ĐỜI TU NHƯ “CÂY BÊN SUỐI NƯỚC”

Views: 54

BÀI GIẢNG LỄ KHẤN DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN

(22.8.2019)

Ngày 5.8 vừa qua, Tại Trung Tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, 26 Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, các Hội Dòng Mến Thánh Giá Los Angeles Hoa Kỳ, Campuchia, Lào và Thái Lan đã long trọng cử hành đại lễ Khai Mạc Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập  Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam (Bao gồm cả Đàng ngoài 1670 và Đàng Trong 1671). Cuộc lữ hành 350 của Dòng Mến Thánh Giá nói được là gần như “song hành” với lịch sử 360 năm của Hội Thánh Việt Nam, nếu lấy cột mốc 9.9.1659, ngày mà cách đây 360 năm, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII quyết định thành lập hai giáo phận Tông toà đầu tiên Đàng Trong và Đàng Ngoài.

            Người vui mừng nhất hôm nay, có thể nói được, chính là vị Tổ phụ sáng lập Hội Dòng mang tên “MẾN THÁNH GIÁ”, Đức Cha Lambert de La Motte, vị Giám mục tiên khởi của Đàng Trong và Giám quản Đàng Ngoài. Sao mà ngài không vui được, vì cách đây 350 năm, chỉ có một Hội Dòng Mến Thánh Giá Đàng ngoài (1670) và sau đó một năm (1671) Dòng Mến Thánh Đàng Trong; mà đến hôm nay, con cái của ngài, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đã có tới trên 8 ngàn nữ tu với 30 Hội Dòng trong nước cũng như hải ngoại, cùng với con số đông đảo hàng vạn thành viên của các Hiệp Hội Mến Thánh Giá tại thế.

            Riêng hôm nay, giờ nầy, tại ngôi thánh đường mẹ của giáo phận, giữa mọi thành phần dân Chúa, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn có 30 trinh nữ vừa Khấn trọn và tuyên khấn lần đầu cùng với 16 các chị em khác hân hoan tạ ơn hồng ân thánh hiến trong dịp mừng kỷ niệm những chặng đường ghi dấu ấn của cuộc hành trình dâng hiến, chẳng phải là một dấu chỉ của đơm hoa kết trái đó sao ! Với những thành quả và hiện thực sau 350 như thế, nếu ngôn sứ Isaia mà sống lại giờ nầy, thì chắc ngài sẽ nói rằng : “những gì ta viết cách đây 2700 năm mà các ngươi vừa nghe, là ta viết cho Dòng Mến Thánh Giá” đó ! Quả thật chúng ta vừa nghe trích đoạn Isaia trong BĐ 1 :

“Dòng dõi các ngươi sẽ nức tiếng giữa chư dân, và giống nòi các ngươi sẽ lừng danh giữa muôn nước. Tất cả những ai thấy các ngươi sẽ biết rằng các ngươi là một dòng dõi được ĐỨC CHÚA ban phúc lành.”.

            Vâng, các chị hôm nay chính là “dòng dõi của Đức Cha Lambert de la Motte, dòng dõi của những người nữ tu Mến Thánh giá đầu tiên như Anê, Paula, của hàng trăm nữ tu tử đạo, trong số đó có hai nữ tu Tôi Tớ Chúa thuộc giáo phận Đông Đàng Trong (tức Qui Nhơn chúng ta hôm nay) là Anê Soạn, Anna Trị.

            Thế nhưng, để có được một “dòng dõi được Đức Chúa ban phúc lành”, một Hội Dòng Mến Thánh Giá với trăm hoa đua nở như thế, hay nói cách bóng bẩy hình tượng một chút, để có được những nữ tu đội lúp đẹp, với vòng hoa rạng rỡ, nến sáng trên tay trong ngày lễ đại trào trang trọng như thế nầy, Dòng Mến Thánh Giá đã trả giá bằng bao nhiêu máu xương và nước mắt.

