GIỜ CỦA TA ĐÃ ĐIỂM

,

Views: 63

(Đức Kitô và Hy tế Thập giá trong cuộc đời thánh hiến)

“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1); Đức Giêsu ngước măt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến ! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1).

“Chính trên thập giá mà tình yêu trinh khiết của Người dành cho Chúa Cha và cho tất cả mọi người tìm được cách diễn đạt mãnh liệt nhất; sự khó nghèo của Người còn đi đến sự từ bỏ mọi sự, trong khi sự vâng phục đi đến sự hy hiến mạng sống mình” (ĐSTH 23).

I. GIỜ TÔN VINH CHA ĐÃ ĐIỂM

1. Từ ý nghĩa “Giờ” trong bữa Tiệc Ly:

            Tin mừng Thánh Gioan khi tường thuật khung cảnh “Bữa ăn cuối cùng” đã mở đầu bằng một mệnh đề mà trong đó có tới 2 từ “GIỜ” được nhấn mạnh: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết “GIỜ” của Người đã đến, “GIỜ” phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.”

            Chúng ta biết, Thánh Tông Đồ Gioan đã khéo léo tổng hợp ý nghĩa thần học về khái niệm “Giờ” của Thánh Kinh bao gồm 2 ý niệm: “Giờ” cánh chung của chương trình cứu độ (Cánh chung luận) và “Giờ” khổ nạn của Đấng Cứu Thế (Ki-Tô luận)[1].

            Thật vậy, với Thánh Gioan, Đức Kitô chính là Đấng được Chúa Cha sai đến để thực hiện chương trình cứu độ (tôn vinh Thiên Chúa – Cứu độ con người); và Ngài đã thực hiện hoàn tất chương trình đó qua con đường “vượt qua” của mình (Khổ nạn-chết-sống lại-lên trời). Chính trong viễn tượng đó, Thánh Gioan đã trình bày một Đức Kitô dấn thân vào hành trình khổ nạn như tiến tới đĩnh điểm của cuộc tôn vinh, của ngày toàn thắng, của sự mạc khải tối hậu chân dung và sứ mạng của Ngài: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23); “Lạy Cha, giờ đã đến ! xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha ! (Ga 17,1).

2. Tới ý nghĩa “Giờ” trên Núi Sọ:

            Chúng ta lưu ý: Đức Kitô đã mặc khải ý nghĩa “Giờ” trong chính bàn Tiệc Vượt Qua mà dấu chỉ đặc trưng của “bữa ăn Vượt Qua” nguyên thủy nầy chính là “Con chiên bị sát tế”“máu chiên ghi trên khung cửa nhà”. Cũng như bao người Do Thái khác, Đức Kitô hằng năm đã cử hành Lễ Vượt Qua nầy; và chính trong bữa ăn Vượt qua cuối cùngGiờ đã đến, Đức Kitô đã biến mình thành “con chiên vượt qua bị sát tế” khi biến bánh thành thịt và rượu thành máu. Lễ Vượt qua của giao ước cũ (Cựu Ước) mang giá trị tiên báo nay đã được hoàn tất và hiện thực qua Tiệc Thánh Thể của Giao ước Mới. “Máu Giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội…”[2].

            Và chúng ta cũng biết rằng: sau khi cử hành Lễ Vượt Qua, dân Ít-ra-en đã cùng với Mô-sê lên đường, vượt qua kiếp đời nô lệ để tìm về đất hứa của tự do trong đời sống của một dân tộc được Chúa tuyển chọn. Trong khi đó, sau Tiệc Thánh Thể, Chúa Kitô đã dấn thân vào con đường khổ nạn-chết trên thánh giá và phục sinh để mang ơn cứu độ cho đoàn Dân Mới được cứu chuộc: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”(Ga 12,32).

