Views: 27
Chúa nhật 21 TN (A) 2020
Không chỉ là đối tượng của niềm tin, hình tượng Chúa Giêsu còn xuất hiện trong nhiều loại hình văn học nghệ thuật như: thi ca, tiểu thuyết, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điện ảnh… Có chỗ Ngài được đề cao như một thần tượng đầy hấp dẫn và thuyết phục tuyệt đối (Qui luật của muôn đời của Dumbatze), nhưng cũng có khi Ngài bị lột trần xúc phạm như một kẻ phàm phu tục tử đến độ làm sôi lên cơn phẫn nộ của giới Kitô giáo (Cơn cám dỗ cuối cùng của Nikos Kazant-zakis)…
Thì ra, “nhân vật Giêsu Na-da-rét”, “hình tượng Chúa Giêsu Kitô”, “anh hùng cách mạng Giêsu của những tín đồ Marxisme”, hay “Đấng Cứu Độ Giêsu” của các Kitô hữu… sau 2000 năm, vẫn còn sống mãi trong dòng lịch sử nhân loại. Nói cách khác, Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn luôn là một vấn nạn cho muôn con người, một vấn nạn mà chính Ngài đã đặt ra cho các môn sinh cách đây 2000 năm trước: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?”; và dĩ nhiên, câu trả lời của Tông đồ Phêrô” “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” cũng là “sự lựa chọn”, là một “đáp án” mà nhân loại muôn nơi muôn thuở không ngừng “xác nhận và đổi mới, kiện toàn” !
Chúng ta có thể minh hoạ cho “câu hỏi và câu trả lời trên của Tin Mừng” bằng “câu chuyện thời sự của thế giới trong những ngày nầy”, câu chuyện “thùng phiếu và lá phiếu bầu cử” của các cử tri Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ !
Tại sao lại phải so sánh như thế ?
Dễ thôi. “Thùng phiếu” chính là câu hỏi: “Anh sẽ chọn ai?”; và “lá phiếu” sẽ là câu trả lời: “Tôi chọn ông…., vì ông ta sẽ…”. Nếu không có “thùng phiếu” thì lấy đâu ra “cơ hội để chọn lựa”. Trong các chế độ độc tài đảng trị thì cần cóc gì “mấy thứ trò hề dân chủ” đó. Trên bảo sao dưới nghe vậy. Đảng là “đỉnh cao trí tuệ” cứ răm rắp “vâng lời tối mặt” là “ổn định”. Môi trường xã hội dân chủ tự do thì sẽ không như thế. Một lựa chọn đúng, nghiêm túc của “lá phiếu” sẽ bầu ra được một lãnh tụ, một chính phủ mang lại “ích quốc lợi dân”; một thái độ ươn lười vô trách nhiệm, hay chọn lựa sai… sẽ chấp nhận một “kẻ lãnh đạo tồi”, kéo theo cả đường lối, chủ trương, chính sách nguy hại cho cuộc sống cá nhân cũng như hiểm nguy cho tiền đồ của một dân tộc, đất nước.
Ở đây, trong trích đoạn Tin Mừng của Thánh Matthêô, “chuyện kể” về câu hỏi của Thầy Giêsu tại vùng đất Cêrarêa Philipphê: “Người ta…và các con bảo Thầy là ai?”, và câu trả lời của thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô…”, cũng mang tính “lựa chọn” hay “bầu cử” như thế. Quả thật, đây hoàn toàn không là câu chuyện “hỏi xoáy đáp xoay” để giải khuây chút lát dành cho những kẻ “vô công rồi nghề”, hay chỉ là một thứ “nước chanh đường” để làm thoả mãn những đầu óc luôn bận rộn “sinh sự và tò mò”… Không, “câu hỏi và câu trả lời” đều nhất thiết liên quan đến cuộc sống nhân sinh, đến “vận mệnh lịch sử” của mỗi người và của cả thế giới !
