LINH ĐẠO TRONG CÁI NHÌN TỔNG QUAN (Khoá trình Linh Đạo cơ bản)

Views: 81

Bàn chuyện về “nên thánh” chẳng khác nào bàn chuyện “tình yêu”; vì xem ra, cả hai “chuyên đề” nầy đều thiên về cái “tâm” (tâm linh – spirituel) hơn là về cái “xác” (thể lý, vật chất – corporel, matériel). Mà nói tới “tâm linh” hay ‘tình yêu” thì không dễ chút nào; như cố thi sĩ Xuân Diệu đã từng than thở :
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu !
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…[1]

            Cách riêng, trong sinh hoạt và ký ức đức tin Kitô giáo, “đời sống tâm linh” (la vie spirituelle) là cả một kho tàng đa dạng, phong phú. Linh mục Phan Tấn Thành, tác giả của một bộ sách đồ sộ mang tên “ĐỜI SỐNG TÂM LINH”, đã nhận xét và cắt nghĩa điều nầy như sau :
“Thực vậy, giáo lý, phụng vụ, các cơ cấu Kitô giáo thì có thể điển chế thành một khuôn mẫu hay một bộ luật; chứ còn cảm nghiệm tâm linh của các tín hữu thì khó mà thâu về một mối. Một đàng, tại vì mỗi tín hữu có một cảm nghiệm riêng biệt, không ai giống ai, tuỳ theo tâm lý, tính tình, văn hoá của mỗi cá nhân. Đàng khác, Chúa Thánh Thần hướng dẫn mỗi người theo một đường hướng khác nhau : “Ngài phân phát các ân huệ tuỳ ý” (1 Cr 12,11). Phải kể đây là một đặc trưng của đời sống tâm linh Kitô giáo : đời sống tâm linh không phải chỉ là cảm nghiệm sâu thẳm trong tâm hồn, nhưng tiên vàn là chính tác động của Thánh Linh nơi các tâm hồn.”[2]

CHƯƠNG 1 : ĐỊNH NGHĨA – QUAN NIỆM – TÊN GỌI

I. NGỮ NGHĨA VÀ QUAN NIỆM

1. Ngôn ngữ Việt Nam và quan niệm tâm linh :
            Theo quan niệm thông thường xưa nay của “bàn dân thiên hạ”, nhất là của đa phần dân chúng “đầu tắt mặt tối, “tay làm hàm nhai”…thì cái gì có liên quan đến hai chữ “tâm linh” cũng đều được xếp chung vào một hạng mục : chuyện trên trời, chuyện cõi thiêng, chuyện xa xôi huyền hoặc…; riêng những người thuộc hàng “đồ đệ của trường phái duy vật, tôn thờ học thuyết “Các-Mác” thì coi đó là chuyện “mê tín của những kẻ duy tâm”[3].
            Cũng từ những quan niệm mang tính “bình dân” của số đông hời hợt hay “cố chấp” của một thiểu số “cuồng tín duy vật vô thần”, ý nghĩa và quan niệm về “tâm linh” thường bị xem thường, có khi đố kị, lẫn tránh; tệ hơn nữa, những luận bàn về chủ đề “tâm linh” thường được đánh đồng với “chuyện vẽ ma” trong điển tích của người Trung Hoa ![4]
            Tuy nhiên, theo Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, thì “từ thập kỷ 90 trở đi, từ trong sách vở cho đến đời sống thường nhật, từ “tâm linh” đã trở nên vô cùng quen thuộc, thậm chí nó được dùng nhiều đến mức như một thói quen nhàm chán…”[5]
            Cùng với nhận xét đó, tác giả trên đã nêu tên một vài học giả Việt Nam, qua một số tác phẩm được nghiên cứu khá chuyên sâu, đưa ra những định nghĩa và quan niệm về “tâm linh” quân bình và chuẩn xác hơn; hay nói cách khác, không cách xa với các định nghĩa và quan niệm chung của thế giới : Tâm linh chính là “đời sống tinh thần”, thuộc bản chất tư duy, tình cảm hướng thượng và có sự tác động của sức mạnh siêu nhiên…(Xem thêm Nguyễn Đăng Hưng)[6]
            Riêng Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, sau khi giới thiệu những quan niệm của các tác giả trên, phần mình đã tóm kết lại như sau :
“Những cấp độ “định nghĩa tâm linh” trên đây dù có khác nhau nhưng điểm chung nhất là gắn tâm linh với cái Thiêng. Cái Thiêng (Sacré) là một phát hiện lớn của loài người với ý nghĩa nó là những giá trị thăng hoa của “cái phàm tục trần thế” và từ lâu được coi là tiêu chí quan trọng bật nhất để nẩy sinh tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đáng nói là cái Thiêng trong thế giới đương đại như được tái hiện với những sắc thái và giá trị mới.”[7]
            Trong khi đó linh mục Phan Tấn Thành trong “ĐỜI SỐNG TÂM LINH I” – DẪN NHẬP VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO, có nhắc đến góc nhìn về ý nghĩa tâm linh qua một số nhà nghiên cứu khác cũng đồng quan điểm như trên cùng với một vài ý tưởng bổ sung : Tâm linh thuộc lãnh vực “văn hoá sinh hoạt tinh thần” bao gồm trí tuệ tình cảm, tâm hồn…vừa liên kết vừa tách rời với yêu tố vật chất và là cơ sở dẫn tới tín ngưỡng, tôn giáo, cả mê tín dị đoan… (Xem Phan Tấn Thành)[8]
            Chính vì thế, ngoài môi trường Kitô giáo, khó mà tìm thấy một định nghĩa chung, một cách hiểu nhất quán về khái niệm “tâm linh”; trong ngôn ngữ Âu Châu hay Việt ngữ, cả ba từ nầy : Spiritualitas (tâm linh), Religio (tín ngưỡng), Mystica (Thần bí) thường được hiểu cách “hàm hồ”, đan xen lẫn lộn.[9]

2/. Cần thiết cho thế giới hôm nay :
            Cùng với những góc nhìn tích cực và tương đối chuẩn xác đó, cọng thêm những áp lực và tác dụng tiêu cực của quá nhiều những nhiễu loạn, động đạt, phức tạp của nền văn minh kỷ thuật hiện đại với trào lưu “duy thực, duy thụ”, con người của thế giới hôm nay đang khao khát và ý thức hơn giá trị và sự cần thiết của đời sống tâm linh.[10]
            Cách riêng, đối với những người Kitô hữu, nhất là, với những ai đang dấn thân trong đời thánh hiến, thì “nhịp sống tâm linh” (mà ngôn ngữ Công Giáo gọi là “đời sống thiêng liêng” lại là “một hành trình của lòng trung tín để thuộc trọn về Chúa Kitô”, như xác nhận của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong tông huấn “Đời Thánh Hiến” (Vita Consecrata) :
“Chúng ta có thể nói rằng đời sống thiêng liêng, được hiểu như đời sống trong Chúa Kitô và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, là một hành trình của lòng trung tín ngày càng lớn mạnh, trong cuộc hành trình đó, người được thánh hiến được Thánh Thần dẫn dắt và biến đổi nên đồng hành đồng dạng với Chúa Kitô, trong sự trọn vẹn hiệp thông của yêu thương và phục vụ trong Giáo Hội”[11]
            Đứng trước những thách đố và đổi thay của xã hội con người hôm nay, đời sống đức tin nói chung hay “đời thánh hiến” nói riêng đều buộc phải “thích nghi và canh tân”. Tuy nhiên, như Công Đồng Vatican lưu ý : cuộc thích nghi và canh tân nào cũng phải ưu tiên chọn lựa điều cốt yếu đó là “canh tân đời sống thiêng liêng” :
“Đời sống tu trì giúp các tu sĩ bước theo Chúa Kitô và kết hợp với Thiên Chúa qua vệc tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc âm, do đó, phải luôn nhớ rằng, những thích nghi hoàn chỉnh với các nhu cầu hiện đại chỉ có thể tạo nên hiệu quả khi tiếp nhận được sinh khí từ việc canh tân đời sống thiêng liêng, đây là yếu tố phải luôn được quan tâm trước nhất ngay cả khi phải gia tăng các hoạt động bên ngài.”[12]
            Bởi vì, qua kinh nghiệm ngàn đời của mình, Giáo Hội luôn ý thức và xác tín : giữa bao nhiêu áp lực và thách đố của những trào lưu tục hoá, chính sự hiện diện của những con người chọn sống đời thánh hiến sẽ là “ngọn lửa thiêng giữ ấm” cho “căn nhà tâm linh” của Dân Chúa :
“Sự cống hiến của những người thánh hiến nhằm phục vụ phẩm chất đời sống theo Tin Mừng đóng góp vào việc giữ cho sống động, bằng nhiều cách thức, những việc thực hành thiêng liêng trong Dân Thiên Chúa. Các cộng đoàn tu trì luôn tìm cách trở nên những nơi chốn để lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa, cử hành phụng vụ, huấn luyện cầu nguyện và đồng hành qua việc linh hướng.”[13]

