ĐỪNG SỢ THƯA VÂNG VỚI CHÚA

Views: 78

(Tu sĩ bước theo Đức Kitô trong đời sống vâng phục)

          Chúng ta bắt đầu câu chuyện “sống đức vâng phục” bằng ba trích đoạn:

1. Tin mừng Matthêô 16,22-23: chuyện Tông đồ Phêrô ngăn cản Chúa và bị quở trách nặng nề: Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16,22-23).

2. Tông huấn “Đời sống thánh hiến” (Vita Consecrata) của đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, số 16: một góc nhìn về nền tảng của đức vâng phục trong đời thánh hiến chính là Đức Kitô sống vâng phục Chúa Cha: “Gắn bó với mầu nhiệm của đức vâng phục đầy tình con thảo bằng hy sinh sự tự do, người được thánh hiến nhận biết Chúa Kitô đáng được yêu và đáng yêu vô cùng, như là Người chỉ vui thích thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4,34) Đấng mà Người kết hợp mật thiết với và hoàn toàn lệ thuộc vào.” (ĐSTH 16).

3. Hiến chương của Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn: Một định nghĩa rút gọn về lời khấn vâng phục của người nữ tu Mến Thánh Giá: “Vâng phục thánh hiến là hiến dâng cho Thiên Chúa tự do cá nhân, dấn bước theo Đức Kitô mẫu gương vâng phục, để nhờ Người và cùng với Người thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa.” (HC Dòng MTG.QN, Điều 24, số 1).

          Và bây giờ cùng dừng lại để suy tư qua những gợi ý trên.

I. VÂNG PHỤC VÀ THIÊN Ý

1. Làm sao biết được ý Chúa để mà vâng theo?

          Khi nói đến đức “Vâng phục”, thì qua những lời chúng ta vừa đọc, vừa nghe, ai cũng xác tín rằng: điều cốt yếu và nền tảng của đức “Vâng phục” chính là “thực thi thánh ý Thiên Chúa”; là tìm được ý Chúa xuyên qua mọi biến cố và con người để tự do và thanh thản đón nhận, thực thi và ngoan ngùy phó thác…

          Nguyên tắc là thế, lý thuyết là vậy, Lời Chúa dạy sẽ không bao giờ sai; nhưng để sống và thực thi cho trọn thì không hề dễ dàng hay giản đơn.

          Giáo lý Phật giáo không dạy về Thượng Đế nên cũng không nói hay biết gì về “ý muốn của Thượng Đế”; họ chỉ biết cúi đầu thực hành sống theo luật “Nhân Quả”: cứ sống tốt thì sẽ nhận “quả tốt”…

          Trong giáo lý Kitô giáo, mầu nhiệm Quan phòng và sự Khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa cái triết lý “nhân quả nhãn tiền” của nhà Phật. Ai công chính như Gióp mà vẫn bị dập vùi tai nạn! Ai công chính hơn Đức Kitô Con Một Thiên Chúa nhưng phải kề môi nhấp cạn chén đắng thập giá! Chính vì thế, để nhận ra “đâu là thánh ý của Thiên Chúa” là cả một hành trình nhiêu khê, là cả một cuộc chiến đấu trầy vi tróc vảy.

Thật vậy, kinh nghiệm nhân sinh thông thường cho thấy: khi thanh bình thịnh đạt, lúc “mây tạnh trời quang”, con người dễ tin, dễ cảm, dễ gặp một Thiên Chúa ở gần, có một Thiên Chúa đang ân cần săn sóc. Tuy nhiên, khi “đất bằng nổi sóng”, khi thử thách chợt về, đau thương ập đến, con người hay rơi vào cơn hoảng loạn hồ nghi: Thiên Chúa có ở đây không hay đã ra đi đâu mất rồi? Thiên Chúa có đủ quyền năng để cất đi những nỗi oan khiên nầy, những tai ương hoạn nạn nầy, những đau thương khốn khổ nầy…, hay Ngài hoàn toàn bất lực? Thiên Chúa có thực sự công minh chính trực, đối xử công bằng với hết mọi sinh linh hay chỉ là một vị thần nhỏ nhen thiên vị, bất công xảo trá?…

Quả thật, trong những hoàn cảnh khắc nghiệt như thế mà vẫn tỉnh táo để nhận ra thánh ý Chúa và thanh thản cúi đầu vâng phục… là chuyện không dễ chút nào!

