LÁ TRÊN CÀNH VẪN CỨ XANH

Views: 259

(Gr 17,8; Tông huấn Christus Vivit 133)

BÀI CHIA SẺ VỚI CÁC KHẤN SINH TẠM MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN

(18.8.2019)

A. LÁ TRÊN CÀNH VẪN CỨ XANH

(Đề tài buổi sáng)

            Ngày 5.8.2019 vừa qua, Tại Trung Tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn, các Hội Dòng Mến Thánh Giá đã long trọng khai mạc Năm Thánh mừng 350 thiết lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam (1670-2020). Định hướng chung của Năm Thánh đặc biệt nầy đó là : Tri ân quá khứ, say mê hiện tại và hy vọng tương lai.

            Năm Thánh Dòng Mến Thánh lại diễn ra trong bối cảnh toàn thế Giáo Hội đang hướng về Giới Trẻ, một thành phần mà chắc chắn đang chiếm lĩnh số đông nơi các Hội Dòng Mến Thánh Giá nói riêng và đời sống thánh hiến nói chung. Chính vì thế, trong dịp tĩnh tâm dành cho các “nữ tu trẻ” của Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, những khấn sinh tạm, tôi muốn được mượn đôi lời và ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XV[1] : ĐỨC KITÔ ĐANG SỐNG (CHRISTUS VIVIT), để mở đầu cho cuộc chia sẻ hôm nay :

“Ngài là suối nguồn của tuổi trẻ theo nghĩa tốt nhất. Vì ai tin tưởng vào Chúa thì «giống như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi» (Gr 17,8). Trong khi «những thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn” (Is 40,30), những người đặt niềm tin vào Chúa lại «được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân» (Is 40,31).[2]

            Nhưng trước khi chia sẻ với nhau “câu chuyện nầy”, chúng ta thử tìm lại “dấu ấn một thuở ban đầu”, nơi cội nguồn phát xuất Hội Dòng mà quý chị đang dấn thân chọn lựa cho cuộc đời thánh hiến của mình.

I. NHỮNG DẤU ẤN “MỘT THUỞ BAN ĐẦU” :

  1. Một thoáng về nguồn : Linh đạo Thập Giá

– Như một “linh cảm tiền định” :

            Chính Đức Cha Lambert de La Motte (1624-1679), Vị Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài (1670) và Đàng Trong tại An Chỉ Quảng Ngãi (1671), ngay từ hồi mới lên 9 tuổi (1633), đã được ơn “khải thị” về “linh đạo Mến Thánh Giá”[3] như được ghi lại trong nhật ký của ngài :

“Nhưng nảy ra trong tâm tư tôi ý tưởng về một hạng người rất hợp với tôi vô cùng. Bị cuốn hút vào đó, tôi muốn theo cuộc sống của họ. Họ mang tên là Những Người Mến Thánh Giá. Cuộc sống của họ đối với tôi thật là tuyệt diệu đến nỗi nếu tôi gặp được ở đâu đó, tôi sẽ cố gắng hết sức của tôi và bằng bất cứ giá nào, để được vào hiệp hội đó…”[4]

– Như một “khẩu hiệu đặc trưng” :

            Trong cuộc tĩnh tâm tại Juthia (Thái Lan) khoảng 28 năm sau (1661), Đức Cha Lambert lại được ơn Chúa thúc đẩy để thành lập một Hội Dòng Mến Thánh Giá với “khẩu hiệu đặc trưng” : “Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”.[5] 

– Như định hướng xuyên suốt :

            Trong suốt quá trình dẫn dắt cộng đoàn Dân Chúa trong một thời điểm đầy thách đố, khó khăn của “thuở ban đầu” loan báo Tin Mừng tại Á Châu, qua các thư mục vụ cho cộng đồng dân Chúa, các huấn dụ riêng cho các nữ tu đầu tiên…Đức Cha Lambert luôn nhắc đi nhắc lại “định hướng tinh thần xuyên suốt” nầy :

“Nhân danh Chúa Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh, cha khẩn khỏa nài xin chúng con hãy giữ lòng trung thành mà chúng con đã hứa với Thiên Chúa khi chịu phép rửa tội.” (1 Tmv 12). Sau đó Ngài khuyên bảo đoàn chiên của Ngài hãy vui lòng chấp nhận Thánh Giá, vì Thiên Chúa luôn luôn muốn dẫn đưa những kẻ Người tuyển chọn trên con đường Thánh Giá….Phương tiện duy nhất giúp chúng ta thắng được bản tính tự nhiên là để cho Thiên Chúa ngự trị trong lòng chúng ta cách hoàn hảo bằng mộ lối sống phù hợp với Vị Thủ Lãnh phải mang mão gai trên đầu”. Do đó, “nếu cha thấy một Kitô hữu phàn nàn về các Thánh Giá của mình, thì Cha phải nghĩ rằng người đó phủ nhận các phương tiện chắc chắn nhất mà Thiên Chúa nhân hậu trao cho để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu” (A.Launay, Đàng Trong I, tr.55-57)[6]

  1. Linh đạo Thập Giá và những chị em “chứng nhân” tiên khởi :

            Trải qua chặng đường dài hơn 200 năm từ buổi khai sinh (1670 – Đàng Ngoài,1671 – Đàng Trong) cho đến cuộc bách hại khủng khiếp cuối cùng của phong trào “Văn Thân” (1885), các chị em Dòng Mến Thánh Giá “của thuở ban đầu” ấy, đã đóng góp rất nhiều những “chứng nhân tử đạo” để viết nên lịch sử hào hùng của Giáo Hội tại Việt Nam.

            Chỉ riêng giáo phận Đông Đàng Trong và chỉ với cuộc tàn sát của Văn Thân (1885) thôi, đã có 270 nữ tu bị sát hại vị Đạo Chúa.[7]

            Trong số đông đảo “các chứng nhân nữ tu anh hùng” đó, có hai vị nữ tu Mến Thánh Giá đã được Hội Thánh tuyên phong “Tôi Tớ Chúa” vào ngày 12.11.1918, đó là chị Anê Soạn quê ở Diêm Điền, Bình Định ; và chị Anna Trị quê ở Dinh Thủy, Phan Rang.[8]

II. SỐNG NĂM THÁNH : ĐỂ LÁ TRÊN CÀNH VẪN XANH

  1. Thời khắc để “mảnh đất tâm hồn nghỉ ngơi”.

            Chúng ta biết rằng: Năm Thánh hay Năm Tòan Xá bắt nguồn từ truyền thống Thánh Kinh khi dân Ít-ra-en đã được chính Thiên Chúa chỉ thị tổ chức thực hiện :

“Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình.” (Lv 25,10-13).