II. LINH ĐẠO TRONG NGÔN NGỮ KITÔ GIÁO

1. Điểm danh các “tên gọi mang cùng ý nghĩa” :

            Cho tới thế kỷ 21 nầy, quả thật thế giới đã tồn tại, đã đi qua một quảng đường dài thăm thẳm; và lịch sử của thế giới không phải chỉ được viết bằng những cuộc chiến tranh, thương mại, chính trị, kỷ thuật, kinh tế…, mà còn chất chứa muôn vàn những giá trị tinh thần, ký ức tâm linh…như một gia bảo thiêng liêng làm nền tảng cho mọi nền văn minh từ đông sang tây, từ Âu sang Á, từ Phi châu đến Mỹ châu, Đại dương châu.[14]
Nói gì thì nói, Kitô giáo với 2000 năm lịch sử, vẫn là nơi chất chứa “kho tàng văn hoá tâm linh” tương đối phong phú, đa diện, xuyên suốt… và cung cấp những khảo cứu, tư liệu, lý chứng…tương đối chuẩn xác[15]; dĩ nhiên trong đó có đầy đủ những dữ liệu liên quan đến đề tài mà chúng ta đang học hỏi: Linh đạo trong Giáo Hội.
            Chỉ riêng trong lãnh vực “danh xưng” liên quan đến “đời sống tâm linh” hay “linh đạo” chúng ta cũng được cung cấp rất nhiều hạn từ, tên gọi, diễn ngữ… cùng với những định nghĩa, quan niệm, lập luận…kèm theo.
            Sau đây là một số tên gọi đã xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội mà nội dung ý nghĩa thường được hiểu tương đương hoặc gần nhau.

a/. Đời sống thiêng liêng  (vie spirituelle) : Theo cách thuyên giải của linh mục Phan Tấn Thành, đời “sống thiêng liêng” trong cách hiểu và quan niệm xưa nay theo các nhà thần học về linh đạo, vì có liên quan đến gốc từ “spritus = esprit”, nên cưu mang 3 nội dung với “3 mức độ” sau :
– Là đời sống tinh thần nói chung tương đương với đời sống tâm lý đối lại với đời sống thể chất (matière, matériel),  bao gồm các sinh hoạt tinh thần như trí thức, suy tư, tâm lý, tình cảm…)
– Là đời sống theo một lý tưởng, hướng đến Đấng thần linh và rèn luyện để thực hiện lý tưởng đó, tương đương với “đời sống đạo đức, tôn giáo”.
– Là đời sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sống theo Thần Khí (Gl 5,25 và nhất là chương 8 của thư gởi giáo đoàn Rôma)[16].
            Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa sau cùng nầy trong tông huấn “Đời Thánh Hiến” của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II : “Chúng ta có thể nói rằng đời sống thiêng liêng, được hiểu như đời sống trong Chúa Kitô và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần…”[17]

b/. Đời sống trọn lành (vie de perfection) : Đời sống đạt tới sự hoàn thiện theo lời mời gọi của chính Chúa Kitô trong Tin Mừng : “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48)[18]

c/. Đời sống Kitô hữu (vie chrétienne) : Đời sống thuộc về Chúa Kitô, trong Chúa Kitô theo gợi ý của Thánh Phaolô : “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” (Pl 1,21), “Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). (Xem thêm 1 Cr 1,9; Rm 6,8; 2 Tm 2,11)[19]

d/. Đời sống nội tâm (vie intérieure) : Đời sống kết hợp với Thiên Chúa như là nguyên lý chỉ đạo toàn thể cuộc sống được thể hiện qua các hoạt động tâm linh như hồi tâm, suy niệm…[20]

e/. Đời sống siêu nhiên (vie surnaturelle) : Đời sống vượt lên trên cuộc sống tự nhiên để kết hợp với Chúa nhờ sự can thiệp của ân sủng Chúa ban.[21]

f/. Đời sống đạo đức (vie dévote) : Đời sống nên thánh dành cho mọi tín hữu nhờ thực hành lòng đạo đức, tập luyện các nhân đức…[22]

2/. Quan niệm chủ đạo của một thời : TU ĐỨC (ASCÉTIQUE), THẦN BÍ (MYSTIQUE).

            Từ thời Trung cổ mãi cho tới khoảng thời gian “tiền Công Đồng Vatican II”, giới thần học hay học thuật liên quan đến “đời sống thiêng liêng”, đến “con đường nên thánh” thường sử dụng hai tên gọi và cũng là hai quan niệm về “hai giai đoạn” trên con đường trọn lành” đó là TU ĐỨC (ASCÉTIQUE) VÀ THẦN BÍ (MYSTIQUE). Phản ảnh cho thói quen sử dụng hai danh từ và quan niệm trên được ghi nhận cụ thể với tên gọi của một tạp chí chuyên về tu đức của Dòng Tên ở Toulouse : “Tạp chí  Tu đức và Thần bí” (Revue d’ Ascétique et de Mystique) và một tác phẩm được nhiều cộng đoàn, nhiều nơi chọn làm thủ bản về thần học tu đức của cha Adolphe Tanquerey “Đại cương thần học Tu đức và Thần bí” (Précis de théologie ascétique et mystique, Paris 1923-1924) mà linh mục Phạm Châu Diên đã lược dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Tu Đức Học” (Ra Khơi, Sàigòn 1965).[23]

            Chúng ta thử dừng lại để tìm hiểu thêm về ý nghĩa và quan niệm của hai từ nầy.

a/. Tu đức (Ascétique) : Tu Đức (còn được gọi là “khổ chế”) chính là việc tập luyện đời sống thiêng liêng, thao luyện tâm linh (exercices spirituelles) bao gồm những việc thực hành đạo đức như hãm mình, ép xác, trừ khử các nết xấu, cho tới việc tập tành nhân đức cũng như việc cầu nguyện. Cũng trong ý nghĩa đó, Thánh Ignatio Loyola, vị sáng lập Dòng Tên đã xướng xuất một đường lối tĩnh tâm mang tên “Linh Thao” (exrcices spirituelles = tập dụng thần công). Từ thời Trung cổ cho tới gần đây, các nhà thần học về đời sống thiêng liêng đã cho rằng tu đức (ascétique) như đã nói trên được hiểu là “giai đoạn đầu tiên” (sơ cấp và trung cấp, mang tính chủ quan do con người chủ động) trên con đường thánh thiện, để phân biệt với “giai đoạn cao cấp cuối cùng” là thần nhiệm hay thần bí (mystique) mang tính khách quan do ân sủng, Chúa tác động, can thiệp.[24]

b/. Thần bí (Mystique) : Ảnh hưởng từ tác phẩm “theologia mystica” của một tác giả vô danh, dưới bí hiệu Denis l’Aréopagite (xuất hiện từ thế kỷ thứ IV), “thần bí” (mystique) được các nhà thần học linh đạo từ lâu cho tới gần đây hiểu là sự “cảm nghiệm thiên linh”, đi vào đời sống thần linh, giác ngộ mầu nhiệm (mysterion)[25]; là đỉnh cao trọn lành mà chỉ một ít người đạt tới. Quan niệm nầy dẫn đến hai ngộ nhận tiêu cực : ơn gọi nên thánh không còn tính “phổ quát” (cho mọi người) và “lấy cái phụ (hiện tượng xuất thần, nói tiếng lạ, in dấu thánh…) làm trọng điểm. (Xem thêm bài phân tích và nhận định của Bình Hoà)[26]

