KHÔNG BAO GIỜ LÀ “MẸ GHẺ”

Views: 444

(Mẹ Thiên Chúa 2022)

            Trong những ngày cuối năm Dương lịch 2021 nầy, “khung trời Việt Nam” sao u ám đến lạ thường ! Thì ra, cái u ám, cái “nỗi buồn xã hội” nó đến từ bản tin đang tràn ngập trên các diễn đàn báo giấy, báo mạng, các loại hình sử dụng internet, điện thoại thông minh: Bé Nguyễn Thái Vân Anh 8 tuổi bị mẹ ghẻ bạo hành cho đến tử vong !

            Câu chuyện thương tâm bé Vân Anh đã xảy ra liền trước lễ Giáng Sinh hai ngày (22.12.2021). Đối với những Kitô hữu, hình ảnh của Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu trong suốt Mùa Giáng Sinh nầy chắc chắn sẽ mang lại những niềm vui và yên ủi để làm vơi đi những “nỗi buồn xã hội” không chỉ với một câu chuyện “bé Vân Anh” của một ngày 22.12.21 mà có lẽ còn nhiều câu chuyện “mẹ ghẻ con chồng” đang xảy ra từng ngày trên khắp thế giới.

            Thật vậy, khi chọn lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa” cho ngày đầu năm Dương lịch nầy, Mẹ Hội Thánh muốn tôn nhận “Đức Maria Mẹ Thiên Chúa” làm “Nữ Vương Hòa Bình”, làm Người Mẹ che chở và bảo bọc thế giới cho cuộc hành trình của cả một năm. Chính danh xưng và tước vị “Mẹ Thiên Chúa” mà Hội Thánh dành riêng cho Mẹ đã nói tất cả ý nghĩa và niềm xác tín nầy. Và đó là câu chuyện cách đây hơn 15 thế kỷ !

Vào thế kỷ thứ năm, Giám mục Constatinople là Nestorio đã chủ trương một giáo lý sai lạc về Chúa Kitô: hai bản tính, hai ngôi vị… Trước thách đố về truyền thống đức tin và hiệp nhất Giáo Hội nầy, Công Đồng Êphêsô được triệu tập để giải quyết. Và rồi, dân thành Êphêsô đã có một đêm rước đuốc tưng bừng, đêm 22.06.431, để vui sướng hân hoan vì sự vinh thắng của đức tin truyền thống về mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể mà trong đó liên quan mật thiết đến Đức Trinh nữ Marianhư lời tuyên tín của Công Đồng Êphêsô: “Nếu ai không tuyên xưng Đấng Emmanuel là Thiên Chúa thật, và do đó, Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra xác phàm của Ngôi Lời nhập thể, thì mắc vạ tuyệt thông”.

            Kể từ cái “đêm không ngủ rực sáng tưng bừng Êphêsô” ấy, một làn gió xuân tươi mát dịu dàng của “Tình Mẹ”, một nền thần học ấm áp tình mẫu tử của “Đấng Đầy ơn phước”, một nền giáo lý đầy tươi vui hy vọng của lời chào thân thương “Ave Maria”… đã rợp bóng trên toàn thể địa cầu. Và rồi, sau hơn 15 thế kỷ từ biến cố Công đồng Êphêsô, tín điều “Mẹ Thiên Chúa”, sau những chặng đường dài được sống, suy tư, cầu nguyện và củng cố trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa, đã được Công Đồng Vatican II tái tuyên xưng một cách thâm thúy và nhẹ nhàng trong Hiến chế về Hội Thánh: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa… Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội… Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Đức Kitô” (GH 61,63).

            Mà không chỉ có ngôn ngữ của tín điều, của thần học, giáo lý, chân lý “Mẹ Thiên Chúa” đã đi vào thi ca, âm nhạc, hội họa…; trong số đó, người Công Giáo Việt Nam tự hào về biết bao khúc hát, bài thơ, tranh họa… diễn tả, trình bày chân lý nầy qua “ngôn ngữ nghệ thuật thánh”. Đơn cử như những lời thật thân thương trong ca khúc “Hội Nhạc Thiên quốc” của cố linh mục nhạc sĩ Hoàng Diệp:

Mẹ lặng chiêm ngắm con ngủ bên lòng

Mắt chẳng còn ngó Mẹ khi con mỉm cười

Dầu vậy hơi thở con như lửa nồng

Yêu đương nung đốt Mẹ thôi

Dịu ngọt khôn ví chứa chan tâm hồn

Lúc ẵm bồng Chúa Mẹ tha thiết áp lòng

Kìa Mẹ yêu Chúa ai hiểu cho cùng

Trên con Thiên Chúa Mẹ hôn…

            Vâng, Chúa Ngôi Hai, Hài Nhi Giêsu thật hạnh phúc khi có Mẹ; và chúng ta, “những người em của Chúa Giêsu”, cũng thật vui sướng vì “chúng ta có Mẹ, chúng ta còn Mẹ”, chúng ta xứng đáng có được một “bông hồng cài áo”, như truyền thống của người Nhật Bản mà thiền sư Nhất Hạnh đã kể lại và cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã diễn đạt trong một ca khúc nỗi tiếng về mẹ: “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, một bông hồng cho những ai đang còn mẹ… Thì xin em hãy cùng tôi vui sướng lên, hãy cùng tôi vui sướng lên…” (Ca khúc “Bông Hồng cài áo” của Phạm thế Mỹ).

