Views: 4
(Chúa Nhật Lễ Lá 2025)
Trong Năm Phụng vụ, có những ngày Chúa Nhật mang tên đặc biệt:
– “Chúa Nhật Hồng” – Dominica Rosea (CN 3 Mùa Vọng và CN IV Mùa Chay).
– “Chúa Nhật Trắng” – Dominica Alba (CN II Phục Sinh).
– “Chúa Nhật Chúa Chiên lành” – Dominicus Pastor Bonus (CN IV Phục Sinh)…
Riêng hôm nay, Chúa Nhật khai mạc Tuần Thánh, một tuần lễ quan trọng nhất trong Năm Phụng vụ, được mang tên của một loài cây: cây cọ, cây vạn tuế hay thiên tuế (Palma): Dominica in Palmis – Chúa Nhật Lễ Lá (Cây Cọ), mà tên đầy đủ nhất đó là: Dominica in Palmis de Passione Domini (Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa). Đây không chỉ là “tên gọi biểu trưng”, vì cử hành phụng vụ đầu tiên của Chúa Nhật này là nghi thức “Rước Lá” hay “Kiệu Lá” long trọng với những cành lá cọ, vạn tuế hoặc lá dừa được làm phép hẳn hoi và phân phát để mỗi người cầm trên tay!
Thế nhưng, tại sao khái niệm “cây cọ” (Palma), một loại lá tượng trưng cho sự khải hoàn, chiến thắng, lại được liên kết với mầu nhiệm “Khổ Nạn” (Passio) của Đức Kitô trong chính ngày Chúa Nhật hôm nay, ngày tưởng niệm Đức Kitô tiến vào thành đô Giêrusalem để trải qua những việc cuối cùng của cuộc đời trần thế? Nói cách khác, Phụng vụ đã dựa trên truyền thống Thánh kinh và Thần học nào để thiết kế nội dung ý nghĩa của “Chúa Nhật Lễ Lá”, một ngày đặc biệt mà mọi hệ phái Kitô đều kính nhớ, cử hành, cho dù là Công Giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo hay Tin lành!
Trước hết, trong 4 sách Tin mừng, chỉ duy có Tin mừng thứ tư (của Thánh sử Gioan) là chỉ rõ loại cành lá mà dân Giêrusalem đón Chúa khi ngài tiên vào thành đô: “Họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò…” (Ga 12,13). Phải chăng, khi dùng biểu tượng chiến thắng hay vinh quang của “cành lá cọ hay thiên tuế”, Thánh sử Gioan muốn khẳng định chân lý nền tảng này: cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu chính là cuộc chiến thắng vinh quang, chính là cái “Giờ” Ngài được tôn vinh hay là “Giờ” để Ngài tôn vinh Chúa Cha cách trọn vẹn nhất: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh… Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Ngài phải chết cách nào. (Ga 12, 23.31-33); “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1).
Như vậy, hơn 2000 năm trước, đã có một ngày hay cái “Giờ” mà ở đó, giữa rừng cành lá cọ vươn lên cùng với những lời tung hô chiến thắng “vạn tuế, vạn tuế…”, Đức Kitô tiến vào thành Giêrusalem để hoàn tất hành trình Vượt Qua mà đích điểm chính là cuộc tử nạn thảm khốc và phục sinh vinh quang. Chúng ta dễ dàng nhận ra dụng ý của Phụng vụ khi cô đọng “ý nghĩa kép” nầy qua lời kinh Tổng nguyện lúc đầu lễ: “…Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc Thương Khó, và được thông phần vinh quang Phục sinh với Người.”.
Như vậy quá rõ để chúng ta nhận ra rằng: Phụng vụ Tuần Thánh đã khai mở hay giới thiệu trọn vẹn hai chiều kích cơ bản của mầu nhiệm Vượt Qua mà Đức Kitô phải hoàn tất trong thời gian cuối của hành trình dương thế: Khổ nạn và Phục sinh; chấp nhận thương đau Thập giá để vượt qua đến bến bờ vinh quang Phục sinh!
