ĐỂ CÓ MỘT “CHÚA NHẬT HỒNG” TRONG CUỘC SỐNG

Views: 75

(Chúa Nhật 3 Mùa Vọng năm A 2019)

Kính thưa Cộng đoàn,

            Chúng ta đang họp nhau cử hành phụng vụ Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng (chu kỳ năm A), cũng thường được gọi là “Chúa Nhật màu hồng” hay “Chúa Nhật của niềm vui”. Sở dĩ được gọi bằng danh xưng đặc biệt nầy, vì thay vì lễ phục tím, Chúa Nhật hôm nay chủ tế mặc áo hồng, và ca nhập lễ chính là lời hiệu triệu của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa”.

            Nhưng “lễ phục hồng” hay “lời hiệu triệu hãy vui lên của Thánh Phaolô” cũng chỉ là những “dấu chỉ”, những “gợi ý bên ngoài” để chuyển tải một sứ điệp quan trọng của mùa Vọng cũng là của chính đời sống đức tin Kitô giáo, mà nếu có thể được tóm gọn bằng một từ thôi, thì đó chính là: VUI.

            Thật vậy, Phụng vụ tuần 3 Mùa Vọng muốn khơi lên trong lòng mọi tín hữu, và qua tín hữu, trong tâm hồn mọi người, niềm vui ơn cứu độ của Đức Kitô và trong Đức Ki-Tô; đó là niềm vui khi nhận ra “sự hạ cố viếng thăm của Thiên Chúa qua chính Con Một, với một tình thương có sức mạnh tái tạo mọi sự trong một trật tự hoàn hảo, tốt lành và tràn đầy hy vọng.

            Phải chăng, đây cũng chính là điều mà ngôn sứ Isaia, qua ơn linh hứng của Thánh Linh, đã dự cảm hơn sáu thế kỷ trước Chúa Kitô, ngay trong bối cảnh một đất nước Ít-ra-en hoang tàn của kiếp đời nô lệ lưu đầy:

 “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò…”.

Trong cái viễn tượng huy hoàng của “Ngày Thiên Chúa viếng thăm và cứu độ”, vị sứ ngôn thi sĩ nầy đã đưa dân Ít-ra-en đi xa hơn nữa, tới một chân trời lý tưởng, bao la tuyệt vời:

“…Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng người câm sẽ reo hò…”

Và viễn cảnh đó đã hiện thực, đã được minh chứng cụ thể như lời của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Thánh Gioan Tiền Hô khi ông sai họ đến chất vấn: “Thầy có thật là Đấng phải đến hay không..”. Chúa Giêsu đã nói cùng họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những gì mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch…”

Và quả thật, tất cả những gì “mắt thấy tai nghe” trong những tháng ngày đó đều vang rộn tin vui, tin mừng.

            Thật vậy,

– Làm sao không vui mừng nhảy cững lên được, khi những con người mang thương tật điếc, câm, què, mù…chỉ một cái nhìn trìu mến, một cử chỉ quyền năng đã phục hồi nguyên vẹn không chỉ thể lý mà là toàn vẹn nhân cách con người.

– Làm sao không vui mừng lên được, khi cuộc đời mang thấn phận cùi hủi vốn đã thân tàn ma dại bị ném vào hoang mạc để chết dần chết mòn theo năm tháng trong nỗi tuyệt vọng thảm thương, lại đột nhiên được chữa lành để ngẩng cao đầu mà hội nhập vào cuộc sống bình thường !

– Làm sao không vui mừng được khi những “sa mạc cuộc đời”  hoang vu, rỗng tuếch vì vật chất bon chen, vì rẻ khinh loại trừ của những kẻ như Lêvi, Giakêu thu thuế lại được Thầy Giêsu ghé mắt viếng thăm và quyết chọn làm môn đệ.

– Làm sao không vui đến độ tràn trào nước mắt khi tấm thân nhơ nhớp của kiếp phận “gái làng chơi, bán trôn nuôi miệng” của cô Maria lại có ngày được chạm đến bàn chân của chính Vị Tôn Sư thánh thiện để vững tâm làm lại cuộc đời; hay trái tim tan nát, thất vọng của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đang bị bao vây bởi những con mắt rẽ khinh và những lời kết án cay nghiệt, lại được chính Thầy Giêsu phán những lời đầy khoan dung nhân ái: “Phần ta, ta không kết án chị đâu”.

– Làm sao người mẹ già thành Na-im không vui được khi đi bên quan tài đưa xác con lain gặp được một  Đấng quyền uy phục sinh con mình từ trong cõi chết.

– Làm sao không vui được như tên trộm kia khi trước ngưỡng cửa của cái chết được nghe vang lên lời hy vọng ngút ngàn: “hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên dàng với ta”….

