“CỦA ÍT LÒNG NHIỀU”: SỨ ĐIỆP ĐI THEO NĂM THÁNG

Views: 18

(CN 32 TN B 2024)

          Người ta nói rằng: chiến thắng vang dội của cựu Tổng thống D. Trump trong cuộc đua giành chức Tổng Thống thứ 47 của Hoa Kỳ hôm 6/11 vừa qua có một phần đóng góp không nhỏ của nhà tỷ phú giàu nhất thế giới là Elon Musk. Mà cũng đúng thôi, vì tay “tỷ phú đô la” này đã mạnh tay chi hàng trăm triệu đô la cho cuộc vận động tranh cử của ngài D. Trump. Tuy nhiên, cũng có kẻ bình luận rằng: Elon Musk bỏ tiền khũng cho cuộc đua giành chức Tổng Thống chẳng phải “yêu thương bác ái” gì đâu đới với Đảng Cọng Hòa hay ngài Tổng thống D. Trump; hay với đám dân nghèo ở Mỹ… Chẳng qua đó là một cách “chi tiêu tiền dư bạc thừa”, một cuộc “đánh cược” với ý đồ “thả con săn sắt bắt con cá rô”! Mà quả thật, ông ta không phải chỉ bắt được “con cá rô” mà mức thang chứng khoán trong hệ kinh doanh của ông đã vọt lên để ông kiếm mỗi ngày hàng tỷ đô! Đúng là một “thương vụ béo bở” để có thể sánh với việc “buôn vua” của Lã Bất Vi trong lịch sử Tàu!

          Trái nghịch hoàn toàn với hình ảnh “các đại gia” tiêu tốn hàng tỷ đô la cho cuộc tranh dành quyền lực thế gian, Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay (32 TN B) lại nhấn mạnh đến thân phận của những “người bé mọn” và đến việc chia sẻ bác ái, thực hành việc “biết cho đi” bằng “của ít lòng nhiều”, như “tấm lòng lớn trong chút xíu bột của bà góa Sarếpta thời Cựu ước” hay như “bàn tay rộng với đồng xu ten của bà góa nghèo thời Chúa Giêsu”.

          Và đây lại chính là sứ điệp căn bản và thường xuyên mà Thiên Chúa muốn gởi đến cho loài người! Riêng, với Chúa Nhật 32 TN chu kỳ Năm B, thời điểm đã gần kết thúc Năm Phụng vụ, Lời Chúa muốn mọi người Kitô hữu rà soát lại việc thực hành đức tin trong năm có thật sự “ghi dấu ấn của hai giới răn mến Chúa yêu người”, của lòng khiêm tốn vị tha… hay chỉ là những thể hiện giả hình, đầu môi chót lưỡi…

            Trước hết, Thánh vịnh đáp ca mà chúng ta vừa hát với nhau đã khẳng định rằng: chia sẻ, cho đi… với tình yêu chính là bài học xuất phát từ Thiên Chúa, một “Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ…” (Tv 145,7-9).

            Và trong chương trình cứu độ, việc chia sẻ, cho đi đã đạt tới đỉnh điểm khi “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến đổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và “Người Con Một” đó, một khi cất bước vào đời thực thi thánh ý Chúa Cha, đã đẩy việc chia sẻ, cho đi tới ý nghĩa trọn vẹn, tới biên giới cuối cùng khi “vác thập giá lên đồi Sọ và chịu chết để trở nên Hy tế”; một sự cho đi, chia sẻ trọn vẹn để trở thành một danh hiệu mới đó là “tình yêu cao cả”, “tình yêu lớn”: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

            Là con cái của Thiên Chúa, anh em với Đức Kitô, người Kitô hữu chỉ có thể giữ được căn tính của mình, phẩm giá tối hảo của mình, khi biết sống cho đi, chia sẻ trong tình bác ái yêu thương, trong vị tha quảng đại: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn sinh của Thầy đó là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).

