CUỘC ĐỜI LÀ LỜI CHÀO CHÚC BÌNH AN

Views: 82

(Chúa Nhật 14 TN C 2022)

            Trong những ngày này, có lẽ bản tin thời sự mỗi ngày được mọi người theo dõi, săn đón với cả lo âu phập phồng lẫn hy vọng ước mơ… đó chính là “bản tin chiến sự Ukraina”; và có lẽ hơn ai hết, những người mẹ, những người vợ, những em thơ, những người lính… của các gia đình trên mọi nẻo đường đất nước Uknaina, và cả tại nhiều nơi của nước Nga, đang mong mỏi một tin vui, đang chờ một tin mừng đó là tin hòa bình, là tin bình an.

            Vâng, bình an để không còn nghe tiếng bom rền, đạn réo, hỏa tiển rơi…; bình an để thôi cảnh chết chóc thương đau, hoang tàn đổ nát; bình an để người với người tay bắt mặt mừng, nhìn nhau như bạn hữu, anh em…. Chính người dân Việt chúng ta cũng đã trải qua một thời khát khao và chờ đợi tin vui hòa bình, tin mừng bình an như thế mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng khắc họa qua những lời ca đi cùng năm tháng:

Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo
Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu
Chờ hòa bình đến, chờ tiếng bom im
Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn
Chờ đường giao thông chấp nối chuyến xe qua ba miền

Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong
Chờ trên vừng trán mẹ thắp lên bình minh
Chờ khô nước mắt, chờ đá reo ca
Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà
Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ
…(ca khúc “Chờ nhìn quê hương sáng chói”)

            Và bình an cũng chính là nội dung sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, 14 C; vì chưng, cả ba Bài đọc đều nhắc tới sứ điệp nầy, nội dung nầy:

– Bài đọc 1 với lời hiệu triệu của ngôn sứ Isaia vang lên thuở dân Israel bị lưu đày trong đau thương và nước mắt: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ…”

– Bài đọc 2 với lời huấn dụ của Thánh Phaolô Tông Đồ gởi cho cộng đoàn Galat khi ngài chia sẻ về cảm nghiệm niềm hạnh phúc bình an được thuộc về thập giá Đức Kitô trên những bước đường loan báo Tin Mừng: Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa…

– Bài Tin Mừng Luca với mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu dành cho 72 môn đệ; một mệnh lệnh tông đồ phổ quát cho toàn thể Kitô hữu mà sứ điệp và cũng là tin vui đầu tiên và quan trọng nhất cần được loan báo và chuyển tải đến cho con người đó chính lời chào chúc “bình an”: Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’…

Quả thật, tin bình an chính là tin cần thiết nhất, quan trọng nhất, giá trị nhất cho thế giới, cho cuộc sống con người muôn nơi muôn thuở, hôm qua cũng như hôm nay… Vì thế, không lạ gì, gắn liền với việc loan báo “Tin Mừng trọng đại” Con Chúa xuống thế làm người, các sứ thần đã ca vang sứ điệp bình an: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,10-14). Và cũng hoàn toàn hợp lý khi Đức Kitô Phục sinh trao ban lời “chào chúc bình an” cho các Tông đồ, một quà tặng tuyệt vời mà Ngài đã gặt hái được qua hành trình thập giá; và Ngài cũng muốn các môn sinh tiếp bước Ngài để trao cho thế giới: “Bình an cho các con” (Lc 24,36; Ga 20, 19-20).

Thế nhưng “bình an” cũng có nhiều thứ…

Cách đây 2000 năm, nhiều người Do Thái, sau khi chứng kiến các dấu lạ: nào kẻ què đi, kẻ điếc nghe, phung cùi được lành sạch, kẻ chết được hoàn sinh, ma quỷ bị trục xuất, được ăn no nê trong hoang mạc … đã chắc mẩm: hạnh phúc đây rồi, bình an đây rồi, đế quốc Rôma hết thời rồi, vương quyền Israel được phục hồi rồi…; Đấng Mêsia đã trở về trong uy quyền và chiến thắng đây rồi; phải đặt Ngài lên làm vua thôi ! (Ga 6,14-15).