          Câu chuyện về cuộc đời đầy biến động của ông Gióp trong Cựu ước là một minh họa rõ nét. Khi bị thử thách dập vùi, thân tàn ma dại với cơn bịnh ung nhọt từ chân tới đầu, bấy giờ bà vợ của ông đã lên tiếng: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” (G 2, 9). Hay chính Gióp cũng chất vấn Thiên Chúa vì những tai ương hoạn nạn phải gánh chịu khi ông sống công chính: “Tôi là người công chính, thế mà Thiên Chúa lại gạt bỏ sự chính trực của tôi; tôi ăn ở chính trực mà bị coi là dối trá, tôi bị bắn trọng thương mặc dù không phạm tội” (G 34,5-6).

2. Thiên Chúa biểu lộ thánh ý khi tỏ lòng xót thương:

          Thế nhưng, cũng chính trong những biến cố đau thương ấy, những giai đoạn đen tối ấy, Thiên Chúa đã ra tay can thiệp và bày tỏ quyền uy. Trong Tin mừng Nhất lãm, cả ba thánh sử Mt, Mc và Lc đều tường thuật việc Chúa Giêsu thản nhiên ngủ trên thuyền các Tông đồ đang gặp cuồng phong (Mt 8,23-27; Mc 4,35-41; Lc 8,22-25): Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ…

          Quả thật, quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa cái đầu óc thiển cận và cái trí khôn hạn hẹp hay đôi mắt trần phàm tục của con người, mà hình tượng tiêu biểu được mô tả nơi trích đoạn Tin mừng trên chính là các Tông đồ: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?”. Thế nhưng, chính trong lời cầu nguyện đầy hốt hoảng ấy, mọi sự đã được giải quyết: Người thức dậy, ngăm đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt và biển lặng như tờ… (Mc 4,35-41).

          Vâng, lời Thánh vịnh dạy chúng ta hãy cầu nguyện:

“Lạy Chúa, con tìm Thánh nhan Ngài,

Xin Ngài đừng ẩn mặt.

Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,

Chính Ngài là Đấng phù trợ con.

Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,

Lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con” (Tv 27,8-9).

          Đứng trước bao tai ương ập đến, ông Gióp đã xử sự: Bấy giờ ông Gióp chỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: “Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1, 20).

II. NGÀI ĐÃ VÂNG LỜI CHO ĐẾN CHẾT

          Nhưng có lẽ, dưới vòm trời này, không có mẫu gương nào sống đức vâng phục trọn hảo nhất bằng Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa!

          Thư Do Thái đã bình luận về thái độ vâng phục của Đức Kitô như sau: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Dt 5, 8-9).

          Chúng ta thử từng bước dõi theo sự vâng phục tuyệt hảo của Ngài.

1. Đức Kitô vâng phục: Thi hành ý muốn Chúa Cha:

          Điều đầu tiên chúng ta tìm thấy trong cuộc sống tự do tuyệt đối của Con Thiên Chúa chính là: Ngài hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34).

     Chúng ta hãy nghe Đức Thánh Cha G.P.II cắt nghĩa điều đó trong Tông huấn “Đời sống thánh hiến”: “Người là Đấng vâng phục tuyệt đối, từ trời xuống thế không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người (Ga 6, 38; Dt 10, 5-7). Người đặt để sinh mệnh và hành động của mình trong tay Chúa Cha (x. Lc 2, 49). Vì vâng phục như con thảo, Người chọn hình thức nô lệ: “Người đã làm cho mình hoá ra không (…), vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl2, 7-8). (ĐSTH 22).

          Đó cũng chính là ý nghĩa sâu xa cuối cùng của “Đức Vâng phục” mà tất cả mọi Kitô hữu, đặc biệt những người được thánh hiến, được gọi mời sống và thực hiện: “Đức vâng phục, thực thi theo gương Chúa Ki-tô, Đấng lấy việc thi hành ý muốn của Chúa Cha làm lương thực cho mình, biểu lộ vẽ đẹp thanh thoát của sự lệ thuộc đầy tình con thảo chứ không phải nô lệ, đầy ý thức trách nhiệm và được lòng tin cậy lẫn nhau thúc đẩy, phản ảnh cho mọi người về mối dây liên hệ trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa”. (ĐSTH 21).

