Kitô hữu chính, chúng tôi đã cẩn thận tìm kiếm các phương tiện thích hợp nhất cho vinh danh Đấng Cứu Thế. Vào lúc chúng tôi sắp sửa phải rời xa vương quốc này vì ích lợi chung của toàn công cuộc truyền giáo của chúng tôi, và vì sự phát triển của Kitô giáo cùng sự bình an cho Giáo Hội này, chúng tôi đã quyết định đặt để một cách đạo đức và chính đáng, vài điều cần thiết cho tình trạng hiện nay của đạo Chúa, theo khả năng của chúng tôi”[64].

3. Công nghị Hội An: chiều kích hiệp hành:

3.1. Giới thiệu tổng quan:

            Như đã giới thiệu ở trên, Công nghị Hội An chính là Công nghị đầu tiên tại Giáo phận Tông tòa Đàng Trong do chính vị Giám Mục Đại diện Tông tòa cai quản Giáo phận đích thân triệu tập và chủ trì mà phần lớn các tham dự viên Công nghị là người Việt Nam Đàng Trong. Nội dung của Công nghị được phản ảnh qua “Hiến chương chung kết” được phê duyệt ngày 21.11.1678 bởi Thánh Bộ Truyền bá Đức tin, sau 3 lần xem xét, nghiên cứu. Thánh bộ đã có những kết luận như sau về “Bản Hiến chương Công nghị Hội An 1672”: “Về lời thỉnh nguyện xin công nhận công đồng do Đức cha Béryte cử hành tại Đàng Trong mà văn kiện đã được trao cho các Hồng y Colonna, Alberizzi và Casanata duyệt xét. Chúng tôi trả lời rằng không phải công nhận như công đồng, nhưng những quyết định của công đồng này phải được các Hồng y cứu xét và phúc trình sớm nhất có thể”[65].

            Ngoài “Lời dẫn nhập” và “Kết luận”, Văn kiện của Công nghị Hội An gồm có 10 Điều khoản: 3 Điều khoản đầu tiên xác định việc điều hành và tổ chức Giáo phận Tông tòa Đàng Trong theo định hướng của Thánh bộ Truyền bá Đức tin qua năng quyền của vị Giám mục Đại diện Tông tòa chứ không còn lệ thuộc vào chế độ ‘bảo trợ Bồ Đào Nha” nữa[66]. Đặc biệt, trong Mục 1, Công nghị đã công bố 5 Sắc chỉ (Đoản sắc) của Tòa Thánh: bao gồm 4 Sắc chỉ của Đức cố Giáo hoàng Alexandre VII[67] và 1 Sắc chỉ của Đức cố Giáo Hoàng Clêmentê IX[68]. Trong khi đó, 7 Điều khoản còn lại nhằm chấn chỉnh kỷ luật mục vụ trong nội bộ Giáo phận (Về vai trò người chủ sự cộng đoàn khi các linh mục hoặc thầy giảng vắng mặt; về mục vụ bí tích Rửa tội; về giáo lý; về kinh nguyện; về mục vụ bí tích Hôn phối; về việc làm chứng đức tin thời bách hại…)[69].

            Vì các “Điều khoản” của Văn kiện thật rõ ràng để có thể áp dụng tức thời vào hiện tình mục vụ, nên chúng ta không cần bàn sâu. Điều cần ghi nhận ở đây đó là sự chuẩn bị nghiêm túc của Đức cha Lambert và ban tổ chức – điều hành Công nghị xung quanh ngài. Trong một hoàn cảnh khó khăn xa xôi lạ lẫm, chân ướt chân ráo như thế trong lần kinh lý mục vụ đầu tiên tại Đàng Trong mà các ngài đã “quan tâm dịch các Đoản Sắc trên sang tiếng bản xứ, để mọi người trong các tín hữu rõ ý hướng và ý muốn của Tòa Thánh. Nhờ đó, các tín hữu có thể nghe và nhận biết chúng tôi là Giám Mục Bérithe, đại diện tông tòa Đàng Trong, mang phận vụ của Đức Giáo Hoàng trong việc quản trị và hướng dẫn các tỉnh hạt nơi này” (Điều khoản 1).

            Ở đây, chúng ta dừng lại để tìm hiểu khái quát về “chiều kích hiệp hành” của Công nghị Hội An; một chiều kích đang được cả Hội thánh hôm nay quan tâm thực hiện.

3.2. Công nghị Hội An: một công nghị “Hiệp thông”:

            Trong thời gian này, chắc chắn ai cũng nghe, cũng biết, nội hàm của “hiệp hành” theo Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI chuyên chở ba chiều kích cơ bản: HIỆP THÔNG, THAM GIA, SỨ VỤ[70]. Như vậy, liệu Công nghị Hội An có phản ảnh chút gì những chiều kích này?

            Trước hết, chúng ta dễ dàng tìm thấy ý nghĩa “hiệp thông” qua một số từ của phần dẫn nhập vào chính Văn kiện: “Chúng tôi” (được sử dụng xuyên suốt từ đầu đến cuối), “với nhiều thầy giảng, các vị trùm trưởng các nhà thờ, cũng như với các Kitô hữu chính”, “chúng tôi cùng hội nhau”, “công nghị với nhau”, “bằng một cuộc bỏ phiếu đồng nhất, chúng tôi đã quyết định những điều sau”Tất cả những chi tiết trên nào có khác gì với cung cách “hiệp hành” được ghi lại trong Thư của Đại Hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội Đồng Giám Mục gởi cho Dân Chúa: Khoá họp mà chúng tôi được quy tụ ở Rôma từ ngày 30 tháng 9 là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình này. Về nhiều phương diện, đây là một trải nghiệm chưa từng có. Lần đầu tiên, theo lời mời của Đức thánh cha Phanxicô, những người nam cũng như nữ nhận được lời mời, nhờ bí tích Rửa tội, ngồi cùng bàn không chỉ để tham gia thảo luận, mà còn tham gia tiến trình bỏ phiếu của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục này. Trong tâm tình bổ sung cho nhau về ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ, chúng tôi đã cùng nhau chăm chú lắng nghe Lời Chúa và kinh nghiệm của người khác[71].

            Công nghị Hội An còn cho thấy tính “hiệp thông” giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ; nhất là sự hiệp thông với Tòa Thánh, với thẩm quyền Giáo Hội; hiệp thông giữa đoàn chiên và chủ chăn… được nhấn mạnh ngay từ Điều 1:

“Các ngày chúa nhật, lúc các Kitô hữu hội họp đọc kinh, chúng tôi yêu cầu mọi người, từ các linh mục tới các thầy giảng, ngay cả các ông trùm trưởng các nhà thờ, phải đọc cho các tín hữu nghe năm Đoản Sắc tông tòa.

