Views: 91
(Chúa Nhật 3 Thường niên B 2024)
Khi bàn về “đặc tính người” của các dân tộc, người ta thường cho rằng dân tộc Do Thái có chỉ số thông minh (IQ) cao nhất thế giới. Theo sự khảo sát gần đây, nếu chỉ số thông minh IQ trung bình của thế giới là 100, thì IQ của người Do thái gần đến 118. Người ta cũng nói rằng nếu chỉ số thông minh IQ tối thiểu cho một thiên tài là 140, thì trong nhân loại trung bình cứ 1000 có được 4 người, còn với người Do thái, cứ 1000 người, có được suýt soát 29 người… Chỉ nói riêng phương diện tin học thì cũng đã có ba nhân vật mà mỗi bạn trẻ đều biết: Người sáng lập ra công cụ tìm kiếm Google, Sergey Brin, người sáng lập ra mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg, kẻ “phát minh ra” “Chat GPT”, Sam Altman, những công cụ ứng dụng “trí tuệ nhân tạo” đang làm mưa làm gió trong thế giới hôm nay, đều là người Do thái…
Có nhiều giả thuyết để cắt nghĩa lý do sự thông minh xuất chúng của dân Do Thái. Tuy nhiên, theo Robert Aumann, một người Do Thái đoạt giải Nobel Kinh tế (Lý thuyết trò chơi) vào năm 2005, điều tạo ra các thiên tài người Do Thái chính là do truyền thống đọc sách nói chung và cụ thể là học Kinh Thánh Do Thái[1].
Kể từ khi dân Do Thái tản mát khắp thế giới, nhất là khi Kitô giáo xuất hiện, với bộ Kinh Thánh bao gồm cả Cựu ước (Do thái giáo) và Tân ước (Kitô giáo) được loan truyền, nhiều quốc gia Phương Tây đều trân trọng giá trị ưu việt của Kinh Thánh; riêng, quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh, nước Mỹ, đã đặt nền tảng chính trị trên chính Kinh Thánh: Tổng thống Mỹ, khi tuyên thệ nhậm chức, đặt tay trên cuốn Kinh Thánh. Và chúng ta cũng đừng quên, một trong những điều ấn tượng nhất của Nội Các Tổng Thống thứ 45 của Mỹ, D. Trump, đó là “Vào mỗi thứ Tư hằng tuần, tại một căn phòng ở Nhà Trắng, có một nhóm người quyền lực nhất nước Mỹ gặp nhau để cùng học Kinh thánh. Đây có thể nói là sự kiện hy hữu trong vòng 100 năm trở lại đây… Sở Mật vụ Mỹ không tiết lộ danh tính, nhưng người ta có thể đoán được các thành viên tham gia với những cái tên đầy quyền lực như Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos. Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry…”[2].
Sở dĩ, trong những thập niên gần đây và ngay chính hiện giờ, nước Mỹ bị chia rẽ, luân lý xuống cấp, các giá trị truyền thống lung lay, bất ổn chính trị, xã hội…, đó là vì dân Mỹ đã đánh mất những “quy chuẩn Kinh Thánh”[3], loại Kinh Thánh khỏi trường học và để mình bị khuất phục bởi hệ thống truyền thông, báo chí: “… có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta: ‘Chớ giết người, chớ trộm cắp, yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, v.v…, Và chúng ta đã đồng ý !… Điều Kì Lạ… là chúng ta lại có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh nói…”[4].
Sở dĩ nêu lên những sự kiện thời sự có liên quan đến Kinh Thánh ở trên vì Chúa Nhật hôm nay được Giáo Hội đặt làm “Chúa Nhật Lời Chúa”; và trong Tự sắc Aperuit Illis (Người mở trí cho các ông), chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng cảnh báo rằng: “Vì vậy, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Kinh Thánh, nếu không, trái tim chúng ta sẽ băng giá, đôi mắt sẽ khép lại, và vô số hình thức đui mù sẽ tấn công chúng ta”.
