Views: 56
(Lễ Khấn dòng và Tạ ơn của Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn ngày 22.8.2023)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ; đặc biệt, kính thưa 21 quý bà, quý chị tạ ơn kỷ niệm 25, 50, 60, năm…; 15 chị tạ ơn tuyên khấn trọn đời; và 10 chị tạ ơn Chúa được Chúa thương chọn gọi lần đầu tiên khấn. Kính thưa những người thân yêu trong gia đình linh tông hay huyết tộc, những người mà một cách nào đó, đã từng nuôi dưỡng, đồng hành, hỗ trợ cuộc sống ơn gọi thánh hiến của quý bà, quý chị.
Trước hết, sự ưu ái và trang trọng của phụng vụ hôm nay dành cho các bà, các chị… chắc chắn bởi một lý do cơ bản nầy: cuộc đời họ liên quan tới “LỜI KHẤN” hay “những lời khuyên Phúc Âm”, dù cho “Lời Khấn” đã cũ mềm sau 60, 50, 25 năm, hay Lời Khấn dứt khoát một lần cho tất cả – “Khấn Trọn”; hoặc “Lời Khấn” còn trong thái độ chập chững, không ít hoang mang, không ít ngỡ ngàng vì “Khấn lần đầu” ! Vâng, hôm nay họ quan trọng, bởi vì họ là những người mang Lời Khấn; không phải “mang lời khấn nhỏ” để cho ai đó phái thất tình như lời trong ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia”; nhưng là “lời khấn vĩ đại”, “lời khấn cao sâu” vì mang cả Thiên Chúa Ba Ngôi, như khẳng định của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn ‘Đời sống thánh hiến’ (Vita Consecrata): “Ý nghĩa sâu xa nhất của các lời khuyên Phúc Âm được vén mở khi được đặt trong tương quan Ba Ngôi Thiên Chúa nguồn mạch mọi sự thánh thiện. …. Khi thực hành các lời khuyên ấy, người được thánh hiến sống với một cường độ đặc biệt đặc trưng Ba Ngôi và Ki-tô đánh dấu toàn thể đời sống Ki-tô hữu” (ĐSTH 21). Và khi những người tu sĩ thực hành nghiêm túc “Lời Khấn” hay “những Lời khuyên Phúc Âm” đó, thì, vị thánh Giáo Hoàng trên cũng xác quyết: họ sẽ “trở thành một trong những dấu vết hữu hình mà Thiên Chúa Ba Ngôi để lại trong lịch sử, để cho loài người có thể nhận ra được sức hấp dẫn của vẻ đẹp thần linh và lưu luyến nó” (ĐSTH 20).
Vì thế, có thể nói được rằng, “Lời Khấn” hay những tu sĩ sống trọn vẹn Lời Khấn” đúng là những “gia bảo” của Hội Thánh; những “kho tàng” quý giá giúp Hội Thánh luôn giữ được nét trẻ trung và vẻ đẹp thần linh mà không bất cứ một cơ cấu, tổ chức nào trên trần gian có được.
Thế nhưng, sự cao quý của những lời “tuyên khấn” đó lại được “cất giữ” nơi những “chiếc bình dễ vỡ”, như lời ví von của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vẫn thường nghe: “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” (2 Cr 4 , 7). “Những chiếc bình sành” đó chính là những con người bằng xương bằng thịt, … đang ngồi trước mặt chúng ta; đó là những bà, những chị đã đi qua chặng đường thánh hiến kể từ lời Khấn lần đầu đến nay đã được “kẻ thì Ngân khánh, kẻ thì Kim khánh, kẻ khác Ngọc khánh hay Kim cương khánh”… Nếu tinh ý một chút, chúng ta có thể nhận ra rằng: trích đoạn sách Khải huyền trong bài đọc 2 hôm nay, hình như muốn gởi gắm riêng cho quý bà, quý chị nầy: Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi; … Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. …”.
Giáo Hội, xã hội, Hội Dòng cảm ơn và chung lời tạ ơn với quý bà, quý chị đã tuyên khấn, đã sống dài lâu và trung thành trong ơn gọi thánh hiến; và cùng với quý bà, quý chị xin Chúa một lần nữa, củng cố, canh tân và làm cho những “cam kết tình yêu” đó được sống động, mới mẻ và đơm hoa kết trái. Thật ra, Thánh lễ Tạ ơn hôm nay là dịp đặc biệt để không chỉ các tu sĩ mà tất cả chúng ta cùng làm mới lại “tình yêu thuở ban đầu”, một tình yêu, một cam kết từ Nhiệm tích Rửa Tội, Thêm Sức, từ bí tích Hôn phối hay Truyền chức thánh, …, những cam kết mà có lẽ do những “vất vả truân chuyên”, những “khổ đau bệnh tật, già yếu”, những quen thuộc, lối mòn… có thể đã bị hao mòn hay “đánh mất” (Kh 2,2-4).
Trong khi đó, những lời sách Diễm tình ca của Bài đọc 1 hôm nay lại rất thích hợp như một lời gởi gắm, tình tự dành cho các chị Khấn Lần đầu ! Vâng, đó là những “lời tình yêu” giữa Thiên Chúa và Dân của Người, giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội, giữa Đấng tình quân Giêsu và những kẻ Ngài tuyển chọn để thuộc về Người; một tình yêu nồng thắm, sinh động, mới tinh của một thuở ban đầu lưu luyến: Này người tôi yêu nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta. Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến. Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt. Trăm hoa đua nở trên đất chúng ta”… Vâng, ngoài tình yêu dành cho Chúa Kitô và Hội Thánh, không có gì để cắt nghĩa được việc hôm nay có 10 cô trinh nữ, 10 bạn trẻ đang tuổi xuân xanh đầy ước mơ và khát vọng tuyên khấn lần đầu để sống khó nghèo, vâng phục, trinh khiết; một lối sống hoàn toàn ngược lại với trào lưu của giới trẻ hôm nay. Những lời của sách Diễm ca trên phải chăng được lặp lại cách nầy hay cách khác trong hành trình đức tin của Hội Thánh, hay nơi mỗi cuộc đời chúng ta. Chẳng hạn như khi Đức thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ngỏ lời với nữ tài tử điện ảnh lừng danh Doloris Hart ở Hollywood: “Con chính là thánh Clara thành Assisi”; và người nghệ sĩ lừng danh nầy đã trút bỏ tất cả trở thành một nữ tu Dòng Kín. Quả thật, lời cam kết đầu tiên hôm nay của các chị có thể ví như kinh nghiệm của ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (20,7), hay như cảm nhận của chính Thánh phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Ước mong sao kể từ hôm nay con đường ơn gọi thánh hiến trong Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn của các chị sẽ giữ mãi mùa xuân ân thánh của mối tình đầu như cách diễn tả thi vị của sách Diễm tình ca: tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt. Trăm hoa đua nở trên đất chúng ta…
Còn các chị Khấn trọn thì Lời Chúa hôm nay chuyển tải điều gì đây? Tôi cho rằng trích đoạn Tin Mừng Thánh Gioan vừa được công bố là thích hợp nhất: Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm… ; và đó cũng chính là trích đoạn Tin mừng được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Đời sống Thánh hiên, chọn để tóm kết toàn bộ ý nghĩa của đời sống thánh hiến: “Xức dầu thơm quý giá là một hành động yêu thương nguyên tuyền, hoàn toàn ngoài mục đích cầu lợi, là dấu chỉ của sự quảng đại cho đi không tính toán; điều này được diễn tả qua một cuộc sống dành riêng để yêu mến và phụng sự Chúa, dâng hiến cho chính Chúa và cho Nhiệm Thể của Người. Một cuộc sống “được cho đi” mà không tính toán khiến cho cả nhà sực mùi thơm” (VC 104). Và để phản bác lai thái độ “ích kỷ” của Giuđa trước hành vi “đập bể bình dầu thơm của cô Maria, hay thái độ không hiểu hay đánh giá thấp đời thánh hiến của con người thời đại, Đức thánh Giáo hoàng khẳng định: “Đối với người được thu hút trong thâm tâm cõi lòng bởi vẻ đẹp và lòng nhân hậu của Chúa, thì điều mà mắt người đời coi là phung phí lại là một cách đáp trả tất nhiên cho một mối tình, một niềm tri ân phấn khởi vì được chọn một cách đặc biệt để được biết Chúa Con và được chia sẻ sứ mạng của Người trong thế giới” (VC 104).
Từ sứ điệp Tin Mừng “Đập bể bình dầu xức chân Chúa” đến hành vi “tuyên khấn trọn đời” của các chị sắp diễn ra, làm tôi nhớ tới những vị tử đạo trong Hội Dòng Mến Thánh Giá chúng ta: các chị Anê Soạn, Anna Trị; các chị bị ném xuống giếng sâu ở Hoa Vông hay bị lột trần và giết chết ở Phú Hòa trong số hơn 200 chị bị sát hai chỉ trong một năm 1885 thời Văn Thân…; và tôi chợt nhớ câu chuyện “đôi mắt xanh của người nữ tu” thời đệ nhị thế chiến” mà Vị Tôi ớ Chúa, Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã kể trong một bài giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II và Giáo triều Rôma năm 2000: Đại để, để cứu nhà Dòng khỏi bị tàn phá và cứu lời khấn trinh khiết của mình, một nữ tu nhất quyết hy sinh đôi mắt xanh tuyệt đẹp cho tên tướng Phátxit Đức cuồng ngông: “Thưa ông, vì ông say mê cặp mắt của tôi… nên tôi xin sẵn sàng biếu ông cặp mắt ấy… trên dĩa này. Còn thân xác tôi, đời tôi, tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa”.
Kính thưa cộng đoàn, trong những dòng cuối Tông huấn Vita Consecata, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã ưu tư: “Thế giới sẽ ra sao nếu không có các tu sĩ ?”. Riêng Giáo Hội Việt Nam, Giáo phận Qui Nhơn chúng ta, tạ ơn Chúa, may mắn làm sao, vẫn còn có các tu sĩ, vẫn còn thấp thoáng những chiếc áo dòng đen, những bước chân son đơn nghèo trinh khiết; vẫn còn những bạn trẻ rạng rỡ thanh xuân, sẵn sàng “đập bể bình dầu thơm để làm rực lên mùi thơm cho căn nhà Giáo Hội”. Hôm nay (22.8) cũng là ngày Hội Thánh kính nhớ Đức Maria Trinh Nữ vương, xin được mượn những lời cầu nguyện của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Vita Consecrata để cầu nguyện cùng Đức Mẹ cho các tu sĩ hôm nay và tất cả những ai đang sống cuộc đời thánh hiến: “Lạy Đức Ma-ri-a, là hình ảnh của Giáo Hội, là Hiền Thê không vết nhăn và không tì ố, khi noi gương Mẹ “bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy vững bền và một đức mến chân thành”, xin nâng đỡ những người tận hiến trên con đường hướng tới chân phúc độc nhất và vĩnh cửu”. Amen.
Trương Đình Hiền.