Views: 70
(Thánh lễ Rạng Đông 2023)
Như chúng ta đã chia sẻ với nhau trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh, ý nghĩa trọn vẹn nhất của huyền nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh đó chính là TÌNH YÊU. Vâng, Giáng Sinh chính là “Nụ hôn tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa trao cho loài người”: Thiên Chúa đã yêu thế gian… Thế nhưng đó không là một tình yêu chỉ bằng lời suông mà là một hiện thực, một dấn thân, một hành động; và khi nhắc đến chiều kích “hành động” của huyền nhiệm Giáng Sinh, tôi chợt đến những câu từ thật thâm thúy, nhất là những lời của điệp khúc trong ca khúc “Bước Người đi qua” của cố nhạc sĩ linh mục Hoàng Đức:
TK 1: “Đã có một lần Người sinh ra nơi trần thế, đã có một lần Người sinh ra trong khó nghèo. Đã có một lần, đã có một lần Người xuống thế để cùng chia kiếp làm người”.
ĐK. “Hỡi người ơi, người ơi, hãy nhắm mắt hãy nguyện cầu, hãy cúi đầu, lặng nghe. Này, Người đang đêm, Người bước tới, Người đã đến, đến nơi đây, lòng thương tràn đầy, trên hai tay vẫn hao gầy. Người đã đến kiếm yêu thương, Người đã đến cứu quê hương”…
Vâng, Nhập thể- Giáng Sinh đó là “Lời hành động”, “Lời bước tới, Lời đã đến…Lời tìm kiếm yêu thương… Lời đến cứu quê hương…”.
Cũng chính trong ý nghĩa “Lời Hành Động” đó mà các Bài đọc Lời Chúa được công bố trong Thánh lễ Rạng đông này đều đồng thanh diễn tả tính cách năng động của “mầu nhiệm Nhập Thể – Gáng Sinh”:
Trước hết, Nhập Thể – Giáng Sinh chính là Tin Mừng vĩ đại nhất, Tin mừng Đấng Cứu độ đang đến để cứu chuộc dân Người, như chúng ta vừa nghe sứ ngôn Isaia đã diễn tả trong Bài đọc 1: “Hãy nói với thiếu nữ Sion: Này đây Đấng Cứu Độ ngươi đến. Người đem theo phần thưởng với Người và sự nghiệp trước mặt Người. Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân thánh…”.
Thứ đến, trọng tâm của mầu nhiệm Nhập Thể – Giáng Sinh lại chính là sự thể hiện của tình yêu, tình yêu tái sinh và thánh hóa bởi Thánh Thần như khẳng định của thư Thánh Phaolô gởi Titô trong Bài đọc 2: “Khi Đấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta, bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần,…”.
Và sau cùng, sống mầu nhiệm Nhập Thể – Giáng Sinh chính là noi gương các mục đồng thành Bêlem “dấn thân lên đường” gặp gỡ Thánh Gia; là noi gương Đức Trinh nữ Maria “đón nhận và suy tư” trong suốt cả cuộc đời, như Tin Mừng Luca tường thuật: “Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ… Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ”…
Như vậy, tin nhận mầu nhiệm Nhập Thể – Giáng Sinh, đón nhận Con Chúa xuống thế làm người đối với chúng ta hôm nay đó là chấp nhận “sự can thiệp của Thiên Chúa trong mọi biến cố của đời mình”; là đón nhận sự hiện diện và hoạt động của Chúa Kitô trong giữa lòng cuộc sống. Và như thế, cho dù mùa Phụng vụ Giáng Sinh có qua đi, cho dù những biểu hiện Giáng Sinh bên ngoài bị xóa bỏ… thì trên mỗi chặng đường của cuộc sống, đức tin của chúng ta vẫn là sự bắt đầu mới mẻ; việc sống đạo của chúng ta lại là một cuộc lên đường… Tin và sống mầu nhiệm Nhập Thể – Giáng Sinh là thế đó. Bởi vì nếu Giáng Sinh – Nhập Thể là một “tình yêu hành động” của Thiên Chúa dành cho chúng ta, thì sống mầu nhiệm ấy chính là một “tình yêu hành động” đáp trả dành cho Thiên Chúa và dành cho con người.
