Views: 36
(CHÚA NHẬT 7 TN C 2022)
Cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cho dù đã đã đi qua gần hết cái “tháng Giêng Nhâm Dần” rồi, nhưng đâu đó vẫn còn thảng thốt với câu chuyện “Cha Thanh bị chém đầu” vào buổi chiều tối “tất niên Tân Sửu” vừa qua nơi một giáo điểm vùng sâu tận Tây Nguyên !
Sở dĩ nhắc lại câu chuyện thương tâm nầy vì trong câu chuyện đó có một chi tiết liên quan đến sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay: “Tha thứ cho kẻ thù”.
Thật vậy, người ta kể rằng, sau khi khống chế được tay sát nhân, nếu không có thầy Đaminh Phan Văn Giáo ra sức ngăn cản, cơn cuồng nộ trả thù của giáo dân hầu hết là dân tộc Sê-đăng chắc chắn đã biến tên sát thủ Nguyễn Văn Kiên chỉ còn là một “tấm giẻ rách không hồn” ! Tinh thần bao dung tha thứ đó không chỉ dừng lại nơi những anh chị em Sê-đăng vừa bị “mồ côi cha” mà còn lan tỏa đến toàn thể Hội Dòng Đa Minh, đến cộng đoàn dân Chúa giáo phận Kontum, Giáo Hội Việt Nam…, qua cung cách ứng xử thanh thản, bình an…; hướng về nét đẹp và sự thánh thiện của “cái chết mục tử nhân danh Đức Kito – in persona Christi” hơn là chỉa mũi dùi kết án kẻ gây tội ác… như thói thường của phần đông nhân loại !
Phải chăng đây là một thái độ tinh thần, một lựa chọn sống mà theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxico trong tông huấn Gaudete et Exsultate là “lội ngược dòng”; thái độ được cụ thể hóa bằng một loạt hành động như lời tuyên bố của chính Đức Kitô trong Tin Mừng Luca: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy… Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền…. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con;…”.
Chúng ta đừng quên, những lời giáo huấn trên của Đức Kitô được tác giả Luca, một thánh sử được mệnh danh là “văn sĩ của lòng thương xót”, ghi lại nơi “Bài Giảng trên cánh đồng” của ngài; và bài giảng nầy phần nào tương ứng với “Bài giảng trên núi” của Tin mừng Matthêô (Mt 5-7). Tuy nhiên, “điểm nhấn” của Luca, thay vì, như Matthêô: “Hãy hoàn thiện, vì Thiên Chúa là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48), đã hướng tới “Hãy nhân từ vì Thiên Chúa là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Vâng, sự “toàn thiện”, toàn thánh của Thiên Chúa cũng chính là “lòng nhân từ”; cho nên “Thiên Chúa là Đấng Thánh” (Lv 11,44) cũng có nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16). Phải chăng, vì cảm nhận và xác tín mạnh mẽ về chân lý nền tảng nầy, mà Hội Thánh đã cầu nguyện trong chính lời Kinh Tổng nguyện của Chúa Nhật 26 Thường Niên: “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…” !
Thật ra, không phải chỉ đến thời Tân ước qua Đức Kitô, chúng ta mới được Lời Chúa hướng dẫn, giáo dục về lòng thương xót, về sự thứ tha cho kẻ thù. Không, từ thời xa xưa trong Cựu ước, Lời Chúa đã nói với chúng ta về chân lý nầy: chúng ta vừa nghe Bài đọc 1, qua trích đoạn của sách Samuel quyển thứ nhất, tường thuật một hành vi “mã thượng” đầy “nhân ái khoan dung” của Đa-vít dành cho vua Sao-lê, một kẻ đang truy sát “đuổi cùng diệt tận” Đa-vít. Qua câu chuyện nầy, Lời Chúa muốn chuyển tải: điều làm cho Đa-vít trở nên một anh hùng, một vị Thánh vương, một con người vĩ đại… không phải là những trận chiến thắng lẫy lừng, những mạng sống quân thù bị ngài tiêu diệt… mà chính là tấm lòng đại lượng, khoan dung, nhân ái.
Chính vua Sao-lê đã cảm nhận tỏ tường cái vĩ đại, lớn lao, nhất là cái tiền đồ sán lạn của Đa-vít, ngang qua hành vi đại lượng, nhân ái nầy: “Đa-vít con cha ơi, con được chúc phúc ! Chắc chắn con sẽ làm việc lớn, và sẽ thành công” (1 Sm 26,25).
Và “hậu duệ của Đa-vít”, Đức Giêsu Kitô, còn đi xa hơn nữa so với tổ tiên của mình, trong cách ứng xử với tha nhân, với chính kẻ thù oán mình, với kẻ đã hành hạ tan nát, kết án tử hình và đóng đinh trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Và rồi, kể từ cái chết vì yêu thương và với tấm lòng bao dung tha thứ như một “bản tuyên ngôn” “Tình yêu thắng hận thù” đó, thế giới thật sự đã xuất hiện một nền “văn minh tình yêu, văn hóa tha thứ”, đối lập hẳn với nền “văn minh hay văn hóa oán thù” gần như đã chi phối trên toàn nhân loại từ đông sang tây: phía đông là văn hóa “phụ thù bất cộng đái thiên” mà ta thấy nhan nhản nơi tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung; phía tây là hận thù của sắc tộc, dòng họ… mà câu chuyện tình lãng mạn và cái kết bi thương của do thù hận mang tên Romeo-Juliette như một chứng từ rõ nét…
Thế nhưng, ở giữa một thế giới vẫn còn đầy sự hận thù, ghen ghét, vẫn còn bao chết chóc đau thương của chiến tranh, khủng bố, bạo lực gia đình, đấu tranh giai cấp, vẫn còn những cảnh con giết cha, vợ giết chồng, người đối xử với người cách tàn bạo, máu lạnh chỉ vì một câu chửi thề, một cái nhìn đểu… hay vì một quyền lợi, một tham vọng nhỏ nhen, thấp hèn… thì vẫn sáng lên những chứng nhân của tình yêu tha thứ như cô bé Maria Goretti, như linh mục Maximilien Kolbe…
Vâng, ai thuộc về Đức Kitô phải chấp nhận “lội ngược dòng”. Cho dù là một sự “lội ngược dòng” trong một thế giới tục hoá, thì sự chọn lựa sống yêu thương, nhân từ luôn là một “dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa”, dấu chỉ “mang ảnh hình của A-dam đến từ thượng giới” (Bđ 2, Thư Cô-rin-tô). Và chắc chắn một điều: không phải bom hạt nhân, không phải các sư đoàn thiện chiến, không phải xe tăng, tên lửa hay hàng tỷ đôla… là giải pháp để thế giới hòa bình, để người người hòa thuận thương yêu nhau, mà chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng” nầy mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn minh sự chết”, như cách định nghĩ của Michel Quoist: “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”.
Trương Đình Hiền