ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI MANG ÁNH SÁNG

Views: 81

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN (NĂM A 2020)

Trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi (2019), bỗng dưng thế giới gợn lên những “đám mây buồn” làm cho bầu trời thế giới như sầm tối lại:

– Máy bay không người lái của Mỹ sát hại tướng quân cao cấp Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng như Abu Mahdi Muhandis, phó chỉ huy một nhóm dân quân người Shiite của Iraq gần sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1.

– Chưa đầy một tuần lễ sau (8/01), các tên lửa của Iran đã tới tấp nã vào các căn cứ của Mỹ tại Iraq như một “đòn thù” để rửa hận.

– Cũng trong thời gian đó, chuyến bay số hiệu PS752 của hãng Ukraine International Airlines đã rơi ngay sau khi cất cánh từ Tehran trên đường tới Kiev sớm 8/1, bị chính hoả tiển của quân đội Iran tấn công, cướp mạng sống của toàn bộ 176 hành khách và thành viên phi hành đoàn…

– Trong khi đó, tại “quê hương chuột túi”, hàng triệu hecta rừng, với hàng tỉ sinh vật đã bị thiêu cháy trong cuộc “đại hoả hoạn” kinh thiên động địa.

            Bầu trời thế giới là thế. Còn Việt Nam chúng ta thì sao?

            Lại một chuyện đáng buồn của những ngày cuối năm, những ngày mà đáng lẽ, đồng bào Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê, đang nô nức chuẩn bị đón xuân sang, thì một câu chuyện thương tâm lại được ghi thêm vào trang sử đen của chế độ: Đêm 9/01, thôn Hoành, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, cách thủ đô Hà Nội chẳng bao xa, đã bị lực lượng Công An tấn công lúc trời chưa kịp sáng. Nguyên do đến từ những mâu thuẩn tranh chấp đất đai giữa đồng bào địa phương và chính quyền. Cụ lão Kình, nhân vật được cho là “cây cao bóng cả” bị giết chết cùng với một số người khác mà cho đến nay nghi án về cái chết của cụ vẫn còn nằm trong “vũng tối” đầy âm u bí mật!…

            Thì ra, cái vũ trụ đáng lẽ ngập tràn ánh sáng của ngày sáng tạo kể từ khi Lời Thiên Chúa phát lệnh đầu tiên: Phải có ánh sáng.” (St 1,1-5), thì sau biến cố sa ngã của Tổ Tông Ađam-Eva, oái ăm thay, bóng tối lại “lên ngôi”.

– Bóng tối của huynh đệ tương tàn (Cain giết Aben)

– Bóng tối của hận thù chia rẽ (Tháp Ba ben)

– Bóng tối của thiên tai địch họa (Đại hồng thủy)

– Bóng tối của nô lệ lưu đầy (Nô lệ Ai cập, lưu đầy Babylon)

– Bóng tối của tội lỗi và sự trừng phạt (Sô đô ma)

– Bóng tối bịnh hoạn tật nguyền (Gióp)

– Bóng tối của sự chết, mất mát đau thương (Người mẹ trước cuộc tử đạo của 7 người con)…

            Thế nhưng, như câu ngạn ngữ của người Anh: “Every dark cloud has a silver lining” (Đám mây đen nào cũng có viền ánh bạc).

            Trong bối cảnh tăm tối lầm than đó, Thiên Chúa đã liên tiếp gióng lên hồi chuông hy vọng qua miệng các sứ ngôn mà nội dung cốt yếu chính là một Tin Vui ngập tràn ánh sáng: Sẽ tới ngày bóng tối lùi xa để nhường chỗ cho một thế giới mới ngập tràn ánh sáng: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9,1).

            Và đó chính là:

– Ánh sáng cứu độ” gắn liền với một Đấng Thiên sai đến từ trời: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi mang ơn cứu độ đến toàn thế giới”.(BĐ 1).

– Ánh sáng giải thoát: “Ta đã thấy nỗi khổ của dân ta bên Ai Cập và ta muốn giải thoát chúng”;

– Ánh sáng của hoà bình công lý ngự trị: “gươm đao thành cuốc thành cày, giáo mác nên liềm hái”.