3. Giải pháp hôm nay : Một tên gọi mang nhiều ý nghĩa : LINH ĐẠO (SPIRITUALITÉ)

            Từ ý nghĩa “bất cập” hoặc “thái quá” trong cách quan niệm về  đời sống nên thánh được diễn dịch và cắt nghĩa qua các từ trên, nền thần học về linh đạo, quan niệm về việc “nên thánh” trong Giáo Hội kể từ 1950, nhất là từ Công Đồng Vatican II, đã có một cái nhìn mới, một cách cắt nghĩa mới đầy đủ, chuẩn xác, và cũng thích hợp hơn với đời sống và ơn gọi nên thánh của Dân Chúa.
            Và gần như đa phần đều chọn danh từ “LINH ĐẠO”, như một khái niệm chung, để thay thế cho các danh từ thường mang tính “chi li, phân biệt” trước đây.[27]

a/. Một số định nghĩa và cắt nghĩa từ “LINH ĐẠO” :

– TỰ ĐIỂN CÔNG GIÁO :
Linh : tinh thần con người; đạo : con đường.
Linh đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa – Đấng Thánh Thiện – qua Đức Kitô, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.
Con đường thiêng liêng nầy trước hết chính là Chúa Giêsu (x. Ga 14,6), thứ đến là Hội Thánh, cộng đoàn đang đi theo “con đường Giêsu” (x. Cv 9,2).
Trong lịch sử Hội Thánh, mỗi thời đều xuất hiện những người (nam cũng như nữ) được Chúa Thánh Thần thúc đẩy trình bày những cách sống dựa trên căn bản của Phúc Âm, những đường lối sống đạo phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để giúp con người nên thánh.
Một số linh đạo có thể vượt ra khỏi khuôn khổ của không gian và thời đại để trở nên phổ quát cho nhiều người người qua nhiều thế hệ, như : linh đạo của Thánh Augustinus, Biển Đức, Đa Minh, Phanxicô Assisi, Ignatius de Loyola v.v.
Ngày nay thuật ngữ linh đạo được sử dụng theo nghĩa rộng hơn và được hiểu như một kinh nghiệm về Thiên Chúa và sự dấn thân trong thế giới. Bởi đó thần học tu đức đã nói đến linh đạo Ba Ngôi, linh đạo phụng vụ, linh đạo môi sinh, linh đạo giáo lý viên, linh đạo giáo dân, linh đạo giáo sĩ… “các linh đạo nầy, tuy rất đa dạng, đều toả chiếu ánh sáng tinh tuyền và duy nhất của Chúa Thánh Thần” (GLHTCH 2684).[28]

– ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP : “linh đạo là một cách thế sống và thể hiện Tin mừng. Chúng giống như những phương pháp và những kim chỉ nam để giúp các Kitô hữu “đem hết tâm lực làm cho Giáo hội, qua con người của họ, thực sự biểu dương Đức Kitô ngày một hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như cho lương dân”[29]

– MARY MILLIGAN, R.S.H.M. : “Theo một nghĩa chặt hơn, linh đạo qui chiếu đến sự khôn ngoan về tinh thần được tích lũy bởi loài người xuyên qua các thời đại trong nỗ lực tìm kiếm sự hiệp nhất với siêu việt, thường được gọi là Thiên Chúa. Hoặc linh đạo cũng có thể nói đến kinh nghiệm của một người hay một nhóm người trong cuộc tìm kiếm thăng tiến tâm linh. (…). Trong lãnh vực thần học Kitô giáo, linh đạo qui chiếu đến kinh nghiệm sống về một Thiên Chúa Ba Ngôi và suy tư thần học về kinh nghiệm ấy. Nó “tập chú không phải trên bản thân đức tin, nhưng trên thái độ mà đức tin ấy khơi lên trong ý thức và thực hành Kitô giáo.”[30]

– LM PHI KHANH VƯƠNG ĐÌNH KHỞI, ofm : “linh đạo”, với biểu tượng “con đường”, chính là định hướng của người Kitô hữu đang sống và tiến bước, nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh (x. Gl 5, 25), đi theo dấu chân Chúa Giêsu để đến với Chúa Cha trong tư cách con thảo, và đến với mọi người như anh em.[31]

– FRANCOIS VANDENBROUCKE, O.S.B : “linh đạo là một khoa học; trước nhất là khoa học về các phản ứng của ý thức tôn giáo khi đứng trước đối tượng đức Tin, điều này thuộc phương diện trí thức ; thứ đến, là khoa học về các hành vi nhân linh, qui hướng đặc biệt về Thiên Chúa, tức là khoa tu đức và huyền nhiệm. Nói cách khác, ta có thể định nghĩa linh đạo như một khoa áp dụng Tin Mừng vào đời sống Ki-tô hữu, vừa trên bình diện trí thức, vừa trên bình diện tu đức và bình diện huyền nhiệm đích thực.”[32]

b/. Điểm nhấn của “ngữ nghĩa” : Chúa Thánh Linh (Spiritus – Spiritualitas)

            Như vậy, qua một số định nghĩa trên, có thể nói được : quan điểm chung của các nhà thần học tu đức đều chọn yếu tố “THÁNH LINH” (Spiritus, Esprit, Spirit) như điểm nhấn quan trọng để cắt nghĩa từ “LINH ĐẠO” (Spiritualitas, Spiritualité, Spirituality).
            Sở dĩ nói đây là “điểm nhấn” vì cả trong tiếng Việt lẫn trong ngôn ngữ Âu châu (La tinh, Pháp, Anh…) từ “LINH” (Spiritus) có ý nghĩa tương đương với một từ trong ngôn ngữ Do Thái là “ROUAH” hay Hy Lạp là “PNEUMA”.[33]
            Theo phân tích ngữ nghĩa và quan niệm chung xưa nay, các từ trên : “LINH”, “SPIRITUS”, “RUOAH”, “PNEUMA”, đều mang các ý nghĩa sau :
– Nghĩa đen : Hơi thở, khí gió. Nghĩa này còn mang yếu tố vật chất.
– Nghĩa bóng : Tâm linh, tinh thần. Nghĩa nầy mang tính trừu tượng, siêu vật chất, bao gồm những năng lực tinh thần (Les facultés spirituelles) được biểu hiện qua các sinh hoạt như lý trí, tình yêu, trí tưởng, ký ức, ý chí, lương tâm…Đây được hiểu là “đời sống tâm linh nhân bản” mà mọi người, cho dù không có đức tin, đều có thể đạt được để hướng tới “chân thiện mỹ”.[34]
– Nghĩa đức tin : Đối với người Kitô hữu, “đời sống tâm linh nhân bản” đó cần được Chúa Thánh Linh tác động để vươn lên “đời sống siêu nhiên”, “đời sống thuộc linh”[35]. Từ “LINH ĐẠO”, vì thế, trong ngữ nghĩa của Kitô giáo, luôn gắn liền với Chúa Thánh Linh.[36]
           
c/. Linh đạo trong viễn tượng thần học Kitô giáo :

