Views: 191
(Chúa Nhật 4 MV năm A 2022)
Sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật 4 Mùa Vọng (Chu kỳ Năm A) gần như một “khúc dạo đầu” (Prelude) của “Đại hòa khúc Giáng Sinh” (Symphony) mà toàn thể Dân Kitô giáo sẽ long trọng cử hành vào đêm 24 thứ Bảy cuối tuần và ngày Chúa Nhật 25.12 sắp tới.
Sở dĩ nói thế vì trọng tâm ý nghĩa của các Bài Đọc Lời Chúa Chúa Nhật này tập trung vào mầu nhiệm “Emmanuel” (Thiên Chúa ở cùng chúng ta), mầu nhiệm được chính thiên sứ mặc khải cho Giuse trong giấc mộng (Tin Mừng Matthêu) khi trích lại chính lời tiên báo của ngôn sứ Isaia thời Cựu ước (Bđ 1): “Một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Vâng, Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta chính là trọng tâm của Đại lễ Giáng Sinh, của tín điều Thiên Chúa Nhập Thể trong kho tàng đức tin Kitô giáo, cho dù trong dịp mừng đại lễ nầy, những kẻ vô thần, những kẻ chống đạo Kitô, những kẻ “cơ hội chủ nghĩa chính trị hoặc kinh tế” mặc sức và tha hồ tuyên truyền và quảng cáo một thứ “lễ hội Noel không có Thiên Chúa”, một “lễ hội Noel trần tục chỉ để vui chơi, buôn bán, giải trí…”.
Và để cắt nghĩa “dung mạo của Đấng Emmanuel” đó, và trình bày “ý nghĩa cuối cùng của việc đón mừng Giáng Sinh”, Giáo Hội đã tóm tắt trình bày trong đoạn Kinh Tiền Tụng II của Mùa Vọng được Phụng vụ chọn đọc kể từ hôm 17.12: “Người là Đấng các tiên tri loan báo, Đức Mẹ đồng trinh đã cưu mang với tình yêu khôn tả, thánh Gioan đã loan tin sắp đến và chỉ cho thấy khi Người xuất hiện. Người là Đấng làm cho chúng con hân hoan đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh; để khi Người đến sẽ thấy chúng con đang tỉnh thức và hân hoan ca tụng Người”.
Thế nhưng, câu chuyện Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thật ra, đã có hay bắt đầu ngay từ thuở “tổ tông loài người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng” bởi cái tội muốn loại trừ Thiên Chúa qua hành vi “nghe ma quỷ xúi dục ăn trái cấm” (St 3, 1-19.23-24). Và cho dù, suốt một lịch sử dài lâu bước đi trong một thế giới với “đất đai đã bị nguyền rủa và trở nên gai góc” (St 3, 17-18), một thế của chiến tranh, hận thù, huynh đệ tương tàn, chia rẽ bất công…(Cain giết Abel, tháp Baben, nô lệ Ai Cập…) vì “vắng bóng Thiên Chúa”, thì Thiên Chúa vẫn thấp thoáng đâu đó như một “Đấng Emmanuel giấu mặt”: “Ta đã thấy nỗi khổ của Dân Ta và Ta muốn giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập” (Xh 3,5).
Và không chỉ “thấy” và “muốn” mà trong bao nhiêu chuyện kể của những trang dài Cựu ước, Thiên Chúa đã ra tay hành động để con người qua dân tộc Israel nhận ra: quả thật Ngài đang có mặt, đang hiện diện, đang đồng hành với thế nhân như một Đấng Emmanuel, mà ký ức về cuộc hành trình về đất hứa chính là một minh họa rõ nét: Thiên Chúa là Đấng Emmanuel khi hóa thành cột lửa, cột mây huy hoàng đi trước, đi sau, hay lựa chọn sự hiện hữu khiêm tốn của “Hòm Bia Giao Ước” để đồng hành suốt ngàn dặm hành trình của Dân Israel cho tới khi đạp chân lên Đất Hứa. Và cụ thể hơn nữa, đã thông báo ngày xuất hiện chính thức của Đấng Emmanuel qua môi miệng ngôn sứ Isaia: “chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Bđ 1).
Và hơn 600 năm sau lời tiên báo đó, “Thiên Chúa Đấng Emmanuel” chính thức vào đời khi nhập thể trong lòng người Trinh Nữ Maria bởi quyền năng Thánh Thần, như tin mừng Matthêô hôm nay thuật lại: “Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.…”.