Và để đào sâu thêm vai trò của Lời Chúa, Kinh Thánh, trong nhịp sống đức tin, chúng ta cùng lắng nghe sứ điệp được chuyển tải qua các Bài Đọc vừa được công bố.
Trước hết, chúng ta vừa nghe Bài đọc 1 công bố với trích đoạn sách Giona, tường thuật về vị tiên tri mang cùng tên gọi, cứng đầu, bất đắc dĩ đã loan báo một “tin buồn dữ dội”: “còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Trước “bản tin giật gân động trời nầy”, toàn dân Ninivê đồng loạt đứng lên cùng nhau khiêm hạ ăn năn sám hối; và rồi “mùa đông băng giá của lắng lo đau buồn, của án phạt, đổ vỡ đã đi qua” để nhường chỗ cho một “mùa xuân của thứ tha và xót thương chợt đến”. “Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó”. Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng: Bản tin chết người của Giona hóa ra lại là một TIN MỪNG. Nếu không nhờ cái “tin chết người” nầy, thì làm sao dân Ninivê chuyển đổi, ăn năn sám hối, làm sao họ được thứ tha.
Chắc chắn, cũng chính trong ý nghĩa “Tin mừng luôn đi đôi với Sám hối”, “Tin vui gắn liền với thứ tha”, mà khi Đức Ki-tô khi loan báo về “Tin mừng Nước Thiên Chúa”, thì đồng thời Ngài đã kêu gọi một động thái tinh thần cơ bản kèm theo đó là “Sám Hối”: “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tin mừng về một Thiên Chúa là Emmanuel đang đến, đang hiện diện và đang đồng hành với nhân loại trên mọi nẻo đường cuộc sống! Phải hoán cải, sám hối mới nhận ra, mới gặp gỡ.
Nếu đem sứ điệp Tin Mừng nầy mà soi vào cuộc sống đời thường, thì quả thật, mỗi người Kitô hữu đều trải nghiệm đã nhiều lần “tin mừng đã đi qua cuộc đời”. Tin mừng đi ngang qua Tòa Giải tội để cho ta niềm vui tha thứ; Tin mừng đi ngang qua Thánh lễ để cho ta niềm vui đón nhận Thánh Thể Chúa vào lòng; Tin mừng đi ngang qua ngày ta lãnh bí tích Thêm Sức để Chúa Thánh Thần cho ta lớn lên và mạnh mẽ…; và rồi, đối với một số đông Tin mừng đã đi ngang qua cuộc đời khi cùng nhau cam kết sống đời đôi lứa trong bí tích Hôn phối; một số người khác, đó là ngày nhận lãnh hồng ân thánh chức hay can đảm nói lên lời cam kết khấn dòng…
Vâng, đối với những người tin vào Đức Kitô và đón nhận Tin mừng cứu rỗi, thì quả thật “Tin Mừng đã dàn trải cả cuộc đời chúng ta, Tin Mừng đã giăng mắc khắp đường đi lối bước của chúng ta. Một đức tin đúng nghĩa là một đức tin luôn tìm thấy “Tin mừng xuyên qua cuộc sống”. Và đó chính là điều Đức Kitô mang đến, là chính “Tin mừng về Nước Thiên Chúa” mà Đức Kitô đã công bố cách đây 2000 năm và Ngài truyền cho Giáo Hội tiếp tục chuyển tải cho thế giới, cho nhân loại. Vâng, Nước Thiên Chúa không ở đâu xa, đang ở đây, giây phút nầy, khi ta mở rộng cõi lòng đón nhận sự hiện diện ắp đầy của Thiên Chúa, tình thương cứu độ của Đức Kitô, xuyên qua mọi biến cố, ngỏ ngách, sự kiện của đời thường…
Thế nhưng, để có thể biết được Thiên Chúa, để có thể nhận ra Đức Kitô thì không có con đường chắc chắn nào khác ngoài con đường THÁNH KINH, như trải nghiệm của thánh Giáo phụ Giêrônimô mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại trong Tông thư Scripturae Sacrae Affectus (Lòng yêu mến Kinh Thánh): “chỉ vì Kinh Thánh đã dẫn dắt ngài học biết Đức Kitô, bởi lẽ, không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”[5].