            Mặc dù “LINH ĐẠO” được giới Kitô giáo đồng thuận chấp nhận đó là “con đường nên thánh dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần”, nhưng khi trở thành môn môn học, một đối tượng để nghiên cứu, thì “LINH ĐẠO” lại mang ba chiều kích hay ba cấp độ sau :
– Linh đạo được hiểu như “cảm nghiệm cá nhân” về tác động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn, là kinh nghiệm “sống theo Thánh Thần” (Rm 8) cùng với những hoa trái thánh thiện (Gl 5,22-25). (Linh đạo trong khái niệm tổng quát)
– Linh đạo cũng được hiểu là những cảm nghiệm về Chúa Thánh Thần nơi các cộng đoàn, Giáo Hội, Dòng tu, phong trào…có sức ảnh hưởng nhất định trên không gian và thời gian : Linh đạo của phong trào Đan tu Đông phương, Tây phương; linh đạo của các dòng hành khất-bác ái thế kỷ 12,13; linh đạo của phong trào truyền giáo, tông đồ giáo dân…(Linh đạo trong mô tả và ứng dụng thực hành).
– Linh đạo được hiểu như một học thuyết chuyên biệt (của một trường phái, một Dòng tu…) bàn về đời sống thiêng liêng được khởi xướng, hệ thống hoá và chứng nghiệm hiệu quả tích cực trong đời sống Giáo Hội : Linh đạo theo Dòng Augustino, linh đạo Dòng Biển Đức, linh đạo Đa Minh, Phanxicô, linh đạo Cát Minh…[37] (Linh đạo trong phân tích, định hình và hệ thống hoá).
            Có thể nói được rằng : chính yếu tố “Thánh Linh” đã “chuẩn hoá” quan niệm về “đời sống thiêng liêng” (hay thần học linh đạo) của Hội Thánh hôm nay. Quả thật, ngày nay, không ai còn quan niệm “đời sống thiêng liêng” là đời sống “đối lập” với thân xác, với các lãnh vực khác như hôn nhân, lao động, kinh tế hay trần thế nói chung…; nhưng là “đời sống trong Chúa Thánh Linh” (vie spirituelle, vie de l’Esprit), “dưới ánh sáng của mầu nhiệm Nhập Thể, và Phục sinh của Chúa Kitô, thân xác, lao động, các hoạt động xã hội mang một giá trị mới trong chương trình cứu chuộc”.[38]

4. Linh đạo và những “đôi cánh thần học” :

– Linh đạo có mang “yếu tố thần học” không ? : Chẳng những có mà còn là trọng tâm. Vì linh đạo chính là học hỏi, tìm hiểu về đời sống tâm linh, tức đời sống tương quan với Thiên Chúa, đời sống trong Chúa Thánh Thần, đời sống thuộc về Chúa Kitô.[39] (Xem thêm bài viết Linh đạo Kitô giáo của tác giả Mary Milligan, R.S.H.M do Ngô Công Đức chuyển dịch)[40]

– Thần học linh đạo và các mối tương quan : Ngày nay, hầu hết đều đồng ý “thần học linh đạo” là một ngành của thần học có tương quan mật thiết đến các môn thần học khác : thần học Kinh Thánh, thần học Tín lý, thần học luân lý, Kitô học…Bởi vì, như nhận xét của tác giả Bình Hoà trong khảo luận “Tu đức học là gì ?” :
“Đối lại, những người chủ trương tu đức học là một ngành của thần học thì lập luận rằng : một khoa học bàn về đời sống thánh thiện không thể chỉ dựa vào những kinh nghiệm bản thân, nhưng cần phải dựa trên nền tảng khách quan phổ quát. Cách riêng khoa học về sự nên thánh của người Ki-tô hữu (hoặc về đời sống thiêng liêng của người Ki-tô hữu) không thể nào làm ngơ với Kinh Thánh và đạo lý đức tin về tương quan giữa Thiên Chúa và con người.( …). Có thể nói đây là khuynh hướng hiện nay của tu đức học : nó là một ngành của thần học, dựa trên những nguyên tắc của thần học về mạc khải, sự cứu chuộc, ơn thánh, v.v… Dĩ nhiên, thần học có những ngành chuyên biệt, và thần học tu đức (théologie spirituelle) là một trong những ngành ấy…”[41] (Xem thêm : P. Pourrat, CHRISTIAN SPIRITUALITY, Bublisher London 1992, Burns Oates and Washbourne LTD, Preface)[42]

– Ngoài những yếu tố mang chiều kích “đạo lý” và phải quy chiếu vào mạc khải, thần học linh đạo còn phải “lưu ý đến những cảm nghiệm của các Kitô hữu về Thiên Chúa” liên quan đến lãnh vực “tâm lý và xã hội”, nhất là những cảm nghiệm đã được lưu lại qua nhiều bút tích thuật lại qua dòng thời gian trong lịch sử Hội Thánh.[43] (Xem thêm bài viết Linh đạo Kitô giáo của tác giả Mary Milligan, R.S.H.M do Ngô Công Đức chuyển dịch)[44]

III. LINH ĐẠO VÀ CON ĐƯỜNG CỦA DÂN CHÚA HÔM NAY

1. ÁNH BẠC GIỮA ĐÁM MÂY ĐEN TRÊN BẦU TRỜI THẾ GIỚI :

            Giáo Hội trong thế giới hôm nay đang phải đối diện trước những “vầng mây u ám”[45] đang che mờ không ít khoảng “trời xanh trong sáng” là sự thánh thiện, vốn là một trong bốn cột trụ làm nên căn tính của mình mà dân Chúa đã tuyên xưng suốt 2000 năm lịch sử : “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”[46].
            Không phải chỉ với thời đại hôm nay Hội Thánh mới đối diện với những thách đố về “căn tính thánh thiện” của mình, nhưng là một “hệ luỵ” đã theo suốt Hội Thánh trên con đường lữ hành dương thế. Công Đồng Vaticanô II xác nhận cái “hệ luỵ đầy thách đố” nầy trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), bằng những từ ngữ như sau : “Nhưng nếu Đức Kitô là Đấng “thánh thiện, vẹn toàn, không tì ố” (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. Cr 5,21), chỉ đến để đền tội cho dân (x. Dt 2,17), thì Giáo Hội lại luôn có những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng bước theo con đường sám hối và canh tân”.[47]
            Và nếu truy nguyên cái lý do khiến Giáo Hội “vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy”, thì chúng ta có ngay câu trả lời đầy đủ nơi những dòng đầu tiên của Hiến chế mục vụ về Gáo Hội trong thế giới ngày nay. Xin trích :
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày hôm nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ. Thật vậy, đây là cộng đồng gồm những con người được quy tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi được trao ban cho mọi người. Vì thế, cộng đồng nầy thực sự cảm nghiệm được mối dây liên kết mật thiết với con người và lịch sử nhân loại”.
            Thế nhưng “con người và lịch sử nhân loại” mà Hội Thánh gắn kết mật thiết đó không bao giờ chỉ là một “thiểu số thánh thiện” mà là “toàn thể gia đình nhân loại với tất cả những thực tại trong đó con người đang sinh sống. Thế giới ấy chính là nơi lịch sử nhân loại đang diễn biến, một thế giới mang đày dấu ấn của nỗ lực hành động, của cả những thất bại và thành công của con người; một thế giới mà người Kitô hữu tin là đã được tình yêu của Đấng Tạo Hoá tác thành và gìn giữ, nhưng đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi…”[48]

2. ÂM VANG CỦA MỘT LỜI RÉO GỌI : “THÁNH GIỮA ĐỜI VUI”[49]

            Quả thật, cái thế giới mà ngay từ thuở con người đầu tiên được tạo dựng cư ngụ trong đó, đã “lãng đãng bóng mây đen tội lỗi” vần vũ mãi cho đến hôm nay.       
Nhưng, như một câu ngạn ngữ của người Anh, nghe đâu có từ thế kỷ 17, đã luận rằng : “Every dark cloud has a silver lining” (Đám mây đen nào cũng có ánh bạc); và nếu dùng hình ảnh mang tính “ngụ ngôn” của Thầy Giêsu chí thánh, thì “giữa đám ruộng thế gian, bên cạnh những cây lúa xinh tươi mượt mà vẫn luôn tồn tại những cây cỏ lùng khó ưa xấu hoắc !” (Mt 13,24-30).
Vì thế, điều quan trọng đối với mọi Kitô hữu, nhất và đối với những ai chọn theo Đức Kitô để làm “ánh sáng thế gian”, để trở nên “viên men, hạt muối” ướp mặn cuộc đời thì :
Mây đen cho dẫu ngập trời,
Dõi theo ánh bạc mà khơi lửa hồng.
Trần gian dẫu ngập cỏ lùng,
Phận mình “lúa tốt” ta cùng vươn lên !