Nếu phần đầu, với nghi thức “Rước Lá” hay “Kiệu Lá” tưởng niệm cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem của Chúa Kitô, phụng vụ muốn chúng ta, những người tin theo Chúa Kitô, xác tín rằng: chúng ta được chính Đức Kitô dẫn đầu để tiến vào vương quốc Nước Trời, tiến vào cuộc chiến thắng vinh quang của ơn cứu độ, của tình yêu muôn đời bền vững của Thiên Chúa; muốn chúng ta tái tuyên xưng về sự chiến thắng của Đức Kitô trước thần lực của ma quỉ và sự dữ, trước khổ đau và tội lỗi, trước thập giá và quyền lực của thế gian.
Đây không là một “chiến thắng mang tính cá nhân” nhưng là sự chiến thắng của một đoàn dân đông đảo trong vinh quang Nước Trời mà sách Khải Huyền (cũng của thánh sử Gioan) đã mô tả: “Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9). Mọi người Kitô hữu, sau khi nhận lãnh hồng ân Thánh tẩy, đều được gọi mời vào cuộc chiến thắng và vinh quang đó theo cách của riêng mình, của đời mình, của bậc sống và ơn gọi mình…
Thế nhưng, phần Phụng vụ Lời Chúa của cử hành Lễ Lá hôm nay lại cho chúng ta hiểu và xác tín rằng: cuộc chiến thắng của Đức Kitô và của những ai theo Ngài đều phải trả giá; một cái giá của sự tự hạ thẳm sâu, của “vâng lời cho đến chết”, như cách cảm nhận và xác tín của Thánh Phaolô Tông đồ trong thư gởi giáo đoàn Philipphê nơi Bài đọc 2: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang”.
Cuộc “tự hạ” hay “vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” như Thánh Phaolô diễn tả, thật ra, không hề là những “khái niệm suông”, những lời hoa mĩ mà là một “sự thật trần trụi”, cụ thể; một bi kịch mà chính Chúa Giêsu đã trải qua từ trong tâm hồn đến ngoài thân xác, từ những sự phản bội trân trối của các môn sinh, đến những trận đòn thừa chết thiếu sống, từ mão gai và thập giá, đến dấm chua và những lời sĩ nhục… như trình thuật Thương khó qua lời kể của Thánh sử Luca, mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo thoáng qua từ hơn 600 năm trước: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi”.
Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, quả thật, đã mở ra cả một một cuộc hành trình của Đức Tin mà các biến cố sau cùng của Đức Kitô lại là những “cột mốc” quan trọng nhất mà mọi người Kitô hữu phải “vượt qua”, phải đón nhận, phải sống:
– Phải sống “Ngày Thứ Năm Tuần Thánh” khi trung thành lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.
– Phải sống “Ngày Thứ Sáu khổ nạn” khi can đảm chấp nhận “chén đắng” của những thập giá xuyên qua suốt cuộc đời; thập giá của bệnh hoạn, tật nguyền, yếu đau… trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác, cùng bao nhiêu gánh nặng đau thương nhức nhối khác…
– Phải sống “Đêm Vọng Phục Sinh” và “Chúa Nhật của Ngày thứ nhất trong tuần” khi mang niềm vui và sự chiến thắng của tình yêu và hy vọng; đó là sự “tái sinh vào vương quốc sự sống”, đó là “bỏ lại đằng sau nấm mồ của tăm tối, nô lệ để bước đi trong ánh bình minh của tin yêu hy vọng”. Niềm vui của những anh chị em Tân tòng vừa được mang chiếc áo trắng tái sinh!
Vâng, sứ điệp Chúa Nhật Lễ Lá hay cuộc hành trinh “Khổ nạn-Phục sinh” mãi mãi phải được tái diễn, được đón nhận và được sống; cho dù chỉ là một cuộc sống hy sinh thầm lặng giữa đời thường nhưng thật cần thiết, vì đơn giản, đó là cuộc sống chẳng khác nào chú lừa con để Chúa vào thành của một ngày xưa đáng nhớ: “Vì Chúa cần đến nó”!
Trương Đình Hiền