Views: 48
TÔNG THƯ Admirabile signum (Dấu chỉ lạ lùng) CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA HANG ĐÁ MÁNG CỎ
1. Dấu chỉ lạ lùng của hang đá máng cỏ, rất được các tín hữu Kitô quý chuộng, luôn gợi lên sự ngưỡng mộ và ngạc nhiên. Diễn tả biến cố Chúa Giêsu giáng sinh cũng có nghĩa là loan báo mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa một cách đơn sơ và vui mừng. Thực vậy, hang đá máng cỏ, giống như một Tin Mừng sống động, trào ra từ những trang Kinh Thánh. Trong khi chúng ta chiêm ngắm cảnh tượng Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi lên đường trong tâm trí, bị thu hút vì lòng khiêm tốn của Đấng đã nhập thể làm người để gặp gỡ mỗi người. Và chúng ta khám phá thấy Chúa yêu thương chúng ta đến độ kết hiệp với chúng ta để chúng ta cũng có thể kết hiệp với Chúa.
“Qua thư này tôi muốn hỗ trợ truyền thống đẹp đẽ của các gia đình chúng ta, trong những ngày trước lễ Giáng Sinh, chuẩn bị hang đá máng cỏ, cũng như thói quen dựng hang đá tại những nơi làm việc, trong các trường học, nhà thương, nhà tù và các quảng trường… Đây thực là một việc thực hành trí sáng tạo, dùng những vật liệu khác biệt nhất để tạo nên những kiệt tác nhỏ bé đẹp đẽ. Nhiều người học thói quen này từ nhỏ, khi cha mẹ cùng với các ông bà nội ngoại thông truyền tập quán vui tươi này, gói ghém một linh đạo bình dân phong phú. Tôi cầu mong thói quen này không bao giờ bị mai một, trái lại, tôi hy vọng tại nơi nào người ta bỏ qua, tập quán tốt đẹp này có thể được tái khám phá và hồi sinh”.
2. Chúng ta thấy nguồn gốc hang đá máng cỏ đặc biệt trong một số chi tiết của Tin Mừng về sự giáng sinh của Chúa Giêsu ở Bethlehem. Thánh sử Luca chỉ nói rằng Đức Maria “sinh hạ con trai đầu lòng, bọc trong tã và đặt vào một máng cỏ, vì không có chỗ cho họ nơi nhà trọ” (2,7). Chúa Giêsu được đặt trong máng cỏ, tiếng La tinh là praesepium, từ đó có từ presepe(Hang đá máng cỏ).
Khi đi vào trần thế này, Con Thiên Chúa tìm thấy chỗ ở, nơi mà các súc vật đến ăn. Cỏ trở thành nệm đầu tiên cho Đấng sẽ tỏ ra là “bánh từ trời xuống” (Ga 6,41). Một biểu tượng mà thánh Augustino cùng với các Giáo Phụ khác, đã đón nhận khi Người viết: “Đấng nằm trong một máng cỏ đã trở thành lương thực của chúng ta” (Serm. 189,4). Trong thực tế, hang đá máng cỏ chứa đựng nhiều mầu nhiệm khác nhau về cuộc đời của Chúa Giêsu và làm cho những mầu nhiệm ấy gần gũi với đời sống hằng ngày của chúng ta.
Nhưng chúng ta hãy đi ngay vào nguồn gốc của hang đá máng cỏ như ngày nay chúng ta thấy. Chúng ta hãy đưa tâm trí đến Greccio ở thung lũng Reatina, nơi Thánh Phanxicô dừng lại, có lẽ khi ngài đến từ Roma, nơi mà ngày 29 tháng 11 năm 1223, thánh nhân nhận được Đức Giáo Hoàng Honorio III việc phê chuẩn luật Dòng. Sau chuyến đi Thánh Địa, những hang đá tại đó đã đặc biệt nhắc nhớ cho thánh nhân quang cảnh Bethlehem. Và có thể là thánh Phanxicô bị ấn tượng mạnh, tại Roma, nơi Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, từ những tranh khảm diễn tả cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, chính tại nơi giữ những mảnh gỗ của máng cỏ, theo một truyền thống cổ kính.