– Ánh sáng của phục hồi và chữa lành: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt và cất đi mọi vành khăn tang chế”…

– Ánh sáng bao dung và lòng thương xót: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”…

            Và rồi, sau bao ngàn năm mong đợi, ánh sáng đã bừng lên giữa cánh đồng Bêlem, ánh sáng dẫn đưa các mục đồng, các nhà đạo sĩ Phương Đông đến chiêm bái Hài Nhi mang tên Giêsu và là Đấng Emmanuel mà ngôn sứ Isaia đã từng loan báo.

            Tuy nhiên, phải đợi đến 30 năm sau, khi chàng thợ mộc đến từ Nadarét lội xuống dòng sông Gio-đan cho ông Gioan làm phép rửa, và sau đó bước lên bờ, thì lời tiên báo thuở nào của Isaia “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi mang ơn cứu độ đến toàn thế giới”, mới trở thành hiện thực cách dứt khoát.

            Thật vậy, đó là ngày mà Gioan Tẩy Giả, chứng nhân trực tiếp của cuộc “Hiển Linh” đặc biệt bên bờ sông Gio-đan đã long trọng đoan quyết, như trích đoạn Tin Mừng thứ 4 vừa được công bố: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần’. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa”.

            Và khởi sự từ buổi sáng lung linh diệu kỳ với sự xuất hiện của cả “Ba Ngôi Thiên Chúa” bên bờ sông Gio-đan đó, ánh sáng cứu độ đã bắt đầu đẩy lùi bóng tối của sự chết, của tội lỗi, của đau buồn thất vọng, của thần dữ và nền văn hoá bị thần dữ khống chế…

– Đó là ánh sáng phục sinh đem con người trong âm u cõi chết bước vào cõi sống (La-gia-rô chết 4 ngày năm trong mộ tối, con trai bà góa Naim đang nằm trong quan tài trên đường ra nghĩa địa…)

-Đó là ánh sáng của tình yêu tha thứ để tội nhân từ bỏ con đường tối tăm tội lỗi để quay gót trở về và bước đi trong lộ trình của ánh sáng ân sủng (Gia-kê, Lê vi, Người đàn bà ngoại tình, tên trộm bên phải thánh giá, “Người cha nhân hậu đón đợi con về…”)

– Đó là ánh sáng chân thiện mỹ chữa lành sự cùi hủi, đui mù, què quặt, điếc lác của tâm hồn và thân xác, để con người ngẫng cao đầu làm lại cuộc đời trong hy vọng tin yêu…

– Đó là ánh sáng của niềm hy vọng và hạnh phúc vĩnh hằng chiếu dọi vào những nỗi đau ngút ngàn của thập giá bách hại, trù dập, hận thù, phản bội và muôn ngàn gánh nặng đau thương…(Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính…)

            Nhờ ánh sáng của Đấng Phục Sinh bước ra từ mồ trống, đêm tối của những “Ngày Thứ Sáu” loang máu” khắp nơi trên địa cầu, những ngày thứ sáu của chiến tranh tàn khốc, của huynh đệ tương tàn, của đau thương bách hại…, đã bừng lên ánh sáng của niềm vui cứu độ, ánh sáng của sự sống, của niềm hy vọng:

Mừng vui lên hỡi khắp miền dương thế,

Bốn bề đang rực rỡ ánh hào quang.

Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng,

Đẩy lùi xa bóng tối của trần gian… (Bài ca Exultet, Mừng vui lên trong lễ Vọng Phục Sinh).

            Thế nhưng, công cuộc đẩy lùi bóng tối và “mang ánh sáng cứu độ” đến cho thế giới không là chuyện của một sớm một chiều; và Thiên Chúa cũng không muốn “Con Một” độc quyền làm thay nhân loại. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra Chân lý nầy trong những lời tự sự của Thánh Tông đồ Phaolô nhắn gởi cộng đoàn Côrintô mà chúng ta vừa được nghe lại trong Bài đọc 2: “Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Đức Giêsu Kitô”.