            Cái “lý của con tim” là thế, nhưng còn “cái lý của thần học, của truyền thống lịch sử cứu độ” liệu cái tước vị “Mẹ Thiên Chúa” có ổn không ? Trước khi truyền thống thần học trả lời và giải đáp cho vấn nạn trên, thì ngay từ buổi đầu khai nguyên Kitô giáo, Thánh Tông Đồ Phaolô đã khẳng định: khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử” (Thư Galát của Bài đọc 2). Riêng Thánh sử Luca đã minh họa sự kiện “Người phụ nữ sinh Con Thiên Chúa” qua “bản Tin Vui” thiên thần báo cho các mục đồng Bêlem và một hiện thực được chính các mục đồng chứng kiến: “Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này” (Tin Mừng Luca).

            Như vậy, việc Thiên Chúa chọn lựa một “Trinh Nữ Vô Nhiễm” để sinh ra “Ngôi Lời vĩnh cửu mặc lấy xác phàm” chẳng những rất hợp lý mà còn cần thiết để xóa sạch “vết đen” của những người “phụ nữ tổ phụ” của Dòng tộc Đấng Thiên sai. Thật vậy, trong thứ tự gia phả của Đấng Thiên Sai (Mt 1,1-16), đã có ít nhất 4 người phụ nữ không ra gì: Tama loạn luân (St 38, 1-30), Rakháp mãi dâm (Gs 2, 1-21), Rút ngoại đạo (R 3-4), Bátsêba ngoại tình (2 Sm 11,12). Và người phụ nữ cuối cùng trong cái “gia phả đầy tính nhân loại yếu đuối bất toàn” đó chính là Maria: “… Maria, bà là mẹ của Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16).

            Cũng thế, nếu Đấng Kitô, “Con chiên vô tội của Thiên Chúa”, lại chấp nhận chen lẫn với đoàn người tội lỗi bước xuống dòng sông Giođan để Gioan Tẩy Giả thanh tẩy, nếu “Đấng Thánh của Thiên Chúa” sẵn sàng chén thù chén tạc với bọn người thu thuế tội lỗi như Matthêô, Giakêu, không ngại tiếp xúc với những người phụ nữ ố danh tai tiếng …, nếu “Con Chiên vẹn tuyền của Thiên Chúa”, lại chấp nhận bị kết án, bị lột trần, bị đánh tan nát và bị đóng đinh chết giữa hai tên trộm cướp…, thì việc Ngài chấp nhận làm Con của một người Trinh Nữ thánh thiện có gì là bất hợp lý đâu ! Và Thánh Giáo Phụ Athanasio đã tóm tắt “luận chứng thần học” về mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa qua những dòng sau: Ngôi Lời đã nhận lấy dòng giống Ápraham, như thánh Tông Đồ nói, bởi thế Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, và phải mang lấy một thân xác giống chúng ta. Vì vậy, cần phải có Đức Maria để từ nơi Mẹ, Ngôi Lời nhận lấy một thân xác và Người hiến dâng thân xác ấy như của riêng mình để chúng ta được hưởng nhờ” (Bài đọc 2 giờ Kinh Sách lễ Mẹ Thiên Chúa).

            Nhưng ai cũng biết, trong sâu thẳm trái tim của các bà mẹ, lý trí thường nhường bước cho tiếng nói của trái tim. Trái tim của Mẹ Maria đã từng không cần biết “con có bổn phận ở nhà của Cha Con” (Lc 2,49), mà chỉ cần muốn biết “Sao con lại xử với cha mẹ con như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48). Và suốt 2000 năm nay, Mẹ Maria cũng đã ứng xử như vậy với tất cả chúng ta, những đứa con nhân loại đang đi lạc xa đàng rỗi. Chính vì thế, mà Mẹ đã không ngừng tìm kiếm trên khắp vạn nẻo đường thế giới: Từ Lộ Đức tới La Vang, từ Trà Kiệu tới Fatima, từ Măng đen tới Tà Pao… Mẹ luôn dõi theo từng bước chân của Hội Thánh để chăm sóc giữ gìn, để động viên an ủi, để dạy bảo khuyên răn… Nói cách khác, Mẹ không ngừng đem cho Giáo Hội những làn gió mát của Thánh Thần để chiếc sáo Giáo Hội rung lên những giai điệu tuyệt vời hầu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho muôn dân tộc, như cách diễn tả của thi sĩ Xuân Diệu, một người ngoại giáo, đã cảm nhận sâu sắc về Mẹ Trà Kiệu qua mấy câu thơ mượt mà thanh thoát:

Nên hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ,

Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng.

Con là sáo mẹ là ngàn vạn gió,

Mẹ là trời con là hạt sương rung.

            Phải chi bé Vân Anh được sống với người “mẹ thật” chứ không là “mẹ ghẻ V.N.Q.T” thì em sẽ lớn lên và sẽ trở thành một cây sáo mang cho đời những giai điệu đẹp đẽ cao quý chứ không bị bạo hành và chết cách tức tưởi ! Và hôm nay, trong ngày đầu năm mới Dương lịch, ngày cầu cho hòa bình thế giới, ước gì mỗi người chúng ta hãy đón nhận Đức Mẹ vào cuộc đời mình như “người mẹ thật” chứ đừng như một “mẹ ghẻ”; và như thế, cuộc sống mỗi người, hay toàn nhân loại, sẽ lấp lánh đẹp đẽ như “những hạt sương rung” khi được ấp yêu bảo bọc dưới tia nắng ấm mặt trời là chính Mẹ, Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa ! Amen.

Trương Đình Hiền