ĐÔI TAY CẦU NGUYỆN VÀ ĐÔI TAY CHIẾN ĐẤU

Views: 79

Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, biết bao nhiêu người trên thế giới đã mê mẩn tiếng huýt sáo của khúc nhạc “Cầu sông Kwai”. Vâng, đó là câu chuyện năm 1957, câu chuyện về “Chiếc cầu trên sông Kwai” (The Bridge on the River Kwai), một bộ phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh thế giới với 3 giải Cầu Vàng và 7 giải Oscars cùng với giải âm nhạc lừng danh Grammy Award cho nhạc phim; bộ phim được hợp tác thực hiện giữa điện ảnh Mỹ và Anh và được biên kịch từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của một tác giả người Pháp Pierre Boulle (1912-1994) xuất bản từ năm 1952: Le pont de la Rivière Kwai.

            Nhưng chiếc cầu sông Kwai đó ở đâu và có gì lạ ? Thưa đó là cây cầu xe lửa có thật bắt qua sông Kwai thuộc Thái Lan trên tuyến đường sắt nối qua Miến Điện để yểm trợ cho quân đội Nhật Bản thời Đệ nhị thế chiến. Chiếc cầu cùng với mạng lưới hàng trăm cây số giao thông đường bộ và đường sắt liên hệ được chính quân phiệt Nhật chỉ huy xây dựng với hàng trăm nghìn công nhân mà phần lớn là tù binh Anh, Hòa Lan và Mỹ.

Chỉ với con số 13.000 tù nhân và công nhân chết trong thời gian 3 năm xây cầu được chôn dọc theo các tuyến đường trên con sông nầy đủ để cảm nhận sự khắc nghiệt, lầm than, đớn đau… không xiết kể.

            Nhà văn Ernest Gordon, một cựu tù binh của Nhật trong thế chiến thứ II, đã từng lao động khổ sai trong một trại tù khét tiếng dã man của Nhật bên bờ sông Kwai, đã kể lại trong tác phẩm “Ngang qua thung lũng sông Kwai” một mẫu chuyện nhỏ: “…đám tù binh khổ sai tại sông Kwai dân dần biến chất thảm thương trong cái hỏa ngục của đói khát, nắng cháy như thiêu, lạnh như cắt cùng với những đối xử bạo tàn của đám quân canh Nhật Bổn… Những sĩ quan gương mẫu nhất, những chiến binh gan lỳ dũng cảm nhất… dần dần trở thành một đám hèn nhát, ty tiện, dối trả, phản bội, nhỏ nhen, những tên chỉ điểm và trộm cắp… Cả trại tù chỉ còn là một hỏa ngục của im lặng, tội ác, chết chóc và thù hận. Thế rồi, trong số đó có hai bạn tù nghĩ ra một sáng kiến: lập một nhóm học hỏi và cầu nguyện với Lời Chúa. Lạ thay, dần dần có một biến đổi lạ lùng trong cái không gian quỷ quái nầy. Tâm hồn của nhiều tù binh dần dần biến đổi. Hình ảnh Chúa Giêsu tử nạn và Lời Ngài trở nên gần gũi với những xót xa từng ngày của họ. Họ không còn thất vọng về bản thân và cuộc sống, không còn hận thù và ty tiện, không còn dối trá và nhỏ nhen… Họ đã biết cầu nguyện và giúp đỡ, nhường nhịn và yêu thương…; và đêm đêm, thay cho cái không gian tối tăm im lặng nặng nề của cái chết và tội ác, là đó đây vang lên tiếng hát ca của tươi vui và hy vọng…”[1].

Vâng, tình yêu, hy vọng và sự thiện đã chiến thắng sự ác và thất vọng bằng một vũ khí đơn sơ của hai tù nhân: cầu nguyện với Lời Chúa, hướng về Chúa trong niềm tin cậy mến… Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 29 TN C hôm nay lại đang khơi gợi cõi lòng chúng ta trở về với việc thực hành một công việc, một “cử hành chứng nhân” rất cơ bản và cũng rất đời thường của nhịp sống kitô hữu: việc cầu nguyện với Lời Chúa, việc nhớ đến Chúa, hướng về Chúa. Chúng ta dễ dàng tìm thấy nội dung ý nghĩa nầy qua những bài đọc Lời Chúa vừa được công bố:

Trước hết, Bài đọc 1, qua trích đoạn sách Xuất Hành kể lại chuyện nhà Lãnh đạo Môsê, liên tục giang tay cầu nguyện để đoàn quân của thủ lãnh Giosuê chiến đấu và chiến thắng: Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông Môsê mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân nó.

