CUỘC HẠNH NGỘ VÀ “MỘT THUỞ BAN ĐẦU”

Views: 295

(CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN B 2021)

            Nếu Chúa Nhật khai mạc mùa Phụng vụ Thường Niên – Chúa Chịu Phép Rửa, Tin Mừng Máccô đã trình bày chân dung một Đấng Emmanuel “đi xuống” dòng sông Giođan để ông Gioan Tiền Hô thanh tẩy và đã “đi lên” khỏi nước để chính thức “Đăng quang sứ vụ Cứu Thế”, thì Chúa Nhật hôm nay, Tin Mừng Gioan lại trình bày một Đấng Cứu Thế bắt đầu “đi ngang qua” trên những “nẻo đường thế giới” để dấn thân vào chương trình Cứu Thế của Ngài.

            Thế nhưng, để nắm bắt được lộ trình đầu tiên trong chương trình “đi ngang qua” của Đấng “Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta”, cộng đoàn chúng ta phải dừng lại để lắng nghe một số chỉ dẫn của sứ điệp Lời Chúa vừa được công bố.

            Trước hết, yếu tố “con người” vẫn là ưu tiên hàng đầu của mọi chương trình hành động, cho dù đó là “chương trình hành động của Thiên Chúa” trong lịch sử cứu rỗi.

            Thật vậy, kể từ khi Thiên Chúa dựng nên “con người đầu tiên” để cọng tác với Ngài trong công trình Tạo Dựng (St 1,26), thì liền lạc sau “thảm trạng sa ngã”, Ngài đã từng bước chọn gọi những con người đặc biệt theo “tiêu chí” của chính Ngài và ra tay huấn luyện họ để “những kẻ được chọn” nầy cọng tác vào chương trình cứu nhân độ thế: Noe, Abraham, Môse, Samuel, Đavít…, Giuse, Maria, Các Tông Đồ…

            Câu chuyện “tiếng gọi ban đêm giữa đền thánh dành cho cậu bé Samuel” được sách Samuel quyển thứ nhất ghi lại mà chúng ta vừa nghe công bố qua Bài đọc một là một thuyết minh cụ thể. Vâng, đây là câu chuyện xảy ra vào cuối “thời Quan Án”, thời mà dân Chúa chọn được chăn dắt bởi những “nhà Thẩm Phán” (Quan Án) được chính Chúa kêu gọi và chọn trao sứ mệnh dẫn dắt Dân Chúa vượt qua những “bão giông thế sự” hay “thế cuộc hiểm nguy”. Cho dù là một “Quan Án đã hết thời”, thầy cả Hêli lại “nhân tố cần thiết” được Chúa dùng để trở thành “nhà đào tạo chính quy”, hướng dẫn cậu bé Samuel bằng phương pháp sư phạm tuyệt vời: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe’”. Chính “nguyên tắc vàng” đó đã giúp cho Samuel đi đúng con đường Chúa chọn để trở nên vị “Quan Án” sau cùng dẫn dắt dân Israel bước qua một thời đại mới trong lịch sử cứu độ: giai đoạn Dân Chúa lớn lên thành một quốc gia quân chủ thục thụ mà vị Minh quân Đavít chính là Tổ phụ Đấng Cứu Thế. Và có một điều cần ghi nhận trong sự kiện “chọn gọi lịch sử nầy” đó chính là thái độ “sẵn sàng lắng nghe và đáp trả” trước Lời Chúa của Samuel: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Đây chính là “thái độ” mang mẫu số chung dành cho mọi ơn gọi trong Dân Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi; và dĩ nhiên, đó không là chuyện “lắng nghe suông” mà phải như Samuel: “không để rơi mất lời nào của Chúa”.

            Từ “tiếng gọi và lời đáp trả” của Samuel trong Cựu ước, Lời Chúa tiếp tục dẫn dắt chúng ta qua câu chuyện “cuộc hạnh ngộ đầu tiên” giữa Chúa Giêsu và nhóm môn sinh tiên khởi được chính một đương sự trong nhóm đó lược trình qua Tin Mừng thứ tư; một biến cố để đời, ghi dấu ấn sâu đậm, đến nỗi sau sáu bảy chục năm mà vị Thánh sử nầy vẫn nhớ như in: “lúc đó độ chừng giờ thứ mười”. Thật vậy, thánh Gioan đã kể lại “kỷ niệm sâu sắc” nầy bằng những từ ngữ ẩn dụ mà nội hàm cưu mang những ý nghĩa sâu xa phong phú:

– hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi qua: Chúa đang đi qua cuộc đời của hai ông hay của mỗi người chúng ta. Chắc chắn đây không là một cuộc “dạo bước” vô tình, bàng quan, nhưng là một cuộc “đi ngang qua” đầy “hữu ý”, “ĐI NGANG QUA” ĐỂ HỌ “ĐI THEO”, như cách diễn tả của đoạn đầu bài thơ “NGÀI ĐI NGANG QUA NƠI ẤY”:

Đâu có tình cờ,

Chẳng phải bàng quan,

Hơn một lần “Ngài đi ngang qua nơi ấy” !

