Views: 37
CHIA SẺ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU (NĂM A 2020)
Người Âu Châu, mỗi mùa Giáng Sinh và Thương Khó, thường kể cho nhau hoặc hát những khúc hát mang chủ đề “loài chim ngực đỏ” (The Robin Redbreast) để diễn tả tình yêu dành cho Chúa Giêsu của một loài chim bé nhỏ.
Nếu là dịp Giáng Sinh, thì huyền thoại “chim ngực đỏ” sẽ là: Chú chim nghe tiếng Mẹ Maria kêu gọi các con bò lừa mang hơi ấm cho Chúa Hài Đồng trong hang đá lạnh tại Bê-lem, nhưng tất cả đều ngủ yên… Chỉ có một con chim còn thức; đã dùng đôi cánh cố quạt cho bếp lửa đỏ hồng, và dùng chiếc mỏ xinh mang về những cành củi khô…; và bếp lửa đã bừng lên, thiêu cháy cả chiếc ngực chú chim thành ngọn lửa đỏ rực…Đức Mẹ cám cảnh…; và từ đó loài chim mang chiếc ngực đỏ thiên thu.
Nếu là dịp Thương Khó, thì huyền thoại sẽ kể rằng: vào chiều thứ Sáu khổ nạn, có đàn chim thiên di bay ngang bầu trời Giêrusalem và nhận ra có một người tử tội Giêsu bị đóng đinh trên đồi Sọ. Xót thương người tử tội công chính, một chú chim đã cố bay vào nhổ một cây gai, như một chút sẻ chia và làm dịu bớt phần nao nỗi đau cho Chúa. Chẳng may, một cành gai nhọn đâm thủng ngực chim, máu hồng nhuộm đỏ….Cám cảnh, Chúa trên trời ghi mãi “dấu đỏ tình yêu” trên loài chim hiếu thảo nầy…[1]
Dẫu biết đó chỉ là “huyền thoại”, nhưng câu chuyện “loài chim ngực đỏ” vẫn rất hấp dẫn và giúp nhiều người Kitô hữu, nhất là các em thiếu nhi, hiểu được thế nào là “tình yêu dâng hiến, hy sinh…cả đến mạng sống”; nhất là “Tình Yêu phát xuất từ Thánh Tâm của Chúa Giêsu”, Thánh Tâm đã từng “bị đâm thâu để nước và máu chảy ra”, như dấu chỉ của một tình yêu dâng hiến, cho không, biếu tặng… cả đến mạng sống mình.
Nhưng nói đến “Thánh Tâm”, không chỉ là nhớ lại một “câu chuyện”, hát một khúc ca, cho dù câu chuyện hay khúc ca đó có đẹp và hay đến tuyệt vời; mà cốt lõi chính là cảm nhận, tin và sống sứ điệp tình yêu mà Phụng Vụ Thánh Tâm muốn chuyển tải.
Và sau đây xin được tóm tắt đôi điều về “sứ điệp của đại lễ Thánh Tâm” theo những gợi ý của Lời Chúa vừa được công bố:
Ngay từ Bài đọc 1, trích đoạn sách Đệ Nhị Luật nhắm thẳng đến tình yêu Thiên Chúa dành cho cộng đoàn Dân cũ là Ít-ra-en. “nhưng vì Chúa đã yêu thương các ngươi và giữ lời đã thề hứa với tổ phụ các ngươi rằng: Người dùng tay mạnh mẽ mà dẫn đưa và cứu chuộc các ngươi khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai-cập.”. (Đnl 7,6…).
Tình yêu của Thiên Chúa dành cho Dân của Người, trước hết, đó là một “tình yêu cứu chuộc”, ‘tình yêu giải thoát”. Nó hoàn toàn khác với thứ “tình yêu chiếm hữu”, “tình yêu trói buộc” vẫn thường có nơi những mối tình ích kỷ, mang chiều kích hưởng thụ, nhục dục, tìm sự thoả mãn cho riêng mình. Chính “tình yêu cứu độ và giải thoát” lại hướng đến một cộng đoàn, một “Dân”. Vâng, “Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện…” (LG 9).
Chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về một cộng đoàn (gia đình, giáo xứ, giáo phận…) đó là một hồng ân lớn lao của tình yêu. Người ta bảo “gần chùa kêu Bụt bằng anh”. Có lẽ thái độ nầy phần nào phản ảnh chính đức tin của nhiều người, nhiều cộng đoàn chúng ta. Chúng ta sống đạo quá lâu, giữ đạo hằng ngày, nên không còn cảm nhận được cái hồng ân cao quý lớn lao là được làm con Chúa, là được ở trong lòng Giáo Hội. Cũng vậy, có biết bao nhiêu người con, bao nhiêu người vợ, người chồng…đánh mất cái “cảm thức đức tin” (sensus fidei) về hồng ân thánh thiện của gia đình, của ơn gọi “tình yêu đôi lứa”. Khi “tình yêu cứu độ và giải thoát” chắp cánh bay xa, thì mọi thứ tình khác được xây dựng trên những giá trị hời hợt của vật dục, ích kỷ, tiền tài…sẽ sớm mang lại đổ vỡ, thất bại…
Sứ điệp Thánh Tâm phải chăng đốc thúc mỗi người chúng ta tìm lại cái “tình yêu cứu chuộc và giải thoát của Chúa”, tình yêu cao quý vô bờ mà Chúa dành cho chúng ta qua ơn gọi thuộc về gia đình, thuộc về Giáo Hội, thuộc về một cộng đoàn.