Sách “Fonti Francescane” (Những nguồn mạch dòng Phanxicô) kể lại chi tiết những gì xảy ra tại Greccio. 15 ngày trước lễ Giáng Sinh, thánh Phanxicô gọi một người tại địa phương, tên là Giovanni và xin ông giúp ngài thực hiện một ước muốn: “Tôi muốn trình bày Chúa Hài Đồng sinh tại Bethlehem, và làm sao để khi nhìn thấy tận mắt những cơ cực Chúa chịu vì thiếu thốn những gì cần thiết cho một hài nhi sơ sinh, khi nằm trong một chiếc nôi và nằm trên đống cỏ giữa bò và lừa”.[1] Vừa nghe điều ấy, người giáo dân bạn của thánh Phanxicô liền đi chuẩn bị mọi sự cần thiết tại nơi đã được chỉ định, theo ước muốn của thánh nhân. Ngày 25 tháng 12 có nhiều tu sĩ từ các nơi đến Greccio và cả những người nam nữ từ những nông trại trong vùng. Họ mang theo hoa và đèn đuốc để soi sáng trong đêm thánh ấy. Khi thánh Phanxicô đến, ngài thấy một chiếc nôi với cỏ, con bò và con lừa. Đứng trước cảnh tượng giáng sinh, dân chúng bày tỏ một niềm vui khôn tả, chưa bao giờ được nếm hưởng trước đó. Rồi vị linh mục, long trọng cử hành thánh lễ trước máng cỏ, chứng tỏ mối liên hệ giữa sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa và Thánh Thể. Trong hoàn cảnh ấy, tại Greccio, không có các pho tượng: hang đá máng cỏ được những người hiện diện thực hiện và cảm nghiệm.[2]
Thế là nảy sinh truyền thống của chúng ta; tất cả quây quần quanh hang đá máng cỏ và đầy vui mừng, không có khoảng cách nào giữa biến cố đang diễn ra và những người tham dự mầu nhiệm.
Sử gia đầu tiên về cuộc đời thánh Phanxicô, Tommaso da Celano, ghi lại rằng đêm hôm đó, trước cảnh tượng đơn sơ và đánh động ấy, cũng có thêm một ơn thị kiến tuyệt vời: một người hiện diện thấy chính Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trong máng cỏ. Từ hang đá máng cỏ ấy trong lễ Giáng Sinh năm 1223, “mỗi người trở về nhà tràn đầy niềm vui khôn tả”.[3]
3. Thánh Phanxicô đã thực hiện một công trình lớn loan báo Tin Mừng qua dấu hiệu đơn sơ ấy. Giáo huấn của thánh nhân đã đi sâu vào tâm hồn các tín hữu Kitô và kéo dài cho đến ngày nay, như một hình thức chân thực để tái đề nghị một cách đơn sơ vẻ đẹp đức tin của chúng ta. Đàng khác, chính nơi diễn ra hang đá đầu tiên cũng biểu lộ và gợi lên những tâm tình ấy. Greccio trở thành một nơi nương náu cho tâm hồn, ẩn trên núi đá, để cho thinh lặng bao trùm.
Tại sao hang đá máng cỏ lại gợi lên bao nhiêu kinh ngạc và làm cho chúng ta cảm động như vậy? Trước tiên vì nó biểu lộ sự dịu dàng của Thiên Chúa. Ngài vốn là Đấng tạo nên vũ trụ, mà lại hạ mình xuống thân phận bé nhỏ của chúng ta. Hồng ân sự sống, vốn đã là mầu nhiệm đối với chúng ta, nay càng có sức thu hút hơn nữa khi thấy Đấng sinh ra từ Mẹ Maria chính là nguồn mạch và là sự nâng đỡ mỗi cuộc sống. Trong Chúa Giêsu, Chúa Cha ban cho chúng ta một người anh đến tìm chúng ta khi chúng ta hoang mang và lạc hướng; trong Người, Chúa Cha ban cho chúng ta một người bạn trung tín luôn ở kề bên; một người Con của Ngài tha thứ và nâng chúng ta trỗi dậy từ tội lỗi.
Làm hang đá máng cỏ trong các gia cư giúp chúng ta sống lại lịch sử đã diễn ra tại Bethlehem. Dĩ nhiên, các sách Tin Mừng vẫn luôn là nguồn mạch giúp nhận biết và suy niệm về Biến Cố ấy; nhưng sự diễn tả Biến Cố này trong hang đá giúp hình dung cảnh tượng, kích thích lòng quý mến, mời gọi cảm thấy mình can dự vào lịch sử cứu độ, cảm thấy mình là những người đồng thời với biến cố vẫn sinh động và thời sự trong các bối cảnh khác nhau về lịch sử và văn hóa.
