Views: 53
(Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm B 2021)
Đến Chúa Nhật thứ 4 này, có thể nói được, Dân Chúa đã đi được một nửa đoạn đường Mùa Chay; nếu đem so sánh “40 ngày phụng vụ Mùa Chay” của Hội Thánh hôm nay với “40 năm trường hành về Đất Hứa” của dân Israel xưa, thì quả thật, đi được một “nửa đoạn đường” là một “thành công đáng để ăn mừng”. Riêng đối với các anh chị em dự tòng dọn mình lãnh các Bí Tích Khai Tâm, thì Chúa Nhật hôm nay sẽ cử hành “nghi lễ Khảo Hạch lần II”, hoàn tất một giai đoạn chuẩn bị quan trọng để sẵn sàng bước vào thời điểm đón nhận các Bí Tích Gia Nhập Kitô giáo.
Phải chăng, chính trong những ý nghĩa trên mà phụng vụ Chúa Nhật hôm nay mang một sắc thái “vui mừng”; chẳng những được biểu lộ ngay trong “sắc hồng” nơi lễ phục của Chủ tế, mà còn bằng những lời hiệu triệu đầy hoan vui của Isaia trong bài Ca Nhập Lễ: “Mừng vui lên Giêrusalem hỡi ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu thành ! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở reo mừng và hân hoan tận tưởng nguồn an ủi chứa chan”.
Thế nhưng, để hiểu cho thật rõ ý nghĩa thâm sâu của niềm vui mà sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật hôm nay muốn chuyển tải, chắc chắn chúng ta phải nại đến các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố.
Trước hết, Lời Chúa muốn giới thiệu cho chúng ta niềm vui ngút ngàn của dân Israel vào thời bị lưu đày bên Babylon. Làm sao không vui được, khi cả một dân tộc, vì những tội tầy trời như sách Sử Biên Niên quyển thứ hai kê khai: “tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem…; họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri…”, và đã bị Chúa đánh phạt te tua: “cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua…; họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường…”, nhưng rồi đã nhận được một tin vui ngút ngàn: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên”.
Từ thân phận của một “tội nhân bị kết án lưu đày” nơi quê xa đất khách đến địa vị của những “người con được đoàn tụ trở về” trong ngôi đền thờ nơi quê cha đất tổ làm sao chẳng mừng vui; từ cuộc sống tăm tối, nô lệ đầy thất vọng buồn tênh của những kẻ bị Thiên Chúa chối từ, đoán phạt…, đã quay sang cuộc đời bước đi trong ánh sáng đầy hy vọng của lòng xót thương và sự khoan dung tha thứ của Thiên Chúa, chắc chắn phải chìm ngập trong một niềm hoan hỉ lớn lao !
Và đó không là tiêu đích của Mùa Chay Kitô giáo đó sao ? Mùa Chay của những con người cảm nhận thật rõ thân phận tội lỗi yếu hèn, tăm tối, cách xa… để hôm nay hoán cải trở về làm lại cuộc đời trong ánh sáng của ân sủng cứu độ. Riêng đối với các anh chị em dự tòng, cuộc “hoán cải đầu tiên” nầy để “đón nhận Tin Mừng”, để được bước vào con đường ánh sáng của niềm tin Kitô, chắc chắn phải rung lên trong tận cõi lòng một niềm vui sâu xa, đầy ắp.
Thế nhưng, câu chuyện “niềm vui trở về từ cuộc lưu đày Babylon” của dân Israel xưa, thật ra cũng chỉ là “hình bóng tiên trưng” để như ngón tay trỏ chỉ về một cuộc “hồi hương vĩ đại hơn”, một cuộc giải thoát đích thực hơn, trọn vẹn hơn, không phải bởi một “hoàng đế thuộc giới loài người như vua Cyro của Ba Tư”, mà là của một Đấng đến từ Thiên Chúa, đích thị là Con Một Thiên Chúa, như xác quyết của Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt”.
Nhưng để được “tin Người Con ấy” lại không là chuyện dễ dàng; nhất là khi “Người Con ấy” đã không chọn cho mình thân phận của một “hoàng đế uy phong quyền thế”, một lối “chấp chính đăng quang lẫm liệt oai hùng”; mà lại chọn con đường khổ nạn, chọn cái “Giờ” quá ư bạc bẽo, tầm thường để chấp chánh đăng quang: “Giờ” của một tội nhân, một “Ecce Homo” bị kết án tàn bạo trước toà Philatô; “Giờ” của một tên tử tội trần truồng bị treo trên thập giá !