            Thật vậy, tại giáo phận Đông Đàng Trong, tức tiền thân của giáo phận Qui Nhơn ngày nay, chỉ trong cuộc bách hại của phong trào Văn Thân năm “đại kinh hoàng” 1885”, Dòng mến Giá có 270 nữ tu bị sát hại, 10 tu viện bị triệt hạ, 17 cô nhi viện bị phá huỷ.[1]

            Một trong số nhiều câu chuyện thương đau bách hại của các chị được cha Eugène Durand có kể lại (đăng trong tạp chí Revue d’Histoire des Missions, tập 7, Paris, 1930 với chủ đề “Les Amantes de la Croix”), có câu chuyện của 40 nữ tu thuộc nhà dòng Phú Hoà  :

“Phần lớn các nữ tu ở khoảng 40 tuổi đã bị tàn sát ngay dưới mắt cha Guégan Hoàng sau khi đã bị chúng lột sạch áo quần. Đó là do cái lòng lang dạ thú, hay đúng hơn, cái trò ma quỷ của bọn đi cắt cổ người”.[2]

            Các chị thấy đó, 40 chị nữ tu thân yêu của chúng ta đã “tuyên khấn trọn vẹn lần cuối cùng vì tình yêu”, cho dù không có một tấm vải che thân, trong một nỗi đắng cay khổ nhục kinh khiếp, nhưng chắc chắn các nữ tu anh hùng đó hoàn toàn xứng hợp như những lời của Isaia mà chúng ta nghe hôm nay : Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.”

            Trong một xã hội, một thời đại mà thước đo giá trị con người được “đám đông mặc nhiên chấp nhận” thường được tính bằng những “điểm trang lộng lẫy bên ngoài” : nhà mấy tấm, xe mấy tỷ, con học trường quốc tế nào, thu nhập và tài khoản ngân hàng được bao nhiêu con số, học vị được mấy tấm bằng… và hạnh phúc chung quy chỉ là “giàu sang hưởng thụ”…, thì quả thật, những kẻ chọn “Chúa Giêsu chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí”, nếu không “hâm hẩm” thì cũng là những kẻ “lạc dòng, lạc điệu”.

            Thế nhưng, những kẻ trước mắt thế gian là hâm hẩm, lạc dòng lạc điệu đó lại là “những người được Chúa kêu gọi”, như chứng từ của Thánh Phaolô trong thư gởi cộng đoàn Côrintô được công bố trong bài đọc 2 hôm nay :

“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.”.

            Vâng, phải có ơn Chúa, phải được Chúa kêu gọi và thu hút cách đặc biệt, người ta mới có đủ dũng khí mà “bỏ tất cả để theo Chúa, chọn Chúa”. Ngày lễ Thứ Hai vừa rồi, Tin Mừng đã kể lại câu chuyện người thanh niên giàu có “sụ mặt bỏ đi” vì anh ta có nhiều của cải”.

            Với các trinh nữ khấn trọn và tiên khấn hôm nay, hay các chị đã sống một chuổi dài hành trình ơn gọi thánh hiến, chắc chắn đã cảm nghiệm thế nào là tiếng gọi yêu thương của Thầy Chí Thánh, một hồng ân, một ơn gọi sâu thẳm, ngọt nào và cũng lắm chông gai, mà một nữ tu Mến Thánh Giá Vinh mang bút hiệu La Thứ đã diễn cảm bằng ngôn ngữ của “Diễm Tình Ca”, trong bài viết “THƯ GỞI CHÚA” :

“Em lo lắng! Em thao thức cho mình là một người hiền thê luôn trung tín, trưởng thành, thánh thiện để xây dựng gia đình là Giáo Hội luôn triển nở và đong đầy tình Anh. Anh ơi! Cám ơn Anh đã chọn và gọi em bằng tin tưởng, yêu thương. Hãy thêm sức, sự can đảm và tình yêu trong em để em luôn vững bước Anh nha.”[3]