Đặc biệt, ngay từ thời kỳ đầu của dòng Phanxicô, hang đá máng cỏ là một lời mời gọi hãy “cảm thấy”, “động chạm” đến sự nghèo khó mà Con Thiên Chúa đã chọn cho mình trong cuộc Nhập Thể. Và như thế, mặc nhiên đó là một lời mời gọi hãy theo Chúa trên con đường khiêm nhường, thanh bần, cởi bỏ, từ máng cỏ ở Bethlehem dẫn đến Thập Giá. Đó là một lời mời gọi hãy gặp gỡ, phục vụ Chúa với lòng từ bi nơi những người anh chị em túng thiếu (Xc. Mt 25,31-46).
4. Giờ đây tôi muốn duyệt qua những dấu chỉ khác nhau của hang đá máng cỏ để đón nhận ý nghĩa của chúng. Trước tiên, chúng ta diễn tả hang đá trong một khung cảnh bầu trời có sao trong đêm đen thinh lặng. Không phải chỉ vì trung thành với các trình thuật Tin Mừng mà chúng ta làm như vậy, nhưng còn vì ý nghĩa của nó nữa. Bao nhiêu lần chúng ta nghĩ đến đêm đen bao trùm cuộc sống chúng ta. Cả trong những lúc ấy, Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc chúng ta cô độc, trái lại Chúa hiện diện để đáp lại những câu hỏi quyết định liên quan đến ý nghĩa cuộc sống của chúng ta: tôi là ai? Từ đâu tôi tới? Tại sao tôi sinh ra trong thời đại này? Tại sao tôi yêu thương? Tại sao tôi đau khổ? Tại sao tôi sẽ chết? Để mang lại một câu trả lời cho những câu hỏi đó, Thiên Chúa đã làm người. Sự gần gũi của Ngài mang lại ánh sáng cho nơi có tối tăm và chiếu sáng những người đang tiến qua đen tối của đau khổ (Xc. Lc1,79).
Cũng nên nói đến cả quang cảnh của hang đá máng cỏ, quang cảnh này thường được diễn tả với những căn nhà đổ nát và những dinh thự cũ, nhiều khi được dùng để thay thế hang đá ở Bethlehem và trở thành nơi trú ngụ của Thánh Gia thất. Những đổ vỡ điêu tàn ấy dường như lấy hứng từ cuốn “Legenda Aurea” của cha Jacopo da Varazze, dòng Đa Minh (thế kỷ 13), trong đó có kể lại một điều dân ngoại vẫn tin, cho rằng đền thờ Hòa Bình ở Roma sẽ sụp đổ khi một Trinh Nữ sinh con. Đặc biệt những cảnh điêu tàn ấy là dấu chỉ cho thấy rõ nhân loại sa đọa, biểu tượng tất cả những gì tàn lụi, hư hỏng và buồn thương. Quang cảnh ấy nói rằng Chúa Giêsu là sự mới mẻ giữa một thế giới cũ kỹ và Chúa đến để chữa lành và tái thiết, đưa cuộc sống của chúng ta và thế giới trở lại tình trạng huy hoàng thời nguyên thủy.
5. Chúng ta phải cảm động dường nào khi đặt núi non, các dòng suối, những con chiên và những người chăn dắt chúng vào trong bối cảnh hang đá máng cỏ! Như các ngôn sứ đã loan báo, qua cách thức ấy chúng ta nhắc nhớ rằng toàn thể thụ tạo tham gia vào đại lễ Đấng Thiên Sai giáng lâm. Các thiên thần và ngôi sao chổi là dấu hiệu cho thấy cả chúng ta cũng được mời gọi lên đường để đến hang đá và thờ lạy Chúa.
“Chúng ta hãy tới tận Bethlehem để xem biến cố mà Chúa cho chúng ta được biết” (Lc 2,15): những người chăn súc vật đã nói như thế sau khi được các thiên thần báo tin. Đó là một giáo huấn rất đẹp được gửi đến chúng ta qua mô tả đơn sơ. Khác với bao nhiêu người đang quan tâm làm hàng ngàn công việc, các mục tử trở thành những chứng nhân đầu tiên về điều thiết yếu, nghĩa là ơn cứu độ được Chúa ban. Chính những người khiêm hạ và nghèo nhất biết đón nhận biến cố Nhập Thể. Các mục tử đáp lại Thiên Chúa đến gặp chúng ta nơi Hài Nhi Giêsu bằng cách lên đường đi gặp Ngài, một cuộc gặp gỡ thương yêu và kinh ngạc biết ơn. Chính cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và các con cái Ngài, nhờ Chúa Giêsu, đã tạo nên đạo của chúng ta, tạo nên vẻ đẹp đặc thù của đạo, được diễn tả một cách đặc biệt qua hang đá máng cỏ.