Nghĩa là, bốn Đoản Sắc của Đức cố Giáo Hoàng Alexandre VII…

Sau hết, Đoản Sắc thứ năm là Đoản Sắc của Đức cố Giáo Hoàng Clêmentê IX, ban ngày 13/09/1669 tại Rôma, khởi đầu bằng chữ Speculatores domus Israel…” (X. Ghi chú 67, 68).

Chúng tôi đã quan tâm dịch các Đoản Sắc trên sang tiếng bản xứ, để mọi người trong các tín hữu rõ ý hướng và ý muốn của Tòa Thánh. Nhờ đó, các tín hữu có thể nghe và nhận biết chúng tôi là Giám Mục Bérithe, đại diện tông tòa Đàng Trong, mang phận vụ của Đức Giáo Hoàng trong việc quản trị và hướng dẫn các tỉnh hạt nơi này…”[72].

3.3. Công nghị Hội An: một công nghị “Tham gia”:

            Vademecum của Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI đã cắt nghĩa cho chúng ta chiều kích “Tham gia” như sau: “… tất cả những ai thuộc về Dân Chúa – giáo dân, người được thánh hiến và giáo sĩ – hãy dấn thân vào cuộc thao luyện lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng. Việc lắng nghe này tạo ra không gian để chúng ta cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần, và dẫn lối cho những khát vọng của chúng ta đối với Hội thánh trong Thiên niên kỷ thứ ba. Nền tảng thực sự của việc tham gia là tất cả các tín hữu đều có đủ tư cách và được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau qua các ân ban mà mỗi người đã nhận được từ Chúa Thánh Thần. Trong Hội thánh hiệp hành, với các thành viên hết sức đa dạng, toàn thể cộng đồng được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, biện phân và góp ý cho việc đưa ra các quyết định mục vụ phù hợp hết sức có thể với ý muốn của Thiên Chúa (ICT, Syn., 67-68). Phải thực sự nỗ lực để đảm bảo những người ở bên lề hoặc cảm thấy bị loại trừ đều được nhập cuộc”.

            Thừa sai Vachet, vị linh mục làm “Ký lục Tông Tòa” của Công nghị Hội An đã cho biết về “nhân sự tham dự Công nghị Hội An” và được linh mục sử gia của Hội Thừa sai Paris – Adrien Launay ghi lại như sau: “Chính từ nơi này, Đức cha de Bérite đã triệu tập Công nghị Hội An; tại Công nghị này, có 6 thừa sai châu Âu, 4 linh mục bản xứ và hơn 80 giáo lý viên”[73]. Có lẽ đây là con số tham dự viên Công nghị dự định ban đầu? Vì nơi một chỗ khác, thừa sai Vachet có viết rằng “vì thận trọng nên ban tổ chức đã hủy thư mời một số lớn các giáo lý viên và còn lại khoảng 30…”[74]. (x. Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, tr. 129). Riêng cha Giuse Trang, vị linh mục tiên khởi của Việt Nam, không những là một trong những tham dự viên của Công nghị mà còn được Đức cha Lambert chỉ định làm “thư ký tiếng Việt” của Công nghị. Điều này được ghi rõ trong phần đầu của Văn kiện Công nghị Hội An: “Và cha Giuse Trang, linh mục người Đàng Trong, mà chúng tôi tuyển chọn vào nhiệm vụ thư ký tiếng Việt”.

            Chúng ta thấy đó, cách đây hơn ba thế kỷ rưỡi, Đức cha Lambert đã vận dụng tính hiệp hành vào sinh hoạt đức tin của Giáo hội mà chiều kích “Tham gia” được thể cách rõ nét nơi Công nghị Hội An, một Công nghị mà thành viên tham dự nghị trình và bỏ phiếu thuộc về giáo dân (các giáo lý viên) tới gần chín mươi phần trăm: “Chính như vậy, sau khi đã khiêm nhường cầu xin ơn Chúa và cử hành thánh lễ, bằng một cuộc bỏ phiếu đồng nhất, chúng tôi đã quyết định những điều sau…” (Lời mở đầu của Văn kiện Công nghị Hội An).

3.4. Công nghị Hội An: một Công nghị “Sứ vụ”:

            “Sứ vụ”, “Truyền giáo” hay “được sai đến lương dân giúp họ trở lại” chính là “sứ vụ” mà Đức cha Lambert luôn canh cánh bên lòng. Đây chính là điều mà ngài đã tái minh xác trong bức “thư gởi cho Đức Thánh cha Clementê IX” để đệ trình “văn kiện của Công nghị Ayuthia 1664” hay còn được gọi là “Huấn thị Monita” (Monita ad missionarios): “Từ lúc mà Thiên Chúa nhân từ đã đoái thương gọi chúng con đi truyền giáo, mặc dù chúng con bất xứng; và từ lúc mà vị Tiền nhiệm của Đức Thánh Cha, Đức Alexandre VII đáng nhớ, đã cất nhắc chúng con lên hàng Giám Mục và sai chúng con đến với lương dân giúp họ trở lại, thì không điều gì khiến chúng con quan tâm hơn là đem hết sức lực để hoàn thành sứ mạng cao quí và quan trọng này”[75].

Cho dù là một “Công nghị” nhằm chấn chỉnh và kiện toàn việc “chăm sóc mục vụ” cho đàn chiên Giáo phận Tông tòa Đàng Trong trước những xáo trộn và hệ lụy tiêu cực của thời chuyển đổi cơ cấu vận hành mục vụ từ “Bảo Trợ” sang “Tông Tòa”, thao thức truyền giáo vẫn là “điểm nhấn” được nêu lên hàng đầu trong Hiến chương Công nghị: “Từ lúc chúng tôi đến vương quốc Đàng Trong, ngay khi có thể, vì nhiệm vụ của chúng tôi, chúng tôi chú tâm suy nghĩ về việc loan truyền Phúc Âm”. Trong khi đó, nơi điều khoản cuối cùng số 10, Hiến chương Công nghị Hội An lại lưu ý đặc biệt đến việc “làm chứng đức tin”, “xưng đạo ra bên ngoài” như là điều kiện tiên quyết để nhận được ơn cứu rỗi: “Ngoài ra, chúng tôi cảnh báo các tín hữu rằng chỉ giữ đạo bên trong thôi thì chưa đủ để được cứu rỗi, phải xưng đạo ra bên ngoài nữa, cho dù bị mất của cải và phải chịu đau khổ khó khăn, nguy hiểm đến mạng sống mình”.

4. Công nghị Hội An: những quyết sách mục vụ:

            Sau khi tìm hiểu bối cảnh liên quan và dừng lại nơi những “điểm nhấn” quan trọng trong Văn kiện của Công nghị Hội An 1672, chúng ta có thể tóm tắt các quyết sách mục vụ mà Đức cha Lambert cùng với Công nghị Hội An đã đề ra cho Dân Chúa Đàng Trong như sau:

4.1. Chiến lược mục vụ tổng quát: Truyền giáo – Phát triển – Ổn định: “Từ lúc chúng tôi đến vương quốc Đàng Trong, ngay khi có thể, vì nhiệm vụ của chúng tôi, chúng tôi chú tâm suy nghĩ về việc loan truyền Phúc Âm (…)  vì sự phát triển của Kitô giáo cùng sự bình an cho Giáo Hội này” (Lời dẫn Văn kiện Công nghị).