Nói cách khác, cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu, hay cuộc lữ hành miên viễn của nhân loại trên trái đất nầy chỉ có thể được định hướng, dẫn dắt, và tìm thấy ý nghĩa cũng như cùng đích cuối cùng khi biết mở lòng ra đón nhận Lời Chúa; bởi vì, nếu không, sẽ như lời Đức Phanxicô lưu ý trong Tông thư Aperuit Illis: “trái tim chúng ta sẽ băng giá, đôi mắt sẽ khép lại, và vô số hình thức đui mù sẽ tấn công chúng ta” (Aperuit Illis số 8).
Và chính vì lẽ đó mà tất cả những ai đã nhận được “mật ngọt dịu dàng của Lời Chúa”, những ai đã từng cảm nghiệm “Tin Mừng xuyên qua chính cuộc đời mình”… , thì phải có trách nhiệm “ra đi”, “chia sẻ”: “Hiệu quả dịu dàng của Lời Chúa thúc đẩy chúng ta chia sẻ với những người mà chúng ta gặp gỡ trong đời sống thường ngày để diễn tả cho họ sự chắc chắn về niềm hy vọng mà Lời Chúa chứa đựng” (cf. 1 P 3, 15-16) (Apruit Illis số 12).
Sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay lại vang lên trong những ngày cuối năm Âm lịch, những ngày mà nhiều người đang tất bật xôn xao bận bịu đủ thứ chuyện trên đời. Trong một thế giới đang bị cám dỗ để chạy theo tiền tài, vật chất và những giá trị trần tục chóng qua, thì một lần nữa, lời Thánh Phaolô hôm nay trong Bài đọc 2, đã vang lên như một lời cảnh báo cần thiết: “bộ mặt thế gian đang qua đi”.
Chắc chắn, đó không là một lời nói “mị dân, phĩnh gạt” để chúng ta sao nhãng những trách nhiệm trần thế; nhưng cốt yếu, để luôn tỉnh táo và xác tín rằng: Chỉ có một điều mãi mãi tồn tại và mỗi ngày đang phát triển, đó chính là Nước Trời, là Đức Kitô, là Thiên Chúa tình yêu vĩnh cửu. Và vì thế, ưu tiên số một mãi mãi vẫn là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa”, là yêu mến lắng nghe, thực hành Lời Chúa như như lời dạy của sách Đệ nhị luật: “Lời này ở gần ngươi, Lời ở trong miệng ngươi và trong tim ngươi, để ngươi đem ra thực hành” (Đnl 30, 14) (Aperuit Illis số 15). Amen.
Trương Đình Hiền
[1] X. website Kinh Thánh và sự Thông minh của người Do thái – Cecrs (trungtamtongiao.vn)
[2] X. website https://www.ntdvn.com/chuyen-de/bai-1-day-moi-la-ly-do-khien-nuoc-my-vi-dai-8985.html
[3] X. website http://gpbuichu.org/news/Suy-tu/Chung-ta-dang-gat-Thien-Chua-ra-khoi-moi-thu-3488.html. Bài viết: Chúng ta đang gạt Thiên Chúa ra khỏi mọi thứ? (Nguyên tác: Are we taking God out of everything? Thạch An chuyển ngữ.
[4] X. website
https://www.facebook.com/622765514740219/posts/1051286481888118/
[5] ĐGH PHANXICÔ, Tông thư Scripturae Sacrae Affectus (Lòng yêu mến Kinh Thánh), Ban hành ngày 30.9.2020, nhân dịp kỷ niệm 1600 năm ngày qua đời của thánh Giêrônimô (30.9.420)