Views: 52
(Chúa Nhật 3 Mùa Vọng năm B 2023)
Kể từ khi nhà thơ Hàn Mặc Tử xuất hiện trên thi đàn “Thơ Mới”, rất nhiều người Việt Nam học thuộc và ngâm nga hai câu thơ buồn trong bài “Những giọt lệ” của nhà thơ đa tài mệnh bạc này:
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!…
Làm sao không chết lặng, không buồn rã ruột… khi phải chứng kiến, phải chịu đựng một người yêu, một người thân vĩnh viễn ra đi để rồi không bao giờ trở lại!
Vâng, đó cũng là tâm trạng của những người Israel khi bị “Phu quân Thiên Chúa” quay lưng chối từ, khi phải đối diện với thảm kịch “Thiên Chúa mãi đi xa để không bao giờ trở lại”! Đó cũng là “chuyện buồn” của “những trang đầu sách Sáng Thế ký”: Cửa địa đàng đóng lại; Adam-Eva buồn tủi dắt díu nhau, mệt mỏi lang thang trên con đường “đầy gai chông sỏi đá” để không bao giờ còn gặp Thiên Chúa “chiều chiều hạ cố đến đồng hành, tâm sự, sẻ chia…”.
Vâng, một “Israel buồn là một Israel bị Thiên Chúa quay lưng chối từ” và “một nhân loại buồn” là một “nhân lọai vắng bóng Thiên Chúa”.
Sứ điệp (Lời Chúa) của Chúa Nhật 3 Mùa Vọng trong Phụng vụ Công Giáo mang đến một ý nghĩa hoàn toàn đối lập với tâm trạng trên, thái độ trên: niềm vui; vui vì “Chúa đang trở về”; vui vì Chúa đã xót thương và tha thứ…
Trước hết, đó là niềm vui mà ngôn sứ Isaia muốn dành riêng cho dân tộc Israel, để hết thảy cùng “ngẩng đầu lên”, chuẩn bị một cuộc “xuất hành mới”; bước qua những “hoang tàn đổ nát, những thất vọng buồn tênh của kiếp phận lưu đày…, để bắt đầu lại trong một cuộc hành trình mới của những người được yêu, được xót thương, được tha thứ và chữa lành bởi “Đấng Được Xức dầu đang đến”: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày…”. Nhà ngôn sứ đặc biệt nầy không muốn dân tộc ông đắm chìm trong “nỗi buồn muôn thuở”, trong tư thế thất vọng nản lòng, như tâm thái của những thiếu phụ Việt Nam “nhạt mờ dấu son” “đi nhận xác chồng” của một thời chinh chiến:
“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son…” (trích từ bài thơ “Ngày mai đi nhận xác chồng” của nữ thi sĩ Lê Thị Ý).
Không, ông muốn Israel phải là những “cô dâu hạnh phúc” đón gặp Đấng“tình quân” đang trở về trong uy nghi rạng rỡ: “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc…”.
Và tất cả những gì ngôn sứ Isaia loan báo, gọi mời về một “niềm vui đang đến cùng với Đấng được xức dầu”, thì gần như đã hiện thực đầy ắp trong tâm hồn của người thôn nữ Maria mà bài ca trước cửa nhà cô Êlizabeth đã nói lên tất cả: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước…” (Đáp vịnh ca).
Quả thật, Mẹ Maria đã sống trọn vẹn “những nỗi khát khao mong đợi” da diết của dân tộc mình; và đã cảm nhận trọn vẹn nỗi vui ngút ngàn cái ngày “được Chúa viếng thăm”, được “Người nhìn đến” ngay trong chính bản thân mình, cuộc đời mình khi thiên sứ Gabriel truyền tin “Ngôi Lời nhập thể”. Vâng, đây chính “điểm tựa”, là “trọng tâm” của niềm vui nơi Mẹ, cũng là của niềm vui toàn thể nhân loại: Thiên Chúa trở về, Thiên Chúa hiện diện, Thiên Chúa có mặt trong Đấng Kitô mà ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại xác nhận: “Tôi không phải là Đấng Kitô…. giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.