4.2. Lựa chọn phương thế hành động: Hiệp hành – Cầu nguyện – Quyết định: “chúng tôi cùng hội nhau trong làng Chiêm Baong, nằm kế cận thành phố thương mại Hội An, để công nghị với nhau về lợi ích tất cả các Kitô hữu tại vương quốc và để giúp đỡ các tín hữu sinh sống nơi đây. Chính như vậy, sau khi đã khiêm nhường cầu xin ơn Chúa và cử hành thánh lễ, bằng một cuộc bỏ phiếu đồng nhất, chúng tôi đã quyết định…” (Lời dẫn Văn kiện Công nghị).

4.3. Định hướng để chấn chỉnh và kiện toàn sinh hoạt Giáo phận: Hiệp thông với Tòa Thánh – Hiệp nhất trong Giáo phận – Kỷ luật trong trách nhiệm và bổn phận (Điều khoản 1, 2, 3 của Vă kiện).

4.4. Những việc cần thực hiện ngay: Nhân sự (đặc trách chủ sự cộng đoàn) – Phụng vụ bí tích (Rửa tội, Hôn phối) – Giáo lý và kinh nguyện (Thông thuộc giáo lý và kinh nguyện) (Điều khoản 4, 5, 6, 7. 8, 9).

4.5. Hành trang tinh thần cho thời bách hại: kiên vững và can đảm làm chứng: “Ngoài ra, chúng tôi cảnh báo các tín hữu rằng chỉ giữ đạo bên trong thôi thì chưa đủ để được cứu rỗi, phải xưng đạo ra bên ngoài nữa, cho dù bị mất của cải và phải chịu đau khổ khó khăn, nguy hiểm đến mạng sống mình” (Điều khoản 10 của Văn kiện).  

Lời kết: Người xưa đã “hiệp hành” như thế đó!

            Chúng ta vừa bàn với nhau về một sự kiện mục vụ đặc biệt của Giáo hội tại Việt Nam vào một thời điểm cách đây 352 năm (1672-2024); và đây là biến cố mục vụ quan trọng hàng đầu của vị Giám Mục Đại diện Tông tòa đầu tiên, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, tại chính địa bàn mục vụ mà ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm chăm sóc. Vâng, đó chính là Công nghị Hội An, Công nghị đầu tiên của Giáo phận Tông tòa Đàng Trong.

            Thì ra, Đức Cha Lambert (cùng Dân Chúa Đàng Trong) cách đây hơn ba thế kỷ rưỡi đã vận dụng “khí cụ hiệp hành”, một “phương cách sống và hành động” đặc trưng của Hội thánh, vào đời sống đức tin: “hiệp hành chính là phương cách sống sống và hành động (Modus vivendi et operandi) đặc trưng của Hội Thánh, dân Thiên Chúa, vốn biểu lộ và thực hiện cách cụ thể bản chất hiệp thông của mình khi mọi thành viên của Hội Thánh đồng hành cùng nhau, tập họp lại trong đại hội và cùng tham gia tích cực vào sứ vụ phúc âm hóa của Hội Thánh”[76].

            Giáo hội Việt Nam đang ở vào thời điểm thế kỷ 21; một giai đoạn nói được là vững mạnh và phát triển mọi mặt; nhất là đang hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ để sống và hành hành động theo phong cách “hiệp hành” mà Thượng Hội Đồng Giám mục thứ XVI đang khai triển và gọi mời. Thế nhưng, phải chăng những thành quả của hôm nay chính là nhờ công sức “hiệp hành” của bao thế hệ tiền nhân mà Đức cha Lambert là một trong những số ấy.

            Qua “Công nghị Hội An” mà chúng ta vừa chia sẻ với nhau, phải chăng đây là cơ hội để thế hệ con cháu chúng ta nhìn lại cách lựa chọn và hành động của cha ông mà áp dụng vào việc củng cố, phát triển và chia sẻ niềm tin; áp dụng vào hành trình loan báo Tin mừng cho thời đại hôm nay. Đây chính là cách chúng ta cùng “lắng nghe”, một chiều kích cơ bản của “hiệp hành”. Bởi vì, lắng nghe kinh nghiệm của người xưa, lắng nghe truyền thống… đó cũng chính là lắng nghe Chúa Thánh Thần: “Chúng ta lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe những dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả hai mục đích tương thuộc của tiến trình lắng nghe là: “Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của dân Ngài; lắng nghe dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó” (VADEMECUM 2.2).

            Vâng, người xưa đã “hiệp hành như thế”, còn chúng ta hôm nay thì sao?

Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

(Để đón mừng Giáng Sinh 2023 và chào đón Năm mới 2024; mừng kỷ niệm 352 năm Công nghị Hội An: 1672-2024; ghi nhớ ngày “Mở án phong thánh cho Đức cha P. Lambert de La Motte: 13.01.2024) 

PHỤ LỤC

CÔNG ĐỒNG ĐÀNG TRONG NĂM 1672

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Năm cứu thế 1672

Hiến chương Công đồng

Chúng tôi, Pierre Lambert, nhờ ơn Thiên Chúa và Tòa Thánh tông truyền, là giám mục Bérithe, đại diện tông tòa Đàng Trong và Chiêm Thành, v.v.

Từ lúc chúng tôi đến vương quốc Đàng Trong, ngay khi có thể, vì nhiệm vụ của chúng tôi, chúng tôi chú tâm suy nghĩ về việc loan truyền Phúc Âm. Và với nhiều thầy giảng, các vị trùm trưởng các nhà thờ, cũng như với các Kitô hữu chính, chúng tôi đã cẩn thận tìm kiếm các phương tiện thích hợp nhất cho vinh danh Đấng Cứu Thế. Vào lúc chúng tôi sắp sửa phải rời xa vương quốc này vì ích lợi chung của toàn công cuộc truyền giáo của chúng tôi, và vì sự phát triển của Kitô giáo cùng sự bình an cho Giáo Hội này, chúng tôi đã quyết định đặt để một cách đạo đức và chính đáng, vài điều cần thiết cho tình trạng hiện nay của đạo Chúa, theo khả năng của chúng tôi.

Do đó, chúng tôi thông báo ngày 19.01.1672 cho:

– Cha Claude Guiard, thừa sai tông tòa và quyền đại diện của chúng tôi tại vương quốc Đàng Trong và Chiêm Thành,

– Cha Bénigne Vachet, thừa sai và ký lục tông tòa, và là thư ký tiếng Latinh của chúng tôi trong công việc này,

– Và cha Giuse Trang, linh mục người Đàng Trong, mà chúng tôi tuyển chọn vào nhiệm vụ thư ký tiếng Việt[77].