Trong chương trình cứu độ ngàn đời, Thiên Chúa vẫn không ngừng “hỏi” con người, không ngừng “mở ngõ”, “gọi mời”, “tạo điều kiện”… để con người tự do đáp trả, tìm kiếm…, và rồi, thực thi thánh ý Ngài. Ngài không muốn là một nhà độc tài ; cho dẫu điều đó quá dễ. Ngài muốn con người đón nhận Ngài, đến với Ngài trong tự do, chân lý và tình yêu. Và vì thế “sự đáp trả”, lựa chọn của con người là vô cùng cần thiết và quan trọng. Bởi vì, như những câu ngạn ngữ: “Sai con toán, bán con trâu”, hay “Sai một li đi một dặm”…!
Các sứ ngôn ngày xưa trong “Đạo cũ” vẫn hằng nhắc nhớ Dân Chúa phải “chọn đúng”, “tin thật”; vì nếu không, như ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1 hôm nay: “Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi; trong ngày đó…”. Và trong khi cảnh báo “nẻo đường lầm lạc và sự chọn lựa sai quấy của dân”, Isaia đã vén mở một chân dung, một “mô hình mẫu của Đấng Thiên Sai”, Đấng sẽ tìm kiếm và thực thi trọn hảo thánh ý Chúa, Đấng mà Thiên Chúa sẽ: “Ta sẽ để chìa khoá nhà Đavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được…”.
Chân dung Đấng Mêsia qua ngôn ngữ của nhà Tiên tri Isaia rất thường được Đức Kitô ám chỉ vào mình. Chúng ta không quên trích đoạn Tin Mừng Luca tường thuật việc Chúa Giêsu công bố Lời Chúa trong sách Isaia tại hội đường Nadarét, đoạn “Thần Khí Chúa ngự trên tôi…” (Lc 4,16-22…). Sau khi đọc xong, Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,21). Và một “sự cố” đáng buồn đã xảy ra sau đó: Thay vì, sau khi được gợi mở, nhắc nhở để tin nhận Chúa Giêsu Đấng được các tiên tri loan báo, dân Nadarét đã đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành…để xô Người xuống vực. (Lc 4,28-29). Một “câu trả lời đáng buồn của dân Nadarét” đã khiến “Ngài không thể làm được phép lạ nào tại đó…vì họ không tin”. (Mc 6,5-6).
Chắc chắn từ “kinh nghiệm xương máu” nơi chính quê hương đó, nên hôm nay, khi đang hiện diện tại một vùng đất mà vào thời đó, dân cư toàn vùng đều là dân “ngoại giáo”, (vùng đất mà vua Hêrôđê Cả đã xây dựng để tôn vinh hoàng đế La Mã Augustus Caesar và sau đó tổng trấn Philip đã đặt lại tên cho vùng nầy là Cêsarê; cũng tại vùng nầy, chân dung thần Pan của người Hy Lạp cùng với đền thờ trắng toát chễm chệ trên đồi cao như “biểu tượng khống chế” của niềm tin và tín ngưỡng cộng đồng), Chúa Giêsu muốn “câu trả lời dứt khoát” của các môn sinh về Ngài “các con bảo Thầy là ai?”, sau khi “sàng lọc” qua những câu trả lời của bàn dân thiên hạ “Người ta bảo Thầy là ai?”.
Một phép lạ đã xảy ra! Phêrô đã đại diện cho anh em trả lời như một lời tuyên tín: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chỉ có phép lạ” thôi; vì một anh dân chài quê kệch dốt nát như Phêrô không thể “trả lời được như vậy. Chính Đức Kitô đã xác quyết điều đó: “chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”. Vâng, mầu nhiệm “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” là mầu nhiệm thẳm sâu về Thiên Chúa không ai hiểu thấu, mà sau nầy, Thánh Phaolô đã cảm nhận sâu sắc như được ghi lại trong thư gởi giáo đoàn Rôma (Bđ 2): Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! … Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người”.
Nhờ câu “trả lời đúng” với một “niềm tin thật”, mà từ hôm nay “Phêrô được trao “quyền chìa khoá” và đặt làm “tảng đá Nước Trời”: “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”, một sự kiện “na ná” như một cuộc “phong tước” cho vị tân “Tổng Giám hoàn cung” Êliaqim của vương triều Giuđa vào thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, như tường thuật của ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1: “Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa. Ta sẽ để chìa khoá nhà Đavít trên vai nó”.