Chính vì thế, sứ điệp “NIỀM VUI” của Mùa Vọng hôm nay, hay của cả một đời Kitô hữu, đó chính là “Niềm vui được trả giá” bằng một sự “dọn đường” nơi tiếng “hô trong hoang địa” của nhà ngôn sứ Gioan Tẩy Giả từ hai ngàn năm trước: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”. Đó chính là sự hoán cải nội tâm, là một “bắt đầu mới” đắp xây con đường của thiện lương, công chính, yêu thương. Đó là niềm vui của cô Maria khi tuôn đổ những giọt nước mắt trên chân Chúa để trở về làm lại cuộc đời. Đó là niềm vui của các Thánh Tông Đồ từ tòa án công nghị của quan chức Do Thái bước ra: “Các ông vui mừng vì được chịu đau khổ để làm chứng cho Đức Kitô”. Đó là cái vui của Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta, khi được cận kề săn sóc những kẻ yếu đau liệt lào. Đó là niềm vui của Thánh Maximilien Kolbe khi được chết thay cho một người tù sắp bị xử tử; là niềm vui của Á Thánh Anrê Phú Yên trên đường đi đến pháp trường để “lấy tình yêu đáp trả tình yêu”… Suốt 2000 năm nay, trên mọi miền thế giới, đã có bao nhiêu con người đã hưởng ứng, đã sống niềm vui mà hôm nay chúng ta được gọi mời tiếp nối.
Ngày hôm nay, trên muôn nẻo đường thế giới, không thiếu gì người “chọn sai niềm vui” để rồi phải trả giá; hay có những “niềm vui” mà sau đó chỉ là một “rỗng tuếch buồn nôn”: Sau “niềm vui vỡ òa của một trận cầu chiến thắng tại Việt Nam” là những con đường đầy rác rưởi tanh hôi; sau “niềm vui đến chảy nước mắt được chiêm ngưỡng một thần tượng âm nhạc Hàn quốc” là một sự rỗng tuếch của kiến thức và trưởng thành nhân cách”; sau niềm vui của những “bữa tiệc hoang phí say sưa” vì thành công trong lừa đảo, dối gian, tham nhũng… là cánh cửa của nhà tù hay “chiếc cầu thoát nợ”!… Niềm vui đích thực không có địa chỉ ở những nơi ấy!
Ngày xưa, Gioan Tẩy Giả đã khước từ hết mọi danh hiệu: không là Kitô, không là Êlia, không là ngôn sứ; và chỉ nhận mỗi một danh xưng “tiếng người hô trong hoang địa”. Phải chăng, sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 3 Mùa Vọng muốn nói với hết mọi Kitô hữu chúng ta rằng: cần gì phải là giáo hoàng, phải là giám mục, linh mục, phải là ông kia bà nọ, phải có địa vị chức quyền mới có thể loan báo Tin mừng, mới có thể làm người “dọn đường cho Chúa” để mình tràn trào hân hoan và để người có được niềm vui hạnh phúc!
Trên “hoang địa cuộc đời hôm nay”, ở Ukraina, hay ở Gaza, ở Zemen, hay ở Miến Diện…, hay ở đâu đó trên muôn “nẻo đường Việt Nam”…, đang rất cần “những tiếng hô của niềm tin và hy vọng, của tha thứ và khoan dung, của công bằng và hòa bình, của sẻ chia và phục vụ…” để một lần nữa những bước chân của Đấng được “Thần Khí ngự trên tôi” lại tiếp diễn trên muôn nẻo đường thế giới. Riêng đối với chúng ta, những người Kitô hữu, để có được “niềm vui thường xuyên trong tâm hồn và trong cuộc đời”, đặc biệt, để nhận được niềm vui đích thực của ngày đại lễ Giáng Sinh sắp đến, chúng ta hãy chọn lựa “giải pháp của Thánh Phaolô đề nghị với giáo đoàn Thêxalônica: “Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa… Đừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức”.
Ngay trước thềm của đại lễ Giáng Sinh, mỗi người chúng ta hôm nay, hãy là một “tiếng hô” như thế, tiếng hô chuyên chở một niềm vui đích thực “Chúa đã đến gần”, tiếng hô “đầy tràn Thánh Thần” của mẹ Maria “Magnificat”; tiếng hô của cầu nguyện, tạ ơn, làm việc thiện…
Trương Đình Hiền