Vào chính ngày nói trên, tất cả chúng tôi cùng hội nhau trong làng Chiêm Baong, nằm kế cận thành phố thương mại Hội An[78], để công nghị với nhau về lợi ích tất cả các Kitô hữu tại vương quốc và để giúp đỡ các tín hữu sinh sống nơi đây.

Chính như vậy, sau khi đã khiêm nhường cầu xin ơn Chúa và cử hành thánh lễ, bằng một cuộc bỏ phiếu đồng nhất, chúng tôi đã quyết định những điều sau:

Điều 1

Các ngày chúa nhật, lúc các Kitô hữu hội họp đọc kinh, chúng tôi yêu cầu mọi người, từ các linh mục tới các thầy giảng, ngay cả các ông trùm trưởng các nhà thờ, phải đọc cho các tín hữu nghe năm Đoản Sắc tông tòa.

Nghĩa là, bốn Đoản Sắc của Đức cố Giáo Hoàng Alexandre VII[79]:

Đoản Sắc thứ nhất ban ngày 09.09.1659 tại Rôma, khởi đầu bằng chữ Super cathedram apostolicorum[80].

Đoản Sắc thứ hai, ngày 04.02.1664, khởi đầu bằng chữ Onerosa pastoralis cura[81].

Đoản Sắc thứ ba, ngày 28.02.1665, khởi đầu bằng chữ Sublimi Sanctae Sedis apostolicae speculo[82].

Đoản Sắc thứ bốn, ngày 13.03.1665, khởi đầu bằng chữ Injuncti nobis caelitus pastoralis officii[83].

Sau hết, Đoản Sắc thứ năm là Đoản Sắc của Đức cố Giáo Hoàng Clêmentê IX[84], ban ngày 13.09.1669 tại Rôma, khởi đầu bằng chữ Speculatores domus Israel[85].

Chúng tôi đã quan tâm dịch các Đoản Sắc trên sang tiếng bản xứ, để mọi người trong các tín hữu rõ ý hướng và ý muốn của Tòa Thánh[86]. Nhờ đó, các tín hữu có thể nghe và nhận biết chúng tôi là Giám Mục Bérithe, đại diện tông tòa Đàng Trong, mang phận vụ của Đức Giáo Hoàng trong việc quản trị và hướng dẫn các tỉnh hạt nơi này.

Các linh mục, các thầy giảng và các ông trùm trưởng nhà thờ phải đọc ngay chứng thư vâng phục quyền tài phán của chúng tôi mà cha Bartholomaeus da Costa [cha Acosta], linh mục dòng Tên, đã khiêm tốn xin chúng tôi và chúng tôi đã ban ngay cho cha[87].

Điều 2

Chiếu theo các khoản giáo luật, nghị định các công đồng chung, tông sắc các Đức Giáo Hoàng, và nhất là Đoản Sắc mới đây của Đức cố Giáo Hoàng Clêmentê IX [Speculatores], buộc các giám mục yêu cầu tất cả và mỗi tu sĩ thuộc bất kỳ hội dòng nào, ngay cả dòng Tên, phải trình chứng thư hay tài liệu về sứ vụ, nơi chốn, hội dòng và bài sai của mình, và chính các tu sĩ phải xin các giám mục cho phép thi hành năng quyền của mình,

Vậy, theo quy chế Giáo Hội, chúng tôi tuyên bố không giáo sĩ nào hay tu sĩ thuộc bất kỳ dòng nào, kể cả dòng Tên, trong các vương quốc Đàng Trong và Chiêm Thành, có thể sử dụng năng quyền của mình mà không có phép của chúng tôi hay của linh mục quyền đại diện chúng tôi.

Do đó, trong các vương quốc nói trên, các thừa sai hãy vui lòng trình bài sai cho chúng tôi hay cho linh mục quyền đại diện chúng tôi và buộc phải xin phép thi hành các năng quyền của mình. Nếu họ từ chối, chúng tôi cấm họ, theo chỉ thị của Tòa Thánh, được thi hành các năng quyền của họ và các tín hữu phải biết việc xưng tội với họ là vô hiệu, theo các tông hiến Tòa Thánh.

Điều 3

Ai trân trọng những lời Tông Sắc của Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX, thì biết “các thầy giảng có thể được kêu gọi bởi các vị đại diện tông tòa, để các thầy thi hành nhiệm vụ của mình dưới sự hướng dẫn và thuộc quyền các ngài”. Chúng tôi cấm không ai được tự ý làm thầy giảng. Do đó, nếu ai tự động giảng Phúc Âm Chúa Kitô với tư cách thầy giảng mà không có chứng thư do chúng tôi hay linh mục quyền đại diện chúng tôi cấp, người ấy bị vạ tuyệt thông “ipso facto” mà chỉ có chúng tôi hay linh mục quyền đại diện chúng tôi mới tha được. Quả thật, chúng tôi biết qua kinh nghiệm rằng các Giáo Hội ở nơi xa Tòa Thánh sẽ rơi vào nguy hiểm lớn, khi các thầy giảng hoặc không có khả năng, hoặc rất kém về giáo lý, điều mà Tòa Thánh lưu tâm để ý.

Điều 4

Tại những nơi có đông tín hữu, người ta sẽ tuyển chọn một người có tiếng khôn ngoan và đạo đức. Khi vắng linh mục hay thầy giảng, người này có thể giúp đỡ giáo hữu đọc kinh các ngày lễ và công bố các quyết định của chúng tôi. Người này có thể thăm viếng và trợ giúp tín hữu bệnh hoạn, rửa tội trẻ nhỏ cũng như người hấp hối muốn được rửa tội. Và nếu có thể làm được, người này hãy dạy luật lệ của Chúa Kitô và các sự cần thiết khác để được rửa tội.

Mỗi khi rửa tội các trẻ nhỏ hay người lớn tuổi cận kề cái chết, người này sẽ ghi chú tên cha mẹ, tên sinh, tên làng xóm, ngày tháng năm, và lời điều tra trước xem họ có bị ràng buộc trong hôn nhân không. Người này phải giữ sổ khai tử và hôn nhân. Tất cả những điều trên là những điều các thầy giảng phải trung thành tuân giữ trong tỉnh hạt đã được trao phó cho các thầy. Các thầy buộc phải phúc trình cho chúng tôi hay linh mục quyền đại diện chúng tôi biết các điều trên.