            Khi nhìn vào lối sống, cách nhận thức và chuẩn bị tương lai của phần đông giới trẻ hôm nay, không ít người đâm bi quan lo lắng: “Không biết vài năm nữa có còn “đứa nào đi tu” không?”. Tôi nhớ cách đây một năm, tại nhà thờ giáo xứ Qui Hiệp, khi Thánh lễ ban phép Thêm Sức vừa xong, có mấy em thiếu nhi quây quần bên Đức Cha Matthêô, trong đó có một bé gái dễ thương là độc viên sách thánh trong Thánh lễ. Đức Cha hỏi : “Lớn lên có muốn đi tu không?”. Con bé trả lời dứt dạc : “Dạ không, con lấy chồng” !

            Làm sao để “Thập Giá Đức Kitô” được đón nhận và yêu mến đây? Làm sao để “con đường hẹp” được nhiều bạn trẻ chọn lựa và bước đi trên đó ? Theo kinh nghiệm ngàn đời của Hội Thánh, học được từ nơi Chúa của mình, con đường thuyết phục nhất, lời “quyến rủ hiệu quả nhất”, đó chính là “chứng từ cuộc sống”, là “bài thuyết minh sinh động” về Tám Mối phúc thật, về việc “quỳ xuống rửa chân”, về “vâng ý Cha chấp nhận chén đắng”; về những hành động cụ thể, có khi chỉ là những “chi tiết nhỏ” nhưng “đong đầy tình yêu” để đáp trả mỗi ngày chính lời của Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay :

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy…”.

            Mà đó đâu là chuyện huyễn tưởng. Lịch sử 350 cuộc lữ hành của Dòng Mến Thánh Giá đầy những chứng từ đã được viết, như chứng từ của các chị tử đạo tại Hoa Vông, một trung tâm mục vụ Nam Phú Yên, theo lời kể cũng của thừa sai Eugène Durant :

“Hồi còn là một thừa sai trẻ, năm 1888, tôi đã đến viếng đống tro tàn đổ nát của nhà dòng xinh xắn và cô nhi viện tuyệt đẹp tại Hoa Vông, hai cây cau con nghiêng mình bên bờ giếng. Người ta bảo tôi : “Chính trên hai cây cau ấy mà chị bề trên cùng chị phụ tá đã bị treo cổ; và trong lòng giếng sâu nầy, các chị nữ tu khác đã bị xô đẩy xuống”.[4]

            Vâng, đó chính là nét đẹp, là sự thuyết phục tuyệt vời, mà đôi khi các thế hệ tu sĩ ngày hôm nay đôi lúc lãng quên để bị cuốn hút bởi những “điểm trang lộng lẫy” của thế gian, những “con đường rộng” vốn chỉ dành cho những kẻ không thuộc về Chúa Kitô, hoặc “đối nghịch với thập giá của Ngài” (Pl 3,18-19).

            Hiệp thông trong tâm tình tạ ơn hồng ân thánh hiến với các chị, với Hội Dòng Mến Thánh Giá, chúng ta không quên cầu cho các chị luôn tươi vui và hạnh phúc trong đời tu khi gắn chặt đời mình với Chúa. Bởi vì chỉ có như thế thì, như lời ngôn sứ Giêrêmia, đời sẽ như :

“lá trên cành mãi tươi xanh,

cây bên mạch nước nóng hanh sợ gì” (Gr 17,8).

 

Trương Đình Hiền

[1] GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, NXB. An Tôn & Đuốc sáng, Đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017, tr. 244-245.

[2] Lm. Đào Quang Toản, TÌM HIỂU LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ, Chương 8: Các nữ tu tử đạo, tr. 250.

[3] SĐD. Nguồn : Trang mạng Mến Thánh Giá Vinh : http://mtgvinh.net/thu-gui-chua/2018/07/

[4] Lm. Đào Quang Toản, TÌM HIỂU LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ, Chương 8: Các nữ tu tử đạo, tr. 249.