Và Lời Chúa trong sách Đệ nhị Luật lại nói tiếp: “Các ngươi sẽ biết rằng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, chính Người là Thiên Chúa hùng mạnh, trung thành giữ lời giao ước và lòng thương xót với những kẻ yêu mến Người, và những kẻ tuân giữ lề luật Người cho đến muôn thế hệ. …”
Trung thành trong tình yêu đó chính là bản chất của Thiên Chúa. Nhưng ai là kẻ xứng đáng nhận được sự trung thành yêu thương ấy lại là câu chuyện của chúng ta, những người mà ngôn ngữ Đệ Nhị Luật gọi là “Những kẻ yêu mến, tuân giữ lề luật Chúa”; hay như cách cảm nhận của Thánh Gioan Tông Đồ mà ta vừa nghe trong Bài đọc 2: “Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy;… Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu”.
Đúng vậy, tình yêu không được đo lường bằng kích thước của lý trí, của sự hiểu biết; không ai có thể tự hào rằng: tôi thông minh, hiểu hết mọi chuyện, cho nên tôi cũng yêu mến Chúa, tin Chúa cách trọn hảo. Chính Đức Kitô, trong Tin Mừng vừa được công bố, đã xác quyết: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho”.
Vâng, điều mạc khải lớn lao, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa chính là “Tình Yêu”; và người ta chỉ có thể hiểu biết được “mối tình” nầy qua chính Người Con Một, Đấng đã đến từ cung lòng Thiên Chúa và cắt nghĩa huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa qua chính chính cuộc Nhập Thể, nhất là, qua chính cuộc Tử Nạn-Phục Sinh của Ngài.
Vâng, chính Đức Giêsu-Kitô, khi chấp nhận vâng phục thánh ý Chúa Cha “nầy con xin đến”, đã tự hiến tặng chính cuộc sống mình thành quà tặng tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, một quà tặng được thực hiện bằng chính cái chết trên thập giá, bằng trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu để dốc hết nước và máu làm nên sự sống cứu độ cho con người, đến độ, chính Ngài, trong một mặc khải tư từ thế kỷ 17, đã “minh hoạ bằng hình ảnh Trái Tim bốc lửa cùng với vòng gai quấn quanh, đã kêu mời thánh nữ Magarita Maria Alacoch, đền tạ Thánh Tâm Người: “Nầy đây trái tim đã yêu dấu loài người quá bội….”.
Quả thật từ đó, Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là “biểu tượng”, là sự “cắt nghĩa” rõ nét và chân xác mối tình của Thiên Chúa dành cho con người và là chuẩn mực để con người hiểu và sống trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ “Tình Yêu”.
Thế nhưng, hình như với cuộc sống bon chen xô bồ, vội vã mang tính công nghiệp của thời đại hôm nay, cái xã hội đặt nền trên những giá trị phàm tục: tham vọng, tham danh, tranh giành, ích kỷ, Tình yêu không còn được “nạm bạc, dát vàng” đặt trên bệ thờ mà đã bị ném xuống bùn đen không hề thương tiếc. Cho nên người ta đã không ngần ngại hát lên: “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc…”[2]
Vâng, người ta không mong đợi, người ta không hề hối tiếc vì quả thật người ta không hiểu được giá trị đích thật của tình yêu và cũng không có tình yêu chân thật, không biết yêu đúng nghĩa; hoặc nghi ngờ hay phỉ báng tình yêu sau những vết thương lòng sâu hoắm mà “tình yêu theo kiểu con người” đã hằn sâu trong cõi lòng, trong cuộc sống…
Lời Chúa trong đại lễ Thánh Tâm hôm nay gọi mời chúng ta, nhất là những ai “lao đao vác nặng vì những gánh đau thương trong đời”, đến “học lại” trong mái trường tình yêu của chính Đức Kitô: “Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.
Quả thật, niềm tin đã dạy chúng ta rằng: chỉ có một con đường duy nhất, một tình yêu duy nhất có sức mạnh giải thoát và cứu độ loài người đó chính là tình yêu của Đức Kitô. Thế mà hiện nay, và ngay bây giời Đức Kitô đang sống, như lời khẳng quyết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho các bạn trẻ: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới nầy…Người ở trong con, Người ở với con và không bao giờ bỏ rơi con. Dù con có xa Người, Đấng Phục Sinh vẫn ở bên con. Người kêu gọi và chờ đợi con bắt đầu lại. Khi con cảm thấy mình già đi vì buồn sầu, thù hận, vì lo sợ, nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để ban lại cho con sức mạnh và hy vọng.”[3]
Vâng, thế giới nầy sẽ đẹp biết bao khi mỗi một cuộc đời đều là một câu chuyện về một “tình yêu lớn khi dám hy sinh vì bạn hữu” (Ga 15,13), như câu chuyện huyền thoại về “loài chim ngực đỏ” mà người ta thường kể cho nhau nghe cứ mỗi mùa Giáng Sinh hoặc Thương khó trở về.
Trương Đình Hiền
[1] Xem: The Legend Of Robin Redbreast. Nguồn: https://www.birdspot.co.uk/articles/the-legend-of-robin-redbreast; hoặc: Song of the Swallaw- A good Friday Legend. Nguồn: https://pirottablog.wordpress.com/2013/03/28/song-of-the-swallow-a-good-friday-legend/
[2] Trích từ 1 ca khúc của nhạc sĩ Quốc An: “Hát với Dòng sông”, một thời là bài ca hit của giới trẻ qua giọng ca của ca sĩ Mỹ Tâm.
[3] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn Đức Kitô đang sống (Christus Vivit), bản Việt Ngữ: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn giáo 2019, số 1-2, tr. 5.