Điều 5

Chúng tôi rất buồn khi thấy không ít người đã được rửa tội song hoàn toàn không hiểu biết và dốt nát về các giới luật đạo Chúa. Tìm hiểu nguyên nhân sự dốt nát này, chúng tôi nhận ra sự lơ là của các thừa sai đã hoàn toàn bỏ qua không cắt nghĩa các mầu nhiệm cần thiết cho họ. Chính vì lẽ đó, để dự liệu việc rất quan hệ này cho tương lai, chúng tôi cấm không một thầy giảng nào, một ông trùm trưởng nhà thờ nào và một linh mục nào, dù triều hay dòng, mỗi người theo phận vụ mình, được tự ý ban các bí tích rửa tội và giải tội cho bất kỳ ai, mà không biết trước người đó có thể và có tư cách lãnh nhận.

Điều 6

Mỗi khi các tín hữu đến đọc kinh tại nhà thờ, chúng tôi yêu cầu trước tiên phải luôn luôn đọc Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và Sáu Điều Răn Hội Thánh, để các tín hữu biết tường tận điều bó buộc họ và không u mê về việc phải giữ trước Giáo Hội (erga tatam matrem).

Điều 7

Các thầy giảng và các ông trùm trưởng nhà thờ phải cẩn thận tìm hiểu các cuộc hôn nhân giữa người có họ máu ở những cấp bậc bị cấm, hay khác biệt tôn giáo, rồi phải trình ngay cho chúng tôi hay cho vị quyền đại diện chúng tôi. Sau khi nhanh chóng xem xét, chúng tôi sẽ quyết định cuộc hôn nhân nào được phép.

Về vấn đề này, nếu ai trong các tân tòng muốn kết hôn với người cùng họ máu, người thân thuộc hay ngoại đạo, phải chuyển đến chúng tôi, để nếu cần phải có phép chuẩn, chúng tôi sẽ nhượng ban. Bằng không, chúng tôi tuyên bố những cuộc hôn nhân giữa các người thể ấy là bất thành.

Điều 8

Bí tích rửa tội không được ban cho người vợ lẻ nào muốn theo đạo, nếu người này coi thường nguy hiểm và cơ hội bỏ trốn đi và việc hoán cải mình nên tốt hơn.

Điều 9

Các người ngoại không được kết hôn với người vợ lẻ xin trở lại đạo, nếu người vợ chính không từ chối phép rửa tội, dù người vợ chính bị chồng ruồng bỏ. Thực vậy, nếu họ đã khởi sự sống hôn nhân trong ngoại giáo, rồi họ tự ý bỏ nhau, nay một trong hai trở lại đạo, người này có thể tái hôn với người có đạo, nếu người kia từ chối theo đạo, bởi vì không thể làm cách nào khác.

Điều 10

Ngoài ra, chúng tôi cảnh báo các tín hữu rằng chỉ giữ đạo bên trong thôi thì chưa đủ để được cứu rỗi, phải xưng đạo ra bên ngoài nữa, cho dù bị mất của cải và phải chịu đau khổ khó khăn, nguy hiểm đến mạng sống mình.

Vì đó, trong những cơn bắt đạo vừa qua, ai đã mở miệng chối đạo mà nghĩ rằng giữ niềm tin trong lòng là đủ rồi, thì phạm tội nặng. Chúng tôi khuyên nhủ mọi người hãy nhớ những lời Chúa Kitô nói: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” [Mt 10, 32-33]

Ngoài ra, chúng tôi trao phó cho tất cả những ai đang làm việc trong vườn nho này của Thiên Chúa, hoàn tất những điều khoản trên đây và liệu cho các tín hữu tuân giữ.

Chúng tôi ký tên dưới đây là ký lục tông tòa, đã ghi lại mọi sự đúng theo từng chữ Hiến Chương công đồng này.

Làm tại Ayutthaya, vương quốc Xiêm La, ngày 13.09.1672.

Ký tên: Bénigne Vachet, ký lục tông tòa.

THƯ MỤC THAM KHẢO – NGUỒN TRÍCH DẪN

(Theo thứ tự ghi chú)

1. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005.

2. CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, Xứ Đàng Trong, Thanh Thư dịch, nxb Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2019.

3. ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo, (Divers voyages et missions), bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, nxb Hồng Đức 2020.

4. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, nxb Tôn giáo 2008.

5. BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2017.

6. ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques I, 1658-1728, P. Tequi, Paris 1923.

7. LM ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, nxb Phương Đông, 2010.

8. STEPHEN B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER, Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay, bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên, nxb Tôn Giáo 2020.

9. LM. ĐÀO QUANG TOẢN; Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá (Tài liệu phổ biến nội bộ).

10. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, nxb Tôn Giáo 2008.

11. Linh mục GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, Huấn thị 1659 – Công nghị 1664, Kim chỉ nam truyền giáo thế kỷ 17, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2021.

12. ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch, nxb Đồng Nai 2021.

13. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016, nxb Tôn Giáo 2017.

14. NGUYỄN THANH QUANG – Linh mục GIOAN VÕ ĐÌNH ĐỆ, Một số vấn đề chữ Quốc ngữ, nxb Khoa Học Xã hội 2020.

15. ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, nxb Tôn Giáo 2023,

16. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Giáo Hội.

17. JOSEF HOLZER, Lịch sử truyền giáo qua 100 trình thuật (Trình thuật số 70: Giáo Hội bung ra khắp thế giới). Nguyên tác: Die Geschichte der Kirche in 100 reportagen, chuyển ngữ: Đinh Phan Cư, Phạm Hồng-Lam, website

https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011.01.31/lich-su-giao-hoi-qua-100-trinh-thuat-36/#more-19796

18. THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XVI, Tài liệu chuẩn bị.

19. CÔNG ĐỒNG ĐÀNG TRONG NĂM 1672, Bản dịch Việt ngữ: Lm Đào Quang Toản.

20. VADEMECUM, Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám mục về tính hiệp hành.

21. THƯ CỦA ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC GỬI DÂN CHÚA, website Thư của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục gửi Dân Chúa (hdgmvietnam.com).


[1] GHI CHÚ RIÊNG: Công đồng Trentô (hay còn được gọi là Tridentino) là Công đồng chung thứ XIX của Giáo Hội Công Giáo được khai mạc ngày 13.12.1545 tại Trentô, miền bắc nước Ý, gần các quốc gia germaniques là nơi đã lan tràn giáo phái Tin lành. Công đồng Trentô diễn ra từ năm 1545 -1563 do Giáo hoàng Phaolô III triệu tập. Lúc khai mạc có 70 Giám mục, lúc kết thúc có 252 Giám mục và nhiều giáo sĩ tham dự trong 25 khoá họp từ ngày 13 tháng 12 năm 1545 đến ngày 4 tháng 12 năm 1563 và trải qua 3 thời kỳ Giáo Hoàng: Đức Phaolô III (1545-1547); Đức Giuliô III (1551-1552); Đức Piô IV (1562-1563). Công đồng xác định một số tín điều và giáo lý liên quan đến Phong trào Cải Cách, canh tân Giáo hội về nhiều điểm thực tế. Nội dung của công đồng có thể được tóm tắt như sau:

– Thúc đẩy sự canh tân trong Giáo hội Công giáo, phản đối phong trào cách mạng của nhóm Thệ Phản (Tin Lành) liên quan đến vấn đề Mặc Khải và Đức Tin (Lý trí và sự Tiếp thụ) như Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn quyền của Giáo hội, Tội Nguyên Tổ, ơn Công Chính hoá, Đặc Sủng, Bảy Phép Bí tích (Thánh Lễ), Thánh nhân, Thánh cốt, Thánh tượng.