Hội Thánh Chúa Kitô đã bắt đầu và lớn lên từ những sự kiện giản đơn như thế, từ một “câu trả lời thông minh đột xuất” của một chàng ngư phủ tầm thường như thế. Đúng là việc Chúa làm như Thánh Phaolô xác quyết: “Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời”.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên: câu trả lời của Phêrô không chỉ để trả lời một vấn nạn, một “đáp án của một đề tài”…, mà là một tuyên xưng niềm tin, một xác tín, một niềm hy vọng ngút ngàn, một tiếng kêu òa vỡ của hạnh phúc và niềm vui khi chợt khám phá ra “Nước Trời đang đến”, ơn cứu độ đã được trao ban, Thiên Chúa đã nhập thể và đang đồng hành cùng nhân loại: vâng, chỉ có “Thầy là Đức Kitô” thôi mới đem con người và thế giới vào chân lý và sự sống.
Bao năm dài Dân Cựu ước mong đợi câu trả lời nầy, những người què, mù, câm, điếc, cùi hủi tật nguyền mong đợi câu trả lời nầy, những kẻ ngồi trong tù ngục tăm tối, những chàng trai cô gái lầm lạc trong thân phận đi hoang…đang đợi chờ câu trả lời nầy…; và con người muôn nơi muôn thuở cần “câu trả lời nầy” để tìm ra con đường hạnh phúc đích thực….
Tuy nhiên, đó lại là một câu trả lời kèm theo một đòi hỏi phải dấn thân chọn lựa. Ở đây, chính là chọn lựa đi con đường thập giá mà Đức Kitô đã đi qua để cứu chuộc muôn người. Khước từ con đường nầy, chọn lựa này chính là sự thỏa hiệp với Satan, là chắp cánh cho sự dữ, là ngăn cản công trình của Thiên Chúa. Phêrô mới vừa được khen tặng trước đó với câu trả lời xuất thần “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, lại bị quở trách thật nặng lời kế liền sau đó cũng chỉ vì muốn tránh né con đường và chọn lựa nầy: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
Sau bao “ba chìm bảy nổi”, cuối cùng, Phêrô cũng đã viết lại nguyên vẹn câu trả lời hôm xưa tại vùng Cêsarê Philip bằng chính chọn lựa nghiêm túc của mình: chịu đóng đinh ngược đầu xuống đất để trung thành trọn vẹn với chính Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà Ngài phụng sự, yêu mến và loan báo không mệt mỏi.
Câu trả lời của Phêrô không chỉ là một trực giác cá nhân và kết quả của ơn thánh, nhưng còn bao hàm một sự liên đới với Nhóm 12, với Tông Đồ đoàn, với cả Hội Thánh mà Phêrô là Đá Tảng. “Con là Tảng Đá, trên Tảng Đá nầy Thầy sẽ xây hội Thánh của Thầy…”. Cũng chính vì thế, đức tin mà Phêrô tuyên xưng và rao giảng, cho dù trải rộng ra bốn bể năm Châu, trải dài qua muôn thế hệ, vẫn là một đức tin Tông Truyền, một đức tin hiệp thông và liên đới. Sống đức tin hôm nay đó chính là biết vui tươi phục vụ cộng đoàn, xả thân lo công việc chung, hăng hái xây dựng tình bác ái huynh đệ, hiệp nhất, đẩy lùi mọi biểu hiện của tiêu cực và ích kỷ, phe nhóm và đố kỵ, thanh tẩy não trạng biệt phái và giả hình…
Bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay có thể nói được là một câu trả lời hiện thực nhất: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” cũng có nghĩa: “Thầy là mình máu được trao ban cho chúng con được nuôi sống hôm nay và mang mầm vĩnh cửu, Thầy là lời chân lý và tình yêu được sẻ chia để chúng con no đầy sự sống, Thầy là sự tha thứ và giao hòa để mở đường cho chúng trở về với Chúa Cha và với anh chị em…”.
Lạy chúa Giêsu, chúng con đang thật sự cần Ngài, vì Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.
Trương Đình Hiền