Views: 45
(Chúa nhật 24 TN – 17.9.2023)
Nói tới “thù hận” chắc trên thế giới nầy không có quốc gia dân tộc nào có một “lịch sử thù hận” dài và nhiều, sâu và rộng như dân tộc Trung Hoa. Đừng kể chi chặng đường dài “5.000 năm lịch sử”, chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ giữa thế kỷ 20, đất nước Trung Hoa dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cọng Sản, đã diễn ra hàng loạt những sự kiện gieo rắc hận thù khiến hàng trăm triệu người Trung quốc thiệt mạng cùng bao nhiêu hệ lụy thương đau khác, như liệt kê của nhà báo Thanh Vân trên báo Tri Thức:
Năm 1949 với “Cải cách Ruộng đất“, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kích động người dân thù hận địa chủ phú nông, rất nhiều người đã bị giết hại khi nằm trong danh sách này.
Năm 1951 với “Cải cách Công nghiệp và Thương nghiệp”, “Chiến dịch Tam phản, Ngũ phản”, ĐCSTQ đã quy rằng sự tham nhũng của các quan chức chính quyền là do sự cám dỗ của các nhà tư sản, từ đó kích động người dân thù hận các nhà tư bản. Nó thực chất là chiến dịch ăn cướp tài sản của các nhà tư sản hay đúng hơn là chiến dịch giết hại các nhà tư sản để lấy tiền của họ dẫn tới hàng trăm ngàn người phải tự tử.
Năm 1956 bắt đầu với phong trào “Trăm hoa Đua nở” và sau đó là “Cuộc vận động Chống Khuynh hữu“, ĐCSTQ lại đóng vai trò chính kích động người dân thù hận phe cánh tả, phe phản cách mạng và giới trí thức. Kết thúc cuộc vận động này, Mao Trạch Đông tuyên bố chiến thắng với khoảng 300.000 – 500.000 người bị dán nhãn khuynh hữu và bị xử lý.
Năm 1957 với “Chiến dịch diệt chim sẻ”, người dân Trung Quốc nghe lời của Đảng thù hận chim sẻ. Họ cho rằng chim sẻ đã ăn lương thực trên ruộng nên vận động toàn quốc diệt chim sẻ, là Trung Quốc ngay lập tức phải hứng chịu nạn châu chấu tiêu diệt mùa màng vì không còn chim sẻ, dẫn đến nạn đói mà kết thúc của nó là cuộc “Đại Nhảy vọt” khiến gần 40 triệu người dân chết đói…”[1]. Chỉ riêng với hai năm 1989 và 1999, tại quảng trường Thiên An Môn, hàng ngàn sinh viên và hàng vạn tín đồ Pháp Luân Công đã bị thiệt mạng cũng vì sự “hận thù ảo tưởng” về các “thế lực phản động”…
Thật ra, không phải chỉ Trung Quốc mới có hận thù mà tất cả nhân loại, kể từ sau biến cố “sa ngã trong vườn địa đàng”, con người đã trở thành “sói với nhau” như câu ngạn ngữ La tinh: homo homini lupus.
Thế nhưng ý định từ đầu mà Thiên Chúa muốn thì không như thế; Ngài muốn con người sống với nhau bằng tình yêu. Bởi vì, Ngài muốn con người mang hình ảnh của Ngài, họa chân dung Ngài, là Đấng đã tự mạc khải: rất mực khoan dung và đầy lòng nhân ái ! Vì thế, thật là hữu lý khi Hội Thánh đã cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…” (Lời Nguyện Nhập lễ CN 26 TN).
Vâng, thương xót, thứ tha chính là nội dung sứ điệp Lời Chúa mà Chúa Nhật 24 Thường niên muốn chuyển tải.
Thật vậy, qua các trích đoạn Kinh Thánh vừa được công bố, chúng ta có thể đọc ra một chiều kích giáo lý độc đáo của Lời Chúa muốn chúng ta sống và thực hành: Lòng khoan dung tha thứ.
Trước hết, ngay từ thuở xa xăm trong thời Cựu Ước cách đây mấy ngàn năm, cái thuở mà con người và xã hội gần như “thuận theo một nền luân lý” mang tính “ăn miếng trả miếng”, “bánh sắt trao đi, bánh chì trao lại”, việc “trả thù” được xem như một “quy luật hiển nhiên”, có khi là một “nhân đức anh hùng”…, thì Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan lại dạy rằng: “Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha…” (Bđ 1).
Chúng ta lại gặp được giáo huấn nền tảng nầy nơi tác giả Thánh Vịnh 102 với “định nghĩa về Thiên Chúa” rằng: “Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân” (Đáp ca).
