Views: 33
(CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN A – 2023)
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Sai con toán bán con trâu”. Ai mà không hiểu ngụ ý, đó là, nếu chọn lựa sai, hành động sai, đầu tư sai… sẽ chuốc lấy đại họa, sẽ thiệt thòi gấp trăm, sẽ mất mát thật lớn…
Người Nhật, với chính quyền quân phiệt hiếu chiến, chọn đối đầu trực tiếp và xem thường sức mạnh quân sự của Mỹ…, đã chuốc lấy thảm họa với hai quả bom hạt nhân cùng bao nhiêu thất bại, chết chóc, đổ vỡ của những tháng ngày vào mùa hạ thu năm 1945… ! Cũng vậy, chính quyền Quốc xã Đức chọn con đường xâm lăng và triệt hạ các nước, các dân tộc khác, tiêu diệt dân Do Thái, tìm độc tôn chủng tộc… cuối cùng, đã bị khối đồng mình giáng cho những trận long trời lỡ đất…, để cuối cùng phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện với một đất nước tang thương, với hàng triệu thanh niên nam nữ trở nên con vật tế thần của chủ nghĩa “siêu nhân” ngông cuồng ảo tưởng. Cách đây hơn một tháng, nhóm chính trị Hồi giáo cực đoan Hamas nắm quyền tại dãi Gaza đã chọn lựa gây chiến với Israel bằng cuộc pháo kích tổng lực với 5000 hỏa tiển, khiến trên 1.500 người dân Israel thương vong, để sau đó, hàng triệu người dân vô tội ở Gaza phải di tản cùng hàng ngàn người tan xương nát thịt, toàn vùng chìm ngập trong bom đạn từng ngày…
Một “bài toán chính trị sai” không phải chỉ “bán con trâu” mà sẽ trở thành “tay trắng”!
Và đây chính là nội dung sứ điệp Lời Chúa muốn chuyển tải đến cộng đoàn Kitô hữu chúng ta trong Chúa Nhật gần cuối năm Phụng vụ nầy: một sự lựa chọn khôn ngoan hay tìm kiếm Thiên Chúa và sự khôn ngoan đích thực đến từ Ngài.
Phải chăng, được Lời Chúa mách bảo, các ngôn sứ và các bậc hiền nhân quân tử thời xưa trong Cựu ước đã nghiệm thấy rằng: các bậc đế vương cùng những đế quốc hùng mạnh như Ba Tư, Ai Cập, Babylon, Hy Lạp, Rôma… rồi sẽ qua đi, sẽ “biến tan như cơn gió thoảng qua, như cỏ nội hoa đồng…”. Vì thế, ai đặt niềm tin, niềm hy vọng của mình trên “điểm tựa” là những thực tại hão huyền, ai chọn lựa đứng về phía những “bảo đảm” mỏng manh và chóng tàn đó sẽ thất vọng.
Vì thế, điều cốt yếu đó chính là “đặt cược” cuộc sống, niềm tin yêu hy vọng vào chính Thiên Chúa và sự khôn ngoan trường cửu của Ngài, như cách cảm nhận và cũng là lời dạy của tác giả sách Khôn Ngoan, một hiền nhân Do Thái, có lẽ đã sống và soạn tác “tác phẩm Khôn Ngoan” tại Alexandria Ai Cập vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên: “…Từ sáng sớm, ai tỉnh thức tiến lại gần nó, sẽ không lao nhọc, vì sẽ gặp nó ngồi nơi cửa nhà mình. Vậy tưởng nhớ đến nó là được khôn sáng vẹn tuyền; và ai tỉnh thức vì nó, sẽ chóng được an tâm” (Bđ 1).
Giữa một thế giới mà nền văn minh thế tục đang chi phối nhiều người, trong đó có những người Do Thái tha phương cầu thực, niềm tin vào Gia Vê Thiên Chúa đang bị xói mòn, sứ điệp “khôn Ngoan” như một luồng ánh sáng chiều dọi để thức tỉnh niềm tin, để hong lại niềm tin yêu hy vọng cho Dân Chúa. Nội dung tổng quát của Sách Khôn Ngoan có thể được tóm tắt: “Sự khôn ngoan gần như được đồng hoá với Thiên Chúa vì phát xuất từ Thiên Chúa và thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong thế giới. Theo đuổi sự khôn ngoan là điều tốt đẹp nhất, và đạt đến khôn ngoan là được đến gần Chúa hơn”[1].
Hơn nửa thế kỷ sau đó, tại vùng đất Palestine bị Rôma đô hộ, sứ điệp Khôn Ngoan lại bừng dậy nơi chàng “ngôn sứ Giêsu đến từ Nazaret”. Thật vậy, vào thời Chúa Giêsu, khi xã hội Do Thái bị phân mảnh dưới ách thống trị của Rôma cùng với những cám dỗ đầy hấp dẫn của nền văn hóa thời thượng Hy Lạp, sự khôn ngoan mà các ngôn sứ rao giảng, sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã bị thay thế bằng sự khôn ngoan của con người, của trần tục…; Dân Chúa gần như chọn lựa chấp nhận cúi đầu trước quyền lực con người thay vì khiêm tốn suy phục Thiên Chúa; chọn lựa sự đảm bảo nơi của cải và giàu sang vật chất thay vì sự khôn ngoan và những giá trị thần linh; chấp nhận ma mánh và thủ thuật của sự gian dối thế gian thay cho việc thực thi lề luật ngàn đời của Giao ước thánh, lề luật của sự tự do trong đời sống con cái Chúa…
Tin Mừng cho thấy đã có nhiều “nhóm Do Thái” sống theo tâm thức trần tục đó: những người Pharisiêu rao giảng và sống theo một thứ khôn ngoan “giả hình và kiêu ngạo” dựa trên những thứ luật lệ không dẫn đến Thiên Chúa mà cũng chẳng phục vụ con người; riêng nhóm Sa-đốc lại chọn lựa sự khôn ngoan chính là “thiên đàng tại thế” với nhu cầu vật chất và điểm tựa quyền lực chính trị…; trong khi đa phần dân đen khố rách áo ôm thì như “bèo dạt mây trôi”, chẳng biết phải nghe theo tiếng nói, lời dạy của sự khôn ngoan đích thực nào, của vị “rabbi” nào “đủ tâm và đủ tầm” để dạy dỗ, thuyết phục…
Nếu nhìn vào thế giới của chúng ta hôm nay, đâu đâu cũng thấy, cũng nghe, cũng chứng kiến cách chọn lựa đó của con người, một sự chọn lựa vật chất, đam mê, tự do tháo thứ, và “cái tôi” ích kỷ tầm thường… ! Phải chăng vì thế mà Chúa Nhật sắp kết thúc Năm Phụng vụ nầy, Tin Mừng muốn hướng niềm tin và hy vọng của chúng ta đến chân trời “cánh chung”, đến biên giới cuối cùng của cuộc đời tại thế để chuẩn bị bước vào “Bàn Tiệc Nước Trời” mà Thánh sử Matthêô đã khéo minh hoạ qua dụ ngôn Tin Mừng “Mười cô trinh nữ”.
Chúng ta có thể nói được rằng: sứ điệp của vị “Rabbi” đến từ Nadarét đã tiếp nối tài tình những lời giáo huấn của các ngôn sứ, đặc biệt, với lời dạy về sự “Khôn Ngoan” đích thực. Thật vậy, bài học Khôn Ngoan, theo ẩn dụ của Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay, đó là biết hướng về tương lai chung cuộc để đón gặp “Tân Lang” với “đèn dầu nghiêm túc” là hành trang của thiện lương, thánh đức…, như “5 cô thiếu nữ phù dâu với đèn cháy sáng trên tay hân hoan vào dự tiệc cưới”.
Cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu luôn là cuộc lên đường tiến về cùng đích cuộc đời, tiến về quê hương vĩnh cửu. Cuộc hành trình đó, trong ngôn ngữ của dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, chính là “sự tỉnh thức đợi chờ của những người thiếu nữ khôn ngoan cầm đèn đi đón tân lang”.
Đây chính là một “chọn lựa khôn ngoan” hay một “niềm cậy trông vững vàng” mà Thánh Phaolô đã ân cần khuyến dụ cộng đoàn Thêxalônia cách đây gần hai mươi thế kỷ nhưng vẫn còn mang tính thời sự với chúng ta hôm nay: “Anh em thân mến, chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người”.
Sứ điệp đó, giáo lý đó, đâu chỉ là một học thuyết suông ! Trên cuộc hành trình gần 2000 năm của Hội Thánh lữ hành, đã có biết bao nhiêu “cô trinh nữ khôn ngoan” đã sống trọn vẹn sự tỉnh thức và đợi chờ cuộc hội ngộ tình yêu đầy ấn tượng: Thánh Nữ Tiến Sĩ Têrêsa Avila mấp máy nói lên với Chúa trước khi tắt thở: “Lạy Chúa Giêsu, này là giờ chúng ta gặp nhau”; trong khi chị Thánh Têrêsa Giêsu Hài đồng than thở: “Lạy Chúa, con… yêu mến Chúa”, đôi mắt xuất thần nhìn thẳng vào một điểm trên pho tượng Đức Mẹ, mặt tươi tắn, rồi nhắm mắt ra đi, đồng hồ chỉ 7 giờ 20 phút tối 30 tháng 9 năm 1897. Trong khi đó Á Thánh Anrê Phú Yên, vào chiều 26.7.1644, trên con đường ra pháp trường Gò Chàm, đã hoan hỉ vui tươi tuyên bố: “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời… để đáp trả tình yêu của Ngài”. Vâng, “Những người trinh nữ khôn ngoan” ấy, những “chàng trai tỉnh táo ấy”… đã cầm đèn cháy sáng ra đón Chúa và gặp gỡ “người tình lang” muôn thuở… Thì ra, nỗi mong chờ đích thực nào đều mang ý nghĩa của “tình yêu” như những câu thơ kết của bài thơ “Chờ nhau nhé” của thi sĩ Trần Khắc Mịch:
Chờ nhau nhé mình không còn xa nữa.
Khi câu thơ hai nửa ghép nên vần.
Và tâm hồn hóa đồng điệu tương lân.
Chờ nhau nhé để một lần yêu mãi.
Vâng, sứ điệp khôn ngoan hay tỉnh thức đợi chờ của dân Công giáo hôm nay, đó chính là cuộc lên đường để gặp được tình yêu; mà tình yêu “ở đây bây giờ” lại là chính Chúa Giêsu Thánh Thể đang nói với chúng ta: “Hãy cầm lấy mà ăn ! Đây là Mình Thầy”. Amen.
LM. Giuse Trương Đình Hiền
[1] X. website Kinh Thánh 100 Tuần: Tuần 73 – Sách Khôn Ngoan – Giáo Phận Cần Thơ (gpcantho.com)