CUỘC THĂM VIẾNG MANG BA NIỀM VUI

Views: 67

(Lễ Mẹ Thăm viếng bà Isave/2022- Bổn mạng Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương)

            Trong đời thường cuộc sống, chuyện hai người phụ nữ nhà quê gặp nhau vào một buổi sáng đẹp trời nào đó thì có gì lạ lùng đâu; đôi khi, chỉ là một chuyện ngẩu nhiên, tình cờ !

            Thế nhưng, hơn hai ngàn năm trước, cuộc gặp gỡ tình cờ của hai người phụ nữ Maria và Isave lại là một “tình cờ huyền nhiệm”, một “tình cờ mang dấu ấn của một “Giờ” đặc biệt trong chương trình cứu độ như cách diễn tả của một bài thơ:

Tình cờ hai “thiếu phụ đời”,

Gặp nhau nhắc chuyện “ngàn đời Chúa thương”.

Thì ra đâu phải “chuyện thường”,

Bước chân “Mẹ Chúa” khai trương ân hồng !

            Vâng, hôm nay,ngày 31 tháng 5, ngày cuối tháng Hoa, Hội Thánh mừng lễ Đức Mẹ đi thăm bà chị họ Isave. Đây là cuộc gặp gỡ của hai người phụ nữ có mang, hai bà mẹ, nên cũng là cuộc diện kiến đầu tiên của 2 người con trai của hai Bà mà sau nầy sẽ trở thành những nhân vật quan trọng trong chương trình cứu rỗi: Giêsu Đấng Cứu Thế đến từ Na-da-rét và Gioan Tẩy Giả Vị tiền Hô xuất thân tại Giu-đê-a.

            Đặc biệt, ngày lễ Mẹ Thăm Viếng này đã được Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương chọn làm Bổn mạng vừa để Mẹ bảo trợ vừa là điểm quy chiếu cho tinh thần tông đồ và linh đạo phục vụ của Hội Dòng như được ghi trong số 41 của Hiến Chương: “Lễ Mẹ Thăm Viếng là Quan Thầy của Hội Dòng. Bởi vì Lễ Mẹ Thăm Viếng rất thích hợp với cả danh xưng “Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương” lẫn ơn gọi tông đồ truyền giáo và yêu thương phục vụ của Hội Dòng…” (HC số 41).

            Giờ đây, chúng ta có thể lần theo dấu vết của Lời Chúa vừa được công bố để nhận ra sứ điệp ngày lễ nầy muốn chuyển tải đến cho mỗi người chúng ta, đặc biệt cho các chị em trong Hội Dòng.

            Qua gợi ý của các trích đoạn lời Chúa, nếu có thể tóm gọn mọi ý nghĩa của ngày lễ hôm nay thành một từ thôi, thì chắc chắn Hội Thánh sẽ chọn từ “VUI”. Hay chi tiết hơn đó là: NIỀM VUI CÓ CHÚA, NIỀM VUI CHIA SẺ VÀ NIỀM VUI GẶP GỠ.

Niềm vui có Chúa:

            Ngay từ BĐ 1, Phụng Vụ đã mượn lời của ngôn sứ Sôphônia để nói lên niềm vui đặc biệt của dân Chúa, của “người thiếu nữ Israel” cùng với lý do cốt yếu của niềm vui nầy: “Hỡi thiếu nữ Israel, hãy cất tiếng ca ! Hỡi Israel hãy hoan hỉ ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn !….vì Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi…”.

            Vâng, lý do cốt yếu của niềm vui đó chính là “Chúa ở giữa ngươi”, đã “rút lại lời kết án… đã cảm động yêu thương ngươi…”. Mà xét cho cùng, đó lại chính là nội dung cốt lõi của niềm vui liên quan mật thiết đến mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể, mầu nhiệm của Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, như các sách Tin Mừng đã chứng thực: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. (Ga 1,14); “Bao lâu còn chàng rễ hiện diện bấy lâu còn tiệc cưới” (Lc 5,34); “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22)…

            Riêng, trong trình thuật “Thăm Viếng” hôm nay, Mẹ Maria chắc chắn là người vui nhất trong những người phụ nữ: Chúa ở trong cung lòng của Mẹ; và chính Mẹ đã cảm nhận, qua chính thân phận của một “nữ tỳ hèn mọn”, “Đấng Toàn Năng đã làm cho mẹ biết bao điều cao cả”, để toàn thể dân tộc của Mẹ, toàn thể nhân loại đã được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới”.

