HÀNH TRANG TRONG “DẤU LẠ BIẾN HÌNH”

Views: 39

(Chúa Nhật 2 MC Năm C 2022)

Một cuộc “lên đường”, một chuyến “đi xa” bao giờ cũng ẩn chứa một chút gì xót xa của từ bỏ, một chút gì tiếc nuối của giã từ. Cho nên, một thi sĩ người Pháp, Edmond Haraucourt (1856-1941) trong bài thơ “Rondel de l’ adieu” (Khúc ca ly biệt) đã từng cảm nhận: Partir c’est mourir un peu (Đi là chết một ít) để sau nầy thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã thốt lên:

Người đi một nửa hồn tôi mất,

một nửa hồn tôi bỗng dại khờ !

            Và trong những ngày nầy, cả thế giới ai cũng rơi nước mắt khi xem đoạn video chiếu cảnh chia ly vợ và con thơ để lên đường ra tiền tuyến của của một anh lính chiến Ukraina…; đứa bé vừa khóc vừa đánh vào cổ vào má của người cha cách tức tưởi trước cuộc chia tay khắc nghiệt nầy ! Vâng, “đi là chết…” không phải “một ít”, mà đôi khi, “chết cả tâm hồn”, “chết cả vũ trụ xung quanh” đến độ “sỏi đá không còn”… như cách cảm nhận của thi sĩ Nguyễn Tâm, trong bài thơ “Ngày em ra đi”:

Chiều sân ga tiễn em anh thầm hỏi
Mai trong đời sỏi đá có còn không ?

Nhưng trong viễn cảnh Lời Chúa, lên đường, ra đi đó lại là một biểu tượng đẹp của đức tin, của một “chuyển động tích cực” nói lên sự dấn thân để hướng đến, để thuộc về, để dứt khoát “vượt qua chính mình và thuộc về Thiên Chúa”, để “giã từ quá khứ và hướng đến tương lai”; để “vượt thoát cũ mòn, xơ cứng và tiến tới cuộc sống mới tốt lành thiện lương”

Hình ảnh Chúa đưa cụ Tổ Abram “nhìn lên bầu trời đầy sao” để rồi nói với ông rằng: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao”. Rồi Chúa nói tiếp: “Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”… Và Chúa lại nói: “Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp”, là một dấu chỉ sống động cho mọi ơn gọi trong Dân Chúa: ơn gọi ra đi của niềm tin và vì niềm tin, như chính lời sách Sáng Thế xác định: “Abraham tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính”.

            Phải chăng, Lời Chúa hôm nay muốn khơi gợi lên dấu chỉ nầy, lời réo gọi nầy trong tâm hồn mọi tín hữu để sống trọn vẹn ý nghĩa sâu xa của Mùa Chay; và đặc biệt hơn, để “dấu chỉ nầy, lời réo gọi nầy” vang vọng cách sâu xa và mãnh liệt nơi tâm hồn của những anh chị em Dự tòng, những kẻ đã được Thiên Chúa kêu gọi vào niềm tin vào Ngài và sắp sửa chính thức nói lên cách trang trọng và dứt khoát “TIN và TỪ BỎ” trong cử hành Bí tích Nhập Đạo đêm Vọng Phục Sinh sắp tới !

            Thật vậy, đối với những người đã từng gắn bó với một “thành UR” nào đó của tín ngưỡng cũ, của niềm tin ngoại đạo trước đây, của thói tục xa lạ với Tin Mừng, thì việc “bước vào một đức tin mới”, tin thờ một Thiên Chúa, một Đức Kitô hoàn toàn mới mẻ, và gia nhập vào một cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo bao gồm những anh chị em xa lạ… không là một cuộc “đi xa, bức phá” của một Abraham lên đường theo tiếng gọi đó sao ?

            Và không riêng họ mà cả chúng ta, những người đã từng theo Chúa, tin Chúa dài lâu, lại không đã từng trải qua những kinh nghiệm trăn trở, ưu tư của các Thánh Tông Đồ trong những ngày gặp gỡ rồi đi theo Đức Kitô: Niềm tin nầy sẽ dẫn mình đi đâu, tới đâu ? Sẽ mang lại điều gì giá trị hơn, hay ho hơn chăng ? (Mc 10,28-30). Chẳng lẽ rồi tất cả sẽ dẫn tới một đích điểm “tối om”, buồn rực…? như chính Thầy Giêsu đã từng tiên báo không phải một mà nhiều lần: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống dậy.” (Mc 8,31; 9,31;10,33).

            Không. Để củng cố niềm tin và trả lời dứt khoát cho những môn đệ ngày xưa, hay để nói cho muôn thế hệ Kitô hữu muôn nơi muôn thuở, và cho riêng các anh chị em dự tòng hôm nay biết rằng: ở cuối đường thập giá là Phục sinh, tiêu đích của “con đường Kitô”, của sự chọn lựa niềm tin vào Đức Kitô, chính là chiến thắng vinh quang, là rạng ngời vinh hiển của phận người, là cuộc “Biến hình, lột xác” của cái tôi xác thịt nặng nề tội lỗi để trở nên “một con người mới” trong vương quốc rạng ngời thánh thiện của Thiên Chúa !

            Như chúng ta biết, theo “ngữ cảnh Tin Mừng”, sự kiện “Chúa Biến Hình trên núi” không là một câu chuyện tình cờ, “ngẫu hứng” trên con đường đi về Giêrusalem của Chúa Giêsu, mà là một mạc khải quan trọng soi chiếu vào con đường dài lịch sử cứu độ; nhất là làm rực sáng lên như một “chân trời đích điểm”, một “focus” của huyền nhiệm thập giá. Bởi vì, xuyên qua “sự kiện Biến Hình”, chúng ta có thể thấy một sự đối xứng trong “mạc khải của chính Đức Kitô” đi liền trước như một khúc dạo đầu: “Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Lời tiên tri trên chẳng phải ngụ ý:

– Bên kia “Đồi Sọ” của thương đau khổ nạn, đã vươn lên “Núi Ta-bo” của rạng ngời Phục sinh:

– Đằng sau một Giêsu Nadarét tội nhân xác thân trần truồng, rách nát, chết tủi nhục thương đau trên thập giá, là một Đức Kitô vinh hiển rạng ngời.