            Thế nhưng, tất cả “tin vui” hừng hực đó đã đổ sập, nhường chỗ cho một thất vọng lênh láng với tin buồn lan ra khắp nẻo Giêrusalem: Giêsu Nadarét bị đóng đinh thập giá.

            Vâng, họ tìm kiếm nơi Đức Kitô một thứ “tin vui”, một thứ “bình an”, một niềm hy vọng mang đầy chất trần tục nên họ thất vọng hoàn toàn với “biến cố đồi Sọ”, với “nẻo đi thập giá”…

            Tuy nhiên, cũng chính từ “nỗi đau thập giá”, chính từ “Con Người bị treo lên” đã mang lại một niềm bình an sâu thẳm cho tên trộm bị đóng đinh ăn năn sám hối khi lãnh nhận niềm hy vọng thiên đàng: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,42).

            Nói cách khác, niềm vui đích thực, sự bình an đích thực mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta phải nhờ và qua chính Con Một của Ngài; điều đó đồng thời cũng có nghĩa là phải đi qua “nẻo đường thập giá”, phải được trổ sinh từ “mảnh đất của khổ nạn”.

            Đó chính là sự “bình an” được trao ban từ Đấng sống lại từ cõi chết, là Tin Mừng được loan báo bởi những kẻ đã sống, đã loan báo và trải nghiệm chính “con đường thập giá của Đức Kitô”, như chứng từ của Tông Đồ Phaolô để lại cho chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Galata nơi bài đọc 2 hôm nay: “Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Đức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới”.

            Và một khi có được sự bình an của Thiên Chúa, người Kitô hữu phải trở thành tông đồ của tin vui, của sự bình an. Đó chính là sứ mệnh mà Chúa Giê-su trao cho các Tông đồ, cho 72 môn đệ mà trích đoạn Tin mừng Luca hôm nay nhắc lại cho cộng đoàn chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’…”.

Lời chào chúc đó gói ghém tất cả sứ vụ tông đồ của người Kitô hữu: Vâng chúng ta phải là tông đồ của sự bình an, và sự giải thoát, là những chứng nhân cho niềm hy vọng về một thế giới mới, một triều đại mới của tình yêu, chân lý và ân sủng.

Tuy nhiên, “quà tặng bình an” của Kitô giáo không là “gậy gộc, bao bị, lương thực, tiền bạc, áo xống” (Lc 9, 3) hay “túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4), những thứ mà Đức Kitô căn dặn phải bỏ lại chứ đừng mang theo. Cái cần mang theo chính là sự đơn giản khó nghèo: “Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58); là sự “chọn lựa việc Chúa” và mau mắn lên đường: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 60);  là niềm tin yêu phó thác và sự dứt khoát cho sứ mệnh: “Ai đã cầm cày mà ngó lại phía sau thì không xứng với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62)…

Đứng trước một thế giới mà “sự giàu có thế gian”, mà “phương tiện trần tục”, mà “cám dỗ tiền bạc hay quyền lực”… đang được “đặt lên bệ thờ”, thì sứ điệp “lên đường” hôm nay của Lời Chúa quả là một sự “lội ngược dòng” đúng nghĩa. Tuy nhiên, người Kitô hữu với tư cách là một “tông đồ” sẽ không có một chọn lựa nào khác. Bởi vì Đức Kitô là “đường, sự thật, sự sống. Không ai đến được với Cha” nếu không đi qua nẻo đường nầy ! (Ga 14,6).

Và như thế, cuộc sống của mỗi người Kitô hữu hay việc thực thi sứ mệnh truyền giáo luôn được khắc họa thành một lời chào chúc bình an; bình an trong ánh mắt, nụ cười; trong vui tươi sẻ chia phục vụ; trong lặng lẽ hy sinh, quên mình; trong thân tình gặp gỡ, hiệp thông…

Vâng, hôm nay, tôi sẽ ra đi từ bàn tiệc Thánh Thể nầy và mang theo “lời chào chúc bình an” như thế cho mọi người xung quanh. Amen.

Trương Đình Hiền