– Quy định quyền lợi và trách nhiệm của Giám mục.

– Quy định đời sống của Giáo sĩ và Tu sĩ.

– Quy chế việc thành lập Dòng tu.

Công đồng Trentô đã có một ảnh hưởng quyết định trên đời sống và bộ mặt của Giáo hội Tây phương vào thế kỷ 16 và tiếp sau đó.

[2] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005, tr. 21.

[3] SĐD, tr. 24.

[4] GHI CHÚ RIÊNG: Nói đến lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, cột mốc thời gian khả tín nhất đó chính là năm 1615. Thật vậy, theo những “chứng nhân trong cuộc” (các thừa sai như Cristoforo Borri, Alexandre De Rhodes…) và các Báo Cáo chính thức của Dòng Tên, thì chúng ta có chứng tích rõ ràng về thời điểm, địa điểm cũng như nhân vật lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam: Do cuộc bách hại tại Nhật Bản, nhất là chỉ dụ cấm đạo 14.02.1614, các thừa sai bị buộc rời khỏi nước Nhật cùng với những thông tin thuận lợi và hấp dẫn của thuyền trưởng thương gia Ferdinand Costa về xứ Đàng Trong, Bề trên tỉnh dòng Macao của Dòng Tên Valentim Carvalho đã cử phái đoàn truyền giáo đầu tiên đến Đàng Trong gồm ba người: Cha Buzomi (người Ý là Trưởng đoàn), cha Diogo Carvalho và tu huynh Antonio Dias (người Bồ). Các ngài đã cập bến Đàng Trong tại Cửa Hàn ngày 18.01.1615.

[5] X. CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, Xứ Đàng Trong, Thanh Thư dịch, nxb Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2019, tr. 133-134; ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo, (Divers voyages et missions), bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, nxb Hồng Đức 2020, tr. 80-81; ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, nxb Tôn giáo 2008, tr. 18-20;BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2017, tr. 46-49.

[6] ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques I, 1658-1728, P. Tequi, Paris 1923, tr. 9-10.

[7] Có tác giả dùng từ “Công Đồng Hội An” hoặc “Công Đồng Đàng Trong” (Đào Quang Toản); Launay dùng “Synode pour Faifo”. Trong bài khảo luận này, chúng tôi dùng từ “Công nghị Hội An” theo cách sử dụng của tác giả linh mục Đỗ Quang Chính và ở tác phẩm “Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian” của Giáo phận Qui Nhơn.

[8] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, tr. 117.

[9] Ayuthia địa danh thuộc Thái Lan (Ayutthaya) được viết theo cách viết của Tây phương (Ayuthia, Ajuthia hoặc Juthia). Theo lịch sử nước Thái Lan, địa danh nầy vừa chỉ vương quốc Ayutthaya (Tên đầy đủ là Phra Nakhon Si Ayutthaya) tồn tại từ khoảng năm 1350-1767; vừa chỉ thành phố thủ đô của Vương quốc nầy do vua Uthong xây dựng từ năm 1350 và tồn tại liên tục 417 năm, cho đến khi bị quân Miến Điện tàn phá năm 1767. Ngày nay, Ayutthaya là thành cổ với công viên lịch sử Ayutthaya tọa lạc cách thủ đô Bangkok khoảng 76 km về phía bắc, và đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 12.1991. (x. Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, ghi chú 243, tr. 113).

[10] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr. 145-146.

[11] X. LM ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, nxb Phương Đông, 2010, trang 109-118.

[12] Chế độ “Bảo trợ Truyền giáo” thường được gọi chung bằng tiếng La tinh là Patronatus hình thành từ sắc chỉ “Inter Caetera” của Đức Giáo Hoàng Alexandro VI ký ngày 04.5.1493, “phân chia quyền bảo trợ truyền giáo cho hai nước Tây ban Nha và Bồ Đào Nha. Sau đó hai nước ký hiệp ước tại Tordesillas (Tây Ban Nha) vào ngày 07.06.1494, thỏa thuận đường ranh giới là kinh tuyến 30 từ Bắc cực xuống Nam cực. Tây kinh tuyến thuộc Tây Ban Nha; Đông kinh tuyến thuộc Bồ Đào Nha, gồm Phi châu và Á châu… (x. BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Sđd, tr. 44; xem thêm: STEPHEN B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER, Trung Thành và thích nghi (Constants in Context) – Thần học Truyền giáo cho hôm nay, bản dịch Việt Ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên, nxb Tôn Giáo 2020, Chương 6: Truyền giáo trong thời đại khám phá (1492-1773), tr. 286-287).

[13] x. LM. ĐÀO QUANG TOẢN; Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, tr. 12-13. (Dẫn nguồn: Ghi chú 6: AMEP, tập 121, trang 621-622).

[14] Sđd, tr. 13.

[15] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, nxb Tôn Giáo 2008, Chương ba, II: “Căng thẳng giữa hai nhóm thừa sai”, tr. 218: “Ngày 6.10.1675, ĐC Lambert ra vạ tuyệt thông hai cha B. d’Acosta và G. Candone vì tội bất phục tùng”.

[16] x. LM ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 122-123.(Xem thêm: tr. 22-23 trong nội dung “các xứ truyền giáo trong chế độ bảo trợ Bồ Đào Nha đang trong tình trạng sa lầy”).

[17] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr. 20-24: Bắt đầu thành lập năm 1622, cơ quan này mang tên La tinh Sacra Congregatio de Propaganda Fide (trong tiếng Việt ngày nay quen dịch là Thánh Bộ Truyền giáo nhiều hơn là Thánh Bộ Truyền bá đức Tin, từ năm 1946 trở về trước cũng còn gọi là Tòa Áp giải việc truyền giáo); ngày 15-8-1967, Đức Giáo hoàng Phaolô VI bằng Hiến chế Regimini Ecclesiae đổi tên Bộ này là Sacra Congregatio pro Gentium Evangelizatione seu de Propaganda Fide (Thánh Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc hoặc Truyền bá đức Tin); ngày 28-6-1988, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bằng Hiến chế Pastor bonus lại rút gọn tên Bộ này là Congregatio pro Gentium Evangelizatione (Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc). Với Hiến chế Pastor Bonus cải tổ giáo triều Rôma, Tòa thánh đã dám có một thay đổi lớn, dù chỉ là một tính từ, là bỏ hết từ Sacra (Thánh) đứng trước tên các Bộ và các cơ quan đầu não của giáo triều, vì vậy từ 1988 trở đi chỉ còn gọi là Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, Bộ Giám mục, Bộ Giáo , v.v

[18] SĐD, tr. 23…

[19] LM ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 45: “Người ta có thể coi như tài liệu chung cuộc về chương trình hoạt động của Thánh Bộ là bản Huấn Thị vĩ đại năm 1659 gửi các vị đại diện tông tòa miền Đông Dương”.