6. Trong các hang đá máng cỏ của chúng ta thường đặt nhiều tượng nhỏ biểu tượng. Trước tiên là những tượng người hành khất và những người không hề biết sự giàu sang nào ngoài giàu sang của tâm hồn. Cả họ cũng đứng gần Chúa Hài Đồng Giêsu với đầy đủ danh nghĩa, và không ai có thể trục xuất họ hoặc đẩy họ ra xa khỏi một chiếc nôi được thực hiện đột xuất như thế, những người nghèo quây quần quanh nôi mà không cảm thấy xa lạ. Đúng hơn, những người nghèo là những người được đặc ân về mầu nhiệm này, và nhiều khi họ là những người thành công hơn trong việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta.
Những người nghèo và những người đơn sơ trong hang đá máng cỏ nhắc nhớ rằng Thiên Chúa làm người cho những người cảm thấy cần tình thương của Chúa hơn và cầu xin sự gần gũi của Chúa. Chúa Giêsu, “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29), sinh ra trong khó nghèo, đã sống một cuộc đời đơn sơ để dạy chúng ta đón nhận điều thiết yếu và sống cho điều ấy. Từ hang đá máng cỏ trổi lên sứ điệp rõ ràng, theo đó chúng ta không thể để cho mình bị giàu sang và bao nhiêu đề nghị hạnh phúc phù du lừa đảo. Dinh thự của vua Hêrôđê ở xa xa trong bối cảnh, khép kín, không nghe thấy lời loan báo vui mừng. Khi sinh ra trong hang đá máng cỏ, chính Thiên Chúa bắt đầu một cuộc cách mạng chân thực duy nhất mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người xấu số, những người bị gạt ra ngoài lề: đó là cuộc cách mạng tình thương, cuộc cách mạng dịu dàng. Từ hang đá máng cỏ, với quyền năng dịu hiền, Chúa Giêsu công bố lời mời gọi chia sẻ với những người rốt cùng con đường dẫn đến một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn, nơi mà không một ai bị loại trừ và gạt ra ngoài lề.
Nhiều khi các trẻ em – và cả người lớn – thích thêm vào hang đá các pho tượng khác dường như không có liên hệ gì tới các trình thuật Tin Mừng. Nhưng sự tưởng tượng ấy muốn nói lên rằng trong thế giới mới được Chúa Giêsu khai mạc, có chỗ cho tất cả những gì là nhân bản và cho mọi loài thụ tạo. Từ người chăn súc vật đến người thợ rèn, từ người làm bánh cho đến các nhạc sĩ, từ các phụ nữ vác những vò nước cho đến các trẻ em đang chơi đùa… Tất cả những điều ấy diễn tả sự thánh thiện thường nhật, niềm vui thực hiện một cách ngoại thường những điều thường nhật, khi Chúa Giêsu chia sẻ với chúng ta sự sống thần thiêng của Ngài.
7. Từ từ đi vào giữa lòng hang đá máng cỏ, chúng ta thấy tượng Đức Mẹ Maria và thánh Giuse. Đức Maria là một người mẹ đang chiêm ngắm hài nhi của Mẹ và tỏ hài nhi cho những người đến thăm. Pho tượng bé nhỏ của Mẹ làm ta nghĩ đến mầu nhiệm cao cả bao trùm lấy thiếu nữ này khi Thiên Chúa gõ cửa tâm hồn thanh khiết của Người. Khi sứ thần Chúa báo tin và xin Người trở thành Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria trả lời xin vâng hoàn toàn. Những lời của Mẹ: “Này tôi là tôi tớ Chúa: xin xảy ra cho tôi theo lời Sứ Thần” (Lc1,38), những lời ấy đối với tất cả chúng ta là bằng chứng Mẹ đã phó thác cho thánh ý Chúa trong đức tin. Với lời thưa “Xin vâng” ấy, Maria trở thành mẹ của Con Thiên Chúa mà không mất sự đồng trinh, hay đúng hơn là thánh hóa sự đồng trinh ấy, nhờ Chúa. Chúng ta thấy Mẹ Thiên Chúa không giữ Con cho bản thân mình, nhưng Mẹ mời gọi tất cả hãy vâng theo lời Chúa và mang ra thực hành (Xc. Ga2,5).