Và như thế, “thánh giữa đời vui” không chỉ là âm vang của một lời réo gọi nhưng chính là trọng tâm của sứ điệp quan trọng mang tên “Hãy Vui mừng Hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate) mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chuyển tải cho Dân Chúa và cho cả thế giới hôm nay, một thế giới đang hoang mang trước áp lực của bóng tối tội lỗi. Chúng ta có thể tìm thấy nội dung ý nghĩa cũng là tiêu đích của văn kiện đặc biệt nầy được Đức Thánh Cha nêu rõ ngay từ đầu : “Mục đích khiêm tốn của tôi một lần nữa là nêu lên lời mời gọi nên thánh theo một phương cách thực tiễn cho thời đại chúng ta, một thời đại vốn chất chứa nhiều rủi ro, thách đố và cơ hội. Vì Chúa đã chọn mỗi người chúng ta “để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài”[50] (Ep 1,4).

3. NHỮNG “ĐƯỜNG CONG” TUYỆT HẢO

            Trong niềm xác tín của Hội Thánh, nếu “nên thánh” là chuyện của con người và được “dành cho mọi người” không trừ ai[51], thì điều đó lại phát xuất từ ý định ngàn đời của Thiên Chúa: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44; x. 1 Pr 1,16); và nếu đặt “chuyện nầy” trong viễn tượng “Nhiệm Cục Cứu Độ”, thì chúng ta có thể nói được rằng : nên thánh là một câu chuyện tình dài về “thánh hoá và cứu độ” được viết nên bằng sự can thiệp và hướng dẫn của Thiên Chúa cùng sự đáp trả của nhiều con người liên đới với nhau. Hiến chế Giáo Hội của Công đồng chung Vatican II đã tóm tắt nội dung nầy như sau : “Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện”.[52]
            Như vậy nên thánh đâu phải là chuyện của “một sớm một chiều”, giống như thửa ruộng lúc nào cũng “sạch bóng cỏ lùng”, mà như Chúa Giêsu dạy, phải đợi đến “cuối mùa thu hoạch, cỏ-lúa mới tách bạch phân minh” (Mt 13,36-43). Phải chăng điều đó muốn nói lên rằng : con đường nên thánh của nhân loại, của Dân Chúa, nói theo ngôn ngữ của Vị Tôi Tớ Chúa – Đức cố Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận, “được Thiên Chúa viết thẳng bằng những đường cong”[53].
           

Tiếp theo :     CHƯƠNG 2 : NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TÂM LINH NGOÀI KITÔ GIÁO
                        CHƯƠNG 3 : LINH ĐẠO TIN MỪNG

GHI CHÚ

[1] Xuân Diệu. Trích từ bài thơ “VÌ SAO” trong tập “THƠ THƠ” 1938.

[2] Phan Tấn Thành. ĐỜI SỐNG TÂM LINH II. NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG LINH ĐẠO NỖI BẬT TRONG LỊCH SỬ KITÔ GIÁO. NXB. Phương Đông 2012. Tr. 11.

[3] Ts. Nguyễn Thái Sơn, Trưởng bộ môn Triết học, Khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Vinh, Nghệ An – Tạp chí Triết học. Bài khảo luận “Giá trị văn hoá và những khía cạnh tích cực trong đời sống tâm linh” : “Tuy nhiên, sai lầm của khuynh hướng thứ hai cũng đáng sợ và nguy hiểm không kém sai lầm của khuynh hướng thứ nhất. Một số người, khi giương cao ngọn cờ duy vật nhưng lại bỏ quên tính biện chứng đã vội vàng quy kết rằng, tất cả những gì thuộc về tâm linh và đời sống tâm linh đều đồng nghĩa với chủ nghĩa duy tâm, đều là sự mê tín, dị đoan và do đó, đều cần phải xoá bỏ.”. Nguồn :
http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/gia_tri_van_hoa_va_khia_canh_tich_cuc_trong_doi_song_tam_linh-3.html

[4] Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, “CỔ HỌC TINH HOA”, nxb. Kim Đồng, 2018, mục truyện 78, tr. 113 : “Có người thợ vẽ cho vua nước Tề mấy bức tranh. Vua hỏi: “Vẽ cái gì khó?” Thưa: “Vẽ chó, vẽ ngựa khó”. – Vẽ cái gì dễ? – Vẽ ma, vẽ quỉ dễ. – Sao lại thế? “Chó ngựa ai cũng trông thấy, vẽ mà không giống thì người ta chê cười, cho nên khó vẽ. Ma quỉ là giống vô hình, không ai trông thấy, tuỳ ý muốn vẽ thế nào cũng được, không sợ ai bẻ, cho nên dễ vẽ”.

[5] GS.TS Nguyễn Đăng Hưng, nguyên Viện trưởng viện tôn giáo. Bài khảo luận “Vấn đề tâm linh và văn hoá tâm linh hiện nay”, đăng trong Tạp chí DI SẢN VĂN HOÁ số 26. Nguồn :
http://www.dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap%20chi%20DSVH/So%2026/2609_Van%20de%20tam%20linh%20va%20van%20hoa%20tam%20linh%20hien%20nay.pdf

[6] Ibid. :
– Vũ Ngọc Khánh trong “Tiếp cận kho tàng folklore Việt Nam” : Tâm linh đồng nghĩa với các khái niệm khác như : tâm thức, ý thức, tinh thần, tâm lý, tâm trí, tâm cơ, tâm tính…thuộc bản tính tư duy của con người và có sự can thiệp của lực lượng siêu nhiên; chính cơ cấu tâm thần nầy sẽ là cơ sở cho đức tin, tín ngưỡng, tôn giáo.
– Nguyễn Duy Hinh trong “Tâm linh Việt Nam” (Nxb. Tự điển bách khoa, 2007) : “Tâm linh là linh cảm đến hiện tượng vô hình có liên quan về đời sống con người cảm nhận được qua sống trải nghiệm lâu dài của một cộng đồng người. Linh cảm về cái Thiêng tác động đến sống chết của con người…”

[7] Ibid.

[8] Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH I” – DẪN NHẬP VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr. 16 :
– Lê Văn Chưỡng trong “Cơ sở văn hoá Việt nam”, nxb. Trẻ 1999) “Tinh thần là cái vô hình, trái lại với vật chất là cái hữu hình, tinh thần là cái sáng, cái tinh tuý trong con người để hiểu biết, nhận thức phải trái, đúng sai, chân giả, thiện ác…Tinh thần bao gồm trí tuệ, tình cảm, tâm hồn…Những hoạt động tinh thần vừa gắn liền với vật chất vừa tách rời khỏi nó…”
– Nguyễn Đăng Duy trong “Văn hoá tâm linh”, 1966) : “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng, tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm…Như vậy, tâm linh là cái vô thể, cái trừu tượng, cái thần bí, cái niềm tin…Mê tín cũng thuộc về tâm linh, nhưng mê tín là một hiện tượng mê muội, mù quáng của tinh thần, là hiện tượng cực đoan của đời sống tâm linh, hiện tượng tin nhảm như đồng cốt, phù phép, uống tàn hương, nước lã…”

[9] Ibid. Tr18-24 : “Tóm lại các từ ngữ Spiritualis, Religio, Mystyca cũng mang nhiều nghĩa, lắm lúc hàm hồ không kém gì các từ tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo trong tiếng Việt”.

[10] SĐD (GS.TS Nguyễn Đăng Hưng…) :
“Có vẽ như bắt đầu từ năm 1930 khi Einstein nói rằng : “Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta trải nghiệm là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Người nào không biết đến nó, không còn khả năng ngạc nhiên hay kinh ngạc, người đó coi như đã chết, đã tắt ngọn lửa sống trong mình” (Thế giới như tôi nhìn thấy, 1930).
“Einstein không dùng từ “tâm linh”, nhưng ông cảnh báo cho loài người cần phải biết giữ lấy cho mình “tính thiêng liêng”, “cái bí ẩn”, “cái siêu việt”. Đó là nhận định có tính cách tiên tri bởi vì, trong thế giới hiện đại đầy âu lo và biến động hiện nay, con người dường như đã đánh mất “tính thiêng liêng” của chính mình, của đồng loại và của thế giới chung quanh. Việc trở lại với tính thiêng liêng mà trong nhiều người được hiểu là tâm linh không chỉ là mối bận tâm của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay mà còn như Malreaux, nhà “tiên tri” của văn hoá hiện đại Pháp đã từng dự báo cuối thế kỷ XX rằng : “Thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh hoặc sẽ chẳng là gì cả”

[11] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông huấn “Đời Thánh Hiến” (Vita Consecrata), số 93.

[12] Công đồng Vaticanô II, Bản dịch của Uỷ Ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn giáo 2012. Sắc lệnh vè việc canh tân thích nghi đời sống tu trì (Perfectae Caritatis), số 2, tr. 514. (Các trích dẫn về sau, tên Hiến chế nầy sẽ được viết tắt bằng PC).

[13] Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ, Huấn Thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” (Starting Afresh From Christ: A Renewed Commitment to Consecrated Life in the Third Millennium- SAFC), 19/5/2002, về việc canh tân cam kết dấn thân của đời sống thánh hiến vào thiên niên kỷ thứ ba. Đây là thành quả của Hội nghị nhóm họp từ ngày 25 đến 28 tháng 9 năm 2001 của Thánh bộ.), số 8. (Các trích dẫn về sau, tên văn kiện nầy sẽ được viết tắt bằng SAFC).

[14] Mary Milligan, R.S.H.M. LINH ĐẠO KITÔ GIÁO. Ngô Công Đức chuyển dịch : “Một bộ sách nhiều tập mới xuất bản gần đây về Linh Đạo Thế Giới đã bao gồm những tập về các linh đạo cổ sơ, linh đạo Phi Châu, Nho giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, da đỏ Bắc Mỹ, vân vân…! Chỉ ba trong số 25 tập của bộ sách được dành cho linh đạo Kitô giáo. Mỗi trong số các linh đạo này qui chiếu đến một thực tại siêu việt và diễn dịch kinh nghiệm con người dựa trên thực tại ấy.”. Nguồn : Trang mạng Xuân Bích. Link :
https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/04/11/dan-vao-than-hoc-chuong-ix/

[15] Có thể chứng nghiệm nhận xét nầy qua sự hiện diện và vai trò của Thư viện của Toà Thánh Vatican : “Thư viện Vatican, tên chính thức là Thư viện tòa thánh Vatican (tiếng Latinh: Bibliotheca Apostolica Vaticana) là thư viện của Tòa Thánh, tọa lạc trong thành Vatican. Đây là một trong các thư viện cổ nhất thế giới và có một trong các bộ sưu tập các văn bản lịch sử có giá trị nhất. Được chính thức thành lập từ năm 1475, dù trên thực tế nó đã tồn tại từ rất xa xưa. Thư viện này có 75.000 tập thủ bản(codex) xuyên suốt lịch sử. Từ tháng 7 năm 2007, thư viện này tạm đóng cửa để tái thiết và đã mở cửa lại từ ngày 20 tháng 9 năm 2010”. (Nguồn : Trang mạng “Bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia” : https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%B0_vi%E1%BB%87n_Vatican)

[16] Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH III” – THẦN HỌC ĐỜI SỐNG TÂM LINH KITÔ GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr. 15-16.

[17] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông huấn “Đời Thánh Hiến” (Vita Consecrata), số 93.

[18] Ibid. Tr. 18.

[19] Ibid. Tr. 19

[20] Ibid. Tr. 18

[21] Ibid. Tr. 19

[22] Ibid. Tr. 19 (Xêm thêm Đời sống tâm linh, tập II, trang 304).

[23] Ibid. Tr. 17. (Xem thêm Lm. Giuse Phạm Thanh. THẦN HỌC VỀ SỰ HOÀN THIỆN KITÔ GIÁO. NXB Tôn Giáo 2012. Nội dung tác phẩm nầy cũng dựa theo “lược đồ thần học tu đức” trong quan niệm cổ điển với Chương II : TU ĐỨC HỌC và Chương III : THẦN BÍ HỌC)

[24] Bình Hoà. Bài viết “TU ĐỨC HỌC LÀ GÌ” đăng trong tạp chí Thời sự Thần học – Số 4, Tháng 4/1996, tr. 7-17. Nguồn : https://tsthdm.blogspot.com/2014/07/tu-uc-hoc-la-gi.html : “Ascétique. Nguyên gốc từ tiếng hy lạp “Askesis”, bởi động từ “askein”, có nghĩa là thực tập, thao luyện, áp dụng vào việc thể dục cũng như đức dục. Nhưng dần dần nó được dùng để chỉ những cố gắng tập luyện để tiến trên đường đạo đức. Nói chung chương trình ấy bao gồm kỷ luật để chế ngự thân xác và cầu nguyện, dựa trên vài phương pháp nào đó. Từ đó nảy ra tiếng “exercices spirituels”, mà tiếng Việt dịch là linh thao (hoặc “tập dụng thần công”). Thường nói tới linh thao người ta nghĩ đến việc tĩnh tâm theo phương pháp của thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la. Nhưng truyền thống Ki-tô giáo hiểu tiếng linh thao rộng hơn : nó bao gồm tất cả việc thực lập thiêng liêng, từ những việc hãm mình ép xác, trừ khử các nết xấu, cho tới việc tập tành nhân đức cũng như việc cầu nguyện. Tất cả đều ví được như những sự thao luyện tập tành, hợp tác với ơn Chúa, để đào nặn con người thiêng liêng. – Trên nguyên tắc, tất cả con đường thiêng liêng đều gọi được là “ascesis”. Tuy nhiên, một số các tác giả người Pháp đã giới hạn “ascesis” vào những giai đoạn sơ cấp và trung cấp của đường tiến đức; còn giai đoạn cao cấp thì gọi là “mystique”, tiếng Việt thường dịch là “thần bí” (hay đôi khi cũng gọi là : huyền bí, bí nhiệm).

[25] Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH I” – DẪN NHẬP VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr. 23 :
“- Thánh Phaolô gọi mysterion là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, xưa kia được giấu ẩn nhưng nay được tỏ lộ nơi Đức Kitô.
– Các Giáo phụ gọi mysterion là những nghi thức nhờ đó người tín hữu được cảm nghiệm hồng ân cứu rỗi (quen dịch là bí tích, nhiệm tích)”