Và rồi, Vị “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta” đó, Đấng Emmanuel đó không chỉ “cắm lều ở giữa nhân loại” nội trong một ngày, một tháng, một năm… mà là 33 năm tròn, từ hang Bêlem, đến mái nhà Nadarét, từ dòng sông Giođanô đến núi Tabo, từ hội trường Capharnaum đến bờ giếng Giacóp, từ lòng thuyền chao đảo của Phêrô giữa biển hồ Tibêriat đến đền thờ hoa lệ Giêrusalem và từ đêm đen cô đơn nơi vườn Cây Dầu đến lúc hấp hối trên Đồi Sọ…
Ngài đã “ở giữa loài người” quá sát, quá thấp, quá gần đến độ những người bị xã hội ruồng rẫy xa lánh, kết án như Matthêô, Gia Kêu, những người đàn bà tai tiếng… vẫn cứ đồng bàn thân mật chén thù chén tạc hay có thể “sờ đụng”, tiếp cận mà không một chút hỗ ngươi mặc cảm… Và suốt hai ngàn năm nay, Đức Giêsu-Kitô vẫn mãi mãi là “Emmanuel” qua Thân Mình mầu nhiệm của Ngài là Hội Thánh, và qua những con người, những thân phận bị bỏ rơi, cùng khốn như khi Ngài phán dạy qua dụ ngôn “ngày Tận thế”: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi cho đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40); nhất là qua Nhiệm tích Thánh Thể, khi Ngài hiện diện trong Tấm Bánh và Ly Rượu được chính các bàn tay linh mục hiến thánh: “Nầy là Mình Ta, nầy là Máu Ta…”.
Những ngày cuối cùng của Mùa Vọng tiến sát lễ Giáng Sinh, Phụng vụ như muốn giục giả chúng ta lên đường đi gặp gỡ Đấng Emmanuel mà Phụng vụ sắp sửa một lần nữa làm cho cuộc “Nhập thể-Giáng Sinh” của Ngài lại trở thành hiện thực.
Quả vậy, từ lời “xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria khi đón nhận lời sứ thần Gabrien truyền tin, đến việc Thánh Giuse “đón nhận Maria về nhà mình” phải chăng Phụng vụ muốn nêu lên những mẫu gương đức tin cho nhân loại noi theo để luôn biết mở lòng ra đón nhận chính Đấng Emmanuel vào cuộc sống. Chính nhờ hành vi lịch sử nầy, mà nói theo ngôn ngữ bóng đá, Giuse đã có “cú chuyền banh thật đẹp để Thiên Chúa đưa Con Một Ngài vào lưới nhân gian”, để thế gian từ nay sáng lên hồng ân cứu rỗi, để thế giới là “thung lũng nước mắt”, là “sa mạc hoang vu”, là “miền đầy bóng tối âm u sự chết”… trở thành những con đường đầy hoa và suối nước, trở thành một “thế giới rực lên ánh sáng của hòa bình” (Is 9, 2-7).
Giáng Sinh năm nay lại trở về trong một thế giới đang hoang mang lo lắng trước chiến cuộc ở Đông Âu mà lò lửa Ukraina đang hừng hực mỗi ngày mang theo bao đau thương, nước mắt, đổ vỡ, tàn phá… Sự kiện nầy lại khiến chúng ta không quên: Đã biết bao nhiêu lần lịch sử của nhân loại đã rơi vào thảm kịch kinh hoàng khi cả gan chối từ Thiên Chúa, muốn gạt phét Ngài ra khỏi cuộc đời, khỏi thế giới. Thừa hưởng chủ trương “giết chết thượng đế” của Nietzsche (1844-1900), chủ nghĩa phát-xít Đức đã tiêu diệt bao nhiêu triệu con người trong thế chiến thứ II. Cũng thế, chính chủ nghĩa vô thần, phủ nhận Thượng Đế của Karl Marx-Engel đã xô đẫy bao nhiêu sinh linh vào nỗi oan khiên chết chóc mà “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Hoa thời Mao Trạch Đông hay “cánh đồng chết” ở Campuchia thời Pônpốt là những ký ức kinh hoàng chưa phai nhòa trong tâm thức nhân loại…!
Riêng, đối với chúng ta, những người Kitô hữu, những gia đình tin nhận Đức Kitô là Đấng Emmanuel, trong những ngày, cần thể hiện niềm tin đó để mừng đại lễ Giáng Sinh cách cụ thể khi:
– Người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong những vất vả, khổ cực của chồng để sắt son chung thủy, và chồng thấy Đấng Emmanuel trong bao nhiêu hy sinh, tần tảo sớm hôm của vợ để yêu thương chăm sóc, đỡ nâng.
– Con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, vâng lời lễ độ.
– Bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để mà sống tử tế, phục vụ và chia sẻ…
– Mọi người nhìn thấy Đấng Emmanuel trong mỗi giờ kinh nguyện, trong Thánh lễ mỗi ngày, trong nhà tạm với chiếc đèn hiu hắt, trong tòa giải tội để đợi chờ thứ tha, trong cộng đoàn để hiệp thông…
Và như thế, Lễ Giáng Sinh của chúng ta, của những người Kitô hữu, sẽ không trở thành một lễ hội ăn chơi đua đòi mà là một gặp gỡ đổi đời nên thánh…
Vâng, Emmanuel là “câu chuyện được viết tiếp”, là “Tin Mừng cần được sống, và làm chứng” như cảm nhận và sẻ chia của Thánh Phaolô Tông Đồ: “Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa… quy phục mọi dân tộc về Đức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.”; hay như niềm xác tín của mẹ thánh Têrêsa Calcutta: “Họ cứ ngước mắt lên đi, họ chẳng còn thấy con đâu, mà thấy Chúa, chính Chúa, Chúa Giê-su của con…”. Amen.
Trương Đình Hiền