Hình ảnh trên đẹp biết bao khi nối kết mối quan hệ mật thiết “giữa hai đôi tay”: đôi tay cầu nguyện của Môsê và đôi tay chiến đấu của Giosuê. Phải chăng đó cũng chính là mối quan hệ hổ tương trong sinh hoạt đức tin của Dân Chúa muôn nơi muôn thuở: cầu nguyện và chiến đấu, cầu nguyện và truyền giáo, cầu nguyện và thực hành bác ái xã hội… Khi nào đôi tay cầu nguyện của chúng ta còn vươn lên, khi ấy chúng ta sẽ mĩm cười mà chiến đấu cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” (Kinh Lạy Cha), cho nhà cha đầy ắp tiếng cười của những đứa con hoang, cho thế gian sách bóng cỏ lùng, cho những hạt lúa chín, lúa tốt được thu về kho lẫm, cho mọi người từ Đông sang Tây từ Nam chí Bắc được chung chia chén rượu mừng trong bàn Tiệc của Thiên Chúa… Vì thế, có thể nói được rằng: khi nào đôi tay cầu nguyện của chúng ta buông xuống, chúng ta sẽ có nguy cơ đối diện với những buồn tênh và thất vọng, chán nản với lầm than, thua cuộc và biến chất…; và cuộc sống nầy, thế giới nầy sẽ trở thành “một trại tù buôn tênh tăm tối”, như đêm tối của “trại tù bên sông Kwai năm nào”…

Thế nhưng, làm sao để biết và xác tín “cầu nguyện là cần thiết” ? Trích đoạn Tin Mừng Luca qua dụ ngôn “Vị quan tòa bất chính và bà góa van xin” cùng với câu kết luận dụ ngôn của chính Chúa Giêsu sẽ là một câu trả lời thích đáng: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao ? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi ?”.

Chính lời xác định trên của Chúa Giêsu sẽ là điểm tựa, là ánh sáng giúp chúng ta ý thức hơn về việc cầu nguyện trong sinh hoạt đức tin của chúng ta. Thật vậy, nếu chúng ta quan niệm rằng cầu nguyện chỉ là một cách trốn chạy của người yếu đuối, hay là tình cảm sướt mướt của những người ủy mị, thì chúng ta sẽ dễ dàng “buông tay” và không chóng thì chày, cũng sẽ nghi ngờ tình thương, lòng quảng đại và quyền năng của Thiên Chúa. “Tôi xin mãi mà chẳng thấy gì hết…giữ đạo làm chi, đi lễ làm gì mà chẳng bao giờ trúng được một tờ vé số !”…

Cầu nguyện, nói theo ngôn ngữ của Kilian Mc Gowan: “là nghệ thuật dành cho những kẻ trưởng thành tâm linh”, một nghệ thuật khác với mọi nghệ thuật, vì “việc cầu nguyện đích thực, chân thành luôn đưa tới sự biến đổi con người”. Nói cách khác, cầu nguyện đích thực đó chính là cuộc gặp gỡ thật sự với Thiên Chúa, với Đức Kitô, một cuộc gặp gỡ trong đối thoại, yêu thương, trao ban và nhận lãnh, theo như kiểu định nghĩa thâm thúy của Thánh Nữ Têrêsa hài Đồng: “Đối với em, cầu nguyện là cái chớp cánh tình yêu, là ánh mắt đơn sơ hướng lên trời cao, là tiếng kêu của lòng biết ơn và của con tim giữa cơn thử thách cũng như giữa niềm hân hoan ! Sau cùng, cầu nguyện là cái gì lớn lao, siêu vời, làm triển nở tâm hồn và kết hợp em với Chúa Giê-su”. Và phải chăng, chính nhờ “ánh mắt hướng lên trời cao” đó, vũ khí “cầu nguyện” căn bản đó, mà Thánh Nữ đã mang lại biết bao hoa trái cho công cuộc truyền giáo; đến độ, Giáo Hội đã tuyên phong Ngài là “Vị Quan Thầy các xứ truyền giáo” !

Cũng vậy, nếu đánh giá hiệu quả Tông đồ và truyền giáo qua công việc bác ái xã hội trong thời đại hôm nay thì chắc chắn phải dành vịnh dự đầu tiên cho Mẹ thánh Têrêsa Calcutta. Tuy nhiên, như Mẹ “bật mí”: “Chúng ta hãy cầu nguyện như chúng ta cần hít thở. Hãy yêu mến cầu nguyện, hãy cảm thấy nhu cầu cầu nguyện trong ngày, và hãy cố gắng mà cầu nguyện. Tôi coi công việc của tôi như một lời cầu nguyện”.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay, nhất là cuộc dấn thân trong công cuộc loan báo Tin mừng, luôn cần “đôi tay cầu nguyện của Mô-sê không ngừng đưa lên”, luôn cần sự “kiên nhẫn nài xin tha thiết của bà góa trước của quan tòa”; nhất là việc cầu nguyện đó luôn gắn liền, kín múc, được gợi hứng từ chính nguồn mạch Lời Chúa là Kinh Thánh như Thánh Tông Đồ Phaolô đã nhắn nhủ môn sinh Timôthê trong Bài đọc 2 hôm nay: Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.”.

            Sau hết, nếu Đức Mẹ Maria là Người có kinh nghiệm dạt dào và sâu sắc nhất, đã thực hành thường xuyên và trọn hảo nhất trong việc cầu nguyện với Chúa Giêsu, Con Mẹ; chính Mẹ đã dạy Chúa Con bập bẹ những tiếng “Ábba” đầu tiên, đã thỏ thẻ với Ngài trong những tháng năm dài ở Nadarét…, thì Giáo Hội, mỗi người chúng ta, trong bất cứ hoàn cảnh hay sứ vụ nào đều phải noi theo “Người Trinh Nữ Nguyện Cầu” (Virgo Orans) nầy. Vâng, “Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con cầu nguyện… như Mẹ đã cầu nguyện với  Thiên Chúa Cha và với chính Người Con Yêu của Mẹ.”. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền


[1] LM. MARK LINK SJ, Sự biến đổi kỳ diệu, website https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=59645