3. Và “Giờ” của chúng ta hôm nay:

            Còn chúng ta thì sao ? Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô đã nhắc nhở: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa chịu chết”. (1 Cr 11, 26). “Loan truyền Chúa chịu chết” phải chăng là làm chứng về cuộc khổ nạn của Chúa bằng việc chết cho tội lỗi của chính mình, bằng việc đón nhận những thương đau khổ lụy xảy đến giữa đời thường với tất cả tình yêu và trung tín, bằng việc biến cuộc sống trở nên “tấm bánh được bẻ ra” qua sự dấn thân sẻ chia và phục vụ mọi người trong tinh thần quảng đại, vị tha, bác ái…

            Và đó lại chính là điều mà Tin Mừng Thánh Gioan (được trích đọc trong Lễ Tiệc Ly) nhắm đến, khi Ngài cố ý không nhắc tới việc “Truyền Phép” mà lại nhấn mạnh tới dấu chỉ “Rửa Chân”. Vâng, Thánh Thể chính là sự hạ mình thẳm sâu của Đấng là Mục Tử tối cao sẵn sàng vì đoàn chiên mà trở nên “hạt lúa mì mục nát trong lòng đất”, của Đấng là “Tấm bánh được bẻ ra” để nên “lương thực trường sinh nuôi sống con người”, của Đấng là Thầy, là Chúa mà sẵn sàng cúi xuống, cởi bỏ vinh quang Thiên Chúa để trở thành tôi tớ “rửa chân cho anh em” (Ga 13, 14)…

            Hơn ai hết, những người tu sĩ được gọi mời cách sống chính cái “Giờ” đặc biệt của Chúa Giêsu, Giờ yêu thương tự hiến, Giờ phục vụ khiêm hạ, Giờ cứu độ vinh quang…, cái “Giờ” mà diễn tả theo ngôn ngữ thi ca của nhà thơ Trăng Thập Tự, đó chính là “Giờ”:

Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn

Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.

Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí

Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn…[3].

            Tuy nhiên, chúng ta cần đào sâu chính cái “Giờ” cao điểm trong cuộc đời trần thế và cũng là là “Giờ” hy tế của Đức Kitô để tôn vinh Chúa Cha và cứu độ con người, để chính chúng ta thực hiện chính cái “Giờ” thánh thiêng đó trên mọi bước đường đời.

II. GIỜ HY TẾ THẬP GIÁ     

1. Hy tế Thập giá: Tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và con người.

1.1. Thập giá: Một lựa chọn khó khăn:

            Trong cuộc sống mà chiều kích “tục hoá” gần như đang thắng thế trong xã hội con người hôm nay, thì quả thật, việc nêu cao ý nghĩa và giá trị của “thập giá”, “đau khổ”, “hy sinh” có thể bị coi là lỗi thời, là không nhân bản. Điều nầy cũng dễ hiểu thôi; vì quả thật, nếu đọc lại Tin Mừng, chúng ta cũng nhận thấy rằng: khi Đức Ki-tô loan báo sứ điệp “thập giá” thì các tông đồ cũng không thể chấp nhận: Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và này thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” Nhưng đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 21-23).

Quả thật, “thập giá”, “đau khổ” luôn là một thực tại “dị ứng” với tâm thức, tình cảm tự nhiên của con người. Tin mừng cũng đã cho chúng ta thấy rằng: chính Chúa Giê-su, khi đối diện với “thập giá”, “khổ nạn”, Ngài cũng đã xao xuyến, lo sợ: “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như nững giọt máu rơi xuống đất. (Lc 22, 42-44).

1.2. Thập giá: Một lựa chọn căn bản của Đức Kitô:

            Để hiểu ý nghĩa nầy, chúng ta hãy cùng đọc lại những lời dạy căn bản của Sách Giáo Lý của Giáo Hội:

– Đức Ki-tô dấn thân vào con đường “thập giá” để thực thi chương trình cứu độ của Cha: “Ước muốn sống chết với ý định yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha là động lực cho cả cuộc đời Đức Giê-su, vì cuộc khổ nạn cứu thế là lý do khiến Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy ! Nhưng chính vì giờ nầy mà con đã đến” (Ga 12, 27); “Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?” (Ga 18, 11); Và trên thập giá, trước khi “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30), Người còn nói: “Tôi khát” (Ga 19, 28)… Toàn bộ cuộc đời Đức Ki-tô diễn tả sứ mạng của Người là “hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).(GLGHCG 607-608).

