Views: 51
(Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B 2023)
Hơn mười năm trước, chính xác là vào năm 2010, có một ca khúc của nhạc sĩ Akira Phan (Tức Phan Võ Thanh Hùng) mang tên “Đợi chờ là hạnh phúc” rất được các bạn trẻ ưa thích; đây cũng là ca khúc hít trong album nhạc “Điều ước giản đơn” của Akira Phan. Lời ca của nhạc phẩm nầy xoay quanh “sự đợi chờ của hai người yêu nhau” sau khi chia tay ở phi trường… Có thể nói ý tưởng chính mà nhạc sĩ muốn gởi gắm nơi ca khúc này đọng lại ở một câu trong Điệp khúc: “Trong tình yêu, đợi chờ là hạnh phúc”! Nếu đối với những người đang yêu thì “đợi chờ là hạnh phúc”, thì riêng, đối với những người Kitô hữu, phải thêm vào: “Trong đức tin, đợi chờ là hạnh phúc”!
Vâng, khi mùa Đông chợt vừa chớm lạnh, khi những cơn “mưa dầm gió bấc” dần nhẹ đi, khi trong các giáo đường thấp thoáng sắc tím của tà áo lễ linh mục hay tiếng phong cầm âm vang giai điệu “Trời cao xin đổ sương mai”…, người Công Giáo nào cũng thấy nao nao một niềm hạnh phúc: niềm hạnh phúc “được đợi chờ Chúa đến” trong dịp đại lễ Giáng Sinh; hay “đón đợi Chúa đến trên muôn nẻo đường cuộc sống” để đong đầy niềm hy vọng “gặp Chúa đến viếng thăm” khi giã từ “sân cỏ cuộc đời”!… Hôm nay, dân Công Giáo đang bước vào Mùa Vọng với Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng (chu kỳ Năm B) khai mạc một Năm Phụng vụ mới 2024.
Trong tiếng La Tinh, Mùa Vọng được gọi là ADVENTUS, xuất phát bởi động từ ADVENIRE hay ADVENTARE, có nghĩa “đến gần”, “đang tới”; nếu “kẻ đang đến” đó là một vị vua, một hoàng đế, thì gọi là “giá lâm” hay “quang lâm”.
Nhưng nếu có ai đang đến thì phải có kẻ đợi chờ, đón gặp; nếu có vị vua “giá lâm” thì phải có thần dân “sẵn sàng dàn chào đón rước”. Giáo Hội Việt Nam dùng từ “VỌNG” để diễn tả “ý nghĩa kép” ĐẾN và ĐỢI đó: vừa nhấn mạnh việc “Chúa đến lần thứ nhất” qua mầu nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh, đồng thời hướng tới ngày “Chúa đến lần thứ hai” khi “quang lâm” xét xử; vừa đề nghị thái độ và tâm tình vươn về phía trước, hướng đến đàng xa, để “đón đợi”, để “gặp gỡ. Gần là sẵn sàng cho đại lễ Giáng Sinh; xa là “sắp sẵn” để được “gọi vào hưởng Nước Trời”: “Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu, và gọi vào hưởng phúc Nước Trời…” (Lời nguyện Nhập lễ). Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật I Mùa Vọng đã trình bày thật rõ nét hai chiều kích ý nghĩa trên; vừa qua kinh nghiệm “đợi chờ Chúa đến” của dân tộc Israel thời Cựu ước, vừa xác tín với những lời dạy “tỉnh thức” của chính Đức Kitô và “cảm nhận hồng ân đợi chờ” của Thánh Phaolô và cộng đoàn tín hữu Côrintô thuở ban đầu Giáo Hội.
Trước hết, kinh nghiệm đức tin của dân Israel đã nói với chúng ta rằng: nỗi khốn khổ lớn lao nhất, tình trạng bi đát nhất của Dân Chúa chính là bị “Thiên Chúa tuyệt giao”, ẩn mặt, như cách diễn tả của ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1: “Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa?… Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi”.
Từ cái “cảm nghiệm” về nỗi thống khổ và bi đát bị Chúa bỏ rơi, Chúa bỏ mặc đó, dân Israel lại cho thấy sự cần thiết tuyệt đối của việc Chúa đến viếng thăm, Chúa trở lại mối giao tình, thực thi Giao ước…, và họ đã khát khao, trông cậy, nguyện cầu tha thiết để đợi chờ Chúa đến: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống… lạy Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa…”.
Khi hát lại những lời ca kinh tha thiết “Trời cao xin đổ sương mai, mây ơi hãy mưa Đấng Công Chính…”, Dân Chúa của Mùa Vọng hôm nay sống lại chính cái cảm nghiệm “Chúa Đến” tuyệt vời đó giữa một thế giới bị trần tục hóa mà lời của ngôn sứ Isaia vẫn chưa sai: “không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa”.