          Khi chọn ý muốn của Thiên Chúa làm “kim chỉ nam” cho việc sử dụng tự do như thế xem ra có mâu thuẩn với ý nghĩa đích thực của tự do hay không? Nói cách khác, làm sao có thể sống đức vâng phục từng ngày trong một niềm xác tín rằng: sống như thế chính là thể hiện trọn vẹn tính nhân bản và làm phong phú đời sống tâm linh, là cách thế phát triển toàn diện con người? Chúng ta hãy lắng nghe lời giải đáp của Đức Thánh Cha:

          “Đức vâng phục trình bày một cách đặc biệt hùng hồn việc Chúa Kitô vâng phục Chúa Cha như là mẫu mực, và khởi đi từ mầu nhiệm Chúa Ki-tô, đức vâng phục minh chứng rằng: vâng phục và tự do không mâu thuẩn nhau.

Thật vậy, thái độ của Chúa Con cho thấy rằng mầu nhiệm về tự do của con người là con đường vâng phục ý muốn Chúa Cha, và mầu nhiệm của vâng phục là con đường chinh phục từng bước sự tự do chân thật. Người được thánh hiến đúng là người muốn diễn tả mầu nhiệm đó bằng lời khấn vâng phục. Do đấy, họ muốn biểu lộ ý thức về mối tương quan nghĩa tử, nhờ mối tương quan ấy họ đón nhận ý muốn Chúa Cha như lương thực hằng ngày (x. Ga 4, 34), như đá tảng vững chắc, như niềm vui, thuẫn đỡ và nơi trú ẩn cho họ (x. Tv 18/17,3). Như thế, họ cho thấy họ lớn lên trong sự thật toàn diện của con người họ, trong khi vẫn được gắn liền với nguồn mạch hiện hữu của họ, và công bố sứ điệp đầy an ủi nầy: “Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào” (Tv. 119/118, 165). (ĐSTH 91).

          Như thế, vâng phục không phải là chuyện riêng của “kẻ bề dưới”, mà là cho tất cả những ai muốn đáp lại lời mời gọi thánh thiện của Tin mừng. Riêng Hiến Chương Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn nói rõ: “Bề trên và chị em hãy dùng mọi phương thế để xác định ý Chúa…”  (HC, Điều 26); “Chị em hãy tỏ lòng khiêm tốn kính trọng Bề trên, là những đại diện của Thiên Chúa. Khi vâng lời các ngài, chị em hãy xác tín mình đang thực hiện Thánh ý Thiên Chúa” (HC, Điều 27, số 1); “Bề trên phải thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ để diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người” (HC, Điều 28)…

          Cũng vậy, Vâng phục không phải chỉ dừng lại ở chuyện “giữ nghiêm túc mọi luật nhà”, là “vâng lời tối mặt” ý muốn của “bề trên”, mà phải là cuộc lên đường liên tục, cuộc “vượt qua” đầy nhiêu khê để tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa trong mọi biến cố, mọi phút giây, mọi tương quan… trong cuộc sống.

2. Phải thể hiện đời sống vâng phục thế nào?

          Trước hết, chúng ta thử điểm lại những việc làm cụ thể củaChúa Kitô mang dấu ấn của cuộc đời vâng phục Chúa Cha:

– Thờ phượng Cha.

– Thi hành sứ mệnh của cha,

– Làm công việc của Cha,

– Giữ luật Cha,

– Đón nhận chén đắng Cha trao,

– Chết để tôn vinh Cha.

          Từ cuộc sống và sứ điệp của Đức Kitô, để sống vâng phục, chúng ta có thể rút ra vài áp dụng cụ thể sau:

2.1. Sống vâng phục, đó là đón nhận và sống Lời Chúa:

2.1.1. Bởi vì đó là dấu chỉ thuộc về Đức Ki-tô: Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21).

          Để nhận thức rõ hơn ý nghĩa nầy, có lẽ chúng ta nên đọc lại chứng từ của Đức Hồng y F.X Nguyễn văn Thuận trong “Chứng nhân hy vọng”:

Trong thời gian ở tù tôi đã viết: “Con hãy tuân giữ một qui luật thôi: Phúc Âm. Hiến pháp này cao vượt trên tất cả mọi hiến pháp khác. Đó là luật mà Chúa Giêsu đã để lại cho các Tông đồ (x. Mt 4, 23). Nó không khó khăn, phiền phức hay gò bó như các luật khác; trái lại nó sinh động, nhân hậu và phấn chấn đối với tâm hồn con. Một vị thánh sống xa phúc âm là vị thánh giả” (ĐHV 986).

Thật vậy, việc thấm nhập Lời Chúa không chấp nhận cách suy tư và xử thế kiểu con người và dẫn đưa chúng ta bước vào trong một lối sống mới do Đức Kitô khai mào. Ai sống Phúc Âm có thể cùng với thánh Phaolô tiến tới chỗ “mặc lấy tư tưởng của Đức Kitô” (1 Cr 2, 16); và có khả năng đọc ra các dấu chỉ thời đại với chính cái nhìn của Đức Kitô và như thế để lại ảnh hưởng sáng tạo trên lịch sử; kinh nghiệm được sự tự do đích thật, niềm vui, lòng can đảm sống thực với Tin Mừng; tìm được niềm tin cậy mới nơi Thiên Chúa Cha và mối tương quan đích thực và tình con thảo chân thành, đồng thời hướng đến việc phục vụ con người một cách cụ thể.

Nói cho cùng, Phúc Âm vén mở cho chúng ta ý nghĩa sâu thẳm của cuộc sống. Như thế rốt cuộc chúng ta biết được lý do tại sao chúng ta sống và giáo huấn của Đức Kitô làm cho chúng ta hy vọng trở lại. Kết quả không phải chúng ta sống nữa, mà là chính Chúa Kitô sống trong chúng ta. Qua các lời Kinh Thánh, chính Ngôi Lời ở trong chúng ta và biến đổi chúng ta trong Người: chúng ta trở nên Lời Chúa sống động. Đức thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã tự hỏi: “Làm thế nào để cho Chúa Giêsu hiện diện trong các linh hồn?” Và người trả lời: “Nhờ phương tiện vận chuyển, nhờ việc thông truyền lời nói mà tư tưởng của Ngôi Lời, Con Thiên Chúa nhập thể làm người đến được với các linh hồn. Có thể khẳng định rằng Chúa nhập thể trong chúng ta khi chúng ta chấp nhận cho lời của Ngài đến sống trong chúng ta”[1].

2.1.2. Bởi đó chính là phương thế giúp nhận ra ý Chúa: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105).”Nhờ năng đọc Lời Chúa, họ được soi sáng để phân định về chính bản thân, về cộng đoàn, hầu giúp họ tìm ra đường lối Chúa trong các dấu chỉ của thời đại. Như vậy, họ có một thứ bản năng siêu nhiên, giúp họ không hùa theo não trạng thế gian, nhưng đổi mới tinh thần để có thể nhận ra đâu là ý Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2. ĐTH số 94).

2.1.3. Đó cũng chính là ý muốn của Chúa Cha, qui luật tối cao hướng dẫn đời sống đức tin: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người” (Lc 8, 35).

“Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như qui luật tối cao hướng dẫn đời sống đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được Chúa ghi chép một lần cho muôn đời, Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên tri cùng các Tông đồ.

Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn… Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo hội” (Hiến chế DV 21).

2.1.4. Đó là con đường mang lại hạnh phúc vĩnh cửu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68).

2.2. Sống vâng phục là chu toàn luật Chúa, luật Dòng, sống tình bác ái hiệp thông:

     2.2.1. Luật Chúa tập chú vào hai điều răn căn bản: Mến Chúa, yêu người (Mt 22, 34-40; 7, 12).

     2.2.2. Luật Dòng: Phản ảnh đặc sủng của Đấng sáng lập, bao hàm một định hướng chung :hướng về Ba Ngôi, Cha, Con, Thánh Thần giúp tiến tới hoàn thiện trong đời thánh hiến. (ĐSTH 36).

     2.2.3. Sống hiệp thông trong Giáo hội, huynh đệ bác ái cộng đoàn là môi trường, là phương thế giúp đón nhận và thực thi ý Chúa: “Đời sống huynh đệ là nơi chốn tốt nhất để phân định và đón nhận ý Chúa và để cùng nhau tiến bước một lòng một trí với nhau. Nhờ đức ái làm cho sống động, sự vâng phục liên kết cácthành viên của một Hội dòng trong cùng một chứng tá và cùng một sứ mạng, dẫu rằng trong những hồng ân khác nhau và trong sự tôn trọng cá tính của mỗi người…

     “Trong Giáo hội và trong xã hội, đời sống cộng đoàn còn đặc biệt là một dấu chỉ của mối dây liên kết được tạo nên bởi ý chí chung muốn tuân phục cùng một tiếng gọi, bất chấp những khác biệt về chủng tộc, hoặc nguồn gốc, về ngôn ngữ hay văn hoá. Trái ngược với tinh thần bất hoà và chia rẽ, quyền bính và vâng phục cho ta một dấu chỉ sáng ngời của tính hiền phụ duy nhất đến từ Thiên Chúa, của tình huynh đệ phát sinh từ Thánh Thần, của tự do nội tâm nơi những con người đã phó thác mình cho Thiên Chúa, mặc dù những người đại diện cho Ngài có những giới hạn đi nữa…” (ĐSTH 91).

   Với những chỉ dẫn trên, chúng ta có thể kết luận với nhau rằng: Khi chúng ta đặt mình dưới Luật Chúa, Luật Tin mừng, Luật Hội thánh, Luật Dòng trong thái độ tin yêu, hiệp nhất, bác ái, khiêm hạ và trong tinh thần xây dựng Nhiệm Thể, trong tư cách chứng nhân và thể hiện tình con thảo của Đức Kitô, chúng ta sẽ thấy mọi sự là “ách êm ái, gánh nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30). Mà thực vậy, bất cứ điều gì được thực hiện trong tình yêu và với tình yêu thì sẽ trở nên tuyệt vời: “Ở giữa lòng Hội Thánh, em sẽ là tình yêu” (Thánh Têrêxa Hài Đồng, Tiến sĩ).”Những chiến tích lừng danh mà thiếu tình yêu thì chỉ còn là mây khói” (Chiara de Lubich).

   Ngày hôm nay, thế giới đang đứng trước một thách đố lớn lao về việc sử dụng tự do, quyền bính, về việc đón nhận và thực thi những nguyên tắc luân lý hướng dẫn cuộc sống… Trong khi nhiều người thời nay quan niệm tự do đó là buông thả, tháo thứ, quyền bính là áp đặt, vâng phục là nô lệ… thì đời sống của những người tu sĩ phải là một chứng tá hùng hồn về việc vun đắp sự tự do đích thực, làm sáng ngời những chân lý về Thiên Chúa và con người được thể hiện qua việc lựa chọn sống đức Vâng Phục trong tình yêu và tự do.

III. XIN ĐỪNG SỢ THƯA VÂNG VỚI CHÚA GIÊSU

          Vào buổi đầu cuộc sống công khai, satan đã từng cám dỗ Chúa Giêsu lựa chọn con đường cứu thế dễ dàng, thoải mái bằng những hành vi khéo tay lạ mắt, bằng phép lạ oai phong để dễ dàng chinh phục chớp nhoáng và thành công trước đám dân đang ngong ngóng một Đấng Cứu Thế mang dáng đứng chính trị trần tục:

          Sau đó quỷ đem Người đến thành thánh, đặt người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

          Và Đức Kitô đã cự tuyệt. Ngài đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

          Trong câu chuyện Tin mừng thuật lại về việc tuyên tín và can gián của Phêrô, hình như cơn cám dỗ trên lại trở về với Đức Kitô qua thái độ của Phêrô khi Tông đồ nầy ra tay ngăn cản Chúa khi Ngài loan báo cuộc hành trình về Giêrusalem để dấn thân vào cuộc khổ nạn: Ông Phêrô kéo riêng Người ra và bắt đầu trách người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”. (Và trong lần cám dỗ nầy, Chúa Giêsu gần như đã nổi nóng) Chúa Giêsu quay lại bảo Phêrô: “Satan lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa…”.

          Như vậy một cách nào đó, chúng ta có thể nói được rằng: đức tin đó chính là cuộc “hành trình về Giêrusalem”, cuộc hành trình theo chân Đức Kitô mà cốt lõi chính là biết thường xuyên “đặt cuộc đời mình trong ý định của Thiên Chúa”, là đặt bước chân mình trên những lối đi của Thiên Chúa, hay như ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Bênêđictô, là “đừng sợ thưa vâng với Chúa Giêsu”.

1. “Đừng sợ thưa vâng với Chúa Giêsu”:

          Cho dù “con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa” mặc lòng, thì sau biến cố Tội nguyên tổ, hình ảnh đó đã bị méo mó, con người đã trở nên khác xa với Thiên Chúa, mà cụ thể như lời trách cứ của Chúa Giêsu dành cho Phêrô trong trích đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà của loài người”.

          Tuy nhiên, nếu nhìn lại những “ý định lạ lùng, khác người, và những việc làm “trái khoái” trong cả đường dài lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, Chúng ta dễ dàng cảm thông thái độ của Phêrô khi “thiệt tình” can ngăn Thầy “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”…

          “Chuyện ấy” chính là thánh ý của Thiên Chúa, đó chính là con đường Con Thiên Chúa đã chọn và đã đi, cho dù khi đối diện con đường ấy, thánh ý ấy, Ngài cũng đã phải khắc khoải đến tận cùng khi những giọt máu ứa ra theo những giọt mồ hôi hoang mang lo sợ: “Xin cho con được khỏi uống chén nầy. Nhưng xin dừng theo ý Con một xin vâng ý Cha”.

          Đức Kitô đã chiến thắng nỗi hoang mang sợ hãi và đã can đảm “thưa vâng”; và cũng nhờ thế, hồng ân cứu độ, vinh quang Phục sinh đã chảy tràn trên thế giới, giải thoát thân phận nô lệ, tội lỗi tăm tối của loài người để bước vào ánh vinh quang phục sinh.

          Nào chẳng phải Đức Kitô đã từng tuyên bố: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Chúng ta phải hiểu: Đường đó là Đường từ Máng cỏ Bê lem tới Thập Giá Đồi Sọ; Sự Thật đó là Sự Thật của “Tám Mối”: tinh thần khó nghèo, lòng trong sạch, đức yêu thương, hiền lành, bàn tay xây dựng hòa bình công lý…; và Sự Sống đó là Sự sống canh tân và sám hối, biến hình và phục sinh bắt nguồn từ cuộc Vượt Qua của chính Đấng đã yêu thương đến tận cùng, đã hy sinh tận hiến, đã chết và sống lại.

          Chúng ta đừng ảo tưởng sẽ có một con đường cứu độ khác đẹp hơn, dễ thở hơn, nhẹ nhàng hơn, vinh quang hơn… Khước từ con đường của Đức Kitô, né tránh sự lựa chọn của Đức Kitô chính là “cản ngăn ý định của Thiên Chúa, là thỏa hiệp với Sa Tan”. Ý nghĩa đó phải chăng đã cô đọng và âm vang trong tiếng hét đầy tức giận của Chúa Giêsu dành cho Phêrô: “Satan hãy lui sau Thầy!”.

2. Hãy can đảm nói “không” và nói “có”:

          Đã hai ngàn năm rồi, Hội thánh không ngừng học mãi bài học hôm nay: bài học “đi lên Giêrusalem” của Thầy Chí Thánh; và tuy có đôi lúc, đôi nơi, Hội Thánh quên đi bài học đó để dừng lại chạy theo những “ông thầy” của thế gian, thì Hội thánh lại được Chúa Thánh Thần lên tiếng cảnh báo, nhắc thầm, qua bao nhiêu dấu chỉ, con người, huấn dụ… Đặc biệt với những hình tượng sống động là dòng chảy không ngừng của các Thánh nhân với đông đảo chứng nhân anh hùng tử đạo, các thánh hiển tu, ẩn tu, đồng trinh, các người cha, người mẹ thánh thiện, các thanh niên thiếu nữ quảng đại, những thiếu nhi trong sạch, can đảm…

          Vâng kể từ Vị tử Đạo đầu tiên Stêphanô bị ném đá chết trên chính quê hương của Đấng Cứu Thế, rồi đến lượt “Người ngư phủ Phêrô” bị đóng đinh ngược đầu trên đồi Vatican, Dân Chúa tiếp tục chọn lựa con đường của Đức Kitô, Con đường Thập Giá mà những Agata, Lucia, Lorensô… của những thế kỷ đầu tiên, cho đến Phanxicô Assisi, Anrê Phú yên, Tôma Thiện, Anê Thành, Gioan Vianey, Maria Goretti, Têrêxa hài Đồng, Maximiliannô Kolbê, Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta, Giám mục Rômêrô… đã không ngừng noi gương đi trước.

          Riêng đối với những người dấn thân trong ơn gọi thánh hiến, sống đức vâng phục mỗi ngày phải chăng đó là:

– Dám nói “không” trước những mời mọc của sự tự do, phóng túng theo tinh thần thế tục, muốn được “tự tung tự tác” theo ý riêng trong mọi việc của cuộc đời, bất chấp mọi “hàng rào thiêng liêng và những bảng chỉ dẫn khôn ngoan ngàn đời của Hội thánh”…

– Dám can đảm nói “không” trước những mời mọc của cuộc sống thoải mái, không bị ràng buộc và hạn chế mà giới trẻ ngày nay đang bị cuốn hút để thể hiện mình: nào cách ăn mặc, chi tiêu, đồ dùng, giao tiếp, ăn nói, thể hiện và cả tư duy, lý luận…

– Dám nói “không” trước những ươn lười hưởng thụ ích kỷ, tìm kiếm an nhàn, né tránh bận bịu vất vả nhọc mệt, để quảng đại dấn thân phục vụ trong tăm tối, ẩn khuất và đôi khi chấp nhận thiệt thòa, nguy hiểm, thương đau.

          Cũng vậy, người nữ tu hôm nay không ngừng:

– Sẵn sàng nói “có” trước ý định của Chúa qua Lời Chúa mỗi ngày, qua luật Dòng được ban bố, qua những người có trách nhiệm, qua các bổn phận được giao, qua các chương trình để thăng tiên bản thân, cộng đoàn và cả Hội thánh.

– Sẵn sàng nói “có” bằng đôi tay nhiệt thành phục vụ mọi người xung quanh, bằng ánh mắt vui tươi để sẻ chia và cảm thông, bằng trái tim bao dung để thứ tha và chấp nhận, bằng sự “nhỏ xuống của cái tôi” để Chúa được lớn lên trong anh chị em, trong cộng đoàn…

– Sẵn sàng nói “có” khi hành động như lời kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Khó khăn: tìm an ủi người hơn được người ủi an, hiểu biết người hơn được người hiểu biết, yêu mến người hơn được người mến yêu…

– Sẵn sàng nói “có”, khi biết không ngừng đón nhận mọi đắng cay bệnh hoạn, thất bại, tủi buồn trong niềm tin yêu phó thác…

          Phải chăng đó chính là điều mà Thánh Phaolô trong trích đoạn thư Rôma đã nhắc khéo chúng ta bằng những lời thâm thúy: “hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa… Anh em đừng có rập theo đời nầy nhưng hãy cải biến con người… hầu nhận ra thánh ý Thiên Chúa…” (Rm 12,2).

Kết: đừng để chúng con sa nẻo đường lầm

          Để Lời Chúa tác động và Thánh Thần Chúa dẫn dắt trong thái độ lắng nghe và khiêm hạ phân định đó chính là cách thể hiện nhất quán của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới thứ XVI về “Giáo hội hiệp hành”. Vì thế, để kết thúc câu chuyện về “sống đức vâng phục”, không gì hơn là cùng đọc lại lời Kinh của chính Thượng Hội Đồng, để tất cả chúng ta không “sa nẻo đường lầm” nhưng luôn tìm ra thánh ý Chúa và can đảm thực thi mỗi ngày.

Kinh cầu của Thượng Hội Đồng về Hiệp Hành

(Adsumus Sancte Spiritus)

Lạy Chúa Thánh Thần,

này chúng con đến trước nhan Chúa,

khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa.

Chỉ có Chúa là Đấng hướng dẫn chúng con,

xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con;

xin dạy chúng con lối đường phải đi

và cách bước đi trên lối đường đó.

Chúng con yếu đuối và tội lỗi,

xin đừng để chúng con gây xáo trộn.

Đừng để chúng con u mê sa nẻo đường lầm

cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến.

Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con

để chúng con có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu

và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật.

Chúng con cầu xin Chúa,

là Đấng hoạt động mọi nơi mọi thời,

trong sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con,

mãi mãi đến muôn đời.

Amen.

Trương Đình Hiền


[1] Giáo huấn của Đức Phaolô VI, V 1968,936 “Chứng nhân hy vọng”, bài suy niệm số 7, trang 107-108.