Lòng bao dung tha thứ, “chậm bất bình và rất mực khoan nhân” của Thiên Chúa còn được tái diễn hoài hoài không phải chỉ ở giữa lòng lịch sử của dân Ít-ra-en, không phải chỉ trong một thời gian nhất định… mà cho muôn thế hệ loài người ở khắp muôn nơi và mọi miền thế giới. Và đó phải chăng là một trong những lý do để Thiên Chúa “ban tặng Người Con Một” (Ga 3,16) và cũng là tiêu đích để Người Con đó “cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14) và nhắc lại cho con người luôn nhớ rằng: “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. (TM).
Thật vậy, chính câu chuyện về cuộc chất vấn “phải tha thứ mấy lần” của Phêrô và câu trả lời “phải tha thứ bảy mươi lần bảy” của Chúa Giêsu trong trích đoạn Tin Mừng Matthêô hôm nay (Mt 18,21-35) đã cho chúng ta nhận ra “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” về sự mạc khải “khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa” từ Cựu ước tới Đức Kitô: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.
Vâng, Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa “không nỡ lòng nhìn thằng vào đôi mắt thẹn thùng, hổ thẹn, mặc cảm của người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” để rồi ân cần chia sẻ một tín thư hy vọng, yêu thương thay vì lời tuyên án: “Phần tôi, tôi cũng không kết án chị đâu…” (Ga 7,1-11); Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa sẵn sàng để cho người “đàn bà tội lỗi” nhỏ những giọt nước mắt hối cải ăn năn trên chân mình mà làm lại cuộc đời… chứ không phải là một quan án hằn học, đố kỵ (Lc 7,46-38); Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa vẫn đưa mắt nhân từ “nhìn lại” để mở đường cho tông đồ Phêrô biết sám hối ăn năn sau lần bội phản chối từ…(Lc 22,61-62), hay “nhìn xuống” cho người thu thuế GiaKêu hân hoan làm lại cuộc đời trong khó nghèo, sẻ chia và công chính…! (Lc 19,1-10)…
Quả thật, với Đức Giês-Kitô, con người từ đây có thể đối diện, gặp gỡ hay “chạm tới” được một Thiên Chúa là Đấng khoan dung tha thứ; có thể cảm nhận được một Thượng Đế gần gũi biết “cảm thương” và “giàu lòng lân tuất”; có thể tiếp cận, ngỏ lời, van xin một “Ông Trời”, một Thượng Đế, một Đấng Tối Cao luôn biết lắng nghe và quan tâm đến từng hơi thở và nhịp đập của trái tim con người…, chứ không phải một “Ông trời già độc địa” như cảm thán của một người cha mất đứa con trai 7 tuổi:
Ái ăn đâu, Ái ở đâu ?
Để thương để nhớ để u sầu !
Trời già độc địa làm chi bấy,
Nở bắt con tôi bảy tuổi đầu !
Vâng, Thiên Chúa mà Đức Kitô mạc khải cho chúng ta là một Thiên Chúa không bao giờ “biết mệt mỏi để tha thứ” như cách diễn tả và xác quyết của ĐGH Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài”. (EG 3).
Nhưng tha thứ không chỉ là câu chuyện “Chúa-Người” mà còn là “chuyện giữa chúng ta với nhau”. Bởi vì, như Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 hôm nay nhắc nhở: “không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.”; và dĩ nhiên, không ai là người Kitô hữu lại không nhận ra Chúa đang ở đâu trong thế giới nầy, trong nhân loại nầy…, nhất là qua “Dụ ngôn về Ngày phán xét”: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các người đã không làm cho chính ta vậy” (Mt 25,45).
Trong một xã hội mà sự “bất khoan dung”, vô cảm, hận thù… đang có mặt khắp nơi: từ trong gia đình ra đường phố, từ vợ chồng, bà con cật ruột, đến bạn bè hàng xóm láng giềng, từ lứa tuổi học sinh nơi học đường đến các bậc lão thành đồng chí, cán bộ…, đâu đâu người ta cũng thực hành một thứ quy luật rừng rú “mắt đền mắt, răng đền răng”, một nền văn hóa hận thù: “phụ thù bất cọng đái thiên”, hận thù giai cấp, hận thù sắc tộc …, thì người Kitô hữu phải là những kẻ “lội ngược dòng”: “Hãy yêu thương kẻ thù”, “hãy tha thứ không phải bảy lần mà là bay mươi lần bảy”, “bị tát má phải hãy đưa cả má trái”…
Quả thật, chỉ với một “quy luật luân lý trên nền tảng của Đấng “Rất mực khoan dung chậm bất bình và hay tha thứ”, chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng Tám Mối phúc thật”, chỉ với con tim tự do đầy tình yêu của Người sẵn sàng nói lời sau hết khi bị kẻ thù đóng đinh trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng…!”… mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn minh sự chết”, như cách cảm nhận của nhà tu đức Michel Quoist: “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”. Amen.
Trương Đình Hiền
[1] https://trithucvn.org/trung-quoc/lich-su-thu-han-cua-nguoi-dan-trung-quoc.html