Cạnh Mẹ Maria, có thánh Giuse trong thái độ bảo vệ Hài Nhi và Mẹ Người. Người ta thường diễn tả thánh nhân tay đang cầm gậy và nhiều khi Người cũng đang cầm đèn. Thánh Giuse giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Thánh nhân là người canh giữ không bao giờ mệt mỏi trong việc bảo vệ gia đình Người. Khi Thiên Chúa báo tin cho Người về sự đe dọa của Hêrôđê, Người không do dự lên đường và di tản sang Ai Cập (Xc. Mt 2,13-15). Và sau khi nguy hiểm qua đi, Người mang gia đình về Nazareth, tại đây Người sẽ là nhà giáo dục đầu tiên đối với Chúa Giêsu như thiếu nhi và thiếu niên. Thánh Giuse mang trong tâm hồn mầu nhiệm cao cả về Chúa Giêsu và Mẹ Maria hiền thê của Người, và trong tư cách là người công chính, thánh nhân luôn phó thác cho thánh ý Chúa và mang ra thực hành.
8. Con tim của hang đá máng cỏ bắt đầu đập mạnh khi chúng ta đặt tượng Chúa Hài Đồng Giêsu trong đó vào lễ giáng Sinh. Thiên Chúa xuất hiện như thế, trong một hài nhi, để chúng ta bồng bế Ngài. Trong sự yếu đuối mong manh ấy có tiềm ẩn quyền năng sáng tạo và biến đổi mọi sự của Ngài. Dường như đó là điều không thể xảy ra được, nhưng thực tế là như vậy: nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa là một hài nhi và trong thân phận ấy, Chúa muốn biểu lộ tình thương cao cả của Ngài, được diễn tả lộ qua một nụ cười, qua sự giơ đôi tay Ngài với bất kỳ ai.
Sự sinh ra của một hài nhi gợi lên vui mừng và kinh ngạc, vì đặt trước một mầu nhiệm cao cả của sự sống. Khi thấy đôi mắt rạng ngời của đôi vợ chồng trẻ trước người con vừa mới sinh của họ, chúng ta hiểu tâm tình của Mẹ Maria và thánh Giuse, khi nhìn Chúa Hài Đồng Giêsu hai vị cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.
“Sự sống được biểu lộ như thế” (1 Ga 1,2): thánh Gioan Tông Đồ đã tóm tắt Mầu nhiệm Nhập thể như vậy. Hang đá máng cỏ làm cho chúng ta nhìn thấy, động chạm đến biến cố duy nhất và ngoại thường đã thay đổi dòng lịch sử và từ đó người ta cũng ấn định cách tính năm, trước và sau Chúa Kitô giáng sinh.
Cách hành động của Thiên Chúa hầu như gây ngỡ ngàng, vì việc Ngài từ bỏ vinh quang để làm người như chúng ta, đó là điều dường như không thể được. Thật là ngạc nhiên khi thấy Thiên Chúa nhận lấy cả những thái độ như chúng ta: ngủ, bú sữa mẹ, khóc, chơi đùa như mọi trẻ em! Thiên Chúa vẫn luôn gây ngỡ ngàng, không lường trước được, tiếp tục ở ngoài những khuôn khổ của chúng ta. Vì thế, hang đá máng cỏ, – trong khi tỏ cho chúng ta Thiên Chúa như thế khi Ngài đi vào trần thế, – kích thích chúng ta hãy nghĩ đến cuộc sống của mình được tháp nhập vào trong cuộc sống của Thiên Chúa; hang đá mời gọi trở thành môn đệ của Chúa nếu chúng ta muốn đạt tới ý nghĩa tối hậu của cuộc đời.
9. Khi lễ Chúa Hiển Linh đến gần, người ta đặt trong hang đá 3 tượng nhỏ tượng trưng Ba Đạo Sĩ. Khi quan sát vì sao, các đạo sĩ khôn ngoan và giàu có ấy từ phương Đông đã lên đường tiến về Bethlehem để nhận biết Chúa Giêsu và dâng lên Ngài: vàng, nhũ hương và mộc dược. Cả những quà tặng này cũng có một ý nghĩa tượng trưng: vàng tôn kính vương quyền của Chúa Giêsu; nhũ hương kính thiên tính của Ngài và mộc dược tôn kính nhân tính thánh của Ngài sẽ chịu chết và an táng.