Nếu Năm Thánh của dân Ít-ra-en đó là thời kỳ “cần lao gác lại, đất đai được nghỉ ngơi”, thì hôm nay, Năm Thánh và cuộc tĩnh tâm nầy cũng chính là thời điểm thích hợp để mọi người chúng ta cho “mảnh đất tâm hồn mình được nghỉ ngơi”. Đó là cuộc nghỉ ngơi theo đúng chỉ thị của Đức Kitô dành cho cho các môn sinh : “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng …” (Mc 6, 31), cuộc nghỉ ngơi khỏi những lo toan, bận rộn đời thường, những “lo ra chia trí vì những nhu cầu “cơm áo gạo tiền”, những tranh chấp hơn thua, những lỗ lời mặc cả…

  1. Thời khắc để “canh tân các mối tương quan”.

            Tuyền thống Năm Thánh của dân Ít-ra-en còn nhấn mạnh khía cạnh “chuộc đất, chuộc nhà, giải phóng nô lệ” :

“đến thời kỳ toàn xá, của bán sẽ ra khỏi tay người mua, và người bán sẽ trở về phần sở hữu của mình…(…) Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu bên cạnh (các) ngươi và phải bán mình cho (các) ngươi, thì (các) ngươi không được bắt nó làm công việc của người nô lệ ; nó sẽ ở với (các) ngươi như một người làm thuê, một khách trọ, và sẽ phục vụ trong nhà (các) ngươi cho đến năm toàn xá ; khi đó, nó cùng với con cái nó sẽ ra khỏi nhà (các) ngươi, sẽ trở về thị tộc mình, sẽ trở về phần sở hữu của cha ông nó. Quả thế, chúng là tôi tớ của Ta, mà Ta đã đưa ra khỏi đất Ai-cập, không được bán chúng như bán nô lệ. (Các) ngươi không được thống trị chúng cách hà khắc, nhưng hãy kính sợ Thiên Chúa của (các) ngươi.” (Lv 25,23-43). 

            Như vậy, dịp tĩnh tâm nầy là lúc thích hợp và cần thiết nhất để chúng ta cùng “tính sổ” với chính lương tâm mình, cuộc “tính sổ” về các mối tương quan, tính sổ lòng bác ái, tính sổ luật yêu thương để can đảm gác lại mọi mối tị hiềm, mọi lòng đố kỵ, mọi cái nhìn khe khắt, thiên kiến với đôi kính đen ngòm của tự ái, sĩ diện…

            Càng vứt đi cái “bị” hận thù, ganh ghét, thì hành trang Năm Thánh-Tĩnh tâm trên đôi vai chúng ta càng nhẹ nhõm, cõi lòng càng thanh thản, và dĩ nhiên, đó là điều kiện thích hợp để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, đón nhận hồng ân.

  1. Thời khắc để “tìm lại mùa xuân tuổi trẻ” (Theo tinh thần tông huấn Christus Vivit).

            Xét về lứa tuổi của toàn thể chị em trong Hội Dòng, tôi nghĩ, thế hệ của các chị khấn sinh tạm nầy là thành phần trẻ trung, đầy năng động và nhiệt huyết nhất. Vâng, các chị chưa “đủ già” để thấy mình “mới đây mà đã khấn trọn”; và cũng không còn trẻ để than thân trách phận “không biết bao giờ mới được khấn đây” !

            Và có lẽ đây cũng là thế hệ nói được là chính hiện tại và tương lai của Hội Dòng. Bởi chưng, chính các chị sẽ là những người kề vai đảm đương những công việc nặng nhọc, khó khăn của những người trẻ mà những chị em lớn tuổi, sức khoẻ yếu mệt, không cón có thể đảm đương. Và cũng chính các chị sẽ là những “người chị tiên phong”, dẫn dắt lớp đàn em đang kề bước phía sau, mà các em sẽ không thấy quá ngăn cách và xa lạ trong tương quan sống và làm việc.

            Chính vì thế, chúng ta mạnh mẽ “lãnh trách nhiệm” và tự hào về “tuổi trẻ của mình”, như mong ước của Đức Thánh Cha Phanxicô, được ngài ghi lại trong lời cuối của tông huấn Christus Vivit :

“Các bạn trẻ thân mến, cha sẽ vui mừng khi thấy các con chạy nhanh hơn những người chậm chạp và rụt rè. Các con cứ chạy, vì ‘được Tôn nhan đáng yêu thu hút, Đấng mà chúng ta tôn thờ trong Thánh Thể và nhận ra Ngài nơi thân mình của người anh em đau khổ. Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các con trong hành trình tiến về phía trước. Hội thánh đang cần đà tiến của các con, cần những trực giác và đức tin của các con. Và khi các con đến nơi mà chúng tôi chưa đến, các con hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi’”.[9]

            Tuy nhiên, chúng ta đừng chủ quan : mình đúng hết, mình hoàn hảo. Không, có thể tôi “đang già đi và đầy thương tích”, như nhận xét của ĐGH Phanxicô :

“Nơi người trẻ, cũng có những va vấp, những thất bại và những ký ức buồn thảm hằn sâu trong tâm hồn. Thường đó là thương tích gây ra bởi những thất bại trong lịch sử của chính mình, bởi những ước muốn không thành, bởi những kỳ thị và những bất công phải chịu, hoặc vì không cảm thấy được yêu thương hay công nhận. Hơn nữa, có cả những thương tích tinh thần, đó là sức nặng của những lỗi lầm đã phạm, của mặc cảm tội lỗi sau khi phạm sai lầm. Giữa những thập giá này mà người trẻ phải vác lấy, có Đức Giêsu ở đó để trao ban cho họ tình bạn, niềm an ủi và sự đồng hành có sức chữa lành của Người. Còn Hội thánh muốn trở nên khí cụ của Đức Giêsu trên con đường này, con đường dẫn đến phục hồi nội tâm và bình an cho tâm hồn.”[10]

            Tuy nhiên, không vì thế mà nãn lòng, thất vọng, co rút lại…, theo những “dạng” mà Đức Thánh Cha Phanxicô cực lực bài xích bằng những từ ngữ thật sắc bén, nếu không nói là dữ dội:

“Các bạn trẻ thân mến, tốt hơn hết các con đừng đánh mất tuổi thanh xuân của mình, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Các con đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời mình trước cái màn hình. Đừng để mình rơi vào cảnh tượng thê thảm như của một chiếc ôtô phế thải. Đừng như những chiếc xe nằm trong bãi đậu xe, nhưng hãy ước mơ thỏa chí  và hãy đưa ra những quyết định. Các con hãy mạo hiểm, dù có thất bại. Đừng sống sót với tâm hồn đã tê dại và đừng nhìn thế giới như những khách du lịch. Hãy lên tiếng! Hãy xua tan những nỗi sợ khiến các con tê liệt, để không trở thành những người trẻ như xác ướp. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở các cánh cửa lồng ra và bay đi! Làm ơn, đừng về hưu non các con nhé.[11]

            Và để khắc phục “tình trạng già háp” đó, tông huấn Christus Vivit đề nghị nhiều con đường. Ở đây, xin rút ra 3 chiều kích sau :

– Đời sống nội tâm : luôn ở trong tình bạn với Chúa Kitô :

            “Dù con có sống và trải nghiệm đến đâu chăng nữa, con cũng sẽ không bao giờ chạm đến ý nghĩa sâu xa nhất của tuổi trẻ, con sẽ không nhận biết được tuổi trẻ đầy đủ nhất, nếu con không gặp Người Bạn lớn mỗi ngày, nếu con không sống trong tình bạn với Đức Giêsu.”.[12]