Đức Ki-tô dấn thân vào con đường Thập giá để thể hiện tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và con người: Như vậy, trong đau khổ và cái chết, nhân tính của Người đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo cho tình yêu Thiên Chúa luôn ước muốn cứu chuộc loài người. Quả thật, Người đã tự do chấp nhận chịu nạn và chịu chết vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến loài người mà Chúa Cha muốn cứu độ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18). (GLGHCG 609).

      Để làm bật nổi những ý nghĩa trên về mầu nhiệm Thập Giá, Thánh Gioan Thánh Giá đã có những lời: “Chính trong lúc cùng cực như thế, Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình kỳ diệu nhất, hơn cả những công trình Ngài đã thực hiện trên trời dưới đất trong cuộc sống trần thế đầy những phép lạ và kỳ công. Công trình kỳ diệu ấy chính là sự hòa giải và kết hiệp nhân loại với Thiên Chúa bằng ân thánh”[4].

Trong khi đó, chị Chiara Lubich đã có những cảm nhận sâu sắc về mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô được diễn tả sống động qua kinh nguyện sau đây:

“Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.

Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.

Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên “dốt nát”.

Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người “tội lỗi”.

Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.

Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.

Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.

Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.

Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con”[5].

2. Thập giá trong cuộc đời thánh hiến:

            Thấy được ý nghĩa và giá trị của Thập giá trong “cuộc dấn thân cứu độ” của Đức Ki-tô đó cũng chính là ánh sáng để đưa chúng ta, những người được thánh hiến, bước theo Người trong cuộc “dấn thân cho tình yêu và tình yêu”.

2.1. Thập giá: Một lựa chọn căn bản để thuộc về Đức Ki-tô:

            Thật ra, lời mời gọi “bước theo Chúa Ki-tô trên con đường Thập giá” là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu: Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24).

            Một cách nào đó, chúng ta cũng có thể nói được rằng: “Thập giá” chỉ là một cách diễn tả khác mạnh hơn, cụ thể hơn, “con đường hẹp”, “Tám mối phúc thật”, sự “khó nghèo”, “mục nát”, ngồi vào “chỗ cuối”, hay “tình yêu cho đến tận cùng”… mà Đức Ki-tô luôn nhấn mạnh trong lời rao giảng của Ngài.

2.2. Thập giá và đời thánh hiến:

            Đức Ki-tô đã hứa cho những người “bỏ tất cả đi theo Ngài” sẽ được “phần thưởng gấp trăm ở đời nầy cùng với sự ngược đãi” (Mc 10, 29-30). Chính điều đó đã khẳng định rằng: Thập giá luôn là một thực tại gắn liền với cuộc đời thánh hiến; hay cường điệu một chút: Thập giá là chọn lựa căn bản của đời thánh hiến.

            Để xác minh điều nầy, chúng ta hãy cùng nghe Đức Thánh Giáo hoàng G.P II nhắn nhủ các người thánh hiến: “Đời thánh hiến phản ảnh vẽ lộng lẫy nầy của tình yêu, bởi vì, bằng sự trung thành với mầu nhiệm Núi Sọ, đời thánh hiến tự nhận tin ở tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và sống với lòng tin đó. Như vậy, đời thánh hiến góp phần gìn giữ trong Giáo Hội ý thức sinh động rằng Thập giá là sung mãn tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế gian. Thập giá là dấu chỉ vĩ đại về sự hiện diện cứu độ của Chúa Ki-tô, và điều đó đặc biệt đúng trong những nổi khó khăn và thử thách. Có rất nhiều người được thánh hiến liên tục làm chứng về điều đó với một sự can trường rất đáng khâm phục, khi họ thường xuyên phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn, kể cả bị bắt bớ và tử đạo” (ĐSTH 24).