            Còn nhiều lắm những niềm vui như thế, đến độ, những gì 4 vị thánh sử Matthêô, Mát-cô, Luca và Gioan thuật lại đều mang chung một “câu chuyện của niềm vui” mà thế giới hôm nay gọi là “TIN MƯNG”. Và rồi, từ “xuất phát điểm” của Tin Mừng, hay đúng hơn, từ Đấng là chính Tin Mừng đích thực và mang đến tin vui cho nhân loại, đã có một đoàn dân vĩ đại, “lữ hành” qua dọc dài năm tháng và xuyên qua muôn vạn nẻo đường của thế giới, vượt qua bao khổ ải đau thương, loại trừ, bách hại…sống và làm chứng cho một niềm vui trọn hảo, niềm vui ơn cứu độ, niềm vui được thuộc về Thiên Chúa và trở thành huynh đệ trong Đức Kitô. Vâng, một đoàn dân lạ lùng đến độ, Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã để lại một nhận xét tuyệt vời: “Trong tự điển của người Kitô hữu không có từ “buồn”.

            Vâng, với những ai đã một lần gặp được Đức Kitô đều có thể sở hữu được một niềm vui ngút ngàn hay sâu lắng, niềm vui không phải hời hợt, chóng qua như kết quả vô địch của một trận bóng đá, của một vài tờ vé số độc đắc hay của một thành công trên thương trường hoặc chính trường. Đó là niềm vui cao khiết, thánh thiêng mà rất nhiều khi lại phải trả bằng máu và nước mắt, như niềm vui của Á Thánh Anrê Phú Yên khi hiên ngang ra pháp trường Thành Chiêm để chịu chết, hoặc như bao vị anh hùng tử đạo trên hý trường Coloseum, cho dù đang đối diện với mãnh thú chực chờ xé xác vẫn mĩm cười trong phó thác tin yêu, đến độ làm sững sờ con tim và trí óc của bạo chúa Nêrô và cư dân La Mã: “Tại sao họ lại hát ?”…

            Mà đâu chỉ các thánh nhân mới có được niềm vui thánh thiện. Thật ra, ở giữa đời thường cuộc sống, cũng đang có bao nhiêu “chứng nhân của niềm vui” mà đôi khi chúng ta chưa kịp tỉnh táo để nhận ra hay chưa đủ khiêm nhường để học hỏi. Vâng đó là niềm vui của những người mà ai đó đã từng thấy và đã chỉ cho chúng ta qua những vần thơ:

Thấy chiếc áo vàng ai vừa qua phố nhỏ,

Chiếc bát trên tay và nụ cười trên môi.

Người ni cô thấy hạnh phúc tràn trào,

Khi mỗi bước chân là xa vòng sinh diệt.

 

Thấy ông thầy già cười thao thao bất tuyệt,

Giảng truyện Kiều mà hồn để nơi nao !

Một chút thanh liêm, một chút tự hào,

Nghèo danh vọng nhưng luôn giàu nhân cách…!

 

Tu viện âm vang khúc thánh ca trong vắt,

Người nữ tu về với Chúa chiều nay.

Cả một đời quên mình phục vụ hăng say,

Ra đi mà sao nhẹ như mây trời xanh ngát !

 

Vâng, ta đã thấy nụ cười trong nước mắt,

Thấy niềm vui giữa muôn vạn đắng cay.

Thấy bao mảnh đời vạ gió tai bay,

Nhưng thập giá đã phục sinh niềm hy vọng !

 

Như vậy, để có được một “Chúa Nhật hồng” trong cuộc đời hiện tại hôm nay với niềm vui thanh khiết, và nhất là, để có được một “Giáng Sinh vui vẻ (Merry Christmas) và an bình” trong những ngày sắp tới, hay xa hơn chút nữa, để có được một cuộc đời luôn tràn ngập tiếng cười của yên vui và hạnh phúc, thiết tưởng ngay từ hôm nay, nơi Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, chúng ta phải cùng nhau gặp gỡ Đức Kitô và hãy để cho Tin Mừng của Ngài đi vào mọi ngỏ ngách của cuộc sống, để cho sự hiện diện của Ngài phảng phất thường xuyên trong mối quan hệ ứng xử và hành động của chúng ta.

Thật vậy, một chút sẻ chia cho người đang đói, một bờ vai sát cánh để gánh bớt nỗi nhọc nhằn, một bàn tay nắm chặt để dìu ai đang kiệt sức, một ánh mắt thứ tha, một nụ cười thông cảm, một lời động viên chân tình…tất cả đều có thể mang lại những niềm vui sâu lắng và đầy ý nghĩa cho nhiều thân phận con người và cho chính chúng ta trong những ngày Mùa Vọng còn lại trên tuyến đường hướng về máng cỏ Bê Lem trong Đêm Thánh.

            Và phải chăng, đó chính là cách cụ thể nhất biến những lời hiệu triệu của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Philipphê, mà Phụng vụ hôm nay một lần nữa nhắc lại, trở thành hiện thực giữa đời thường: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Tôi nhắc lại lần nữa, anh em hãy vui luôn trong Chúa”. Amen.

 

Trương Đình Hiền