            “Với một người bạn, chúng ta có thể trò chuyện và chia sẻ những điều sâu kín nhất. Cũng thế, với Đức Giêsu chúng ta có thể đàm đạo với Người. Cầu nguyện là một thách đố và cũng là một  cuộc phiêu lưu. Và cuộc phiêu lưu thật là thú vị biết bao! Nó cho phép chúng ta biết Người mỗi ngày một hơn, cho chúng ta đi vào tương giao sâu xa với Người và càng ngày càng kết hợp bền chặt hơn với Người. Cầu nguyện cho phép chúng ta chia sẻ với Người mọi điều xảy đến với mình và tín thác trong vòng tay của Người, đồng thời cầu nguyện cũng cho chúng ta những giây phút thân tình quý giá, trong đó Đức Giêsu trao ban sự sống của Người cho chúng ta. Khi cầu nguyện «chúng ta cởi mở tất cả với Người», chúng ta dành chỗ cho Người để Người có thể hành động và có thể bước vào và có thể chiến thắng”.[13] 

– Đời sống cộng đoàn : luôn đi trên nẻo đường huynh đệ :

            “Thiên Chúa yêu thích niềm vui của người trẻ và Ngài mời họ trước hết hướng đến niềm vui sống tình hiệp thông huynh đệ, hướng đến cảm nhận niềm vui cao vời của người biết chia sẻ, vì «cho đi thì vui hơn là nhận lại» (Cv 20,35 ) và «Thiên Chúa yêu thích những ai vui vẻ dâng hiến» (2 Cr 9,7). Tình huynh đệ gia tăng gấp bội khả năng của chúng ta kinh nghiệm niềm vui, bởi vì nó làm cho chúng ta vui vì điều tốt đẹp của người khác. «Hãy vui với người vui» (Rm 12,15). Ước gì sự hồn nhiên và những xung năng của tuổi trẻ chúng con ngày càng được biến đổi hơn nữa thành tình yêu thương huynh đệ, tươi trẻ, luôn sẵn sàng tha thứ, quảng đại, khao khát xây dựng cộng đồng. Một câu ngạn ngữ châu Phi nói: «Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những người khác». Chúng ta đừng để mình bị đánh cắp mất tình huynh đệ.[14] 

– Đời sống mục vụ : ứng dụng nguyên tắc “HIỆP HÀNH” (SYNODALITY).

            Mục vụ Giới trẻ phải mang tính “hiệp hành” (synodale) , nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm «sự quí trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. […] Với tinh thần này, chúng ta sẽ có thể tiến đến một Giáo hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta».[15]

            Trong tinh thần và thời điểm quý báu của Năm Thánh, hy vọng mọi người chúng ta cùng tận dụng “cơ hội thuận tiện” nầy để hoàn thiện chính mình và trở nên một tu sĩ đích thực như lòng Chúa mong ước, Hội Thánh được nhờ, và Hội Dòng mỗi ngày thêm phong phú, như văn kiện “Xuất phát lại từ Đức Kitô của Thánh bộ Dòng Tu” đã ước mơ từ lâu :

“Vì vậy, ước gì họ được nhìn nhận dứt khoát là những tác nhân chính trong việc huấn luyện bản thân. Bởi vì chính họ là những người sẽ phải đổi mới Tu hội để duy trì hậu duệ, nên quả là thích hợp việc họ dần dần đảm nhận các nhiệm vụ chỉ đạo và quản trị sau khi đã được chuẩn bị thích đáng. Được vững mạnh nhờ ánh sáng của lý tưởng, họ trở nên những nhân chứng đích thực của nỗ lực nên thánh, chuẩn mực cao của đời sống Kitô hữu. Tương lai của đời sống thánh hiến và sứ vụ phần lớn hệ tại ở sức mạnh của đức tin, các thái độ mà họ hân hoan biểu lộ và những gì Thánh Khí muốn nói với họ.”[16]

A. XIN CHỌN LÀM CÁNH HOA HỒNG

(Đề tài buổi chiều)

            Khi bàn đến những chuyện “hơi thiêng liêng một tý”, thường nhiều người (linh mục, tu sĩ và giáo dân) hay có phản ửng ứng “giẫy nẫy” : “chuyện đó nghe hoài, nói mãi, chán phèo…” !

            Thế nhưng, chính những “phản ứng tiêu cực đó” đã biến chúng ta, những Kitô hữu”, trở thành một thứ theo ngôn ngữ của ĐGH Phanxicô : “xác ướp trong viện bảo tàng” :

“Thế là mối đe doạ lớn nhất từ từ hình thành: “chủ nghĩa thực dụng màu xám của đời sống hằng ngày của Hội Thánh, trong đó mọi sự có vẻ diễn tiến bình thường, nhưng trên thực tế đang hao mòn dần và rơi xuống tình trạng thiển cận”. Bằng cách này một tâm lý nấm mồ phát triển và từ từ biến những người Kitô hữu thành những xác ướp trong một viện bảo tàng. Vỡ mộng với thực tế, với Hội Thánh và với bản thân mình, họ trải nghiệm một cám dỗ ở lại trong một thái độ u buồn vô vọng, níu kéo con tim như “liều thuốc quí nhất của quỉ”. Vốn được kêu gọi toả ánh sáng và truyền sự sống, rốt cuộc họ bị giữ chặt trong những cái chỉ sinh ra bóng tối và mệt mỏi nội tâm và dần dần làm tan đi mọi nhiệt tình tông đồ. Về tất cả chuyện này, tôi lặp lại: Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng.”[17]

  1. Có cần một cuộc “xuất phát lại từ Đức Kitô” ?

            Tâm thức nhân loại nói chung, đặc biệt, với những người chịu ảnh hưởng “văn hoá Khổng Mạnh”, luôn coi trọng “phẩm giá”, muốn mọi người kính trọng đề cao, sẵn sàng “chết vinh” chứ không bao giờ chịu “sống nhục” (“Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”).

            Riêng, đối với những ai chọn theo Đức Kitô, thì phẩm giá cao cả nhất đó chính là được mang danh Ngài, được thuộc về Ngài : “Đối với tôi, sống là Đức Kitô…” (Pl 1,21).

            Trong khi đó, sự chọn lựa căn bản của các nữ tu Mến Thánh Giá chính là : “Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”.

            Tuy nhiên, mọi sự đã không được như thế; không phải chỉ hôm nay “cuộc sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” mới là “điểm nóng thời sự mục vụ của Giáo Hội”, của các Hội Dòng, của đời sống linh mục…, mà là chuyện nhức nhối đã từng xảy ra vào những ngày khai sinh Hội Thánh, như tâm tư của chính Thánh Phaolô Tông Đồ trong thư gởi giáo đoàn Philip :

“Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” (Pl 3,18-19).