2.3. Giúp sống mầu nhiệm thập giá:

– Như Đức Ki-tô, đón nhận thập giá trong tâm tình thông hiệp với Thiên Chúa cách thân mật và hiếu thảo: “Nầy đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16, 32).

            Vâng, Đức Ki-tô hiện diện với Đức Chúa Cha, sống thân mật với Chúa Cha đó là điều chúng ta nhận ra cách rõ nét trong bi kịch thương khó. Trái lại, khi gặp đau khổ, con người dễ bị ném vào trạng thái cô độc, có khuynh hướng cắt đứt mọi mối tương quan, cả với Thiên Chúa. Điều “tiêu cực” nầy thường dẫn đến hai hậu quả tai hại: hoặc là thất vọng, bế tắc… đến độ tự tìm lấy con đường giải thoát (tự tử); hoặc sống “bất cần”, tung hê mọi thứ, nỗi loạn…

Hãy cầu nguyện để chính trong những lúc đó phải là những phút giây chúng ta hiện diện đậm đà, thân mật với Thiên Chúa. Đồng thời, xin Chúa mở con mắt đức tin và mở con tim tình yêu để nhìn thấy và đón nhận thập giá của chính mình và của tha nhân trong thánh ý của Thiên Chúa và trong cuộc khổ nạn của chính Đức Kitô. Để cảm nhận điều nầy, chúng ta hãy nghe chứng từ của ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận: “Chúng ta có thể làm được, nếu biết nhìn trong mọi đau khổ của bản thân và tha nhân một bóng dáng đau khổ vô biên của Chúa, một khía cạnh, một nét mặt của Ngài. Mỗi khi đau khổ xuất hiện, chúng ta không xua đuổi nó, nhưng tiếp nhận nó trong tâm hồn, như thể chúng ta đón nhận Chúa. Và rồi nếu quên mình đi, chúng ta đáp ứng đầy yêu thương những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta trong giây phút hiện tại, nơi tha nhân mà người đặt trước chúng ta… Tôi nhớ lại kinh nghiệm của tôi trong những năm đen tối của cảnh tù đầy. Trong thẳm sâu những đau khổ của tôi, có một vài tâm tình mang lại cho tôi an bình trong tâm hồn: tôi không loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi. Tôi tự nhủ: chính Thiên Chúa là tình thương sẽ xét xử tôi, chứ không phải thế gian, không phải Nhà nước, không phải guồng máy tuyên truyền. Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn lại một mình Thiên Chúa không thay đổi…”[6].

– Như Đức Ki-tô, đón nhận thập giá trong tâm tình thông hiệp với anh em: Trên con đường khổ giá và trong những giây phút hấp hối trên đồi Canvê, Chúa Ki-tô không ngừng gặp gỡ anh em để ủi an (Lc 23, 27-30), để tha thứ (Lc 23, 43), để lo lắng, ủy thác (Ga 19, 25-27)… Tại Việt Nam chúng ta, vào buổi chiều ngày 26.7.1644, trên con đường tiến ra pháp trường “Gò Xử” ở Quảng Nam, thầy Giảng Anrê Phú Yên chân vui tiến bước, miệng lưỡi không ngừng chia sẻ với đoàn người tháp tùng chung quanh về niềm tin và con đường về trời; và trước khi bị chém, vẫn bình thản chào từ giã mọi người cùng với di chúc tinh thần tuyệt hảo: “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi cho đến trọn đời” [7]. Trong cảnh tù ngục thương đau, thánh linh mục Maximilien Kolbe sẵn sàng chết thay cho một bạn tù…

– Đón nhận thập giá để “trở nên hoàn thiện mỗi ngày”: Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn mời gọi dân Chúa nên thánh đã khẳng định: Thập giá, nhất là những mệt mỏi và đau khổ mà chúng ta trải nghiệm khi sống luật yêu thương và theo đuổi con đường công lý, chính là nguồn tăng trưởng và thánh hóa. Chúng ta hãy nhớ rằng khi Tân Ước nói chúng ta sẽ phải chịu đau khổ vì Tin Mừng, chính là nói đến những cuộc bách hại” (x. Cv 5,41; Pỉ 1,29; Cỉ 1,24; 2 Tm 1,12; 1 Pr 2,20; 4,14-16; Kh 2,10)[8].