[20] Sđd, tr. 46: “Đương nhiên là chương trình truyền giáo rộng rãi đó, gần như mới mẻ về mọi điểm, không thể một sớm một chiều thực hiện được. Điều đáng kể là Thánh Bộ đã có được một chương trình rõ ràng và rất thích ứng với những nhu cầu cụ thể và với những vấn đề truyền bá đức tin. Dựa theo đó, Thánh Bộ có Thể hướng dẫn các thừa sai một cách thống nhất và Thánh Bộ có sẵn chương trình để quy chiếu”.

[21] Linh mục GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, Huấn thị 1659 – Công nghị 1664, Kim chỉ nam truyền giáo thế kỷ 17, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2021, Bài 1, Phần II, tr. 36-55.

[22] x. LM ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 73-74.

[23] Trong các phần đầu, xin được phép dùng từ “định hướng công nghị” để dịch cụm từ “orientation synodale”… Trong các phần sau khi bàn tới chuyên đề liên quan đến Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI, chúng tôi sẽ dùng cụm từ “định hướng hiệp hành”.

[24] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch, nxb Đồng Nai 2021, Chương I: Tính hiệp hành trong Kinh Thánh, Truyền thống và Lịch sử, tr. 9-15.

[25] SĐD, tr. 23-24.

[26] SĐD, tr. 24-28.

[27] SĐD, tr. 28-38.

[28] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (International Theological Commission): “Ủy ban Thần học Quốc tế gồm một nhóm thần học gia Công Giáo tiếng tăm trên thế giới, được thành lập năm 1969 và được đặt dưới sự chủ tọa của vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin nhằm mục đích nghiên cứu những vấn đề tín lý quan trọng để trợ giúp cho Đức Giáo Hoàng và Bộ Giáo lý Đức tin”; x. website http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/129896. (x. Những văn kiện của Uỷ Ban Thần học Quốc tế, website https://catechesis.net/nhung-van-kien-cua-uy-ban-than-hoc-quoc-te/)

[29] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, sđd, tr. 39.

[30] Vì năm 1664 là “Năm Nhuận” nên có ngày 29.02.

[31] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr. 171-175; (Xem thêm: Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, tr. 114).

[32] Để hiểu thêm về nội dung của văn kiện “MONITA”, xin đọc tác phẩm “Bình vẫn chưa hề cũ”, sđd, từ tr. 110-135.

[33] x. LM ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 158-160.

[34] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, tr. 44.

[35] SĐD

[36] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr.25.

[37] SĐD: Nếu kể từ 1615 đến 1664 (năm có vị thừa sai Paris đầu tiên đến Đàng Trong), thì tổng số Giêsu hữu làm việc ở Đàng Trong là 38 người, thuộc 10 quốc tịch sau đây: Bồ Đào Nha: 16; Nhật: 7; Ý: 3; Áo Môn: 2; Đàng Trong: 2; Napoli: 2; Pháp: 2; Savoie: 2; Piémont: 1; Tòa Thánh: 1… 

[38] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016, nxb Tôn Giáo 2017, tr.176: “37 năm truyền giáo ở Đàng Ngoài và 50 năm truyền giáo ở Đàng Trong, các thừa sai Dòng Tên đã rửa tội khoảng 100.000 tín hữu (20.000 ở Đàng Trong và 80.000 ở Đàng Ngoài).

[39] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, Các thừa sai Dòng Tên thành lập các cư sở truyền giáo, tr. 47-55.

[40] X. NGUYỄN THANH QUANG – Linh mục GIOAN VÕ ĐÌNH ĐỆ, Một số vấn đề chữ Quốc ngữ, nxb Khoa Học Xã hội 2020, tr. 28-31: Chữ Quốc ngữ trong tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam (Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

[41] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, Tu hội Thầy Giảng, tr. 498-516.

[42] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, tr. 74-75.

[43] ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, nxb Tôn Giáo 2023, tr. 35.

[44] SĐD, tr. 35: Trong thư của Đức Cha Lambert gởi cho cha Baudet ngày 24.5.1663 có đoạn: “Tôi vui mừng nghe tin các cha có vài thầy giảng đức hạnh, cha có thể nói với các thầy rằng nếu họ được gọi vào hàng sĩ, tôi sẽ rất sẵn sàng truyền chức cho họ”.

[45] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, tr. 119.

[46] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr. 223.

[47] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Giáo Hội, số 2: “Từ muôn thuở, Chúa Cha “đã kêu gọi và tiền định để họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài để Người Con Một trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Ngài quyết định quy tụ những ai tin vào Đức Kitô thành một Giáo Hội thánh thiện, được tiên báo bằng hình ảnh biểu trưng ngay từ lúc khởi nguyên thế giới, được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước, được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết tận thời gian”.

[48] SĐD, số 8: Nhưng nếu Đức Kitô là Đấng “thánh thiện, vẹn toàn, không tì ố” (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. 2 Cr 5,21), chỉ đến để đền tội cho dân (x. Dt 2,17), thì Giáo Hội lại luôn có những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng bước theo con đường sám hối và canh tân”.

[49] Ngày 04.05.1493, khi Đức Giáo Hoàng Alexandrô VI ký Sắc chỉ Inter Caetera, phân chia quyền bảo trợ truyền giáocho hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

[50] Ngày 22.06.1622, Đức Grêgôriô XV, bằng Hiến chế (Constitutio) Inscrutabili Divinae Providentiae, chính thức thiết lập Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin.

[51] JOSEF HOLZER, Lịch sử truyền giáo qua 100 trình thuật (Trình thuật số 70: Giáo Hội bung ra khắp thế giới). Nguyên tác: Die Geschichte der Kirche in 100 reportagen, chuyển ngữ: Đinh Phan Cư, Phạm Hồng-Lam, website

https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011.01.31/lich-su-giao-hoi-qua-100-trinh-thuat-36/#more-19796

[52] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, sđd, tr. 12-13. (Dẫn nguồn: Ghi chú 6: AMEP, tập 121, tr. 621-622).

[53] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, Thư luân lưu năm 1674, tr. 216-217.

[54] X. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr. 159.

[55] LM ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 103-233.

[56] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr. 213-232.

[57] ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 39-52.