[26] Ibid. : “Mystique: Nguyên ngữ Hy lạp “mystikos”, một tĩnh từ gắn liền với danh từ “mysterion”, tức là cái gì giấu kín, chỉ hé mở cho những người đã khai tâm khai trí (initiare). Thường thường những điều bí mật đó không phải thuộc lãnh vực tự nhiên hay bí mật quân sự, nhưng thuộc lãnh vực tôn giáo. Kinh thánh Ki-tô giáo đã dùng tiếng mysterion để gọi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại, trước đây giấu kín, nhưng nay được tỏ lộ qua Đức Ki-tô. Sang thời các giáo phụ, thì tiếng “mysterion” không những ám chỉ kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, mà còn được áp dụng để gọi các nghi thức nhờ đó con người được khai tâm để cảm nghiệm, thông dự vào mầu nhiệm ấy. Nói khác đi, mysterion chính là các nhiệm tích, đặc biệt là Rửa Tội và Thánh Thể, nhờ đó con người không những được học biết về Thiên Chúa mà còn được cảm nghiệm đời sống thần linh nữa. Mysterion hy lạp được dịch ra sacramentum trong tiếng la-tinh (tiếng Việt : bí tích, nhiệm tích). Cho đến đây, ta có thể nói là tất cả các Ki-tô hữu đều sống đời mystique, xét vì tất cả đều tham dự vào các nhiệm tích, tham dự vào đời sống thần linh, và được mời gọi đào sâu thêm sự hiểu biết về mầu nhiệm của Đức Ki-tô, như thánh Phao-lô đã ước nguyện trong thư gửi các tín hữu Ê-phê-xô 3,14-21. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 4, một tác giả vô danh, dưới bí hiệu Denis l’Aréopagite, đã xuất bản một quyển sách tựa đề “Theologia mystica”, trong đó ông ta nói đến một sự hiểu biết về Thiên Chúa không phải do sự học hỏi, nhưng do ơn thánh dành cho những người đạt tới đỉnh cao cấp của đường trọn lành. Dần dần, thần học Trung cổ và cận đại đã chịu ảnh hưởng của ông ta, và giới hạn tiếng “mystique” vào một cảm nghiệm về Thiên Chúa mà chỉ một số ít người đạt tới. Vì thế không lạ gì mà các tác giả đã phân chia đường trọn lành thành hai phần “ascétique” cho giai đoạn đầu, và “mystique” cho giai đoạn cấp cao. Một tiêu chuẩn nữa được xử dụng trong sự phân biệt là vai trò chủ động : trong giai đoạn ascétique, chủ động là chính con người, cố gắng tập tành nhân đức, khử trừ nết xấu, tập cách suy gẫm cầu nguyện. Còn ở giai đoạn mystique, thì chủ động là Thánh Linh, dìu dắt con người qua các cuộc thanh luyện thụ động và đưa tới chiêm niệm. Tuy phương pháp trình bày ấy nói được là đã đâm rễ vào thần học, nhưng vào thập niên 50 của thế kỷ này, nó đã bị chỉ trích, ít là vì hai lý do sau đây. Thứ nhất, vì tiếng “mystique” đã bị hiểu lệch lạc, do lỗi của Denis l’Areopagite, hạn chế sự hiểu biết và cảm nghiệm về Thiên Chúa vào một thiểu số, đang khi mà trong Tân ước, tiếng mystique có nghĩa khác, và là một ơn gọi của tất cả các Ki-tô hữu. Nói cách khác, theo cách trình bày cổ truyền, nếu chủ trương rằng chỉ có một thiểu số các Ki-tô hữu đạt tới trình độ thần bí, thời mặc nhiên người ta cũng kết luận rằng chỉ có rất ít người được gọi nên thánh. Đại đa số các tín hữu chỉ có thể an phận với nếp sống tầm thường ăn ngay ở lành là đủ. Lý do thứ hai để chỉ trích là vì trong quá khứ, không thiếu người đồng hóa thần học thần bí (théologie mystique) với những hiện tượng thần bí (phénomène mystique), tựa như : xuất thần, tiên tri, nói tiếng lạ, được in dấu thánh, v.v… Họ quên rằng các hiện tượng ấy rất là tùy thuộc, bởi vì cốt yếu của đời sống thần bí là sự kết hiệp với Chúa, sự ngoan ngoãn để cho Thánh Thần tác dụng qua bảy hồng ân.”

[27] Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH I” – DẪN NHẬP VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr. 19 : “Từ năm 1950, danh từ spiritualité (bên Pháp) trở thành phổ thông, thay thế cho các từ : dévotion, piéte, vie intérieure, vie spirituelle…)

[28] HĐGMVN, Uỷ Ban Giáo lý Đức tin, Ban từ vựng Công giáo, TỰ ĐIỂN CÔNG GIÁO, nxb. Tôn giáo 2016. Mục từ LINH ĐẠO, Tr. 533.

[29] ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Bài viết : DẪN VÀO LỊCH SỬ LINH ĐẠO. Nguồn : Trang mạng giáo phận đa lạt: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/DoiSongThanhHien/52LSLinhDao.htm

[30] Mary Milligan R.S.H.M. Bài viết : LINH ĐẠO KITÔ GIÁO (Ngô Công Đức chuyển ngữ). Nguồn : Trang mạng Xuân Bích. Link : https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/04/11/dan-vao-than-hoc-chuong-ix/

[31] Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm. Bài viết : LINH ĐẠO LÀ GÌ ? Nguồn : https://donggiahoa.blogspot.com/2014/08/linh-ao-la-gi.html

[32] Francois Vandenbroucke, O.S.B. Bài viết “LINH ĐẠO VÀ CÁC LINH ĐẠO”. Nguồn : Trang mạng Thời sự Thần Học. Nguồn : https://tsthdm.blogspot.com/2014/07/linh-ao-va-cac-linh-ao.html

[33] SĐD (Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm. Bài viết : LINH ĐẠO LÀ GÌ ?) : “Chúng tôi ưu tiên tập trung vào mục từ La-tinh “spiritualitas” thuộc ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Danh từ La ngữ này là nguồn gốc của hai mục từ Anh, Pháp vừa nêu, và của các mục từ tương đương trong nhiều ngôn ngữ khác nữa của châu Âu. “Spiritualitas” là một danh từ trừu tượng, phái sinh từ danh từ cụ thể “spiritus” (tương đương với danh từ Híp-ri “rouah” và danh từ Hy-lạp “to pneuma”), với nghĩa cấp một, tức nghĩa đen, vừa cụ thể vừa mang tính vật chất, là “hơi thở, luồng khí, luồng gió”, rồi được dùng theo nghĩa bóng hoặc nghĩa biểu tượng, ở cấp hai, cao hơn, mang tính siêu vật chất, là “tinh thần” hoặc “tâm linh”

[34] Ibid. “Khi đề cập “đời sống tâm linh hoặc đời sống tinh thần”, người ta thường nghĩ ngay tới đời sống tinh thần của con người, tức đời sống tâm linh nhân bản. Những người không có một niềm tin tôn giáo hữu thần vẫn có thể có một đời sống tâm linh phong phú mang tính chất thuần túy nhân bản đáng trân trọng. Nhìn chung, đời sống tâm linh nhân bản đó hướng về (nghĩa là tìm kiếm, phát huy và thưởng thức) các giá trị thuộc ba lãnh vực: chân, thiện, mỹ.”

[35] Ibid. “theo cách nói của anh em Tin Lành Việt Nam, “đời sống thuộc linh”, phát xuất từ Chúa Thánh Linh, lệ thuộc vào hoạt động của Chúa Thánh Linh, và thuộc trọn về Chúa Thánh Linh.”

[36] Ibid. “Đời sống tâm linh nhân bản và tự nhiên của con người vốn có khả năng sở hữu những giá trị thuộc các lãnh vực chân, thiện, mỹ, thì nay, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh, lại có thêm khả năng phát huy ba nhân đức hướng thần: Tin, Cây, Mến tô điểm cho đời sống siêu nhiên, còn gọi là “đời sống thiêng liêng”, hay theo cách nói của anh em Tin Lành Việt Nam, “đời sống thuộc linh”, phát xuất từ Chúa Thánh Linh, lệ thuộc vào hoạt động của Chúa Thánh Linh, và thuộc trọn về Chúa Thánh Linh. Cũng chính thánh Phaolô, trong thư Rôma (x. Rm 8, 16), cho chúng ta biết có hai tầng sinh hoạt tâm linh trong người Kitô hữu: sinh hoạt của Tinh Thần Thiên Chúa, tức Chúa Thánh Linh (to Pneuma, mà tại Rm 8, 14 thánh nhân nói rõ là “Tinh Thần của Thiên Chúa, Thần Khí của Thiên Chúa”), và sinh hoạt của tinh thần nhân bản trong người Kitô hữu: “Chính Thần Khí (tức Chúa Thánh Linh) chứng thực cho thần trí (hay tinh thần) của chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”. Trong câu này, thánh tông đồ dùng chữ “to pneuma (spiritus)” hai lần: một lần để chỉ Tinh Thần của Thiên Chúa (thường được dịch thành”Thần Khí Thiên Chúa”, viết hoa) và một lần để chỉ tinh thần (hay thần trí) của chúng ta, mà các dịch giả viết bằng chữ thường, để phân biệt.”

[37] Xem thêm : Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH I” – DẪN NHẬP VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr. 20

[38] Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH III” – THẦN HỌC VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH KITÔ GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr. 24-25.

[39] Ibid. Tr. 26.