Ngày hôm nay, cho dù thế giới khắp nơi, hay nơi những cộng đoàn kitô hữu, đại lễ Giáng Sinh được mừng với cung cách rực rỡ tráng lệ của hoa đèn ca nhạc đông vui mang tính lễ hội, thì điểm đến, tiêu đích cuối cùng vẫn chỉ là: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta” (Ca Nhập Lễ). Nói cách khác, Đấng mà chúng ta kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 2023 của Ngài, một Em bé Giêsu yếu ớt nằm trong máng chiên lừa, cũng là một chàng thanh niên thợ mộc Giêsu con bác phó mộc Giuse; một Thầy Giêsu đi chân trần nghèo nàn, đói mệt trên những nẻo đường cát bụi xứ Palestina đến độ “không có chỗ dựa đầu” (Lc 9,58); một tử tội Giêsu bị kết án đóng đinh thập giá giữa hai tên trộm cướp…; và chút nữa đây trên bàn thờ nầy, Hài nhi Giêsu trong máng cỏ ngày nào cũng chính là Chúa Kitô chấp nhận làm “tấm bánh ly rượu” để rở nên máu thịt nuôi sống muôn người…!
Noi theo cách hành động của Thiên Chúa, chị em Nữ Tỳ chúng ta sống mầu nhiệm Giáng Sinh – Nhập Thể hôm nay là biết mỉm cười chấp nhận cái tối tăm vất vả của đời sống thánh hiến nhưng vẫn sáng lên niềm tin yêu hy vọng; là không nản lòng trước bệnh tật, không sợ hãi phải hy sinh và thực thi ý Chúa, là trung tín trong từng chi tiết nhỏ mỗi ngày để trở nên một “nữ tỳ đúng nghĩa của Hội Dòng và giữa lòng Hội Thánh”…; là không ngừng khám phá và gặp gỡ chính Đức Kitô đang hiện diện thật sự trong thế giới nầy, trong nhân loại nầy, đặc biệt, Ngài hiện diện trong những con người bé nhỏ khó nghèo, bị chà đạp, bị tổn thương, bị vất bỏ bên vệ đường xã hội… mà câu chuyện trong kho tàng khôn ngoan của Ấn Độ sau đây đã phần nào diễn tả ý nghĩa nầy:
“Có một vị linh sư Ấn giáo và các môn sinh ngồi quây quần bên một bếp lửa hồng. Sức nóng của than hồng và hơi nóng của từng người làm cho căn phòng ấm hẳn ra….Nhưng bỗng chốc, vị linh sư già run lập cập, môi ông bập bẹ không nói ra lời. Các môn sinh lo lắng cho sức khỏe của thầy: “Thưa thầy, chắc thầy yếu trong người, chúng con xin phép được cho thêm củi vào lò sưởi”. Trong cơn thổn thức, vị linh sư già cố gắng nói từng tiếng: “Lửa và sức nóng trong căn phòng nầy quá đủ cho ta… Ta cảm thấy lạnh là bởi vì bên ngoài có một người hành khất đang run lập cập”. Quả thật, đúng như lời của vị thầy, các môn sinh đã mở cửa và nhìn ra ngoài, và họ đã tìm thấy một người hành khất đang rét run vì đói và lạnh…. Họ đưa ngươi đó vào trong căn phòng, săn sóc cho anh và từ giây phút ấy, vị linh đạo sư cũng trút bớt nổi rét run của mình…”.
Tóm lại, chúng ta có trách nhiệm làm cho Mầu Nhiệm Giáng Sinh hiện thực trong cuộc sống nầy, cuộc đời nầy, để Chúa Giêsu một lần nữa đến và ở lại trong cuộc đời mỗi người chúng ta, chứ không phải “Người đã đến và Người phải ra đi” như cách cảm nhận của linh mục Hoàng Đức trong ca khúc “Bước Người đi qua”: “Thế có lần nào bạn mong nghe bước Người đến, thế có lần nào bạn mong xem bóng dáng Người. Thế có lần nào thế có lần nào, ngàn năm qua, bẫng ngàn năm, Người đã đến nhưng Người phải ra đi, Người đã đến nhưng Người phải ra đi.”. Không, chút nữa đây chúng ta đón nhận Thánh Thể Chúa vào lòng và nhất quyết, chúng ta không để Chúa “phải ra đi”.
Trương Đình Hiền (Giáng Sinh 2023 tại Tiểu chủng viện Làng Sông với các chị Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)