            Trước khi cảm nhận được niềm vui to lớn nầy, chắc chắn Mẹ đã từng học biết những kinh nghiệm đau buồn của dân tộc, một dân tộc đã bao lần quay lưng chối từ Thiên Chúa để bước đi trong những nỗi buồn lưu đày, lưu lạc tha hương, tin vơ thờ quấy…

            Nhắc đến điều nầy để chúng ta nhận chân rằng: Ngược lại với “Niềm vui có Chúa” lại chính là “nỗi buồn Chúa không còn ở giữa ta”.  Người ta vẫn hay định nghĩa: Hoả ngục chính là nơi vắng bóng Thiên Chúa. Mà cũng phải thôi, như chính Chúa Giêsu đã từng “dụ ngôn”: những kẻ vào trong hoả ngục là những kẻ không đếm xỉa gì tới Chúa bên vệ đường cuộc sống. Chúa là những kẻ nghèo đói, tù tội, bệnh hoạn… không hề có mặt trong ánh mắt, con tim và đôi tay của họ. Chúng ta cũng đừng quên hình ảnh Giuđa lặng lẽ bước đi trong đêm tối và đau buồn thắt cổ tự tử. Bởi vì: Chúa đã đi khỏi cuộc đời của anh ta. Cũng vậy, người thanh niên giàu có “ra đi trong buồn rầu”, vì anh ta đã đánh mất cơ hội có được một kho tàng niềm vui vĩ đại là “bước theo Đức Kitô”. (Mt 19,16-22).

Và ở nơi đây, trong cái cảnh Làng Sông tĩnh lặng cổ kính giữa chốn đồng quê hoang vắng nầy, chỉ có thể cắt nghĩa được niềm vui rạng rỡ trên gương mặt, trong ánh mắt của của hơn 100 cô thiếu nữ tụ họp sống với nhau: đó là họ tin và cảm nhận có Chúa đang hiện diện với họ và giữa họ.

            Thế nhưng, một trong những dấu hiệu rõ nét nhất để nhận ra Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, giữa cộng đoàn, giữa các gia đình… đó chính là tình bác ái, huynh đệ, yêu thương và hiệp nhất: Ubi Caritas est, Ibi Deus est (Đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời)…; và đây, cũng chính là lời khuyên của Thánh Tông Đồ Phaolô dành cho các cộng đoàn tiên khởi, được ghi lại nơi bức thư gởi giáo đoàn Rôma mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 2: “Anh em … hãy chê ghét điều ác, trìu mến điều lành. Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ. Hãy nhân nhượng tôn kính nhau…Hãy chúc phúc chứ đừng chúc dữ. Hãy vui mừng với kẻ vui mừng và khóc lóc với kẻ khóc lóc…”. Trong số 45 của Hiến Chương Hội Dòng khi nói về đời sống chung cũng phản ảnh các lời khuyên trên của Thánh Phaolô: “Noi gương đời sống của nhóm Mười Hai Tông đồ và các tín hữu tiên khởi, chị em từ khắp bốn phương trời liên kết với nhau trong tình chị em với đời sống chung trong Đức Kitô để trở thành một đại gia đình tình thương…” (HC số 45).