            Và tiếp bước Phaolô, Sôtênê…, Hội Thánh trong cuộc lữ hành về vĩnh cửu, đã có hàng hàng lớp lớp những người con trai con gái mang ánh sáng Tin Mừng của Đấng phục sinh thắp sáng mọi miền thế giới: từ những hoang mạc khô cằn châu Phi, Ấn Độ, đến những vùng rừng rậm của thổ dân của Nam Mỹ, Úc Châu, hay tới những cánh đồng, những thảo nguyên bao la của Á Châu…cùng với bao thị thành thôn ấp, đâu đâu cũng rực sáng lên những ngọn đuốc của Tin Mừng, ánh sáng của khai hoá, văn minh, xây dựng và kiến tạo những con người và xã hội mang ảnh hình của Thiên Chúa, mang ánh sáng Chúa Kitô.

            Những “người mang ánh sáng” đó phải chăng là những bác học lừng danh luôn trung thành với căn cước và thực hành niềm tin Kitô như Blaise Pascal (1623-1662), Isaac Newton (1642-1727), Rene Descartes (1595-1650), Johanner Kepler (1571-1630), Galileo Galilei (1564-1642), Antoine Lavoisier (1743-1794), Alessadro Volta (1745-1827), Michael Faraday (1791-1867), Andre Marie Ampere (1775-1836), Louis Pasteur (1822-1895)…; đó cũng là những vị thánh Giáo hoàng như Gioan 23, Gioan-Phaolô 2, những nữ tu như mẹ thánh Têrêsa Calcutta, những linh mục, Giám mục như thánh Maximilien Kolbe, Thánh Óscar Romero…

            Nếu dân Việt chúng ta không có những nhà thừa sai như Buzomi, Cristoforo Borri, Pina, Alexandre De Rhodes… mang ánh sáng Tin Mừng cho vùng đất nầy, thì làm gì có được chữ quốc ngữ như hôm nay.

            Dĩ nhiên, một người, để trở thành “chứng nhân của ánh sáng”, ngoài sự tác động, chọn gọi của Thiên Chúa, phải thấm nhuần và thể hiện hai nhân tố cơ bản của Thánh Gioan Tẩy Giả, là chứng nhân ánh sáng đích thực, khi giới thiệu Đức Kitô cho dân Do Thái: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian.”. Hai nhân tố đó chính là: “đã nghe” và “đã thấy”.

– Nghe Thiên Chúa phán, nghe Lời Chúa: “Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép Rửa trong Chúa Thánh Thần”.

– Thấy Thiên Chúa, gặp gỡ đích thân với Thiên Chúa: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài”.

            Thật vậy, muốn đạt hiệu quả, lời chứng của người Kitô hữu luôn phải là lời chứng phát sinh từ kinh nghiệm đức tin sống động về Đức Giêsu, một đức tin để “Đức Kitô xuyên thấu cuộc đời mình”, một đức tin luôn “thấp thoáng bóng hình Đức Kitô” qua cách ăn nết ở…

            Chút nữa đây, trước khi cho rước lễ, linh mục nâng cao Mình Thánh Chúa và mời gọi cộng đoàn bằng chính những lời của Gioan Tẩy Giả ngày xưa: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”. Khi chúng ta rước lễ, phải chăng đó chính là ăn Thịt Chiên Thiên Chúa, một tác động cụ thể diễn tả niềm tin đón nhận Đức Giêsu, nguồn sống và sự sáng, đồng thời đón lấy ơn cứu độ Ngài ban. Và như thế, chúng ta lại tiếp bước lên đường theo dấu chân của những người mang thân phận “ngôn sứ”, những người mang ánh sáng Đức Kitô, mang Tin Mừng cứu độ cho thế giới…; thân phận của những Gioan Tiền Hô, Phaolô, Phêrô, Sôtênê…sẵn sàng khép mình “nhỏ lại để Chúa Giêsu được lớn lên”, như hạt lúa mì mục nát trong tối tăm lòng đất để bừng lên cánh đồng rực sáng tin yêu; hay, như cái nhìn đầy lạc quan hy vọng của người Anh: làm viền sáng bạc (silver lining) bao quanh những đám mây đen (Every dark cloud has a silver lining). Amen.

 

Trương Đình Hiền