Và đây chính là một “mạc khải lạ lùng” của Thiên Chúa, một “hành vi cắc cớ” của một Đấng quyền năng, một Đấng ưa chọn cái nhỏ bé, thấp hèn để làm nên chuyện lớn; chọn cái tội lỗi, tật nguyền, xấu hoắc… để làm nên tuyệt tác kỳ công; chọn mão gai, thập giá và cả cái chết tủi nhục để làm nên cuộc chiến thắng lẫy lừng của phục sinh vinh hiển… Thì ra, đây chẳng khác nào câu chuyện “con rắn đồng của Môsê trong hoang mạc thời “xuất hành về Đất hứa” mà chính Đức Kitô nhắc lại: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời”.
Hình tượng “con rắn trong sa mạc”, biểu tượng của tội lỗi và sự chết, so sánh với việc “Con Người được giương cao”, biểu tượng của Thập Giá tình yêu cứu độ, chính là hình ảnh làm nổi bật tính liên tục của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu ấy đã được khẳng định từ trong Cựu ước, theo thời gian, càng rõ nét, cuối cùng quy tụ cách mạnh mẽ, lớn lao nơi chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người, và là Đấng “bị treo lên để kéo mọi sự lên với Ngài” (Ga 12,32).
Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (Ga 3, 15). Hình bóng cũ đã được hoàn tất bằng thực tại mới. Hình bóng cũ thoáng qua, thực tại mới sống động và vững bền. Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (Dt 13, 8). Đó chính là chân lý mà thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô trong BĐ 2 hôm nay đã long trọng khẳng quyết: “Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi !”.
Chúa Kitô chấp nhận được “giương lên” như con rắn sa mạc để tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa. Ngài đã biến cây thập giá đau đớn, thất bại, tủi nhục, thành cây thánh giá vinh quang mang lại chiến thắng lẫy lừng, đem về hồng ân cứu độ. Quả thật, Thập giá chính là “địa chỉ” ghi đậm Tình Yêu của Chúa Cha hiến dâng Con Một và sự tỏ bày mạnh mẽ niềm vâng phục vẹn toàn thánh ý Chúa Cha của Đức Kitô.
Quả thật, lịch sử cứu rỗi đó chính là một bi kịch dài giữa “con rắn địa đàng” hay “con rắn lửa hoang mạc” biểu trưng của tội lỗi, chết chóc…, và “con rắn đồng của Môsê” dấu chỉ của tình thương chữa lành, tha thứ, cứu độ… Chính vì thế, trong Đêm vọng phục sinh, Hội Thánh đã công bố Tin mừng Phục sinh khi Ánh Nến phục sinh vừa bừng lên chiếu soi đêm tăm tối bằng những lời sống động:
“Ôi ! Tội A-đam quả là cần thiết,
Tội được xóa bỏ nhờ cái chết của Đức Kitô.
Ôi ! Tội đã hóa thành hồng phúc,
Nhờ tội chúng con mới có được
Đấng Cứu Tinh cao cả dường nầy ! (Exultet).
Thì ra, câu chuyện mà Lời Chúa muốn kể cho chúng ta trong Chúa Nhật 4 Mùa Chay (Năm B) nầy lại là câu “chuyện tình mang tính biện chứng” trong “trường ca Cứu Độ” mà các cặp đôi liên luôn liền kề: YÊU THƯƠNG–PHẢN BỘI; SÁM HỐI–THỨ THA; SA NGÖCỨU ĐỘ…; và dĩ nhiên, đích điểm hay kết luận cuối cùng đó vẫn là “ánh sáng cứu độ sẽ tràn ngập trên mỗi thân phận người và trên toàn thế giới”, như đã tràn ngập tâm hồn của một Nicôđêmô trong cuộc đàm thoại ban đêm với Chúa Kitô, và của tất cả những ai chấp nhận từ bỏ bóng tối của lầm lạc, tội lỗi… để đến với Đấng là “đường, chân lý, sự sống”, Đấng đã từng khẳng định với Nicôđêmô ngày xưa: “ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.
Và như thế, hành trình của đoạn đường Mùa Chay còn lại của chúng ta hay của các anh chị em dự tòng lại là cuộc thể hiện một đức tin nhập cuộc, cùng với toàn dân Chúa, lên đường đổi mới cuộc sống, lên đường làm cuộc hành hương về miền ánh sáng, lên đường tái thiết “đền thờ Giêrusalem” là chính tâm hồn mình, cuộc sống mình, gia đình mình, Hội Thánh mình… để xứng đáng cho Thiên Chúa ngự trị. Vâng, tiếng gọi của Mùa chay hôm nay đó chính là tiếng gọi của Vua Cyrô năm nào trên đoàn dân Israel lưu đầy nơi đất khách Babylon: “Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa… hãy tiến lên”!”. Amen.
Trương Đình Hiền