            Chuyện cách đây 2000 năm là thế, còn chuyện hôm nay có liên quan đến đời sống tu trì, thì Giáo Hội cũng đang đối diện với nhiều thách đố, trong đó có những vấn đề như :

“Bên cạnh sự nhiệt tình xả thân nhằm làm chứng và tự hiến đến mức tử đạo, những người thánh hiến cũng cảm nghiệm những đe doạ của sự tầm thường trong đời sống thiêng liêng, của việc trưởng giả hoá lần lần và não trạng tiêu thụ. Việc điều hành phức tạp các công việc mà những yêu cầu của xã hội và luật lệ mới của Nhà nước quy định, cùng với các cám dỗ tìm kiếm hiệu năng và duy hoạt động, có nguy cơ làm lu mờ tính độc đáo của Tin mừng và làm suy yếu các động cơ thiêng liêng. Tình trạng các dự phóng riêng tư chiếm ưu thế hơn các dự phóng cộng đoàn có thể xói mòn sự hiệp thông tình yêu giữa anh em, chị em.”[18]

            Chính vì thế, luôn luôn cần một cuộc “xuất phát lại từ Đức Kitô” :

“Vì thế cần gắn bó ngày càng mật thiết hơn với Đức Ki-tô, trung tâm của đời sống thánh hiến và lại một lần nữa đi lại con đường hoán cải và canh tân, giống như kinh nghiệm đầu tiên của các tông đồ, trước và sau biến cố phục sinh, đó là xuất phát lại từ Đức Ki-tô. Vâng, ta phải xuất phát lại từ Đức Ki-tô bởi vì chính từ nơi Người mà các môn đệ đầu tiên đã khởi hành tại Ga-li-lê; từ nơi Người mà suốt giòng lịch sử, những người nam nữ thuộc mọi cấp bậc và văn hoá, được Chúa Thánh Thần hiến thánh theo ơn gọi của họ, đã khởi hành; vì Người, họ đã từ bỏ gia đình và quê hương, theo Người cách vô điều kiện, chuẩn bị sẵn sàng để loan báo Nước Trời và làm điều lành cho mọi người (x. Cv 10,38).(…). Những người thánh hiến có thể và phải xuất phát lại từ Đức Ki-tô bởi vì chính Người đã đến với họ trước và đồng hành với họ trên đường (x. Lc 24,13-22). Cuộc sống của họ là lời loan báo chỗ đứng ưu việt của ân sủng. Không có Đức Ki-tô, họ không thể làm được gì (x. Ga 15,5); tuy vậy, trong Người là Đấng ban sức mạnh, họ có thể làm mọi sự” (x. Pl 4,13).[19]  

            “Xuất phát lại từ Đức Ki-tô có nghĩa là loan báo rằng đời sống thánh hiến là một cách đặc biệt đi theo Đức Ki-tô, “một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể trong tương quan với Chúa Cha và với anh em Người”. Điều đó bao hàm một sự hiệp thông tình yêu đặc biệt với Đức Ki-tô, Đấng đã trở nên trung tâm của đời sống họ và nguồn mạch liên tục của mọi sáng kiến. Như tông huấn Đời sống thánh hiến nhắc nhở chúng ta, đó là một kinh nghiệm chia sẻ, “một ơn đặc biệt là sống trong tình thân thiết”. Đó là “trở nên một với Người, mang cùng những tâm tình, cùng một lối sống”, và đó là một cuộc sống “bị Đức Ki-tô chiếm hữu”, “được bàn tay Đức Ki-tô chạm đến, được tiếng nói của Người nhắn nhủ, được ân sủng của Người nâng đỡ”[20]

  1. Thử xem lại : từ đâu tôi đã “đánh mất tình yêu thuở ban đầu” ?

            Nhưng để “xuất phát lại từ Đức Kitô”, chúng ta cần phải biết minh đang đi lạc, đang “rơi xuống” từ chỗ nào ?

            Từ cuối thế kỷ thứ nhất, Thánh Gioan đã cảnh báo cộng đoàn tín hữu Êphêsô :

“Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi; … Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải.” (Kh 2,2-5)

            Phải chăng, “xem ngươi đã từ đâu rơi xuống” cũng chính cái lộ trình “Hoán Cải Mục Vụ”[21] mà Đức Giáo Hoàng đề nghị cho toàn dân Chúa cùng nỗ lực thực hiện như bước khởi đầu cơ bản trong công cuộc “Tân Phúc Âm hoá”. Ngài đã diễn tả lại lời nhắc nhở của sách Khải Huyền bằng những ngôn ngữ mới của thời đại thích hợp cho mỗi người chúng ta :

“Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.”[22]

            Xin khơi gợi một vài “điểm rơi” có thể rất “phổ thông” nơi nhiều người :

a. Nhạt mờ “CAM KẾT”

            Trong tác phẩm “THE COMPASSIONATE SAMURAI” của tác giả người Mỹ Brian Klemmer, mà bản dịch Việt Ngữ của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long mang tên “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG”, đã chọn phẩm cách “CAM KẾT”, như phẩm hạnh đầu tiên trong số 10 phẩm cách cơ bản của người “Chiến Binh nhân từ”[23]: cam kết, trách nhiệm cá nhân, cống hiến, tập trung, trung thực, danh dự, lòng tin, sung túc, dũng cảm và kiến thức.[24]

            Tác giả đã khai mở nội dung ý nghĩa về phẩm cách “CAM KẾT” bằng những lời của Howard Thurman trong tác phẩm Những nguyên tắc tinh thần :

“Cam kết là khả năng tập trung ý chí vào một mục tiêu, một hành động hay một lý tưởng mà ý nghĩa của nó còn quan trọng hơn cả sự sống còn”[25]

            Nào chẳng phải căn tính của người Kitô hữu được xây dựng trên chính lời “CAM KẾT THÁNH THIÊNG CỦA NHIỆM TÍCH THÁNH TẨY” ! Cam kết “Từ bỏ ma quỷ, tội lỗi và những quyến rũ bất chính” và “Tin tưởng vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Hội Thánh”[26].

            Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã cắt nghĩa minh bạch về sự “CAM KẾT” đặc biệt nầy nơi Chương I của tông huấn KTHGD. Xin trích đoạn mở đầu :

“Thật không quá đáng khi nói rằng toàn bộ đời sống của giáo dân có mục đích đưa họ tới chỗ nhận biết sự mới mẻ căn bản Kitô-giáo phát sinh từ bí tích Thánh Tẩy, bí tích của lòng tin, để họ có thể thực hiện những nghĩa vụ theo đúng ơn gọi đã được Thiên Chúa ấn định. Để phác họa “dung mạo” của người giáo dân, chúng ta hãy xem xét một cách trực tiếp và rõ ràng hơn những khía cạnh căn bản sau đây, trong số nhiều khía cạnh khác : Bí tích Thánh Tẩy tác sinh chúng ta vào cuộc sống con cái Thiên Chúa ; kết hiệp chúng ta với Đức Kitô và với Thân Thể của Ngài là Giáo Hội ; xức dầu cho chúng ta trong Thánh Thần qua việc biến chúng ta thành những đền thờ thiêng liêng.” (Số 10).