Thánh Nữ  Rosa Lima đã xác tín chân lý trên khi phát biểu rằng: “Ngoài Thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời”; đây cũng chính là “con đường nên thánh” của thánh nữ người Phi Châu, Josephine Bakhita, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc đến như một chứng nhân sống động trong tông huấn Gaudete et Exsultate: Việc phụ thuộc vào Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và giúp ta nhận ra phẩm giá cao quý của minh. Chúng ta thấy điều này nơi Thánh Josephine Bakhiía: “Bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ lúc còn bé khi mới lên bảy. Thánh nữ đã chịu đau khổ rất nhiều trong tay các chủ nhân độc ác. Nhưng thánh nữ đã hiểu được sự thật thâm sâu này, là Thiên Chúa, chứ không phải phàm nhân, mới là Chủ Nhân đích thật của mọi người, của mọi sự sống con người. Kinh nghiệm này đã trở thành một nguồn khôn ngoan tuyệt vời cho người con gái khiêm hạ này của Phi Châu”[9]. Trong khi đó, thánh nữ Têrêsa hài Đồng Giêsu lại khẳng định: “Chúa biết đau khổ là phương tiện duy nhất để chuẩn bị cho chúng ta hiểu biết Chúa như chính Chúa hiểu biết về Mình, và chính chúng ta cũng trở nên thánh thiêng (divine)” nhờ Ơn Thánh Hóa.”[10]

– Đón nhận Thập giá vì nhiệm thể là Hội Thánh: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).

   Vâng, đón nhận thập giá vì Hội Thánh, trong Hội Thánh và với Hội Thánh, để trở nên dụng cụ cứu độ, để nối dài “Hy tế của Đấng Cứu Độ”, để cùng với Đức Kitô “bị treo lên hầu kéo mọi người lên”… đó không phải là con đường đẹp nhất và đúng nhất của mọi Kitô hữu, đặc biệt, của những người thánh hiến đó sao ? Chính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã cảm nghiệm thật sâu chân lý nền tảng nầy: “Từ khi Chúa nâng cao tiêu chuẩn của Thánh Giá, tất cả mọi người phải chiến đấu và chiến thắng dưới bóng thánh giá đó. Sự đau khổ và bách hại cao xa hơn nhiều so bài thuyết giáo hùng hồn mà Chúa Giêsu ước muốn xây dựng cho Vương Quốc Chúa.”[11]. Và chị thánh cũng xác tín rằng: mỗi một hy sinh thầm lặng, “một bước đi mệt nhọc”… đều là một sự nâng đỡ, hỗ trợ cho những “bước chân mệt mỏi” của các thừa sai trên cánh đồng truyền giáo…

Kết: Con đã dâng cho Chúa tất cả.

Chúng ta có thể tìm được ý nghĩa “Hiến Tế” thập giá của Đức Kitô qua một số những cuộc “hiến tế” giữa đời thường cuộc sống, mà có thể, ẩn giấu đâu đó, có cả “hiến tế” của mỗi người chúng ta, như cách cảm nhận sau đây của cô gái Vêrônica phung cùi người Camêrun, cho dù mù mắt, cùi tay, cụt giò, vẫn vui tươi biến cuộc đời thành hy lễ và nhận chân đời mình được đong đầy kỳ diệu, để Lời Chúa kết trái đơm bông nơi bao nhiêu anh chị em thương tật cùi hủi khác, mà lời thơ sau đây là một chứng từ rõ nét:

Lạy Chúa,

Chúa đã đến, đã xin con tất cả,

Và con đã dâng Chúa tất cả:

Con thích đọc,

Chúa đã lấy mất của con đôi mắt.

Con thích chạy nhảy giữa rừng cây,

Chúa đã lấy mất của con cặp giò.

Con thích hái hoa mùa xuân,

Chúa đã lấy mất đôi bàn tay con.

Con là phụ nữ,

Thích ngắm mái tóc mình óng ả

Và những ngón tay mình thanh tú,

Thì giờ đây,

Đầu con trọc lóc đến nơi rồi,

Và thế chỗ cho những ngón tay thanh tú,

Con chỉ còn những mẫu cùi cứng khô.

Chúa xem nè,

Thân hình duyên dáng của con,

Đã hư hoại quá mất rồi.

Nhưng,

Con không nổi loạn,

Con tạ ơn Chúa.

Muôn đời con sẽ thưa lời tạ ơn.

Bởi, nếu đêm nay con chết,

Con sẽ nhận thức được rằng:

Đời con đã được đong đầy kỳ diệu.

Sống lấy tình yêu,

Con đã được đổ cho ắp tràn giàn giụa,

Hơn hẳn lòng mình mong ước.

Ôi, Cha của con,

Cha tốt với con gái bé nhỏ Vêrônica

Của cha dường nào !

Và chiều nay,

Hỡi tình yêu của con !

Con xin cầu nguyện cho hết mọi người cùi

Khắp thế giới,

Nhất là con xin cầu nguyện cho những người

Mà chứng bệnh cùi tinh thần,

Đang vật đổ họ xuống,

Tàn phá họ,

Chiến thắng họ.

Chính những ngừời đó, con thương hơn cả.

Và lặng thầm,

Con hiến dâng mình con vì họ,

Bởi họ là anh em chị em với con.

Ôi ! Mến thương của con,

Con trình dâng Ngài,

Căn bệnh cùi thể xác của con,

Để những anh chị em ấy

Khỏi phải nếm biết

Cái nhờm tởm,

đắng cay và lạnh lẽo,

của bệnh cùi tinh thần.

Con là con gái bé bỏng của Cha.

Ôi ! Cha hãy nắm tay dắt con đi

Như bà mẹ dẫn dắt bé thơ,

Hãy xiết chặt con vào lòng Cha

Như ông bố

Ôm xiết đứa con nhỏ trong lòng mình.

Hãy ghìm con xuống sâu thẳm trái tim Cha,

Và ước chi con được ở đó mãi

Với những nguời con mến thương

Đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Chúng ta hãy cầu xin cho thế giới hôm nay có thêm được nhiều những mảnh đất tâm hồn như thế, và dĩ nhiên, trong đó có chúng ta.

Trương Đình Hiền (Bài giảng tĩnh tâm tháng 3/2023 – Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)


[1] GM. GIUSE VÕ ĐỨC MINH, Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu theo Thánh Gioan (Ga 18-19).

[2] Lời truyền phép trong KNTT, theo Sách lễ Rôma.

[3] TRĂNG THẬP TỰ, bài thơ “Đáp Lễ”.

[4] ĐHY F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng Nhân Hy Vọng, tr. 148.

[5] Sđd, tr. 148-149.

[6] ĐHY F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng Nhân Hy Vọng, sđd, tr. 151-152.

[7] NHIỀU TÁC GIẢ, Rực sáng một vì sao, Tìm về chân dung Á Thánh Anrê Phú Yên, lm. Giuse Trương Đình Hiền biên tập, nxb Tôn Giáo 2006, bản tường trình đầu tiên của cha Đắc Lộ, tr. 15.

[8] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn “hãy vui mừng hoan hỷ” (Gaudete et Exsultate), 92.

[9] Sđd, 32.

[10] ĐỨC GIÁM MỤC A.A. NOSER, S.V.D., D.D., Niềm vui trong đau khổ (Joy in suffering), website

https://sites.google.com/site/nhungthongdiep1/sach-huan-dhuc/12-thanh-teresa-hai-dhong-giesu-niem-vui-trong-dhau-kho

[11] Sđd.