            Chúng ta đừng quên, trong “diễn cảnh Biến Hình”, Tin Mừng đã nhắc tới cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu “biến hình” với hai nhân vật tượng trưng cho hai truyền thống vĩ đại và nền tảng của Cựu ước: Môsê (Lề Luật), Êlia (Ngôn Sứ), lại xoay quanh câu chuyện “cái chết (hay cuộc ra đi) của Người tại Giêrusalem”: “Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem”. Chi tiết nầy càng củng cố thêm:

– Trong cuộc “xuất hành” thời Môsê, bên nầy Biển Đỏ với sa mạc chết chóc và nô lệ đoạ đầy, đã thấp thoáng bến bờ “Đất Hứa”; Đức Kitô, một “Môsê mới” sắp sửa tái diễn cuộc Vượt Qua Mới qua mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh để dẫn đưa đoàn Dân Mới vào “Đất Hứa quê trời”.

– Trong cuộc lưu đày thời các Ngôn sứ, đã sáng lên niềm hy vọng “trở về và tái thiết Salem”. Nhà đại ngôn sứ Giêsu cũng đang đồng hành với Dân Mới trong cuộc Vượt Qua của Ngài để canh tân và biến đổi Giáo Hội hay tái dựng những “đền thờ Giêrusalem mới” là tâm hồn các tín hữu.

            Như vậy, dưới ánh sáng của các “diễn trình Lời Chúa” vừa được công bố đó, chúng ta một lần nữa lắng nghe lời mời gọi tha thiết của Mùa Chay đó là: định hướng lại nhịp sống đức tin có thể đang trên đà sai lệch, và làm mới lại những thực hành sống đạo có nguy cơ đang ngủ vùi trong trạng thái cũ mòn xơ cứng. Đó là cuộc gọi mời không ngừng biết vươn cao và đi xa.

            Để áp dụng vào cuộc sống, chúng ta có thể nhận ra rằng: khi chọn lựa sự phân định trong viễn tượng “Biến Hình” hay “vươn cao và đi xa” nầy, các linh mục sẽ sẵn sàng với “bài sai mới” và thanh thản với những cuộc hoán chuyển mục vụ; các tu sĩ nam nữ sẽ hân hoan đón nhận mọi gian nan và thách đố của sứ vụ từ Bề Trên và luôn trung thành với lời cam kết Khấn Dòng trong mọi hoàn cảnh; các các bậc cha mẹ, con cháu trong gia đình sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong hy sinh phục vụ, trong túng quẫn khó nghèo, tật nguyền bệnh hoạn…; các bạn trẻ sẽ tìm được lý tưởng và ý nghĩa khi để Chúa Giêsu đồng hành trên mọi nẻo đường hướng đến tương lai…

            Nếu đặt cuộc sống và sự chọn lựa đức tin trong viễn tượng cuộc “ra đi giã từ quê hương cũ của Abraham” và sự “lên núi cao để biến hình của Đức Kitô” như sứ điệp Lời Chúa hôm nay minh hoạ, thì tất cả chúng ta, đặc biệt, mỗi anh chị em dự tòng, không chỉ trong Mùa Chay nầy, mà xuyên suốt cuộc đời, đều có những cuộc “ra đi” và “lên cao”, những cuộc hành trình của riêng mình để liên tục hoán cải, để không ngừng đổi mới, canh tân.

            Không thể chối cãi, với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, quả thật, toàn thế giới đang sống trong một bối cảnh xã hội, đạo cũng như đời, đầy dẫy những “vấp phạm”, những lực kéo và cám dỗ con người quay lưng lại với những giá trị đạo đức thanh cao để ươn hèn trụ lại trong vũng lầy của biếng lười, ích kỷ, dục vọng…; một thế giới hùa nhau chống lại Hội Thánh Chúa Kitô, và loại bỏ những giá trị của Tin Mừng bằng nhiều phương thế hiện đại để tự tung tự tác…; một thế giới mà Thánh Phaolô đã từng trải nghiệm nơi cộng đoàn Philipphê: “có những người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng…” (Bđ 2). Và vì thế, lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô luôn mãi vẫn hợp thời: “Hãy vững vàng trong Chúa” và luôn đặt niềm trông cậy vững vàng vào cuộc gặp gỡ cuối cùng nơi quê hương Nước Trời “ở đó có Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người”. (Bđ 2).

            Sau hết, trong cuộc “biến hình” hay “vươn cao và đi xa” nầy, chắc chắn chúng ta không cô độc, mà Đức Kitô luôn là một “khách bộ hành” đang chen vai sát cánh đồng hành với ta trên mọi “nẻo đường emmau trần thế”; và thi thoảng, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được cái “vỗ vai thân thương” của Ngài như cách cảm nhận của thi sĩ Trăng Thập Tự trong bài thơ “Leo Núi”:

Ngài vỗ vai tôi và ướm hỏi

Theo Ngài lên tận đỉnh kia chăng?

Ngài rõ lòng tôi, còn phải nói !

Vội vàng tôi xếp gọn hành trang…

Và gói hành trang mà ta phải mang theo và giữ mãi chính là Lời của Chúa Cha trong dấu lạ “Biến Hình”: “Hãy vâng nghe Lời Người”.

Giuse Trương Đình Hiền