Niềm vui chia sẻ:

            Bước chân thăm viếng của người thiếu nữ chân quê Maria đâu có gì là vĩ đại, to tát, hay hoàn toàn xa lạ với những bước chân của chúng ta hôm nay ! Có khác chăng đó là vì Người đang mang chính Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài thao thức sẻ chia “niềm vui có Chúa” nầy cho người khác. Thế giới hôm nay hình như người ta sợ chia sẻ. Người ta muốn “đóng cửa cài then” trong một con tim vô cảm, một căn hộ ích kỷ, một cộng đoàn khép kín… ; và vì thế, đâu đâu cũng thấy toàn nỗi buồn và tội ác ! Trong khi đó, niềm vui đích thực luôn đòi hỏi phải sẻ chia. Qua cuộc Thăm Viếng có một không hai nầy, Lời Chúa đang mời gọi muôn thế hệ Kitô hữu cùng lên đường chia sẻ niềm vui Tin Mừng, thực thi những cuộc Thăm Viếng mới trong hành trình đức tin của mình, như cách cảm nhận của nữ tu Anna Nguyễn Thị Thảo trong bài thơ: CON SẼ LÀ:

Con sẽ là ngọn nến, tỏa ánh sáng lung linh…

Con sẽ là đôi tay, nâng tình người yêu thương…

Con sẽ là chứng nhân, rảo bước vạn nẻo đường…

Con sẽ là đôi chân, song hành trên hè phố…

Con sẽ là trái tim, nối nhịp yêu cùng Chúa…

Con sẽ là men muối, hòa tan trong biển đời…

Niềm vui gặp gỡ:

            Vâng, mái nhà của Bà Isave hôm nay vang rộn niềm vui gặp gỡ: “Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm…”. Ngay từ hôm nay, qua bước chân thăm viếng của một người phụ nữ “EM HỌ”, lời tiên tri của Da-ca-ri-a “Thiên Chúa Is-ra-el đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68) đã tức khắc linh nghiệm; và bài ca Magnificat đã âm vang rộn rã niềm vui vì cuộc viếng thăm lịch sử mà dân Chúa đã bao năm đợi chờ: “Người nhớ lại lòng thương xót dành cho Tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55).

            Nhưng có lẽ “niềm vui Gặp Gỡ” được biểu lộ rõ nét nhất qua hành vi “nhảy mừng ngay trong lòng mẹ” của Thánh Gioan Tẩy Giả ! Vâng, chỉ một “cú nhảy mừng” của em bé Gioan trong lòng mẹ khi “vừa nghe tiếng em chào”, đã nói lên tất cả niềm vui của gặp gỡ, tạ ơn và đáp trả !

            Không biết, chút nữa đây, cõi lòng của mỗi người của chúng ta sẽ ra sao khi nghe tiếng chào, cho dù có khác một chút, “Mình Thánh Chúa Kitô” ! Có lẽ để nhắc nhở chúng ta sống trọn hảo mầu nhiệm Thăm Viếng hôm nay khi đón nhận Chúa Kitô Thánh Thể, mà Hội Thánh đã cầu nguyện khi hiệp lễ: “Như xưa Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhảy mừng vì nhận biết Đức Kitô còn trong lòng mẹ, nay xin cho Giáo Hội, qua bí tích Thánh Thể nầy, cũng hân hoan đón rước Đức Kitô hằng sống, Đấng hiển trị muôn đời”.

            Trong dòng chảy của lịch sử và cuộc sống nhân loại đã có không biết bao nhiêu cuộc viếng thăm diễn ra hằng ngày. Trong cuộc chiến Nga-Ukraina đang diễn ra khốc liệt, người ta bàn tán nhiều về các cuộc viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia, các nhà chính trị… Tuy nhiên, máu vẫn đổ, chiến tranh vẫn tàn phá, hận thù vẫn tràn lan… Bởi vì, chưa có cuộc viếng thăm nào mang dáng đứng và tinh thần của cuộc viếng thăm của người thiếu phụ Maria hai ngàn năm trước.

Tình cờ một chuyến “viếng thăm”,

Ai ngờ khơi dậy “cung trầm tình ca” !

Hai ngàn năm mãi ngân nga,

Ma-gni-fi-cat vang xa ngàn trùng…

Xin kính chúc cộng đoàn, đặc biệt, các chị em Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương có được 3 niềm vui như gợi ý của sứ điệp Lời Chúa trong ngày lễ Bổn Mạng hôm nay. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền