(Chúa Nhật Thăng Thiên 2022)
Cách đây hơn 36 năm, vào ngày 28.01.1986, phi thuyền con thoi Challenger của Mỹ, sau khi rời bệ phóng tại Florida vừa đúng 1 phút 13 giây đã nổ tung trên bầu trời Đại Tây Dương, làm tan xác cả phi hành đoàn 7 người. Đây là một trong những thất bại và là tai nạn nghiêm trọng nhất trong chương trình đưa người lên không gian của Mỹ cũng như của nhiều nước trên thế giới. Nói một cách nôm na: đó là một cuộc “lên không gian” hay “lên trời thất bại” !
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng một cuộc “Lên Trời” khác, cuộc “Lên trời của Chúa Giêsu Kitô”. Đây chắc chắn là một cuộc “lên trời” không những thành công mà “thành công viên mãn”; vì từ biến cố đặc biệt nầy, toàn thể nhân loại đã bước vào một kỷ nguyên mới, một giai đoạn mới: kỷ nguyên hiện thực hóa Ơn cứu độ giữa trần gian, giai đoạn Nước Trời lớn lên và phát triển trong quyền lực Thánh Thần.
Thế nhưng làm sao để hiểu và cảm nhận trọn vẹn “Nước Trời” trong thời đặc biệt nầy? Nói cách khác, làm sao để hiểu đúng và sống đúng mầu nhiệm “Thăng Thiên”, “Chúa về trời” ?
Trước hết, chúng ta biết rằng, Kinh Thánh thường sử dụng nhiều loại ngôn ngữ để trình bày chân lý mạc khải: tả chân, biểu tượng, dụ ngôn… Riêng Chúa Giêsu, khi còn tại thế, đã dùng nhiều “dụ ngôn” để trình bày mầu nhiệm “Nước Trời”:
– Nước Trời như người nông phu ra đi gieo hạt giống…
– Nước Trời như ông chủ vườn nho và những người thợ…
– Nước Trời như ông vua mở tiệc cưới cho hoàng tử,
– Nước Trời như chuyện 5 cô khờ và 5 cô khôn cầm đèn đi đón chàng rễ…
Để diễn tả và giải trình giáo lý về “sự kiện mở đầu” cho giai đoạn “lịch sử cứu độ sau thời Chúa Giêsu”, các tác giả sách Tin Mừng và Công vụ Tông Đồ cũng đã bắt chước Chúa Giêsu, mượn cách nói “dụ ngôn” để diễn tả mầu nhiệm nầy:
– Mt 28,16-20: Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến…. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “….Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,… Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
– Mc 16,19-20: Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
– Lc 24,50-53: Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
– Cv 1,9-11: Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”
Vâng, qua những dữ liệu cụ thể: nơi chốn, nhân vật, quang cảnh thiên nhiên, thời gian…
các Thánhsử đã giải trình cùng đích hay sự hoàn tất Nước Trời, sự kết thúc vinh quang của công trình cứu độ của Đức Kitô, kết quả huyền diệu của công cuộc Vượt Qua của Đức Kitô nơi trần thế, mà cả ngôn ngữ Kinh Thánh lẫn Phụng vụ đã diễn tả bằng một tên gọi rất “tượng hình” đó là Thăng Thiên, Về Trời, Ngự bên hữu Thiên Chúa…
Vì thế, có thể nói được rằng: Thăng Thiên chính là một “dụ ngôn” để cắt nghĩa Nước Trời, một Nước Trời chính thức được khai mở, được kết trái đơm hoa mà Đấng là Đầu của Nhiệm Thể tiến vào trước để đoàn dân được cứu chuộc tiến bước theo sau (Kinh Tiền Tụng).
Cùng với nội dung mạc khải mang chiều kích tín lý để xác tín vào cùng đích Nước Trời, sứ điệp Thăng Thiên còn khơi lên niềm hy vọng cánh chung: “Thầy đi thì có ích cho chúng con… Thầy đi để dọn chỗ cho chúng con… Thầy đi về cùng Cha…”. Thăng Thiên chính là tiêu đích, là điểm tựa, là quê hương… cho hàng hàng lớp lớp những con người, trong số đó, có đông đảo những anh chị em chúng ta “đến từ những đau khổ lớn lao”, chấp nhận “giặt áo đời mình trong máu Con Chiên” và nay đang “mặc áo trắng tinh, tay cầm cành vạn tuế” (Kh 7,9-14) chung hưởng phúc vinh quang đời đời trong Nước Chúa.
Và như thế, Thăng Thiên không bao giờ được hiểu như một ra đi, lìa xa, khuất bóng, vĩnh biệt ngàn thu; mà là một mở ra, khai diễn một lộ trình mới, một chương mới trong cuộc lữ hành cứu độ của Dân Mới mà vai trò của Chúa Thánh Thần sẽ hiện thực rõ nét: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.” (Lc 24,48-49)
Vì thế, sứ điệp Thăng Thiên còn gởi đến một thông điệp đầy hoan vui tích cực: “trở lại Giêrusalem với niềm vui” (Lc 24,50-52) ! Vâng, đây là cuộc trở về với thế giới đời thường trong tin yêu hy vọng ngút ngàn vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng “làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.” (Ep 1,20). Vì thế, Thăng Thiên chính là lời mời gọi dấn thân đi vào giữa lòng thế giới để làm vang lên “Giai điệu tuyệt vờicủa Tin Mừng Cứu Độ”…, như nguyện ước của ông chủ tiệm đồ cổ muốn “tiếng vĩ cầm tuyệt diệu của chàng nghệ sĩ Fritz Kreisler” vang lên khắp thế giới:
Fritz Kreisler (1875-1962) là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã tạo được một cơ nghiệp đồ sộ nhờ các buổi hoà nhạc và soạn nhạc, nhưng lại hào phóng cho đi gần hết của cải. Do đó, trong một chuyến lưu diễn, ông tìm được một cây vĩ cầm thanh tú nhưng không đủ tiền mua. Đến khi ông kiếm đủ tiền và trở lại, thì cây đờn đã được bán cho một nhà sưu tầm nhạc cụ. Kreisler tìm đến chủ mới của cây vĩ cầm để xin mua lại. Nhà sưu tầm không muốn bán vì theo ông, nó là một bảo vật quí giá. Kreisler buồn bã và sắp sửa ra về, bỗng nảy ra một ý: “Xin đàn một lần trước khi nó bị ký thác cho sự câm lặng”.Chủ nhân chấp thuận. Vị nhạc sĩ tài ba đã làm cho nhà sưu tầm thực sự xúc động vì tiếng đàn du dương của mình, đến nỗi ông ấy phải kêu lên: “Kreisler ơi ! Tôi, tôi không có quyền giữ chiếc đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới để thiên hạ được thưởng thức âm thanh của nó”…
Hômnay, sứ điệp Thăng Thiên cũng đang ngỏ lời với mọi người chúng ta như thế: “Hỡi anh chị em, sao còn ngước mắt nhìn trời… thế giới còn bao nhiêu địa chỉ Giêrusalem, Giuđêa, Samaria… chưa được nghe giai điệu tuyệt vời của Tin Mừng Cứu Độ. Hãy lên đường, hãy chèo ra chỗ nước sâu và đừng sợ….Vì Chúa đang ở với chúng ta !”.
Được trang bị với niềm tin yêu hy vọng ngút ngàn đó, chắc chắn cuộc hành trình về trời của mỗi người Kitô hữu sẽ không “thất bại nửa đường” như chuyến bay vào không gian của phi thuyền con thoi Challenger năm nào. Vâng, đường về trời của mỗi người chúng ta là “Đường Đi phải đến”. Amen.
Trương Đình Hiền (Thăng Thiên 2022)