            Và lịch sử 2000 năm của Giáo Hội đã minh chứng hùng hồn cho điều khẳng định trên của Chúa Kitô. Thật vậy, các tôn giáo khác, các tổ chức khác có thể xây dựng những đền đài, những công trình đồ sộ hơn “Đền thờ Thánh Phêrô”, những tác phẩm thần học lừng danh hơn “Bộ Tổng luận thần học của Thánh Tôma”…, nhưng di sản độc đáo, dấu chỉ đặc trưng của Tin Mừng Kitô mà khó có tổ chức trần tục nào có được đó chính là những “tượng đài” bằng xương bằng thịt như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, như linh mục tử đạo vì tình yêu Maxilmilien Kolbe…, những con người đã sống hết mình cái chân lý sống động về sự cho đi, về chia sẻ bằng một tình yêu lớn!

          Trong một xã hội, một thế giới đang nghèo nàn các giá trị về tình yêu sẻ chia bác ái, về lòng quảng đại, vị tha biết cho đi, nhưng lại thừa mứa những “khoe khoang rẽ tiền, những tự hào tự đắc về việc “từ thiện hàng triệu”, cúng dường, làm phúc, hỗ trợ người người nghèo hàng tỷ (như nhà tỷ phú Đại nam nào đó!)…, thì sứ điệp “chút bột bà góa Sarếpta” dành cho ngôn sứ Êlia thời Cựu ước hay “đồng tiền kẻm của bà góa nghèo dâng cúng đền thờ” thời Tân ước đã trở thành những viên ngọc lấp lánh, những bài học đầy thuyết phục và mang tính giáo dục tuyệt vời. Riêng đối với những người Kitô hữu, sứ điệp “Bà Góa” hôm nay lại là một lời cảnh báo, một nhắc nhở thật cần thiết để uốn nắn cuộc đời, điều chỉnh cách sống đạo…

          Chúng ta đừng quên, sở dĩ thế giới hôm nay vẫn còn nhiều đau thương đói khổ, bất công, lầm than…, không phải vì thế giới không có những đồng xu ten để cho đi, nhưng vì thế giới đang thiếu những tấm lòng bà góa đầy vị tha quảng đại! Vâng, thế giới muôn nơi muôn thuở luôn cần “chút xíu bột của bà góa Sarếpta” hay “đồng xu ten của bà góa nghèo Tân ước”, những “chút xíu mang hương vị tình yêu sẻ chia”, tình yêu vị tha…, để nhờ đó, Thiên Chúa thể hiện quyền năng qua những phép mầu nơi ngôn sứ Êlia: Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán (Bđ 1); và để con người nhận chân được giá trị đích thực của tấm lòng, của niềm tin thuần khiết thay vì lòe loẹt hư ảo bên ngoài: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

          Thế nhưng, sứ điệp Lời Chúa qua biểu tượng “Bà Góa nghèo”, “Tấm bánh”, “Đồng Xu” … không dừng lại ở khía cạnh “nhân bản” mà hướng tới mầu nhiệm cứu độ trong Đức Kitô và Hội Thánh của Ngài. Vâng, “tấm bánh Giêsu”, “Người nghèo vĩ đại nhất”, đã hy sinh chính thân mình để trở nên “của lễ cứu độ muôn người” như khẳng định của Thư Do Thái: “nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi… Đức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.” (Bđ 2). Trong khi đó, “Bà Góa Nghèo vĩ đại” là “Mẹ Giáo Hội”, suốt hai ngàn năm qua đã nuôi con mình và nuôi thế giới không phải bằng sức mạnh hay sự giàu sang của vũ khí hay đô la… mà chủ yếu bằng những “chút bột giản đơn của bà góa Sarếpta” hay “những đồng xu ten” của bà góa ở Giêrusalem thuở ấy!

          Vâng, Thiên Chúa chỉ cần nơi chúng ta “của ít nhưng lòng nhiều” hiến dâng cho Ngài, còn “phép mầu” sẽ hiện thực làm sao Ngài sẽ lo liệu!

Trương Đình Hiền