[58] Linh mục GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, sđd, Phụ lục 1: Huấn thị 1659, tr. 150-151.

[59] X. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, sđd, tr. 163, chứng từ của linh mục thừa sai Louvet (MEP), tức Cố Ngôn, viết về Đức cha Lambert: “Người ta nói không quá đáng, Đức cha Lambert là vị thánh, và có nhiều sự kiện ngoại thường do các thừa sai đã cùng sống với ngài chứng nhận, theo đó, hình như Chúa đã ban cho ngài được ơn làm phép lạ… Đức cha có một đức tin rất sống động và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa quan phòng. Sự khéo léo và khôn ngoan của Đức cha đã giúp cho ngài làm việc thành công trong nhiều hoàn cảnh nguy hiểm và tế nhị… Dầu bận bịu muôn ngàn công việc, nhưng mỗi ngày Đức cha cầu nguyện nhiều giờ, và khi dâng Thánh lễ, nguyên một ý nghĩ đến người ngoại giáo và kẻ tội lỗi, đủ làm ngài sa nước mắt… Đức cha rất hy sinh hãm mình… đầy nhiệt tình và cương nghị vì lợi ích của Giáo Hội. Bất kỳ ngãng trở nào, vụ việc nào, nguy hiểm nào cũng không ngăn cản được ngài chu toàn nghĩa vụ”.

[60] Đây là phương pháp mà sau nầy (1946) Đức Hồng y Joseph Cardijn đã chuẩn hóa thành phương pháp “Xem, Xét, Làm”, một phương châm hoạt động tông đồ nổi tiếng của phong trào Thanh Sinh Công.

[61] Linh mục GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, sđd, Phụ lục 2: Monita ad missionarios, tr. 177.

[62] THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XVI, Tài liệu chuẩn bị, số 32.

[63] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, tr. 128.

[64] CÔNG ĐỒNG ĐÀNG TRONG NĂM 1672, Bản dịch Việt ngữ: Lm Đào Quang Toản, Lời mở đầu.

[65] ĐÀO QUANG TOẢN, Lịch sử Giáo phận Đàng Trong, sđd, tr. 47. (x. A. LAUNAY, sđd, tr. 112.

[66] LM ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 166.

[67] Bốn Sắc chỉ đó là:

Super cathedram apostolicorum (09.09.1659).

Onerosa pastoralis cura (04.02.1664).

Sublimi Sanctae Sedis apostolicae speculo (28.02.1665).

Injuncti nobis caelitus pastoralis officii (13.03.1665).

[68] Sắc chỉ (Đoản sắc) của Đức Clêmentê IX đó là: Speculatores domus Israel (13.09.1669).

[69] X. BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, sđd, tr. 129.

[70] VADEMECUM, Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám mục về tính hiệp hành, số 1.4:CÁC TỪ THEN CHỐT DÀNH CHO TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH: Chủ đề của Thượng Hội đồng là “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.” Ba chiều kích của chủ đề là hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Ba chiều kích này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng là những trụ cột quan trọng của một Hội thánh hiệp hành. Không có thứ bậc giữa chúng. Thay vào đó, mỗi chiều kích làm phong phú và định hướng cho hai chiều kích kia. Giữa ba chiều kích này tồn tại một mối tương quan năng động, cần phải được hiểu rõ mối tương quan này cùng với cả ba chiều kích của nó.

[71] THƯ CỦA ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC GỬI DÂN CHÚA, website Thư của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục gửi Dân Chúa (hdgmvietnam.com)

[72] CÔNG ĐỒNG ĐÀNG TRONG NĂM 1672, sđd, Điều 1.

[73] ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques I, sđd, p. 106: “Ce fut de ce lieu que M. de Bérite convoqua un synode pour Faifo; nous nous y trouvâmes 6 missionnaires ecclésiastiques européenes, 4 prêtres du pays, et plus de 80 catéchistes”.

[74] SĐD, Footnotes 1, p. 106: “Ailleurs, M. Vachet a écrit: la prudence voulut que l’ on contremandât la plus grande partie de catéchistes qui devaeint se rendre à Faifo, ou l’ assemblée ne fut que  d’ une trentaine de personnes…”.

[75] Linh mục GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, sđd, Phụ lục 2: Monita ad missionarios, tr. 177.

[76] THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, Tài liệu chuẩn bị, sđd, số 10, tr.13; (x. UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), Tính Hiệp hành trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh (Synodality in the Life and Mission of the Church), sđd, số 6, tr. 14).

[77] Không tham dự công đồng này là hai cha Mahot và Luca Bền đang ở Lâm Tuyền (Nha Trang) và cha Acosta dòng Tên, được mời nhưng không tới tham dự.

[78] Thừa sai Vachet kể: « Chúng tôi không vào thành phố [Hội An], nhưng cư ngụ tại một hòn đảo trong dòng sông, nơi này chỉ có một ngôi làng toàn tòng công giáo. Chính tại đây chúng tôi triệu họp công đồng đầu tiên tại Đàng Trong » (Cochinchine, p. 106).

[79] Đức Giáo Hoàng Alexandre VII từ trần ngày 22/05/1667.

[80] Đoản Sắc Super cathedram đặt Đức cha Lambert làm đại diện tông tòa Đàng Trong (Cochinchine, p. 9-10).

[81] Đoản Sắc Onerosa pastoralis cura cho phép các đại diện tông tòa, vào trường hợp một trong các vị đại diện tông tòa từ trần, quyền tấn phong giám mục cho một trong những linh mục người Âu cùng đi với các vị mà không cần có hai giám mục phụ tế, và quyền truyền chức linh mục cho người bản xứ không hiểu tiếng Latinh.

[82] Đoản Sắc Sublimi Sanctae Sedis apostolicae speculo tái xác nhận Đoản Sắc Onerosa pastoralis cura.

[83] Đoản Sắc Iniuneti nobis caelitus pastoralis officii gia hạn thêm bảy năm cho các đại diện tông tòa quyền truyền chức linh mục cho người bản xứ không biết tiếng Latinh và thay Kinh Nhật Tụng cho các linh mục này bằng những kinh nguyện khác.

[84] Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX từ trần ngày 09/12/1669.

[85] Đoản Sắc Speculatores domus Israel chỉ thị cho các tu sĩ thuộc bất kỳ hội dòng nào, ngay cả dòng Tên, phải tùng phục các vị đại diện tông tòa tại địa sở truyền giáo.

[86] Các bản dịch này (tiếng Hán, Nôm hay quốc ngữ ?) không còn lưu lại được tới chúng ta.

[87] Theo ký sự của Đức cha Lambert, khoảng ngày 9 hay 10/09/1670, cha Acosta đã ký nhận chỉ thị Đoản Sắc Speculatores domus Israel trước mặt ngài tại Phủ Diên (AMEP, vol. 876, p. 689-690, p. 716-717).