Nơi có những chàng trai mộng đời đang dậy,

Có thuyền, có lưới,

có cha mẹ già có cả người yêu…

Ngài đi ngang qua để lại đôi mắt diễm kiều,

“Con mắt có đuôi” mang tia nhìn vẫy gọi !…

“Đây chiên Thiên Chúa”… “Các ngươi tìm gì?”: Và như lời giới thiệu ngắn gọn của thầy Gioan Tẩy Giả, “Đấng Đi Ngang qua” đó lại là “Chiên Thiên Chúa”, tước hiệu ám chỉ đến Đấng Mêsia mà Dân Chúa đang ngóng cổ trông chờ, khao khát đến mòn hơi. Ở giữa một “chợ đời” vàng thau lẫn lộn, nếu được một ai đó, một vị tôn sư chân chính, một huynh trưởng, một người bạn sẵn sàng mách bảo “ai là người phải bước theo”, “ai là người xứng đáng để phụng sự”, “ai là người sẽ chọn lựa yêu thương hết mình”… thì không quý giá và cần thiết lắm sao ? Soi vào cuộc sống hôm nay, tôi thử xét lại: “Tôi đang chọn ai và theo ai ? Ai là thần tượng đúng nghĩa của tôi bây giờ ?”… Vâng, Chúa cũng đang tiếp tục hỏi tôi bằng chính câu hỏi của hai ngàn năm trước: “Các ngươi tìm gì?”. Không thiếu những “ơn gọi bị gãy đổ” khi thay vì đi tìm “viên ngọc quý”, “kho tàng quý báu nhất” là chính Chúa Giêsu, là Nước Trời, là Tin Mừng Tám Mối, là Khổ nạn và Phục Sinh… lại tìm kiếm những giá trị thuộc trần tục: thoải mái bản thân, chức quyền danh phận, tiền của giàu sang…; hay như lời cảnh báo của Thánh Phaolo trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, “tìm kiếm dục vọng”, “tôn thờ thể xác”, một lối sống đang là những “tiêu chí thời thượng” của xã hội tiêu thụ và hưởng dụng vật chất: “thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại… Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em” (BĐ 2).

“…Thầy ở đâu?”… “hãy đến mà xem”: Nếu chịu khó đọc lại Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy “nơi ấy của Thầy”. Vâng, từ máng cỏ Bêlem đến đỉnh đồi Núi Sọ; từ những nẻo đường xuôi ngược khắp xứ Palestina, “nơi ấy của Ngài” là yêu thương, khó nghèo, hy sinh, phục vụ, như đoạn kết của bài thơ đã trích:

Nơi ấy “Canvê” một chiều nắng úa,

Bụi bặm, hỗn hào, thập giá, máu loang…

Nơi ấy “mộ hoang” một sáng huy hoàng,

Đường Giêrusalem ngập “Tin mừng Sống lại” !

Và hôm nay,

Ngài vẫn đi ngang qua những “con đường xưa ấy”,

Vẫn “ánh mắt có đuôi” vang tiếng gọi mời:

“Hãy đến mà xem”,

Xem gì, chẳng nhà, chẳng chỗ, chẳng nơi…

cả “viên đá gối đầu” cũng không,

vâng, chỉ Ngài thôi, Đường, Sự Thật, Sự Sống !

Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy: Và đó là “câu chuyện kết” của ơn gọi: “biết chỗ của Người” và sẵn sàng “ở lại”. Hội Thánh muôn nơi và muôn thuở đang cần những “ơn gọi”, những con người như thế, những con người không chỉ rung động, phấn khởi của “cái thuở hội ngộ ban đầu”, nhưng là “lời đáp kiên trung của từng ngày” thành một “thiên tình sử”, như lời khuyến dụ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Đời Sống Thánh Hiến: “Sau lần gặp gỡ đầu tiên đầy hứng thú với Chúa Ki-tô, rõ ràng còn cần phải bền chí cố gắng bằng lời đáp hằng ngày, điều nầy biến ơn gọi thành một thiên tình sử với Chúa” (ĐSTH số 64).

            Và như thế, chúng ta có thể tóm kết nội dung sứ điệp Lời Chúa muốn chuyển tải trong Chúa Nhật hôm nay đó là:

– Hãy mở lòng ra trước tiếng gọi của Chúa và dấn thân đi gặp gỡ Ngài như “lời đáp” của cậu bé Samuel (Bđ 1): “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

– Hãy can đảm dấn thân và kiên trung với ơn gọi và sứ mệnh như các Tông Đồ đầu tiên của Chúa Giêsu: “Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người” (TM).

– Hãy biến cuộc đời thành khí cụ để tôn vinh và phụng sự Thiên Chúa như lời khuyên dạy của Thánh Phaolô: “Anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em” (BĐ 2).

            Ước gì mỗi người chúng ta đều có một “cuộc hạnh ngộ” và “một thuở ban đầu” của ơn gọi theo Chúa như thế. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền