Views: 68
(Chúa Nhật 4 MV năm C 2021)
Từ niềm hân hoan của “Chúa Nhật Hồng”, Phụng vụ Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng đang dẫn chúng ta đến trước ngưỡng cửa mầu nhiệm Giáng Sinh mà tất cả những “nhân tố liên quan đến mầu nhiệm nầy” gần như đang chuyển động ráo riết đến từng chi tiết.
Trước hết, sứ điệp phụng vụ hôm nay một lần nữa khẳng định rằng: cho dầu là một “huyền nhiệm vượt quá trí khôn con người”, nhưng Giáng Sinh hay mầu nhiệm Nhập Thể lại là “câu chuyện của lịch sử” được ghi nhận với không gian và trong thời gian, với những con người bằng xương bằng thịt… mà Lời Chúa được công bố hôm nay là những chứng từ rõ nét.
Thật vậy, trước khi Chúa Cứu Thế giáng sinh khoảng bảy thế kỷ, nhà tiên tri Mikêa đã từng tiên báo: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel”; và không dừng lại ở “chi tiết địa lý”, nhà tiên tri nầy xác nhận cả nhân thân của Đấng Mêsia, một con người được sinh ra như bao người trên dương thế: “… cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con”. Tuy nhiên, đó lại là một nhân vật phi thường: “Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời… Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người… Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.
Có thể nói được, toàn bộ lịch sử của dân tộc Israel là một bản trường ca của “niềm trông đợi Đấng Thiên Sai”, là một “câu chuyện dài của niềm hy vọng được Chúa viếng thăm, được Chúa Cứu độ”. Và họ đã biến nỗi khát khao mong đợi đó thành những lời ca kinh vô tận được truyền từ đời này sang đời khác, như được khắc họa nơi Thánh vịnh 79 mà Hội Thánh hát lại trong Đáp Vịnh ca hôm nay: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống. Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con…”.
Và rồi, sau những lời tiên báo đó, những khát khao mong đợi cùng với những lời ca kinh tha thiết đó, Thiên Chúa đã hành động; niềm hy vọng Đấng Thiên Sai đã trở thành hiện thực mà câu chuyện “Thăm Viếng” của Thánh sử Luca là một mô tả tài tình. Thật vậy, Tin mừng Luca tường thuật cho chúng ta một cuộc “bàn giao tối quan trọng”: cuộc bàn giao của 2 giai đoạn lịch sử cứu rỗi Cựu và Tân qua hai Vị đại diện đặc biệt là hai người thôn nữ vô danh tiểu tốt cùng với hai bào thai mà hai người đang cưu mang; một người đang ngụ tại làng Bêlem thuộc miền Giuđêa phía Nam của nước Do Thái và một người đến từ quê nghèo Nadarét phía Bắc, bôn ba về Nam thăm chị. Bà Isave, mẹ của Gioan Tẩy Giả: đại diện cho giai đoạn “lịch sử đợi chờ và chuẩn bị”, “giao ước và dọn đường”. Đức Maria: đại diện cho giai đoạn của “thời gian viên mãn”, “thời của thực hiện dứt khoát, thời của Giao Uớc Mới, thời của Đấng Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Với một lịch sử dài lâu đến thế, với biết bao thăng trầm dâu bể của lịch sử loài người kể từ khi “cánh cửa địa đàng đóng lại” thời tổ tông loài người phạm tội (St 4,23-24); hay kể từ khi “Abraham được chọn gọi làm Tổ phụ của một dân “đông như sao trời cát biển” (St 15,1-6), chương trình vĩ đại của Thiên Chúa lại hiện thực cách giản đơn, chớp nhoáng qua lời “Fiat” của cô thôn nữ Maria trong biến cố “Truyền Tin” (Lc 1,38) và hôm nay được người chị họ Isave chính thức xác nhận cách công khai qua sự kiện “Thăm Viếng”: bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Ngòi bút của Thánh sử Luca thật tài tình khi trình bày việc “Tân ước hiện thực hóa niềm hy vọng Cựu ước” qua một sự kiện giản đơn “Thăm viếng”. Thật vậy, sứ điệp Thăm Viếng phần nào vọng lại cuộc cung nghinh Hòm Bia giao ước của Đavít thuở xưa. Hôm nay nhà của người chị họ Isave đã rực sáng lên niềm hoan hỷ tột cùng với cuộc viếng thăm của “Hòm bia Giao ước mới”; Thánh Gioan đã nhảy mừng ngay trong dạ mẹ để chào đón Ngôi Hai trong lòng trinh nữ Maria chẳng khác nào Đavít và toàn dân Israel đã nhảy mừng trước Hòm Bia Giao Ước. (2 Sm 6,1-19). Cũng như xưa, Hòm Bia Giao ước đã cư ngụ tại nhà ông Êđom ba tháng và chúc phúc cho nhà nầy, thì hôm nay, Trinh Nữ Maria đang cưu mang Con Chúa cũng lưu lại nhà bà chị họ ba tháng để tuôn đổ ơn trời. Và hôm nay Đức Maria được bà chị họ dùng những lời chúc tụng của chính dân Israel hát lên để ca tụng Bà Giuđitha trong cuộc triệt hạ đại tướng Holôphecnê: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ… Muôn đời sẽ khen Bà đầy ơn phúc” (Gđt 13,18; 15,7). Bởi vì chính Người Con nơi cung lòng Đức Trinh Nữ rồi sẽ “đứng lên đặt mọi quân thù dưới chân Người”, đập tan quyền lực của satan và sự dữ để đem về chiến thắng cho Thiên Chúa và mang ân phúc cho loài người…
Một công trình vĩ đại như thế, một câu chuyện lạ lùng đến thế, lại diễn ra, bộc lộ, mạc khải… cách âm thầm xoay quanh bốn nhân vật: hai người phụ nữ vô danh và hai em bé yếu đuối còn nằm trong lòng mẹ. Và phải chăng, đó chính là cách “hành xử” khá thường xuyên của Thiên Chúa trong chuỗi dài lịch sử cứu độ: Môsê bị săn đuổi, Đavít người chăn chiên con út của Giêxê; hay những Êlia, Giuđitha, Esthê, Mácđôkê…, những người mang thân phận bé nhỏ, khó nghèo…, nhưng lại đóng vai trò cốt yếu trong chương trình hành động của Thiên Chúa.
Và đó cũng chính là cách “hành xử” của Thiên Chúa trong Thời Tân Ước mà ngay giây phút đầu tiên nhập thể làm người Con Một Thiên Chúa đã cương quyết chọn lựa như khẳng định của thư gởi tín hữu Do Thái: khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (Bđ 2). Thân xác đó, cuộc đời đó đã chấp nhận hiện diện trong cung lòng của một trinh nữ khiêm hạ khó nghèo, hiện diện trong một ngôi làng bé nhỏ Bêlem, hiện diện trong thân phận của một em bé vô gia cư khi phải sinh ra trong hang súc vật, hiện diện trong thân phận của một chàng thợ mộc nghèo làng Nadarét, hiện diện trong một “rabbi không có viên đá gối đầu”, một tôn sư đói khát trong giấc ngủ mê mệt trên chiếc thuyền đánh cá ở Galilê; hiện diện trong than phận của một tội nhân cùng với nổi khổ nhục đau thương trước tòa án Philatô, hiện diện trần trụi, máu me của một tên tử tù giữa hai tên trộm cướp…; và ngày nay tiếp tục hiện diện trong tấm bánh đơn trên bàn thờ, trong nhà tạm, trong muôn cõi lòng khi chia sẻ chút máu thịt của Ngài… và hiện diện nơi muôn vạn những kẻ đói nghèo, bệnh hoạn tật nguyền trên muôn nẻo đường thế giới…
Như vậy, để chuẩn bị cho ngày Đại lễ sắp tới, Lời Chúa đang gọi mời chúng ta sống “cách hành xử của Thiên Chúa và sự hiện diện đích thực của Đức Kitô”, và từ đó biểu lộ sự “có mặt của Ngài” giữa đời thường cuộc sống; đồng thời chia sẻ sự hiện diện đó cho anh chị em mình, như Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận, đã sống và chia sẻ qua sự kiện Thăm Viếng; như Ngôi Hai đã đón nhận và đã sống bằng tấm lòng “vâng phục Thánh ý Chúa Cha” khi cất bước vào đời. Thế giới hôm nay, cuộc sống đầy hoang mang, bất trắc của thời đại dịch Covid nầy đang thật sự cần những cuộc “viếng thăm” và chia sẻ niềm vui nỗi sầu cho những người chung quanh; cần những cuộc “vào đời” với tình yêu và sự xóa mình đi để trở thành hy lễ…
Trong những ngày này, ai trong chúng ta gần như đều có chung cảm nhận: trong lòng đang nghe xôn xao “Giáng Sinh đang đến, bước Chúa đang trở về”. Thế nhưng, để sống trọn hảo niềm tin vào Đấng Emmanuel và làm chứng cho niềm tin Thiên Chúa làm người, có lẽ lời cầu nguyện sau đây của Mẹ Têrêxa Calcutta là thích hợp:
Lạy Chúa Giê-su của con,
xin hãy giúp con biểu lộ được
sự hiện diện của Chúa khắp nơi con đi qua…
Xuyên qua con xin hãy làm cho
Ánh sáng của Chúa được lan tỏa
và hãy hết sức ở trong con
đến nổi mọi người con gặp gỡ
đều có thể cảm thấy
sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn con.
Họ cứ ngước mắt lên đi
họ chẳng còn thấy con đâu,
mà thấy Chúa, chính Chúa, Chúa Giê-su của con….
Trương đình Hiền