[40] Mary Milligan R.S.H.M. Bài viết : LINH ĐẠO KITÔ GIÁO (Ngô Công Đức chuyển ngữ). Nguồn : Trang mạng Xuân Bích. Link : https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/04/11/dan-vao-than-hoc-chuong-ix/ : “Trong lãnh vực thần học Kitô giáo, linh đạo qui chiếu đến kinh nghiệm sống về một Thiên Chúa Ba Ngôi và suy tư thần học về kinh nghiệm ấy. Nó “tập chú không phải trên bản thân đức tin, nhưng trên thái độ mà đức tin ấy khơi lên trong ý thức và thực hành Kitô giáo.” (43) Trong mô tả của ngài về sự sống trong Thánh Thần, Thánh Phaolô dường như đã đụng đến cốt lõi của bất cứ định nghĩa nào về linh đạo Kitô giáo: Một sự nhận hiểu về Thiên Chúa và về mối quan hệ của mình với Thiên Chúa vốn ảnh hưởng đến cung cách sống của mình. Thánh Phaolô viết trong thư Rôma 12,2: “Anh em hãy biến đổi nhờ sự đổi mới tâm thần” (RSV); “Hãy thay đổi cách sống của anh em, theo tâm thần đổi mới của anh em” (JB).

[41] Bình Hoà. Bài viết “TU ĐỨC HỌC LÀ GÌ” đăng trong tạp chí Thời sự Thần học – Số 4, Tháng 4/1996, tr. 7-17. Nguồn : https://tsthdm.blogspot.com/2014/07/tu-uc-hoc-la-gi.html

[42] SĐD (P. Pourrat) : “Spirituality is that part of theology which deals with Christian perfection and the way that lead to it. Dogmatic theology teaches what we should believe, Moral theology what we should do or not do to avoid sin, mortal or venial, and above them both, though based upon them both, comes Spirituality or Spiritual theology. This, again, is divided into Ascetic theology and Mystical theology” (Tạm dịch : Linh đạo là ngành thần học nghiên cứu  về sự hoàn thiện Kitô giáo và cách thế đạt tới. (Trong khi), Thần học Tín Lý dạy điều phải tin, thần học Luân lý dạy điều phải làm và không được làm để tránh tội nặng hay nhẹ, thì vượt lên trên cả hai, cho dù được xây dựng trên hai nền tảng nầy, đó chính là Linh Đạo hay thần học Linh Đạo. Lãnh vực nầy lại được phân biệt thành thần học Tu Đức và thần học Thần Bí). Nguồn : https://archive.org/details/christianspirit01pouruoft/page/n7

[43] Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH III” – THẦN HỌC VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH KITÔ GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr. 28.

[44] Milligan R.S.H.M. Bài viết : LINH ĐẠO KITÔ GIÁO (Ngô Công Đức chuyển ngữ). Nguồn : Trang mạng Xuân Bích. Link : https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/04/11/dan-vao-than-hoc-chuong-ix/ : “Vì kinh nghiệm là nền tảng của linh đạo, nên nghiên cứu linh đạo chủ yếu là nghiên cứu qua các biểu hiện của kinh nghiệm. Những gì mà các cá nhân nói với chúng ta về kinh nghiệm của họ sẽ luôn luôn là một nguồn chủ yếu để nghiên cứu linh đạo. Mặc dù các Kitô hữu qua các thế kỷ đã diễn tả kinh nghiệm tâm linh của họ nơi nghệ thuật tranh tượng, nơi các điệu vũ, kiệu rước, họ cũng đã viết ra nhận thức của họ về Thiên Chúa, về thế giới, và về chính họ. Những văn liệu này là một nguồn chất liệu chủ yếu để nghiên cứu linh đạo. Trong số các văn liệu nói trên, phần cốt thiết nhất thuộc về những tác phẩm của các nhà thần bí – là những người đã cố gắng mô tả đời sống cầu nguyện của họ, ngay cả khi các kinh nghiệm thần bí của họ không thể hiểu được hoàn toàn đối với chính bản thân họ. Tất cả ngôn ngữ con người đều bất cập trong việc chuyển tải kinh nghiệm tôn giáo, và vì thế khi chuyển tải nhận thức hiện sinh của mình về Thiên Chúa, các văn sĩ thần bí đã phải vận dụng rất nhiều loại suy, biểu tượng và các hình ảnh của con người, Chẳng hạn, Têrêsa Avila đã ví các chặng đường cầu nguyện với những cách lấy nước từ giếng. Vị thánh nữ này mô tả các chặng đường của đời sống tâm linh như một loạt những lâu đài nội tâm giống hệt như những lâu đài vững vàng chắc chắn mà chị rất quen thuộc tại vùng Avila của mình. Inhaxiô Loyola, vốn là một hiệp sĩ xứ Basque, đã ví sự cam kết dấn thân sâu xa của Kitô hữu vốn trở thành động lực cho toàn thể đời sống người ta như sự nhiệt thành “hưởng ứng tiếng gọi của một vị vua chúa trần gian”. (…). Cũng vậy, những công việc làm trong cuộc sống người ta cũng biểu hiện động lực căn bản của họ, chủ hướng hành động của họ, linh đạo của họ. Chẳng hạn, các cộng đoàn được thành lập bởi Jean Vanier cho những người lớn bị các chứng tâm thần (l’Arche) cho thấy nhận thức của ông về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người không kém chi so với các sách vở của ông. Các cộng đoàn thợ thuyền Công Giáo vốn vẫn tiếp tục đời sống và linh đạo của Dorothy Day là những minh họa hùng hồn cho vô số các văn liệu mà người phụ nữ này đã ghi chép. Và chúng ta vẫn thường xuyên nhận thấy rằng đời sống của các cộng đoàn tu trì biểu hiện nhãn giới đức tin căn bản và cảm hứng của vị sáng lập ra các cộng đoàn ấy! Đời sống luôn luôn là chỗ biểu hiện của linh đạo. Người ta cũng có thể cảm nhận linh đạo của một người, một nhóm hay một thời đại qua hội họa và âm nhạc tôn giáo, qua các cử hành phụng vụ. Kiến trúc rô-man của nhà thờ chính tòa Santiago ở Compostela là dấu chứng của linh đạo hành hương vốn đã gợi hứng cho nó. Vô số những cuộc rước kiệu và hành hương của dân chúng Mỹ Châu Latinh ngày nay cũng phản ảnh một linh đạo hành hương tương tự. Về một nhận thức mối quan hệ giữa Thiên Chúa với con người, nhà thờ chính tòa Chartres nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của đá cũng không kém chi so với bộ Tổng Luận Thần Học của Tôma Aquinô…”

[45] Nicole Winfield : Cloud of sex abuse scandal hangs over Vatican youth meeting. Minh Tuệ chuyển ngữ :“Đám mây của vụ bê bối lạm dụng tình dục bao phủ Thượng Hội Đồng về giới trẻ tại Vatican”.. Nguồn : Trang mạng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Link : http://dcctvn.org/dam-may-cua-vu-be-boi-lam-dung-tinh-duc-bao-phu-thuong-hoi-dong-ve-gioi-tre-tai-vatican/

[46] Kinh Tin Kính (hay còn được gọi là Tín biểu) Nicêa-Constantinôpôli. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch chính thức của Uỷ Ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. NXB Tôn Giáo, 2012. Tr. 68-69.

[47] Công đồng Vaticanô II, Bản dịch của Uỷ Ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn giáo 2012. Hiến chế tin lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), số 8, tr. 82. (Các trích dẫn về sau, tên Hiến chế nầy sẽ được viết tắt bằng LG).

[48] SĐD. Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay (Gaudium et Spes), số 1,2. Tr 215-217. (Các trích dẫn về sau, tên Hiến chế nầy sẽ được viết tắt bằng GS).

[49] “THÁNH GIỮA ĐỜI VUI” : Tên gọi của tuyển tập đề tài thuyết trình và cũng là chủ đề Thường Huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn tháng 9.2018.

[50] ĐGH Phanxicô, tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ (GAUDETE ET EXSULTATE), chuyển ngữ Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân, Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn giáo 2018. Số 2, tr. 5-6. (Các trích dẫn về  sau, tên tông huấn nầy được viết tắt bằng hai từ GE)

[51] GE số 14 : “Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có khả năng rút khỏi những công việc thường ngày để dành nhiều thời gian cho cầu nguyện. Không phải như thế. Tất cả chúng ta đều được mòi gọi nên thánh bằng đời sống yêu thương và làm chứng trong mọi việc mình làm, ở nơi mình sống”.

[52] LG số 9

[53] TGM F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng Nhân Hy Vọng, Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha & Giáo triều Rôma, tr. 16.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền