ĐỂ SỨ ĐIỆP KERYGMA ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Views: 61

(Chúa Nhật 3 PS B 2021)

            Hơn lúc nào hết, Phụng vụ mùa Phục Sinh đưa chúng ta trở về với “Lời rao giảng nguyên thuỷ của các Tông Đồ, hay của Hội Thánh nói chung” (Kerygma – The First Announce); và nội dung cốt lõi của sứ điệp “Khởi giảng” nầy chính là Đức Kitô chết, sống lại, lên trời, ban Thánh Thần, lập Hội Thánh và sai đi rao giảng. Riêng các trích đoạn Tin Mừng và sách Công vụ Tông Đồ được công bố trong những ngày này, có thể nói được, chính là những bài “kerygma” được các Tông Đồ truyền giảng trong những ngày đầu của Hội Thánh và dành cho những anh chị em lần đầu tiên bước vào ngưỡng cửa đức tin Kitô.

            Trước hết, bài Tin Mừng Luca được công bố hôm nay là một chứng từ rõ nét về nội dung Kerygma qua các chiều kích chính sau đây:

– Đầu tiên, đó là lời chứng của các Tông Đồ về Đấng Phục Sinh: Ngài xuất hiện giữa các Tông Đồ, những kẻ đang sợ hãi, hoang mang và hoàn toàn mù tịt về huyền nhiệm chết – sống lại: Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma…

            Vâng, những anh dân chài quê mùa dốt nát ở Palestina thì biết quái gì về triết học, thần học, luận lý học… để chứng minh, để lập luận về việc một người đã chết sống lại ! Khi đối diện với Đấng Sống lại họ còn sợ khiếp vía, tưởng là ma kìa ! Cho nên, điều cốt yếu mà họ có, họ tin, họ cảm nhận, để rồi họ chuyển tải, đó là “làm chứng điều mắt thấy tai nghe, điều đã được Thánh Thần rọi sáng để giác ngộ”, như chính họ đã từng xác quyết: “chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5,32).

            Đấng Phục sinh mà họ gặp gỡ tay đôi, diện đối diện đó…, không là một bóng ma ảo tưởng, một thần linh vô hồn…, mà là một “con người bằng xương bằng thịt, mang đầy đủ các thương tích khổ nạn, ăn uống với bạn hữu anh em… Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.

            Chúng ta thấy đó, Đức Kitô của Keryma, của Tin Mừng, của lời rao giảng nguyên thuỷ là như thế đó; và các chứng nhân đầu tiên đã rao giảng, đã trình bày, đã làm chứng một Đức Kitô bình dị, giản đơn, gần gũi, thân thương như thế. ĐGH Phanxico trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng đã nhấn mạnh khía cạnh đó của Kerygma: Nó là sứ điệp có khả năng đáp lại khát vọng về sự vô biên luôn nằm trong trái tim mỗi người. Vị trí trung tâm của kerygma đòi phải nhấn mạnh những yếu tố cần nhất hôm nay: nó phải diễn tả tình thương cứu độ của Thiên Chúa, là cái đi trước mọi bổn phận luân lý hay tôn giáo của chúng ta; nó không được áp đặt sự thật nhưng kêu gọi tự do; nó phải được đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sức sống và một sự cân bằng hài hoà để không giản lược việc rao giảng vào một ít giáo thuyết đôi khi mang tính triết học hơn là tính phúc âm…” (EG 265); và trong tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus Vivit) ngài cũng kêu gọi trở về với Kerygma, nhất là trong mục vụ giới trẻ: sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng trong Mục vụ Giới trẻ “Lời rao giảng tiên khởi (kerygma) nên nhường chỗ cho một sự huấn luyện được cho là “vững chắc” hơn. Không có gì vững chắc hơn, sâu sắc hơn, đậm đà hơn và khôn ngoan hơn lời rao giảng tiên khởi ấy. Tất cả sự huấn luyện đức tin Kitô giáo trước hết là việc đi sâu vào lời rao giảng tiên khởi và làm cho nó ngày càng đi sâu hơn và tốt hơn trong cuộc sống của chúng ta” (CKTĐS 214).

            Người ta bảo “Không thể cho cái mình không có”. Ngày xưa, Thánh Phêrô, trong những ngày đầu tiên truyền giảng Kerygma, đã nói với anh què ở Giêrusalem rằng: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,6). Vâng, ngài đã cho anh ta chính Đức Kitô phục sinh. Còn chúng ta thì sao ? Việc huấn giáo, rao giảng, mục vụ… chúng ta áp dụng kerygma được bao nhiêu ?

            Chúng ta cũng đừng quên, từ kinh nghiệm gặp gỡ sâu xa và thân tình đó với Đấng Phục Sinh, các Tông Đồ đều được thôi thúc để bắt đầu lại, hoán cải, trở nên một con người mới hoàn toàn; nhất là khi họ được nhận lãnh quyền năng từ trên cao tức Chúa Thánh Thần, để từ đó “họ không còn sống cho chính mình, nhưng cho Đấng đã chết và sống lại” (2 Cr 5,15).

            Nhưng để hiểu và tin nhận Đức Kitô phục sinh, các Tông đồ không chỉ được may mắn hơn chúng ta hôm nay là có được sự gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với Đấng sống lại, mà còn được chính Chúa đích thân mở lòng soi sáng để họ hiểu Lời Chúa, Thánh Kinh: Đoạn Người phán: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

            Quả thật, đúng như thánh Giáo phụ Giêrônimô: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay, quả thật người ta quá “khác” với em bé Samuel trong thời Cựu ước: em ở trong đền thờ, tỉnh thức lắng nghe Lời Chúa để đáp trả thực thi và lớn lên mà không “để rơi mất một lời nào của Thiên Chúa”. Trong khi chúng ta, chỉ biết nghe các phương tiện truyền thông…

            Và điều cuối cùng mà Keryma hướng tới đó là ra đi làm chứng về Đấng Phục sinh, rao giảng sự hoán cải và đón nhận những người tin Chúa Kitô vào Hội Thánh qua bí tích Thánh Tẩy: Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

            Đó là điều mà hôm nay, qua trích đoạn sách Công vụ Tông Đồ, thánh Phêrô đã thực hiện trước cộng đoàn người Do Thái: rao giảng sứ điệp Kerygma và kêu gọi sự ăn năn sám hối, sau sự kiện ngài chữa lành một anh què ăn xin nơi cửa đền thờ Giêrusalem: Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. “Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ”.

            Không phải chỉ người khác ăn năn hoán cải mà chính chúng ta đều phải hoán cải; và có lẽ điều hoán cải thương xuyên nhất, mỗi ngày, đó chính là hoán cải trước việc thực hành Lời Chúa, giữ giới răn Người, như lời căn dặn thâm tình của Thánh Gioan (BĐ 2): “Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy”.

            Để sứ điệp Kerygma hôm nay vẫn còn đọng lại trong trái tim, nơi cuộc đời và trên mỗi bước chân của mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành dương thế, chúng ta cầu nguyện bằng chính lời đáp vịnh ca mà chúng ta vừa hát lên: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con! 

Giuse Trương Đình Hiền