            Từ “cam kết” nền tảng của bí tích Rửa Tội, đời sống đức tin của chúng ta lớn lên, phát triển, nuôi dưỡng và kết thúc, có thể nói được, qua con đường dài của những “cam kết”. Cam kết khi lãnh nhận Thánh Thể lần đầu, cam kết khi chịu Phép Thêm Sức, cam kết “thuỷ chung yêu thương, đón nhận nhau trong bí tích Hôn phối”, cam kết với thánh vụ của bí tích Truyền chức, cam kết dốc lòng chừa bỏ tội lỗi của bí tích Giải Tội, cam kết dấn thân thuộc về Chúa Kitô khi khấn dòng…cho tới khi cam kết phó thác cuộc sống cho Chúa trong niềm cậy trông của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân !

            Cách riêng, sự cam kết của những người thánh hiến, đó là : “sống theo gương Đức Ki-tô, đức Trinh nữ và các Tông đồ với một tình yêu nồng nàn” :

“Những người thánh hiến đã đón nhận tiếng gọi thực hiện “một sự thánh hiến mới và đặc biệt” vì lợi ích của Giáo hội, nên họ bị thúc bách thực hiện lối sống theo gương Đức Ki-tô, đức Trinh nữ và các Tông đồ với một tình yêu nồng nàn. Trong thế giới chúng ta, lối sống đó cấp thiết cần có một chứng tá ngôn sứ nhằm “khẳng định vị thế tối thượng của Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu, biểu lộ qua việc bước theo và trở nên giống Đức Ki-tô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục, Đấng đã hiến thân trọn vẹn vì vinh quang Thiên Chúa và vì tình yêu đối với anh chị em”.[27]

            Sở dĩ ngày hôm nay có quá nhiều người giữ đạo bơ thờ, mỏi mệt, thậm chí khô đạo, bỏ đạo…vì xa lìa chính lời cam kết cơ bản của bí tích Rửa tội, rồi từ đó bỏ luôn các lời cam kết khác. Tôi muôn nhắc lại tinh thần giữ lời cam kết của các samurai : “Các người chiến binh trong lịch sử luôn giữ đúng lời cam kết cho dù phải đánh đổi bằng mạng sống của chính mình. Không phải họ không yêu quý bản thân, nhưng họ biết đặt lời hứa và nguyên tắc lên trên tất cả…”[28]

            Để trở thành một “cành nho sinh đầy hoa trái”, thiết nghĩ, điều đầu tiên phải quyết tâm tìm lại và làm mới lại mỗi ngày chính “CAM KẾT” của bí tích Thanh tẩy và mọi cam kết khác trong đời sống Kitô hữu. Phải là những cam kết “bằng lòng” chứ không “bằng mặt”, bằng “lãnh nhận trách nhiệm hoàn toàn” chứ không “tìm cách biện hộ”, giống như “4 câu trả lời” của học viên thuộc học viện quân sự West Point     của Mỹ. Vâng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ chỉ được trả lời 1 trong 4 câu sau :

  1. Vâng, thưa sếp.
  2. Không, thưa sếp.
  3. Thưa sếp, tôi không có gì để biện hộ.
  4. Thưa sếp, tôi không hiểu.[29]

            Trong đời thường cuộc sống không thiếu những mẫu gương anh hùng sống trọn hảo với sự “cam kết” giữ vẹn phẩm hạnh đạo đức, trước những cám dỗ của tiền bạc, giàu sang, như câu chuyện cảm động của “cô bé Chiada và cái túi xách 100 ngàn đô la”[30].

            Riêng trong lịch sử Hội Thánh, tất cả các Vị Thánh, tiêu biểu nhất là các Thánh Tử Đạo, phải chăng là những “samura” đã giữ vẹn lời “CAM KẾT” dành cho Chúa Giêsu và Hội Thánh, “CAM KẾT” đi trọn con đường của Tám Mối Phúc Thật, của Thập Giá, của giới luật “tình yêu”…!

            Và như thế, mỗi người có thể chọn lời phát biểu cuối cùng của Thánh Tử Đạo Việt nam Phaolô hạnh làm câu châm ngôn để sống mỗi ngày lời “cam kết” của chính mình : “KITÔ HỮU CHO ĐẾN CHẾT” !

b. Đánh mất sự “tập trung cốt lõi” : NÊN THÁNH

            Trong chương Tám mang chủ đề “MỤC TIÊU XÁC ĐỊNH” của tác phẩm “CHIẾN THẮNG CON QUỶ TRONG BẠN”, tác giả Napolen Hill đã đặt trên miệng con Quỷ lời thú tội như sau :

“Ngay khi người đó do dự, chần chừ hay không xác định về bất cứ điều gì, anh ta sẽ lập tức rơi vào sự kiểm soát của ta” [31].

            Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông huấn kêu gọi nên thánh, cũng đã lặp lại những lời mà có thể đã âm vang suốt chiều dài lịch sử trên con đường “hoàn thện Kitô giáo” :

“Khi chúng ta xem thường mất cảnh giác, ma quỷ chụp thời cơ để hủy hoại cuộc sống, gia đình và cộng đoàn chúng ta. Chúng “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).

“Lời Chúa mời gọi chúng ta thật rõ ràng: hãy “đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,11) và “dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ep 6,16). Đây không là kiểu nói thi vị, bởi vì ngay cả con đường nên thánh của chúng ta cũng là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Những ai không muốn nhìn nhận điều này sẽ làm mồi cho sự thất bại và tầm thường.”[32]

            Vâng, “điểm rơi” thứ hai mà chúng cần xét đến chính là : đánh mất sự “tập trung cốt lõi” : NÊN THÁNH.

            Nếu bí tích Rửa Tội đưa chúng ta vào đời sống mới làm con cái Thiên Chúa, gia nhập vào một đoàn dân mới, “hàng tư tế vương giả, dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa…” (1 Pr 2,9) cùng với sự “cam kết” nên thánh (từ bỏ tội lỗi, ma quỷ và những quyến rũ bất chính), thì có thể nói được, điểm “tập trung cốt lõi” của đời sống Kitô hữu là nỗ lực sống cho được hai hạn từ “NÊN THÁNH”.

            Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn kêu gọi dân Chúa nên thánh đã minh định rõ:

“Nhưng với Tông huấn này, trên hết tôi muốn nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa ngỏ với mỗi người chúng ta, lời mời gọi mà Ngài cũng ngỏ lời cách riêng tư vói bạn: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44; X. 1 Pr 1,16). Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố điều này cách rõ ràng: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả các tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành”[33]

            Khi nhắc đến “tiêu đích” nầy, chắc không ít người trề môi “lại chuyện trên trời” ! Vâng, rất nhiều người trong chúng ta vẫn thường quan niệm “nên thánh” là chuyện “quá khó”, chỉ một số ít người thực hiện; và đa phần chỉ có thể sống đời “phàm” bởi nó dễ chịu, thoải mái và trong tầm tay… Và khi cuộc sống Kitô hữu chỉ “tập trung vào cái “PHÀM”, mà lãng tránh, không chú tâm tới cái “THÁNH”, rốt cuộc, trở thành một “Kitô hữu tầm thường, dở dở ương ương, mà nếu dùng ngôn từ của thánh Gioan trong sách Khải Huyền, đó là kẻ bị Thiên Chúa kết án là “hâm hẩm” : “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3,15-16)  

            Chắc chắn vì muốn dân Chúa đặt lại “quan niệm nên thánh” cho đúng đắn, là ơn gọi, là con đường không phải xa lạ mà gần gũi, không phải khó khăn mà ai cũng có thể thực hành, không phải dành riêng chỉ cho một nhóm, một giới nào đó, mà cho chính mỗi người chúng ta…, nên Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông huấn “HÃY VUI MỪNG HOAN HỶ”.

            Chúng ta có thể gặp thấy các ý nghĩa trên trong mục đề “CŨNG DÀNH CHO BẠN NỮA” trong Chương I của văn kiện nầy. Xin trích :

“Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.(…).Hãy để ân sủng bạn đã nhận lúc lãnh bí tích Rửa Tội sinh hoa kết quả trên đường nên thánh. Hãy để mọi thứ được mở ra cho Thiên Chúa; dù ở tình huống nào vẫn hướng về Chúa. (…).Trong Hội thánh, … bạn sẽ tìm thấy mọi điều bạn cần để lớn lên theo hướng thánh thiện… nơi Kinh thánh, các bí tích, các đền thánh, nơi các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh và nơi vẻ đẹp muôn màu, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa.(…). Sự thánh thiện Chúa đang mời gọi bạn như thế sẽ lớn lên bằng những cử chỉ nho nhỏ. (…). Khi Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận bị tù, ngài đã nhất định không để lãng phí thời giờ ngồi chờ ngày được trả tự do. Thay vào đó, ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó”. (…).Các giám mục Tân Tây Lan thật chí lý khi dạy rằng chúng ta có khả năng yêu thương với tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì chính Chúa Phục sinh đã chia sẻ sự sống mãnh liệt của Ngài với những mảnh đời yếu ớt của chúng ta…”[34]

            Nếu “chiết xuất” ra những gì được tông huấn trình bày, chúng ta có thể “tập trung” vào trọng tâm : TÔI NÊN THÁNH ĐÓ CHÍNH LÀ :

Sống đời mình với tình yêu.

Làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.

Để bí tích Rửa Tội sinh hoa kết quả.

Dù ở tình huống nào vẫn hướng về Chúa.

– Đón nhận và thực hành các phương thế trong Hội Thánh : Kinh thánh, các bí tích, các đền thánh, các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh…

– Thực hành những cử chỉ nho nhỏ.

– Sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó…

            Riêng ở điểm cuối cùng “Sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó”, Đức Giáo Hoàng đã minh nhiên nhắc đến “chứng từ thánh sống động” của Vị Tôi Tớ Chúa – Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận. Chúng ta có thể dừng lại một chút để nghe Vị Hồng Y của chúng ta bộc bạch :

“Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định, phải là điều xinh đẹp nhất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy dành cho tất cả mọi người tình yêu thương, nụ cười của chúng ta mà không mất đi một giây nào.

Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta hãy là:

khoảnh khắc đầu tiên

khoảnh khắc cuối cùng

khoảnh khắc duy nhất.”[35]

(Đọc thêm : Eckhart Tolle : Sức mạnh của hiện tại : Ngay khi bạn vừa trân quý phút giây hiện tại, tất cả mọi ưu phiền và vật lộn với đời sống đều tiêu tan và đời sống bỗng trở nên chan chứa niềm vui tươi và sự thanh thản. Khi bạn hành động từ ý thức của phút giây hiện tại, bất cứ điều gì bạn làm, dù chỉ là một hành vi nhỏ nhặt, cũng mang đầy phẩm chất vị tha và thương yêu.”[36]

            Bởi, như Jesé Ortega y Gasset phát biểu : “Hãy nói cho tôi biết bạn chú tâm vào điều gì, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”[37].

c. Xem thường những “CHI TIẾT NHỎ”

            Sở dĩ xã hội Việt Nam ngày nay có quá nhiều tệ đoan, băng hoại, suy thoái đạo đức…vì phải trả giá cho việc xem thường việc “nhỏ mà không nhỏ” chút nào : giáo dục nhân bản, phẩm cách, đạo đức…, giáo dục làm người tử tế, làm người lương thiện !

            Trong môi trường “Đạo” thì sao ? Thực tế đa phần là “sống đạo lưng chừng”. Thánh : không dám mơ. Giữ đạo cách “bình dân, đơn sơ” (dâng lễ, đọc kinh, lần chuỗi, xưng tội…) : xem thường, không thèm thực hiện.

            Vâng, mọi biểu hiện khô đạo, yếu đức tin, nhạt tinh thần truyền giáo, mất nghị lực tông đồ…đều bắt nguồn từ việc “khinh thường những việc nhỏ” : “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn…” (Lc 16,10).

            Thật sự, đức tin mà chúng ta có được hôm nay phải chăng là nhờ có các bà mẹ mà ngay từ còn mang con trong dạ, đã nguyện dâng con cho Chúa, và không ngừng lần chuỗi, đọc kinh, dâng lễ… để những đứa con sau nầy làm linh mục, làm thừa sai đi rao giảng Tin Mừng, làm nữ tu…; là nhờ các người cha, sau mỗi ngày vất vả, trung thành dắt con lên nhà thờ và dọc đàng ân cần dạy con đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh…

            Chắc chắn, những vị đại thánh như Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Piô X, Gioan-Phaolô II, các vị Tử Đạo giáo phận như Stêphanô Thể, Gagelin Kính, Anrê Phú Yên, Anrê Kim Thông…, các ngài đạt được sự hoàn thiện và mang lại vô vàn ơn ích cho Hội Thánh chính là nhờ được giáo dục sống đạo từ những “chi tiết nhỏ” bởi những con người đơn sơ, nhỏ bé, nơi môi trường gia đình giản đơn, khiêm tốn.

            Phải chăng, khi xác tín về những giá trị thầm lặng, ẩn khuất, nhỏ bé của đời sống thấm nhuần Tin Mừng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ân cần nhắn gởi Hội Thánh trong tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ :

“Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết :

Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới; chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc mất; chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ; chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường hợp chàng rể đến chậm; chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh; chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.” (Số 144).

            Chỉ trong một đoạn ngắn thôi, chúng ta tìm đọc thấy 6 lần ĐTC nhắc đến cụm từ “chi tiết nhỏ” mà hầu hết là những “chi tiết nhỏ” trong giáo huấn và hành động của chính Chúa Giêsu cách đây 2000 năm được các Tin Mừng kể lại.

            Nhắc đến ý nghĩa “chi tiết nhỏ” nầy, tôi chợt nhớ câu chuyện “CHIẾC TRÂM CÀI TÓC CỦA LỘC NƯƠNG” đã làm nên “TIẾNG CHUÔNG TRỪ TÀ CỦA CHÙA TẾ VŨ”[38]

KẾT

            Trước khi kết thúc “câu chuyện” mang tựa đề “lá trên cành vẫn cứ xanh”, tôi muốn trở lại những gợi ý đầy thâm thuý và gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các bạn trẻ, trong đó có chúng ta. Ngài muốn chúng ta dệt cuộc sống bằng “tình yêu”. Vâng, đi tu mà không có một “tình yêu mãnh liệt” dành cho Thiên Chúa và con người, sẽ không thành “chánh quả”. Xin một lần nữa hãy lắng nghe :

Con tìm kiếm đam mê ư? Như lời của một bài thơ: hãy yêu đi! (hoặc hãy để cho mình được yêu), bởi vì «không gì quan trọng hơn là gặp được Thiên Chúa. Nói cách khác, hãy yêu Ngài một cách dứt khoát và tuyệt đối. Con yêu cái gì, thì con sẽ nghĩ tưởng đến cái đó và cuối cùng nó chi phối con tất cả mọi sự. Nó sẽ quyết định điều gì khiến con thức dậy vào buổi sáng, điều gì con sẽ làm lúc hoàng hôn, con sẽ trải qua những ngày cuối tuần như thế nào, con đọc gì, con biết gì, điều gì làm tim con tan vỡ và điều gì khiến con tràn ngập niềm vui và lòng biết ơn. Hãy yêu đi! Hãy tiếp tục yêu! Tất cả mọi sự sẽ khác». Tình yêu này của Thiên Chúa, vốn có thể làm chúng ta say mê cuộc sống, là điều có thể, nhờ Chúa Thánh Thần, bởi vì «tình yêu Thiên Chúa đổ tràn vào tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã được ban cho chúng ta» (Rm 5,5).[39]

            Nhắc tới tình yêu, chợt nhớ câu chuyện “Con chim hoạ mi và cây hoa hồng” của nhà văn Oscar Wilde[40]. Xin kể lại với bài thơ mang tựa đề : XIN CHỌN LÀM CÁNH HOA HỒNG, như một lời kết thúc. 

Đời, cõi tạm những mùa đông khắc nghiệt,

Lá úa, hoa tàn, trơ trọi cành khô…

Mây buốt âm u, gió lạnh xô bờ,

Tìm đâu ra những đoá hồng tuyệt mỹ ?

 

Quà tặng tình yêu, trải qua ngàn thế kỷ,

Một đoá hồng tươi, đơn giản thế thôi.

Nên dẫu trèo non lặn suối…hụt hơi,

Tìm cho được, dẫu trầy vi tróc vảy !

 

Hoa càng đẹp, máu hồng càng tuôn chảy,

Thân hoá bụi tàn, hoa sắc thêm tươi.

Đời lặng thương đau, hoa thắm nụ cười,

Chấp nhận nát thân để thành quà tặng !

 

Đường nhân gian có bao giờ phẵng lặng ?

Ai chọn nẻo đời làm “quà tặng tình yêu”.

Dễ có thênh thang, một sớm một chiều !

Không, “đường hẹp”, lại mịt mù thăm thẳm !

 

Dưới gốc bụi hồng bàn chân ai lỡ giậm,

Thân hoạ mi nào mới chết chiều qua ?

Giữa vườn hồng vừa trổ một đoá hoa !

Còn gì quý hơn, “quà tình yêu” tuyệt mỹ !

 

Vâng, “tặng phẩm tình yêu” của ngàn muôn thế kỷ,

Kết tinh từ dòng máu thắm của trái tim,

Của tấm thân tàn loang máu “bị đóng đinh”…

Của cuộc đời

chọn “làm cánh hoa hồng” tình yêu muôn thuở !

Sơn Ca Linh

            Xin cảm ơn quý chị. Chúc quý chị ngày mai khấn sốt sắng.

 

Trương Đình Hiền (18.8.2019).

[1] Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XV diễn ra tại Rôma từ ngày 3 đến 28.10.2018 với chủ đề : GIỚI TRẺ, ĐỨC TIN VÀ BIỆN PHÂN ƠN GỌI.

[2] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn ĐỨC KITÔ HẰNG SỐNG (CHRISTUS VIVIT), Bản dịch : HĐGMVN, nxb. Tôn Giáo 2019, số 133, tr. 82 – 83.

[3] Cụm từ “Mến Thánh Giá” được sử dụng nơi Cuốn II, Chương 11 của sách Gương Chúa Giêsu (The Imitation of Christ) của tác giả Thomas Kempis (1380-1471). Đề mục của Chương nầy đó là : “ÍT NGƯỜI MẾN THÁNH GIÁ” (FEW LOVE THE CROSS OF JESUS).

[4] Lm. Đào Quang Toản, Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, trang 14.

[5] Tòa Tổng Giám Mục thành phố Hồ Chí Minh, LINH ĐẠO LÂM BÍCH, TRANG 42 : Hai mươi tám năm sau tại Juthia, vị Giám mục thừa sai đầu tiên của miền Đông Á lại nghe tiếng Chúa mời gọi trong nội tâm : Hãy thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá đó (x. Bts I,1-3 ; II,1-4 ; Blt 5 ; Ltk I,4 ; T.sử 1.13 ; J.Guennou, sđd, tr. 111-112). Cuộc tĩnh tâm nầy đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong lộ trình thiêng liêng của Ngài. Từ nay, lòng Ngài gắn bó mật thiết với Đức Kitô-Chịu-Đóng-Đinh “bằng một tình yêu phi thường” (Bts I,1). Tình yêu đó không những thúc đẩy Ngài tự nguyện đánh tội mỗi ngày để thông dự cách thiết thực vào cuộc khổ nạn của Chúa mình (x. Bts I,7) ; nhưng còn gợi cho Ngài sáng kiến đầy ý nghĩa, là thêm ba chữ “Chịu-Đóng-Đinh” sau tên Chúa Giêsu, trong khẩu hiệu Ngài thường viết đầu các lá thư. Khẩu hiệu cũ mà Ngài kế thừa của trường phái Pháp Quốc : “Chúa Giêsu Kitô phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”, nay trở thành khẩu hiệu mới của riêng Ngài : “Chúa Gêsu Kitô-Chịu-Đóng-Đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta” (T.sử 13 ; J.Guennou, sđd tr.112).

[6] SĐD (Tòa Tổng Giám Mục thành phố Hồ Chí Minh, LINH ĐẠO LÂM BÍCH, Tr. 42-43)

[7] GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, NXB. An Tôn & Đuốc sáng, Đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017, tr. 244-245 : Trong cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885, Giáo phận Đông Đàng Trong đã bị tổn thất nặng nề nhất từ trước đến nay. Về nhân sự: 8 thừa sai Pháp, 7 linh mục Việt, 60 thầy giảng, 270 nữ tu, trên 24.000 giáo dân đã bị sát hại hoặc bị chết vì đói khát, bệnh tật, khi lẩn trốn nơi rừng thiêng nước độc, cũng có người lập nghiệp nơi khác không trở về. Về cơ sở vật chất: Tòa Giám mục Làng Sông, 225 nhà thờ và nhà nguyện, 10 phước viện, 2 chủng viện (Làng Sông và Nước Nhỉ), 17 cô nhi viện, 2 phòng phát thuốc, 1 nhà in, 4 nông trại, bị phá hủy. Số giáo dân trước cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885 là 41.828 người, chỉ còn lại khoảng 17.000 vào cuối năm 1885. Số tín hữu tại các tỉnh trong Giáo phận trước và sau cuộc sát hại của Văn Thân được ghi nhận như sau:

Tại Quảng Nam: từ 5.428 còn lại 5.000; tại Quảng Ngãi: từ 6.600 còn lại 1.000; tại Bình Định: từ 16.940 còn lại 8.000; tại Phú Yên: từ 6.890 còn lại 1.109, tại Khánh Hòa: từ 2.848 còn lại 800; tại Bình Thuận: từ 1.892 còn lại 400.

[8] SĐD (GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN) tr. 259.

[9] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn ĐỨC KITÔ HẰNG SỐNG (CHRISTUS VIVIT), Bản dịch : HĐGMVN, nxb. Tôn Giáo 2019, số 299. Tr. 189-190.

[10] Ibid. Số 83, tr. 50-51.

[11] Ibid. Số 143, tr. 89-90.

[12] Ibid. Số 150, tr. 94.

[13] Ibid. Số 155, tr. 96.

[14] Ibid. Số 167, tr. 105-106.

[15] Ibid. Số 206, tr. 131-132.

[16] THÁNH BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ HIỆP HỘI TÔNG ĐỒ. HUẤN THỊ XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ:

CANH TÂN CAM KẾT SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN TRONG NGÀN NĂM THỨ BA. Số 46.

[17] ĐGH Phanxicô, tông huấn “NIỀM VUI TIN MỪNG” (EVANGELII GAUDIUM), Bản Việt ngữ của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng, trực thuộc HĐGMVN, 2013. Số 83, tr. 72. (Từ đây về sau, văn kiện nầy được viết tắt : NVTM)

[18] THÁNH BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ HIỆP HỘI TÔNG ĐỒ. HUẤN THỊ XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ:

CANH TÂN CAM KẾT SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN TRONG NGÀN NĂM THỨ BA. Số 12.

[19] Ibid. 21.

[20] Ibid. 22.

[21] NVTM, số 25, tr. 27 : “Tôi hi vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo không để tình hình tiếp tục như hiện tại.

[22] Ibid. Số 3, tr. 8

[23] Brian Klemmer, “THE COMPASSIONATE SAMURAI”, bản dịch Việt Ngữ : “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG” của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long, nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. Lời Giới Thiệu, tr. 8 : “Cụm từ Võ Sĩ Đạo hểu theo nghĩa đen là “đạo hay con đường của chiến binh”. Khái niệm về một chiến binh dũng mãnh với trái tim nhân hậu nghe đầy nghịch lý, nhưng bản thân từ chiến binh trong tiếng Nhật (samura) còn có nghĩa là “phục vụ”. Xét ở tầng ý nghĩa sâu nhất thì trái tim của một chiến binh như vậy là để giúp đỡ mọi người. Dựa trên cơ sở đó, tôi đã mở rộng khía cạnh này để tạo ra thuật ngữ “chiến binh nhân từ” dành để chỉ những người hội tụ được các giá trị đạo đức vững vàng, có khả năng biến những ý định của mình thành hiện thực, trong khi vẫn dành trọn cuộc đời để phụng sự xã hội”.

[24] Ibid. Tr. 11.

[25] Ibid. Tr. 15

[26] UỶ BAN PHỤNG TỰ trực thuộc HĐGMVN, SÁCH LỄ RÔMA 1992, tr. 300.

[27] THÁNH BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ HIỆP HỘI TÔNG ĐỒ. HUẤN THỊ XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ:

CANH TÂN CAM KẾT SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN TRONG NGÀN NĂM THỨ BA. Số 8.

[28] Brian Klemmer, “THE COMPASSIONATE SAMURAI”, bản dịch Việt Ngữ : “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG” của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long, nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. CHƯƠNG 1 CAM KẾT, tr. 16

[29] Ibid. Tr. 22.

[30] Câu chuyện cảm động lưu hành trên facebook và được đăng lại  trên trang :

https://truongdinhhien.net/index.php/2019/06/04/pham-hanh-mot-tai-san-cao-quy/

[31] Napolen Hill, nguyên tác : OUTWRITTING THE DEVIL. Bản dịch Việt ngữ : CHIẾN THẮNG CON QUỶ TRONG BẠN. Dịch giả : Thanh Minh. Nxb. Lao Động, tái bản lần thứ 7, 2019. Chương Tám, tr. 171.

[32] SĐD : ĐGH Phanxicô, Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỶ (GAUDETE ET EXSULTATE), chuyển ngữ : Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân, Văn phòng HĐGMVN, nxb. Tôn Giáo 2018. Chương V : CUỘC CHIẾN DẤU THIÊNG LIÊNG, TỈNH THỨC VÀ PHÂN ĐỊNH, số 161, 162, tr. 108. (Từ đây về sau, văn kiện nầy được viết tắt : VMHH)

[33] VMHH. Chương I, số 10, tr. 11-12.

[34] VMHH, số 14-18; tr. 14-18

[35] TGM F.X. Nguyễn Văn Thuận. Chứng nhân hy vọng. Bài suy niệm thứ 6. DÙ KHI ĂN DÙ KHI UỐNG.. Tr. 70

[36] SĐD (SỨC MẠNH CỦA HIỆN TẠI (POWER OF NOW của Eckhart Tolle) : Chương 3 : Hãy kiên trì chú tâm vào giây phút hiện tại : (Bản PDF tại nguồn : https://thuvienhoasen.org/images/file/jwEzuTL00ggQAF06/suc-manh-cua-hien-tai-2-.pdf)

[37] Brian Klemmer, “THE COMPASSIONATE SAMURAI”, bản dịch Việt Ngữ : “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG” của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long, nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. CHƯƠNG 4 SỰ  TẬP TRUNG, tr. 81.

[38] Một truyền thuyết của nhà Phật : Thiếu phụ nghèo Lộc Nương chỉ có một chiếc trâm cài tóc bằng gỗ, đã thể hiện lòng thành, cúng cây trâm cho chùa Tế Vũ để đúc chuông trừ tà dịch. Sư đúc chuông lấy vàng bạc đúc còn chiếc trâm ném đi. Chuông đúc 3 lần không kêu lại có in lõm hình chiếc trâm trên thân. Sau nhớ lại, thành tâm sám hối, quyết tìm lại chiếc trâm, chuông tự động kêu vang và hình cây trâm vá lại chỗ lõm. Tà dịch được xua trừ.

[39] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn ĐỨC KITÔ HẰNG SỐNG (CHRISTUS VIVIT), Bản dịch : HĐGMVN, nxb. Tôn Giáo 2019, số 132, tr. 82.

[40] Oscar Wilde, tên đầy đủ là Oscar Fingal O’Flahertie Wills Wilde, là một nhà văn nổi tiếng của Ireland. Ông ra đời tại Dublin, Ireland, ngày 16 tháng 10 năm 1854 và mất tại Parisviêm não, ngày 30 tháng 11 năm 1900.