Từ kinh nghiệm “khát mong Chúa đến” của Dân Cựu ước, chúng ta sẽ được khơi gợi sống tâm tình Mùa Vọng qua chính kinh nghiệm và Lời dạy của Đức Kitô, Đấng là tiêu đích, là trọng tâm của niềm tin Kitô giáo! Thật vậy, vì được nuôi dạy và lớn lên trong môi trường đức tin của cha ông, Đức Kitô đã cảm nghiệm thật rõ tình trạng sống đạo của dân tộc Ngài lúc bấy giờ: “không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa”. Và Ngài đã dày công canh tân niềm tin bằng cách loan báo một Tin Vui về Nước Thiên Chúa, hiện thực nơi chính “Lời” và “hành động” của Ngài mà các ngôn sứ đã tiên báo: “Thần Khi Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4,18-19). Và điều đòi hỏi tối quan trọng, dứt khoát để đi vào Nước Thiên Chúa đó là thái độ “mở lòng ra để tin nhận Ngài”, là “hoán cải để đi theo lộ trình Bát Phúc” do Ngài đề nghị, là khiêm hạ nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi để phó thác cho lòng xót thương của Thiên Chúa…
Sống theo Lời dạy của Đức Kitô hay sống Mùa Vọng hôm nay chính là: “sắp sẵn, khiêm hạ, chỉn chu” từ những chi tiết nhỏ, mà ngôn ngữ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Máccô đó là “Tỉnh thức”: “Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”.
Trong ngôn ngữ Tin Mừng, thái độ “đợi chờ”, “tỉnh thức” mà Chúa Giêsu đề nghị hoàn toàn mang tính chủ động và tích cực như câu chuyện thời sự thế giới hôm nay: “những người lính chiến Ukraina đang sắp sẵn cho một trận địa chiến lớn của Nga”; hay như câu chuyện “Nàng Penelope dệt Khăn đợi chồng” trong sử thi “Cuộc chiến thành Troa”: nàng Penelope chờ đợi chồng là tráng sĩ Ullisse chiến đấu phương xa không nản lòng, không mệt mỏi và khước từ mọi cám dỗ bằng cách “dệt cho xong tấm khăn”. Ban ngày dệt, ban đêm tháo. Mãi 20 năm sau mới gặp lại chồng…
Ý nghĩa “đợi chờ Chúa đến” của Mùa Vọng, một cách nào đó, cũng là một cuộc “tỉnh táo trước chiến hào cuộc sống” để chiến thắng trong cuộc chiến một mất một còn; hay “dệt cho xong tấm khăn của cuộc đời mình” để gặp gỡ Thiên Chúa. Đây là “sự tỉnh thức của đôi tai” để luôn nghe Lời Chúa phán dạy; của đôi mắt để luôn nhận ra Chúa nơi những người bé nhỏ; nơi đôi tay để luôn mở rộng yêu thương phục vụ; của đôi chân để nhiệt thành ra đi loan báo Tin Mừng…
Như vậy, “tỉnh thức đợi chờ Chúa đến” đâu chỉ là “chuyện của tương lai”, của “ngày chung thẩm”, của “Ngày Chúa quang lâm xét xử địa cầu”… mà là chuyện của “hôm nay, bây giờ”. Nói cách khác, tương lai của chúng ta, vận mệnh đời đời của chúng ta bắt đầu ngay hôm nay, bây giờ.
Nhưng chúng ta đừng quên, “tỉnh thức” còn là một ơn trọng Thiên Chúa ban, như chính Thánh Phaolô xác quyết trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Để nhận được ơn “kiên vững đợi chờ trong vững lòng cậy trông”, người Kitô hữu được thúc nhắc cầu nguyện không ngừng trong suốt những ngày Mùa Vọng này với lời của Thánh vịnh 26: “Hãy nâng tâm hồn lên tới Chúa”. Nâng tâm hồn lên tới Chúa với niềm xác tín “không bao giờ hổ ngươi, không bao giờ thất vọng”, vì Chúa chắc chắn “đang trở về”, đang có mặt; chứ không phải “sự đợi chờ vô vọng” cho tới chết của “chú chó Hachico Nhật Bản” đợi chờ ông chủ là giáo sư Ueno không bao giờ trở lại[1]. Vâng, ý nghĩa tích cực của “Mùa Vọng Kitô giáo” chính là “Hạnh phúc vì được đợi chờ”!
Vâng, Chúa đang trở về chính nơi bàn Tiệc Thánh Thể nầy; và chút nữa đây, Ngài trở về bằng chính Máu Thịt được trao ban cho chúng ta. Gặp được Chúa hôm nay, bây giờ, chắc chắn sẽ gặp Chúa trong ngày sau hết của đời mình hay trong ngày chung thẩm của hoàn vũ. Bởi vì Chúa đã phán: “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta sẽ sống muôn đời”. Amen.
Trương Đình Hiền
[1] Trong khuôn viên Đại học Tokyo có một tượng đài mang tên “CHÚ CHÓ ĐỢI CHỜ”. Đây là bức tượng ghi nhớ chú chó Hachico của giáo sư Ueno… Sau khi ngài Ueno đột ngột qua đời, con cho Hachico mỗi ngày, trong suốt mười năm liền, ra đón đợi người chủ của mình tại ga tàu Shibuya cho tới chết.