Khi nhìn cảnh tượng này trong hang đá máng cỏ, chúng ta được mời gọi suy tư về trách nhiệm của mỗi Kitô hữu như người loan báo Tin Mừng. Mỗi người chúng ta trở thành người mang Tin Mừng cho những người mà ta gặp, làm chứng về niềm vui đã được gặp Chúa Giêsu và tình thương của Chúa bằng những hành động cụ thể về lòng thương xót.
Các Đạo Sĩ dạy rằng người ta có thể khởi hành từ rất xa để đến gặp Chúa Kitô. Họ là những người giàu sang, là người ngoại quốc thông thái, khao khát sự vô tận, họ đã khởi hành, trải qua hành trình dài và nguy hiểm để tới tận Bethlehem (Xc. Mt 2,1-12). Khi tới trước vị Vua Hài Đồng, họ cảm thấy một niềm vui lớn lao tràn đầy. Họ không để mình bị vấp phạm vì khung cảnh nghèo nàn; không do dự quỳ gối thờ lạy Chúa Hài Đồng. Đứng trước Ngài, họ hiểu rằng Thiên Chúa, như đã khôn ngoan điều khiển hành trình của các vì sao, đã hướng dẫn dòng lịch sử, hạ bệ những kẻ cường quyền và nâng cao người khiêm hạ. Và chắc chắn, khi trở về xứ sở của mình, họ sẽ thuật lại cuộc gặp gỡ lạ lùng với Đấng Thiên Sai, khai mạc hành trình của Tin Mừng giữa các dân ngoại.
10. Đứng trước hang đá máng có, tự nhiên chúng ta ưa nghĩ đến thời chúng ta còn nhỏ và nóng lòng chờ đợi lúc bắt đầu làm hang đá. Những kỷ niệm này thường dẫn chúng ta luôn ý thức về hồng ân lớn lao được ban cho chúng ta khi thông truyền đức tin; đồng thời những kỷ niệm ấy làm cho chúng ta cảm thấy nghĩa vụ và niềm vui làm cho con cháu được cảm nghiệm cùng kinh nghiệm như vậy. Bố trí hang đá máng cỏ như thế nào, đó không phải là điều quan trọng, nó có thể luôn giống nhau hoặc thay đổi mỗi năm, điều quan trọng là hang đá máng cỏ ấy nói với cuộc sống chúng ta. Bất kỳ ở đâu và dưới hình thức nào, hang đá máng cỏ đều kể lại tình thương của Thiên Chúa, vị Thiên Chúa đã trở nên hài nhi để nói với chúng ta rằng Ngài gần gũi dường nào với mỗi người, dù họ ở trong hoàn cảnh nào đi nữa”.
“Anh chị em thân mến, hang đá là thành phần của tiến trình dịu dàng và nhiều đòi hỏi trong việc thông truyền đức tin. Từ thời thơ ấu và trong mọi lứa tuổi của cuộc sống, hang đá giúp chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, cảm thấy và tin rằng Thiên Chúa ở với chúng ta và chúng ta ở cùng Chúa, tất cả như con cái và anh chị em, nhờ Chúa Hài Đồng Giêsu, Con Thiên Chúa và con của Đức Trinh Nữ Maria. Và chúng ta thấy hạnh phúc hệ tại điều đó. Nơi trường của thánh Phanxicô, chúng ta mở tâm hồn đón nhận ân thánh đơn sơ ấy, hãy để cho, từ sự kinh ngạc, nảy sinh một kinh nguyện khiêm tốn: lời cám ơn của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, Đấng đã muốn chia sẻ mọi sự với chúng ta để không bao giờ để chúng ta cô độc”.
Greccio, nơi Đền Thánh Hang Đá máng cỏ, ngày 01 tháng 12 năm 2019, năm thứ bảy triều đại Giáo Hoàng,
PHANXICÔ
RVA 02/12/2019 Giuse Trần Đức Anh, O.P. chuyển ý
[1] Tommaso da Celano, Vita Prima, 84: Fonti francescane (FF), n. 468.
[2] Cf. ibid., 85: FF, n. 469.
[3] Ibid., 86: FF, n. 470.